Diễn Đàn

Hoàng Sa một kỷ niệm buồn

Thanh Long

Tổng Hội CTNCT/VN trong tháng 5 có một buổi họp nội bộ trong đó đề cập đến ủng hộ Phong Trào Vận Động Bảo Vệ Hoàng Sa , Trường Sa và Hòa Bình Thế Giới do Tiến Sĩ Nguyễn Văn Canh khởi xướng. Sau khi họp xong, bỗng thấy bâng khuâng nhớ lại Hoàng Sa với lòng nuối tiếc, đã 46 năm nhưng vẫn không quên.

Chiều 17-1-1974, tôi là sĩ quan trực Phi đoàn, chuẩn bị đóng cửa đi ăn tối, bỗng điện thoại reo,  bắt phone, bên kia đầu giây không xưng danh nhưng nói muốn gặp Phi đoàn Trưởng, tôi trả lời không có ở đây, chỉ có ông Thiếu tá Sĩ quan huấn luyện. Tôi đưa ống nghe cho Thiếu tá Lập, cuộc trao đổi rất ngắn ngủi, sau khi gác máy, Thiếu tá Lập chỉ tay về hướng Đông Bắc cho biết mình sắp làm ăn lớn. Ông Trung úy Lân vội hỏi: "Bắc phạt nữa phải không Thiếu tá ?". Ông Lập cười: “ngày mai sẽ biết”.

Sáng hôm sau 18-1-1974 Phi đoàn được lệnh chuẩn bị oanh tạc Hoàng Sa vì đảo này mới bị Trung cộng ngang ngược tấn công chiếm đóng. Nhưng khi xem bản đồ, Đà Nẵng cách Hoàng Sa 200 dặm, một đường bay khá dài, do đó phi cơ cần thêm 2 bình xăng phụ mới đủ nhiên liệu bay đến Hoàng Sa oanh tạc rồi trở về.

Buổi chiều hôm đó, máy bay C-130 đã chở nhiều bình xăng phụ đến và những người lính đã thức suốt đêm gắn bom và bình xăng phụ vào máy bay để sẵn sàng cất cánh. Sáng hôm sau 19-1-1974 chúng tôi lên phòng họp, Đại Tá Tư Lệnh Phó Sư Đoàn I Không Quân thuyết trình kế hoạch đánh Hoàng sa.

Chúng tôi không có phóng đồ nào về đảo Hoàng Sa.

Khi bay, ngoài một trăm dặm, thấy tàu nào thì đánh chìm tàu đó vì  tàu của các Quốc Gia khác đã được thông báo, đã rời vùng biển chung quanh Hoàng Sa, còn lại là tàu của Trung Cộng

Trên không phận đảo Hoàng Sa có 2 máy bay Mig-21 bay bao vùng. Bay đến Hoàng Sa Không Quân sẽ dội bom xuống đảo và tàu chiến của Trung cộng. Nếu  không chiến với máy bay Mig chúng ta chỉ co 10 phút sau đó phải bay trở lại Đà Nẵng ngay, chần chừ sẽ không đủ nhiên liệu bay về.

Nếu phải nhảy dù, trong vòng 100 dặm sẽ được cứu còn xa hơn nữa hoặc ở Hoàng Sa sẽ không cứu được.  Cách bờ biển Đà Nẵng 50 dặm có một tàu chiến của Hải Quân, trên tàu đó có máy bay trực thăng,sẵn sàng đi cứu khi biết có người đã nhảy dù.

Khi trở về để tránh Mig đuổi theo, nếu cần sẽ về đáp xuống phi trường Phù Cát.

Trung Úy Mai Văn Minh hỏi: Đệ Thất Hạm Đội có cứu khi nhảy dù xuống biển không?

Đại Tá Tư Lệnh Phó lạnh lùng trả lời: Không, Mỹ từ chối không cứu!

Chúng tôi ngỡ ngàng, Mỹ đã rút quân ra khỏi Miền Nam Việt Nam theo Hiệp Định Paris năm 1973, có lẽ nay quân đội cúa Mỹ không muốn can dự vào những xung đột ở Việt Nam nữa.

Bỗng cửa phòng họp mở Đại Tá Võ Văn Sĩ, Không Đoàn Trưởng Không Đoàn 63 Chiến Thuật ở phi trường Biên Hòa và một sĩ quan cao cấp bước vào hội ý với Đại Tá Tư lệnh Phó Sư Đoàn 1 Không Quân. Khoảng vài phút sau, chúng tôi được lệnh trở về Phi Đoàn sẵn sàng cất cánh bất cứ lúc nào.

Cuộc hành quân oanh tạc Hoàng sa gồm 9 máy bay F-5 chia làm 3 phi tuần do ông Thiếu Tá Hồ Kim Giàu chỉ huy. Một RF5 bay sau cùng để chụp hình đảo Hoàng Sa sau khi bị oanh tạc.

Tuy rằng cấp cứu hạn chế nhưng vẫn không làm chúng tôi chùng bước, với trách nhiệm của người phi công chiến đấu, lúc ấy thật hăng hái vì đây là lần đầu tiên chống giặc ngoại xâm. Tâm tư chúng tôi háo hức mong sớm cất cánh để ném bom vào kẻ thù xâm lược.

Đợi mãi vẫn không thấy lệnh cất cánh, chờ đến 5 giờ chiều chúng tôi ái ngại vì trời sắp tối không có nhiều thuận lợi như buổi sáng. Đang suy nghĩ vẩn vơ chợt có lệnh hủy bỏ cuộc hành quân vì Mỹ không cho đánh. Lúc ấy đành thở dài và nuối tiếc vì mất cơ hội oanh tạc Hoàng Sa để trả đũa theo như lệnh của Tỗng Thống Nguyễn Văn Thiệu.

Sau này mới biết, Chính Phủ VNCH đã ra lệnh hủy bỏ cuộc hành quân oanh tạc Hoàng Sa do không có sự ủng hộ của Hoa Kỳ. Cũng vì muốn đổi lấy mối quan hệ  với Trung cộng, Hoa Kỳ đã cảnh báo Chính Phủ VNCH không được đánh trả và ngầm công nhận hoàng Sa là của Trung cộng đồng thời thăm dò phản ứng của VNCH, Nga Sô và cán Nước Đông Nam Á.

Thời điểm ấy chúng tôi không biết gì về cuộc hải chiến  giữa Hải Quân VNCH và tàu của Trung Cộng. Sau này mới được tin kế quả Trung công có 4 tàu bị hư hại, 18 thủy thủ chết, 67 bị thương. Hải Quân VNCH có 1 hộ tống hạm chìm, 1 khu trục hạm hỏng nặng, 74 thủy thủ chết,16 bị thương, 48 bị bắt làm tù binh và 1 cố vấn người Mỹ bị bắt.

Sự kiện này chứng minh trên quần đảo Hoàng Sa có nhiều người lính VNCH đồn trú và có trách nhiệm gìn giữ và bảo vệ . Như vậy, chủ quyền đảo Hoàng Sa và biển Đông thuộc về VNCH

Đồng thời Tuyên cáo của Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hòa về những hành động gây hấn của Trung cộng trong khu vực đảo Hoàng Sa ngày19-1-1974.

Tuyên cáo của Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa về chủ quyền của VNCH trên đảo Hoàng Sa ngày 14-2-1974

CSVN im lặng không có một phản đối nào với Trung cộng xâm lược, đồng lõa, để yên nhìn Hoàng Sa rơi vào tay ngoại bang. Điều này chứng tỏ cùng là người Việt Nam ở miền Nam thì yêu Nước, phản ứng dữ dội và có kế hoach oanh tạc Hoàng Sa. Còn ở miền Bắc bán Nước nên đã im lặng không dám nói gì sợ mất lòng quan thầy Trung cộng.

Sáng ngày 20-1-1974, đài kiểm báo Panama phát hiện 2 Mig 21 cất cánh từ Hải Nam bay về hướng thành phố Huế, Đà Nẵng. Chúng tôi cất cánh khẩn cấp, 5 phút sau  trên cao độ 18.000 feet  trong đội hình sẵn sàng chiến đấu.Thiếu Tá Mai Tiến Đạt, Sĩ Quan Hành Quân ỏ phi đoàn gọi lên đài Kiểm báo Panama nhờ nhắc nhở: nhớ nhả 3 bình xăng phụ trước khi không chiến. Chúng tôi yêu cấu Panama diễn tả mục tiêu, không nghe trả lời, hỏi thêm một lần nữa được Panama cho biết 2 mig 21 đã đổi hướng bay về Hải Nam.

Có thể Trung cộng không thấy phi cơ chiến đấu  bay lên tấn công, oanh tạc Hoàng sa và yểm trợ cho tàu Hải Quân nên cho máy bay xâm nhập vào không phận nhằm mục đích thử xem chúng ta  phản ứng  như thế nào? Nhưng chỉ một thời gian rất ngắn, chiến đấu cơ của Không Quân Việt Nam cất cánh từ phi trường Đà Nẵng đã bay lên với đội hình không chiến nên phi cơ Mig của Trung cộng đã đổi hướng bay về. Trong những giây phút căng thẳng và hiếm có, cuối cùng chúng tôi cảm thấy tiếc nuối khi biển đảo của Tổ Tiên để lại bị ngoại bang xâm chiếm nhưng lại bị trói tay không được trả đũa.

Cuộc ngoại giao bóng bàn giữa Mỹ và Trung Cộng năm 1972 đã làm thay đổi chiến lược của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam. Mỹ muốn đầu tư kinh tế vào Trung cộng để trục lợi dồng thời vực dậy kinh tế Trung cộng vốn nghèo nàn, lạc hậu với hy vọng khi kinh tế phát triển, cuộc sống của người dân khá hơn, văn minh hơn họ sẽ không theo cộng sản nữa và Chủ nghĩa Cộng Sản ở Trung Cộng sẽ bị sụp đổ, đào  thải.

 Đó cũng là một ước muốn của Mỹ từ lâu  trong cuộc chiến tranh lạnh giữa các Quốc gia trong khối tự do và cộng sản. Nhằm gây thêm chia rẽ giữa Nga Sô và Trung Cộng, Mỹ đã bán đứng Việt Nam, Lào, Campuchia cho Trung cộng  đổi lại Trung cộng mở cửa cho công ty thương mại của Mỹ ồ ạt đầu tư có lợi cho hai bên. Những thay đổi chiến lược Mỹ tưởng rằng sẽ đạt được nhiều kết quả to lớn nhưng sau gần 50 năm Mỹ đã thất bại năng nề.

Về kinh tế các công ty của Mỹ đã khai thác một thị trường nghèo nàn, kỹ nghệ còn yếu kém, thô sơ, mướn công nhân địa phương với giá rẻ mạt. Những thành phẩm sản xuất bán tại Trung cộng và chuyển về Mỹ bán với giá rẻ hơn cùng món hàng làm tại Mỹ. Hậu quả là hàng triệu người Mỹ không có việc làm, tỷ lệ thất nghiệp khá cao, kéo dài trong hang chục năm không giải quyết nổi. Các công ty Mỹ và ngoại quốc đã vực nền kinh tế của Trung Cộng phát triển nhanh chóng nên những món hàng Made in China đã tràn ngập thị trường trên thế giới, đặc biệt tại Hoa Kỳ

Khi kinh tế phát triển, Trung cộng tăng ngân sách Quốc phòng, chế tạo máy bay, tàu thủy, xe tăng, hỏa tiễn dù là hàng nhái theo những cường quốc trên thế giới nhưng sau gần nửa thế kỷ Trung quốc chế tạo được bom nguyên tử,  hàng không mẫu hạm và nhiều loại vũ khí khác.

Như vậy Mỹ và nhiều quốc gia đã đầu tư vào Trung cộng gần nửa thế kỷ, từ một nước nghèo nàn, lạc hậu nay trở thành một cường quốc ở Đông Nam Á.Những suy đoán, hy vọng của Tổng Thống Nixon và Kissinger hoàn toàn không xảy ra. Khi còn nghèo, còn yếu kém Trung cộng  nằm yên không muốn gây chiến với ai nhưng khi trở thành cường quốc về quân sự và kinh tế người dân có một cuộc sống khá hơn trước, Trung cộng không bị đào thải hay sụp đổ mà chế độ càng độc tài, tàn bạo nhiều hơn và trở thành một đế quốc bành trướng, xâm lươc, âm mưu thôn tính các Nước Đông Nam Á và thế giới nhằm mục đích vào năm 2035 Trung cộng sẽ trở thành cường quốc số một một trên thế giới hay nói cách khác, từ một tên nghèo nàn, cuộc sống thiếu thốn nay trở thành một tướng cướp rất nguy hiểm với chính sách diệt chủng như đã xảy ra tại Tân Cương, Tây Tạng, Campuchia và năm nay 2020 chủ trương phát tán lây lan COVIC19 trên khắp thế giới, hàng triêu người nhiễm bệnh, hàng trăm ngàn ngườ đã chết làm kinh tế suy thoái .

Trở lại cuộc chiến Hoàng sa bị Trung cộng tấn công, chiếm đóng trái phép, Mỹ  đã làm ngơ và đó cũng là tín hiệu không tốt cho VNCH và kết quả  hơn một năm sau chế độ Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ nhanh chóng vì đã bị Mỹ bỏ rơi và bàn giao cho Trung cộng. Chúng tôi, những phi công của Phi đoàn 538 cảm thấy buồn và xót xa khi không được ném những trái bom vào quân xâm lược, không được cất cánh đánh trả đũa để rồi  Hoàng Sa đã mất, không biết bao giờ mới lấy lại được.

Dưới đây một tài liệu hiếm có, Sắc Lệnh chứng minh hùng hồn chủ quyền đảo Hoàng sa là của Việt Nam Cộng Hòa.

© 2001 by Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam. All Rights Reserved.Chính Việt xin đón nhận mọi ý kiến xây dựng và bài vở, xin email về baochinhviet@gmail.com

Search