Diễn Đàn

DÂN TÀU XUỐNG ĐƯỜNG CHỐNG CS TẬP CẬN BÌNH

Re: Công dân Tàu xuống đường biểu tinh chống Tàu cộng Tập Cận Bình: - Không phải
 
mọi người Hoa đều yêu thích Chủ Nghĩa Đại Hán của Trung Quốc
 
 
Không phải mọi người Hoa đều yêu thích Chủ Nghĩa Đại Hán của Trung Quốc
 Vann Phan/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – Nhiều người Mỹ gốc Hoa tại tiểu bang California đã biểu tình hôm 10 Tháng Mười Hai, kêu gọi tẩy chay Thế Vận Hội Mùa Đông 2022 được tổ chức ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào Tháng Hai năm tới.

Một người biểu tình “gông cổ” vào vòng tròn Thế Vận Hội để đòi tự do cho những quốc gia bị Trung Quốc đàn áp, trong buổi xuống đường biểu tình trên Đại Lộ Hollywood, California, hôm 10 Tháng Mười Hai, kêu gọi tẩy chay Thế Vận Hội Mùa Đông 2022 được tổ chức ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào Tháng Hai, 2022. (Hình: Frederic J. Brown/AFP via Getty Images)

Một nhóm thì biểu tình trên Đại Lộ Hollywood ở Los Angeles, và một nhóm khác thì biểu tình trước đài NBC Sports ở San Francisco. Cả hai nhóm này cùng đòi tự do cho những quốc gia và dân tộc bị Trung Quốc đe dọa xâm lấn và đàn áp như Đài Loan, Tây Tạng và Hồng Kông.

Họ còn đòi tự do cho những người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) và người Nội Mông, đồng thời nhắc lại những tội ác của đảng Cộng Sản Trung Quốc, trong đó có cuộc thảm sát Thiên An Môn vào năm 1989 hồi thế kỷ trước.

Chủ Nghĩa Đại Hán là gì?

Vậy thì, Chủ Nghĩa Đại Hán là gì? Chủ Nghĩa Đại Hán (Đại Hán Tộc Chủ Nghĩa, Han Chauvinism) là một loại tư tưởng bá quyền nước lớn, coi người Hán là thượng đẳng so với các dân tộc khác – cũng tương tự như ý niệm “da trắng thượng đẳng (white supremacy)” tại Hoa Kỳ vậy. Chủ Nghĩa Đại Hán còn thể hiện lòng tự hào của người Hán qua sự bành trướng của các triều đại phong kiến Trung Quốc trong quá khứ, và đặc biệt là giai đoạn đảng Cộng Sản Trung Quốc nắm độc quyền cai trị tại Hoa Lục ngày nay.

-Thời Phong Kiến: Trong thời Phong Kiến, tư tưởng Đại Hán xem Trung Hoa là nền văn minh xán lạn duy nhất trên thế giới, và các quốc gia bên ngoài hoặc các nhóm chủng tộc khác đều là “mọi rợ” ở các mức độ khác nhau. Theo tư tưởng này, chỉ có đất Hoa Hạ ở Trung Nguyên là cái rốn của vũ trụ, và Trung Hoa có nghĩa là cái tinh túy nằm ở trung tâm thế giới, tách biệt với các dân tộc bên ngoài Trung Hoa, như ở phía Đông thì gọi là “Di,” ở phía Tây thì gọi là “Nhung,” và ở phía Nam thì gọi là “Man.” Theo cách này thì từ Mông Cổ, Mãn Châu, Nhật Bản, Cao Ly, Tây Tạng, Tân Cương cho tới Thái Lan, Lào, Miên, Việt Nam, Phi Luật Tân… thảy đều là man di, mọi rợ, trong đó có Rợ Khuyển Nhung, Rợ Hồ, Rợ Thuyền Vu, Cao Man, (An) Nam Man…

-Thời Dân Quốc: Thời Trung Hoa Dân Quốc (1912 cho đến nay), vì ảnh hưởng của nền dân chủ, tự do do Bác Sĩ Tôn Văn (Tôn Dật Tiên) khai sáng, Chủ Nghĩa Đại Hán bị lu mờ vì quyền các dân tộc bình đẳng được thế giới coi trọng, nhất là sau khi bản Hiến Chương Liên Hiệp Quốc ra đời năm 1945, trong đó Trung Hoa Dân Quốc (thời Tưởng Giới Thạch) cùng bốn cường quốc Âu-Mỹ đều là thành viên sáng lập của Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, hồi năm 1935, chính quyền Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch, lần đầu tiên, đã vẽ nên bản đồ Đường Chín Đoạn (Nine-Dash Line) để giành chủ quyền của Trung Hoa trên tất cả vùng Biển Đông (South China Sea) vốn đầy dẫy những đảo và bãi đá hoang chưa có người ở, và hành động này chính là một biểu hiện sơ khai của Chủ Nghĩa Đại Hán thời cận đại.

-Thời Cộng Sản: Thời nay, Chủ Nghĩa Đại Hán đề cao tầm quan trọng của nước Cộng Sản Trung Hoa với vị thế tối cao so với các quốc gia khác, dù đó là các đại cường của thế giới. Kể từ năm 1949 trở đi, khi lá quốc kỳ màu đỏ năm sao của Cộng Sản Trung Hoa thay thế cho lá quốc kỳ Tam Dân (xanh, trắng đỏ) của Trung Hoa Dân Quốc phất phới bay trên khắp trời Hoa Lục, thế giới phải hiểu rằng Trung Quốc là dân tộc vĩ đại nhất thế giới. Dưới lá cờ ái quốc này, Trung Quốc phải tiến lên vị thế siêu cường để trở thành bá chủ hoàn cầu trong nay mai, bất chấp sự thể Hoa Kỳ đang là siêu cường hùng mạnh nhất thế giới hiện nay.

Chủ Nghĩa Đại Hán, không phải mọi người Hoa đều yêu thích

Mặc dù chính quyền Cộng Sản Trung Quốc tại Bắc Kinh đã khéo léo động viên và kích thích lòng tự ái dân tộc quá cao của các vị Con Trời (Thiên Tử) khi họ lần lượt thâu tóm từ Mãn Châu (1949) cho tới Tây Tạng (1951) và Tân Cương (1955), không phải tất cả mọi con dân nước Trung Hoa vĩ đại đều yêu thích Chủ Nghĩa Đại Hán – từng manh nha từ khi chính quyền Dân Quốc sáp nhập Nội Mông vào lãnh thổ Trung Hoa hồi năm 1920 và gia tăng mạnh mẽ không gì cản nổi dưới chế độ Cộng Sản ngày nay.

Ngoại trừ các học giả, chuyên gia và các sinh viên du học do Bắc Kinh gởi ra ngoại quốc, đa số những người Hoa và gốc Hoa từng mến mộ và hấp thụ nền giáo dục tự do, dân chủ của Tây phương, trong đó có người Hoa ở Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Úc, Ý, Pháp, Anh… đều không mấy ưa thích Chủ Nghĩa Đại Hán, cho dù nó được Bắc Kinh ngày đêm kịch liệt cổ võ.

-Dân Hồng Kông: Những cuộc biểu tình đòi tự do, dân chủ và quyền tự trị của người dân Hồng Kông trong suốt hai năm 2019 và 2020, dù đều thất bại vì bị nhà cầm quyền Bắc Kinh đàn áp thẳng tay, đã chứng tỏ dân chúng tại xứ Cảng Thơm không mấy thiện cảm với chủ nghĩa mang tính bá quyền nước lớn và kỳ thị chủng tộc này của chính quyền Bắc Kinh.

-Dân Đài Loan và Singapore: Sau khi chính quyền Trung Hoa Dân Quốc của Tổng Thống Tưởng Giới Thạch thua chạy ra Đài Loan thì giấc mộng Đại Trung Hoa của họ cũng phai nhạt đi. Các chính quyền Dân Quốc kế tiếp nhau đã dần dà biến đảo quốc này thành một quốc gia tự do, dân chủ kiểu mẫu của vùng Đông Bắc Á, đặc biệt là sau khi Dân Tiến Đảng của nữ Tổng Thống Thái Anh Văn lên nắm quyền tại Đài Bắc từ năm 2016 cho tới nay. Hiện nay, đảo quốc này đang ngày đêm nơm nớp lo sợ bị Bắc Kinh dùng võ lực thôn tính và sáp nhập vào lãnh thổ Trung Quốc, vậy thì còn kể gì tới giấc mộng Đại Hán trong lòng người dân xứ Đài nữa? Còn Singapore thì kể từ khi giành được độc lập từ tay Anh Quốc và Malaysia hồi năm 1959 cho đến nay, đảo quốc này đã trở nên một quốc gia dân chủ phát triển, vừa cường thịnh về kinh tế vừa hòa đồng về chủng tộc, khiến người dân Singapore chẳng mấy ai lấy làm hãnh diện vì thái độ bá quyền nước lớn lồng trong Chủ Nghĩa Đại Hán của Cộng Sản Trung Quốc cả.

-Hoa kiều tại Việt Nam trước và sau 1975: Trước năm 1975, phải nói là hầu hết Hoa kiều tại miền Nam Việt Nam đều trung thành với các chính quyền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa cũng như theo về với chính phủ Trung Hoa Dân Quốc tại Đài Loan, mà vì thất thế trước quân Cộng Sản của Mao Trạch Đông nên mới phải nương thân trên một hòn đảo nhỏ bé để sống còn và phát triển. Vả lại, hồi năm 1956, khi chính quyền của Tổng Thống Ngô Đình Diệm ra lệnh cấm Hoa kiều tại miền Nam Việt Nam không được làm 11 nghề trong lãnh vực buôn bán và dịch vụ nếu họ không từ bỏ Hoa tịch mà nhập Việt tịch thì chính quyền Đài Bắc cũng không hề phản đối gì, coi như Chủ Nghĩa Đại Hán không còn đất sống chẳng những tại miền Nam Việt Nam mà luôn cả tại Đài Loan nữa.

Bây giờ, dưới chính quyền Cộng Sản Việt Nam, Hoa kiều coi như chẳng còn bao nhiêu ở Việt Nam mà đã nhập quốc tịch Việt Nam hết cả rồi. Cho dù, vì lý do này hay lý do nọ, Hà Nội có thân Bắc Kinh đến cách mấy đi nữa, những người Việt gốc Hoa tại Việt Nam vẫn phải bỏ đi tư tưởng Đại Hán để sống chung với dân tộc Việt Nam, mà tuyệt đại đa số đều mang tinh thần bài Hoa – nếu không nói là thù ghét người Cộng Sản Trung Quốc – vì những thái độ bá quyền nước lớn và hành vi xâm chiếm lãnh thổ thô bạo của Bắc Kinh, từ vùng biên giới trên đất liền cho tới các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông.

–Hoa kiều ở Mỹ và trên khắp thế giới: Cũng vậy, đông đảo Hoa kiều ở Mỹ và trên khắp thế giới, từ Úc cho đến Âu Châu và từ Indonesia, Malaysia cho tới Thái Lan và Philippines, đều ưa thích các chế độ tự do, dân chủ tại quê hương thứ hai của mình, chỉ vì họ là những người dân chuyên lấy buôn bán làm nghề mưu sinh và phần lớn là những doanh gia có tài xoay xở để thành công trên thương trường. Vả lại, với thời gian, các Hoa kiều đó đều dần dà hội nhập hoàn toàn vào xã hội mới, để trở thành các chuyên gia, giới chức và ngay cả quân nhân hay lãnh tụ chính trị tại các quốc gia tiến bộ và tự do mà các thế hệ đi trước của họ đã đến xin chọn nơi này làm quê hương.

Thay lời kết

Chủ Nghĩa Đại Hán, trên thực tế, chỉ là sách lược lợi dụng chiêu bài ái quốc nhằm dụ dỗ khối hàng tỷ người Hoa trong và ngoài nước Trung Quốc tới chỗ quên đi những bất mãn đối với chính quyền Bắc Kinh độc tài, chuyên chế và tàn bạo mà đoàn kết với những người Cộng Sản nhằm giúp họ thống trị đất nước suốt đời.

Đa số những người Hoa tại Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines, và Hoa Kỳ cũng như tại các nước Âu Châu chẳng những không hãnh diện cho lắm vì một Trung Quốc hùng mạnh nhất, nhì thế giới ngày nay mà lại còn cảm thấy bất nhẫn và mắc cỡ vì những hành động tàn ác của nhà cầm quyền tại Hoa Lục cùng thái độ bá quyền nước lớn, hiếp đáp lân bang và dối gạt cộng đồng thế giới của chính quyền Cộng Sản Trung Hoa.

Người Hoa, người Tây Tạng và các nhà hoạt động nhân quyền ở San Francisco, California, hôm 10 Tháng Mười Hai biểu tình trước văn phòng đài NBC Sports kêu gọi tẩy chay, không phát hình Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022 do Trung Quốc vi phạm nhân quyền. (Hình: Justin Sullivan/Getty Images)

Dân tộc Trung Hoa vốn có một nền văn hóa cổ xưa tốt đẹp và một nền luân lý mẫu mực nhờ ảnh hưởng sâu đậm từ các học thuyết của Khổng Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử, Hàn Phi Tử, Lão Tử, Trang Tử, và Mặc Tử. Nền văn hóa và đạo đức này, trải qua bao thế kỷ, từng được coi là khuôn mẫu tại các quốc gia Á Đông, từ Nhật Bản và Nam Hàn cho tới Việt Nam.

Người Hoa trên khắp thế giới, từ Á Châu sang Âu Châu và Mỹ Châu, vẫn tự hào về nền văn hóa và đạo đức cổ xưa, cho nên họ thường có quyết tâm bảo tồn các giá trị truyền thống và giữ mình, mặc dù quê hương của họ tại Hoa Lục đang bị chủ nghĩa vô thần Cộng Sản và chủ nghĩa vật chất tham lam thống trị.

Ngày nay, nhiều người Hoa tại Hoa Lục, nhất là tại những vùng quê với bản chất bảo thủ nhiều hơn là cấp tiến, vẫn có khuynh hướng duy trì những cái đẹp truyền thống của xã hội Trung Hoa, mặc dù đảng Cộng Sản Trung Quốc, từ thời Mao Trạch Đông đến nay, vẫn nỗ lực không ngừng để xóa bỏ ảnh hưởng của những ngày xưa tốt đẹp đó trong lịch sử Trung Hoa, với ý đồ giành lấy vị thế độc tôn qua nền văn hóa xã hội chủ nghĩa pha tư bản chủ nghĩa của họ, bất chấp sự thể nền văn hóa mới này vẫn thường bị thế giới coi là một sản phẩm lai căng và chắp vá, chỉ nhằm phục vụ cho nhu cầu duy trì quyền lực lâu dài của giới lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc mà thôi. (Vann Phan) [qd]

© 2001 by Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam. All Rights Reserved.Chính Việt xin đón nhận mọi ý kiến xây dựng và bài vở, xin email về baochinhviet@gmail.com

Search