04/08/2024
BBC News
Takeo là tỉnh thứ hai mà con kênh Phù Nam Techo đi qua sau Kandal. Một số hộ dân là người Việt tại huyện Angkor Borei đang lo lắng nếu phải di dời vì đại dự án
"Vào ăn cơm chung luôn đi chị" - một người Việt Nam sang Campuchia làm lúa thuê mời khi chúng tôi hỏi đường tại huyện Angkor Borei, tỉnh Takeo.
Giọng nói rặt miền Tây, những người nông dân trong nhóm cho biết họ đã đi xuồng từ An Giang qua Campuchia làm lúa thuê rồi về trong ngày trước khi chỉ đường cho chúng tôi đến gặp cộng đồng người Việt sống ở bên kia sông.
Takeo nằm ở miền nam Campuchia, giáp ranh với tỉnh An Giang của Việt Nam, là tỉnh thứ hai mà con kênh Phù Nam Techo đi qua sau Kandal.
Sau khoảng gần 30 phút đi thuyền, chúng tôi đã đến ngôi làng nơi có hàng trăm người Việt sinh sống. Nhà trong làng hầu hết đều tạm bợ, vách được che chắn bằng những mảnh vải cũ, trong khi gà vịt mổ thóc bên dưới.
Một số người dân tranh thủ tránh nắng nóng trong hàng cây xanh bên ngoài đường làng cùng các em nhỏ chơi đùa xung quanh.
Ngôi làng nghèo nhỏ bé này rồi đây có thể sẽ bị di dời để nhường chỗ cho đại dự án kênh đào Phù Nam Techo.
'Ăn bữa hôm lo bữa mai'
Người đầu tiên mà chúng tôi gặp ở cộng đồng này là ông Nguyễn Văn Thoại, 57 tuổi, làm nghề đặt lợp cá tôm để sống đắp đổi qua ngày.
Ông Thoại là chi hội phó Chi hội Khmer-Việt Nam của huyện Angkok Borei, tỉnh Takeo.
Mặc vội chiếc áo mới, ông Thoại kể rằng ông đã chuyển sang Campuchia sống sau khi đi qua tỉnh Takeo và thấy nơi đây có vẻ dễ làm ăn.
Sau khi tới nơi đây khoảng 40 năm về trước, ông đã xin chính quyền Campuchia cất nhà cất cửa ở đến bây giờ trên mảnh đất thuộc sở hữu nhà nước.
Ông Thoại hiện sống với vợ, còn các con của ông làm việc ở Việt Nam.
Mô tả về cuộc sống của mình, ông cho biết, "Ăn bữa nay lo ăn ngày mai, ngày mai lo ăn ngày mốt thôi, ăn bữa sáng thiếu bữa chiều hoài."
Khi được hỏi về dự án kênh đào Phù Nam Techo, ông nói cũng có nghe thông tin về một "con kênh bự lắm" sẽ đi qua ngôi làng mà mình sinh sống, nhưng cho đến nay không có thông tin chính thức nào từ chính quyền.
“Không biết đào kênh Phù Nam là ngay chỗ nào, vì chưa cắm cọc đỏ, chưa nghe đến chuyện di dời. Đúng là đào ở huyện này nhưng chưa biết trúng nhà của ai.”
“Tôi cũng thấy người Campuchia và Trung Quốc đi đo đạc. Nghe nói con kênh bự dữ lắm.”
Nơi đây có hơn 30 hộ dân, với khoảng 300 người Việt không có quốc tịch Campuchia và đều còn giữ quốc tịch Việt Nam.
Những người không có quốc tịch Campuchia thì có giấy tạm trú dài hạn.
Bà con tại đây sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản ở sông Kor Borei kế bên.
Ông Thoại lo lắng, nếu cả khu vực bị giải tỏa cùng việc đền bù không thỏa đáng thì khó khăn càng thêm chồng chất.
“Đào con kênh này thì người dân ở đây thua hết, người dân giờ rất khó khăn. Chuyện nhà nước thì mình đâu có thẩm quyền gì, nói sao thì phải chịu thôi.”
“Để tới đâu tính tới đó. Tôi chưa báo chính quyền vì cũng chưa biết con kênh đi về đâu.”
"Hy vọng con kênh tránh dân mình chứ đuổi thì biết đi đâu về đâu. Nếu mà con kênh này đi qua không phải chỗ kiều bào mình đang ở thì tôi mừng lắm," ông chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Tràng và hai con
Chị Nguyễn Thị Tràng, 27 tuổi, đã sống ở khu vực Cầu Sắt, huyện Angkor Borei, tỉnh Takeo được 9 năm và mưu sinh bằng nghề câu cá.
Chị cho biết vào năm học chị gửi hai con về nhà ngoại ở thị trấn Long Bình ở huyện An Phú (An Giang) học tiếng Việt vì con chị mang quốc tịch Việt Nam.
Nhìn hai đứa con nhỏ chơi đùa trong nắng, chị mong ước con mình sẽ có cuộc đời tốt đẹp hơn.
Chị cũng hi vọng nếu bị giải tỏa để đào kênh Phù Nam Techo thì sẽ nhận được khoản tiền đền bù thỏa đáng.
“Ở đây làm nghề câu cá vậy đó, có gì thì ăn nấy. Tôi cũng lo nhà bị di dời vì dự án. Chỉ mong có nhà cửa cho con tôi ở, đi học là được rồi. Tôi không cần gì nhiều, chỉ cần cho con tôi biết chữ là được. Tụi nó đầy đủ là được.”
“Hai con tôi thích học chữ Việt hơn là chữ Campuchia. Tôi muốn cho con mình đừng có khổ như mình nữa. Tôi sẽ mần những gì mà tôi có để lại dành cho con hết, mong đời con tốt hơn tôi gấp 10 lần," chị Tràng cho biết.
Kênh đào Phù Nam Techo dự kiến sẽ chạy từ sông Mekong gần Phnom Penh, đi qua sông Bassac rồi sau đó thông ra biển ở tỉnh Kep. Ảnh: Nơi sẽ diễn ra lễ động thổ đại dự án vào ngày thứ Hai 5/8.
Khi chúng tôi đến Takeo vào hôm thứ Sáu (2/8), hai người dân Campuchia là bà Sok Rum và bà Sok Reth cho chúng tôi biết vẫn chưa nghe tin gì về tiền đền bù dù chính quyền của Thủ tướng Hun Manet đã huy động tổng lực chuẩn bị cho ngày động thổ lịch sử vào ngày thứ Hai 5/8.
Dự án kênh đào gây tranh cãi này đã khiến phía Việt Nam và giới chuyên gia quan ngại vì sự thiếu minh bạch trong công bố thông tin. Hóa ra không chỉ với bên ngoài, chính phủ Campuchia cũng không cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân trong khu vực bị ảnh hưởng
Câu chuyện của ông Nguyễn Văn Thoại và chị Nguyễn Thị Tràng ở tỉnh Takeo phần nào cho thấy những người dân có thể chịu tác động trực tiếp từ dự án này vẫn chưa nhận được thông tin rõ ràng từ chính phủ Campuchia.
Trước đó, ông Kimhong Heng, Chủ tịch tổ chức phi chính phủ Cambodian Youth Network (Mạng lưới Thanh niên Campuchia), ngày 1/8 cho BBC biết chính phủ Campuchia đã không tham khảo ý kiến người dân địa phương:
“Với tư cách nhà hoạt động trong lĩnh vực môi trường và nhân quyền, chúng tôi có những quan ngại với chính phủ liên quan đến dự án này vì họ đã không tham khảo ý kiến người dân địa phương, những người sống dọc tuyến kênh này."
"Những người dân này đã không nhận được thông tin minh bạch từ phía chính phủ. Tôi nghĩ chính phủ cũng cần phải minh bạch việc họ quản lý nguồn nước của con kênh đào như thế nào và tác động đến sông Mekong ra sao."
Campuchia đang quyết tâm đẩy nhanh dự án này, bất chấp việc láng giềng Việt Nam quan ngại trước nhiều câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp đầy đủ, đặc biệt là những tác động tiềm tàng về hao hụt nguồn nước có thể xảy đến với Đồng bằng sông Cửu Long, vùng hạ lưu cuối cùng của con sông Mekong.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt vào ngày 4/8, ông Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Năng lượng, Nước và Tính Bền vững của Trung tâm Stimson, nhận định "vẫn còn thời gian" để Campuchia không vi phạm Hiệp định sông Mekong 1995.
“Sau khi nghiên cứu toàn diện Hiệp định sông Mekong 1995, tôi thấy cách chính phủ Campuchia thực hiện dự án kênh đào Phù Nam Techo là vi phạm hiệp định quốc tế này.”
“Vẫn còn thời gian để chính phủ Campuchia tránh không vi phạm và biến dự án trở thành một cơ hội vàng cho nền ngoại giao nguồn nước sông Mekong.”
“Kênh đào Phù Nam Techo rõ ràng kết nối với sông Mekong và chuyển nước từ lưu vực sông Mekong sang các lưu vực sông khác, các lãnh đạo Campuchia còn nói về sử dụng kênh đào cho mục đích thủy lợi. Mọi vấn đề này phải có tham vấn trong khu vực với vai trò thúc đẩy, hỗ trợ, hợp tác và điều phối của Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC).”
Khắc khoải chờ quốc tịch
Báo Tuổi Trẻ ngày 13/7 dẫn lời Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng cho biết cộng đồng người gốc Việt ở Campuchia "hiện có khoảng hơn 103.000 người, là cộng đồng có lịch sử hình thành lâu đời". Tuy nhiên, cũng theo lời vị đại sứ, đây là cộng đồng người Việt ở nước ngoài gặp nhiều khó khăn nhất vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan.
Một số nguồn thống kê khác cho biết cộng đồng người Việt ở Campuchia lên tới hơn 180.000 người (có nguồn ước tính lên tới gần 1 triệu người), trong đó một bộ phận không nhỏ sống trong cảnh tạm bợ, nghèo túng, không quốc tịch, không được hưởng các quyền lợi của công dân. Nói cách khác, họ sống bên rìa xã hội.
Họ từng là mục tiêu trong các cuộc truy bức của chính quyền, cũng như hứng chịu tâm lý bài ngoại của những người theo chủ nghĩa dân tộc.
Ngoài mối lo không biết sẽ đi đâu về đâu nếu bị di dời vì kênh đào Phù Nam Techo, ông Nguyễn Văn Thoại còn khắc khoải chờ đợi quốc tịch Campuchia.
Lý do ông cho biết là chi phí nhập tịch cao và quy trình khó khăn hơn trước.
“Tôi cũng mong muốn nhập quốc tịch Campuchia lắm. Nhập quốc tịch thì tốn tiền nhiều lắm. Còn giờ phải gia hạn thì hai năm đóng vô 250.000 riel (khoảng từ 1 triệu – 1,5 triệu đồng), không đóng thì bị phạt.”
Chị Nguyễn Thị Tràng cũng cho biết mong muốn sớm được cấp quốc tịch.
Theo truyền thông Việt Nam, Chủ tịch nước Tô Lâm trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Vương quốc Campuchia từ ngày 12 đến 13/7 đã "nhấn mạnh Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là cộng đồng người gốc Việt tại Campuchia còn nhiều khó khăn trong đời sống".
Trước câu hỏi của BBC về sự hỗ trợ từ chính quyền Campuchia hoặc Việt Nam, ông Thoại cho biết:
“Người dân Việt kiều sống ở đây không được hưởng chính sách gì hết, không được chính phủ Việt Nam hỗ trợ gì hết trơn, Campuchia cũng không có chính sách gì hết. Bên Việt Nam thì lâu lâu cho quà chút đỉnh vậy đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia cũng không hỗ trợ gì ngoài số tiền 250.000 riel giúp gia hạn thời gian cư trú."
Ngồi trong căn nhà tạm bợ, ông nói bản thân rất vui mừng khi có nhà báo đến gặp gỡ và hy vọng những trăn trở của ông cùng bà con sẽ được chính quyền Việt Nam và Campuchia xem xét đến.
"Gặp cô tôi cũng mừng chứ hồi đó giờ không có phóng viên nhà nước nào đến đây đâu."
"Suốt 30, 40 năm tôi sống đây thì không có quan chức nhà nước nào đến để hỏi tôi sống ở đây cách thức sao, bị chèn ép sao… Không ai hỏi gì hết!"
Khi chúng tôi hỏi liệu ông có muốn trở về Việt Nam hay không, ông Nguyễn Văn Thoại cho biết giờ quay về quê hương, cuộc sống có khi còn khó khăn hơn.
“Về miền Nam [Việt Nam] thì cũng không ai cấm cản nhưng về thì không ruộng, không đất, khó sống lắm. Sống ở đây qua ngày rồi, sống tới đâu thì tính tới đó thôi, biết sao giờ.”
Khi chúng tôi lên thuyền để về lại bên kia sông, một số người dân Việt Nam trong làng tiếp tục nhắn gửi.
"Chúng tôi khổ quá rồi."