Diễn Đàn

Xung đột Trung Đông sẽ kết thúc thế nào?

10/10/2024

    BBC News

Một năm trước, những hình ảnh đó thật đau đớn.

Israel còn choáng váng sau vụ tấn công khủng khiếp nhất lịch sử và Gaza hứng chịu mưa bom bão đạn, tình hình như thể đang tiến đến một bước ngoặt.

Xung đột Israel-Palestine, gần như biến mất trên truyền hình trong nhiều năm, đã bùng nổ trở lại.

Điều này dường như khiến hầu hết mọi người bất ngờ. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã có câu nói nổi tiếng chỉ một tuần trước khi các cuộc tấn công xảy ra: "Trung Đông hiện yên bình hơn so với hai thập kỷ vừa qua."

Một năm sau, khu vực này đang chìm trong biển lửa.

Hơn 41.000 người Palestine thiệt mạng. Hai triệu người Gaza phải li tán. Ở khu Bờ Tây, 600 người Palestine khác bị giết. Tại Lebanon, một triệu người phải chạy nạn và 2.000 người thiệt mạng.

Hơn 1.200 người Israel đã bị giết vào ngày đầu tiên. Kể từ đó, nước này mất thêm 350 lính tại Gaza. Có 200.000 người Israel đã phải rời bỏ nhà cửa của họ gần Gaza và dọc theo biên giới phía bắc đầy biến động giáp với Lebanon. Khoảng 50 lính và thường dân đã thiệt mạng do đạn phản lực của Hezbollah.

Khắp Trung Đông, nhiều bên khác cũng đã tham gia vào cuộc chiến. Những nỗ lực bền bỉ của Mỹ để ngăn chặn cuộc khủng hoảng leo thang, bao gồm các chuyến thăm của tổng thống, của vô số phái đoàn ngoại giao và việc triển khai nguồn lực quân sự khổng lồ, đều không mang lại kết quả. Đạn pháo phản lực đã được bắn từ những nơi rất xa như Iraq và Yemen.

Hai kẻ thù không đội trời chung Israel và Iran cũng đã đáp trả qua lại, và nhiều khả năng các hành động như vậy sẽ tiếp tục xảy ra.

Washington hiếm khi nào trông kém sức ảnh hưởng như thế này.

Khi cuộc xung đột lan rộng và sâu sắc hơn, căn nguyên của mọi việc trở nên nhạt nhòa. Điều này trông như cảnh tai nạn xe hơi xa dần trong gương chiếu hậu của một cỗ máy khổng lồ đang lao tới những thảm họa thậm chí còn tàn khốc hơn.

Cuộc sống của người Gaza, trước và sau ngày 10/7/2023, gần như bị lãng quên khi truyền thông háo hức chờ đợi "chiến tranh toàn diện" ở Trung Đông.

Một số người Israel, những người có cuộc sống bị đảo lộn vào ngày khủng khiếp đó, cũng cảm thấy bị bỏ rơi.

"Chúng tôi đã bị gạt sang một bên," Yehuda Cohen, cha của con tin Nimrod Cohen, nói với hãng tin Kan của Israel vào tuần trước.

Ông Cohen cho rằng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phải chịu trách nhiệm về một "cuộc chiến vô nghĩa đã khiến tất cả các kẻ thù tiềm năng chống lại chúng tôi".

"Ông ta đang làm mọi thứ, và đã thành công, để biến ngày 7/10/2023 thành một sự kiện nhỏ," ông Cohen nói.

Người Israel tưởng niệm một năm vụ tấn công ngày 7/10/2023

Chụp lại hình ảnh,Người Israel tưởng niệm một năm vụ tấn công ngày 7/10/2023

Không phải tất cả người Israel đều chia sẻ góc nhìn của ông Cohen. Nhiều người giờ đây xem các cuộc tấn công của Hamas một năm trước là mở màn cho một chiến dịch rộng lớn hơn từ kẻ thù của Israel nhằm phá hủy nhà nước Do Thái.

Việc Israel đã phản công - bằng máy nhắn tin phát nổ, các vụ ám sát có mục tiêu, các cuộc oanh kích tầm xa bằng bom và các chiến dịch do tình báo chỉ huy mà đất nước này từ lâu đã tự hào - đã khôi phục lại một phần sự tự tin mà Israel đã mất một năm trước.

"Không nơi nào ở Trung Đông mà Israel không thể tiếp cận," ông Netanyahu tự tin tuyên bố vào tuần trước.

Các cuộc thăm dò cho thấy sự ủng hộ đối với vị thủ tướng đã chạm đáy một vài tháng sau sự kiện ngày 7/10 năm ngoái. Nhưng giờ con số này đã tăng trở lại. Liệu đây là "giấy phép" để ông Netanyahu thực hiện các hành động bạo liệt hơn?

Nhưng mọi thứ đang đi về đâu?

"Không ai trong chúng ta biết khi nào mọi thứ sẽ dừng lại và mọi người sẽ ở đâu vào thời điểm đó," Simon Gass, cựu Đại sứ Anh tại Iran, nói với chương trình Podcast BBC's Today vào ngày 3/10.

Mỹ vẫn can dự vào, cho dù chuyến thăm Israel của Đại tướng Michael Kurilla, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ, cho cảm giác giống như hoạt động quản lý khủng hoảng hơn là tìm kiếm các giải pháp ngoại giao.

Trong bối cảnh cuộc bầu cử Mỹ chỉ còn khoảng 4 tuần và Trung Đông đang trở nên độc hại về mặt chính trị hơn bao giờ hết, thời điểm này dường như không phải lúc để Mỹ triển khai những sáng kiến táo bạo.

Hiện tại, thách thức trước mắt đơn giản là ngăn chặn một cuộc xung đột lớn hơn trong khu vực.

Có một giả định chung trong số các đồng minh của Israel rằng nước này có quyền - thậm chí là nghĩa vụ - đáp trả cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Iran vào tuần trước.

Không có người Israel nào thiệt mạng trong cuộc tấn công và Iran dường như đang nhắm vào các mục tiêu quân sự và tình báo, thế nhưng ông Netanyahu vẫn thề sẽ đáp trả cứng rắn.

Hai triệu người trong Dải Gaza đã phải di tản từ khi Israel đáp trả vụ tấn công ngày 7/10/2023

Hai triệu người Gaza đã phải di tản từ khi Israel đáp trả vụ tấn công ngày 7/10/2023

Sau hàng tuần thành công về mặt chiến thuật, thủ tướng Israel dường như đang ấp ủ những tham vọng lớn.

Trong bài phát biểu tới người dân Iran, ông đã ám chỉ rằng sắp sửa có thay đổi chế độ ở Tehran.

"Khi Iran đạt được tự do, mà khoảnh khắc đó sẽ đến sớm hơn nhiều so với mọi người nghĩ, mọi thứ sẽ khác," ông nói.

Đối với một số nhà quan sát, luận điệu của ông lặp lại một cách khá khó chịu lời nói của những người theo chủ nghĩa tân bảo thủ ở Mỹ trước cuộc xâm lược Iraq do Mỹ lãnh đạo vào năm 2003.

Nhưng dù tình hình hiện nay hiểm nguy ra sao thì những hy vọng le lói vẫn tồn tại.

Chế độ Iran có thể mơ về một thế giới không có Israel, nhưng họ biết rằng họ quá yếu để chống lại siêu cường duy nhất của khu vực, đặc biệt là vào thời điểm Hezbollah và Hamas - các đồng minh và lực lượng ủy nhiệm của họ trong cái gọi là "Trục kháng chiến" - đang bị nghiền nát.

Và Israel, quốc gia rất muốn thoát khỏi mối đe dọa do Iran gây ra, cũng biết rằng họ không thể tự mình làm điều này, bất kể gần đây họ có những thành công gì đi chăng nữa.

Sự thay đổi chế độ không nằm trong chương trình nghị sự của ông Joe Biden, cũng như của Phó Tổng thống Kamala Harris.

Về phần Donald Trump, lần duy nhất ông có vẻ như đã sẵn sàng tấn công Iran - sau khi Tehran bắn hạ một máy bay do thám không người lái của Mỹ vào tháng 6/2019 - cựu tổng thống đã lùi bước vào phút cuối (mặc dù ông đã ra lệnh ám sát một vị tướng hàng đầu của Iran là Qasem Soleimani bảy tháng sau đó).

Ít ai có thể tưởng tượng được rằng một năm trước, Trung Đông đang hướng đến thời điểm nguy hiểm nhất trong nhiều thập kỷ.

Nhưng nhìn vào tấm gương chiếu hậu của cỗ máy khổng lồ ấy, 12 tháng qua dường như đã tuân theo một logic khủng khiếp.

Với quá nhiều đống đổ nát nằm rải rác dọc đường, và các sự kiện đang xảy ra với tốc độ đáng báo động, các nhà hoạch định chính sách - và những người còn lại trong số chúng ta - đang phải vất vả để theo kịp những gì đang diễn ra.

Khi cuộc xung đột nổ ra ở Gaza kéo dài sang năm thứ hai, mọi cuộc nói chuyện về "ngày sau" - về cách mà Gaza được phục hồi và quản lý khi cuộc chiến kết thúc - đã không còn nữa hoặc đã bị tiếng ồn của một cuộc chiến rộng lớn hơn át đi.

Bất kỳ cuộc thảo luận có ý nghĩa nào về giải pháp cho xung đột giữa Israel và người Palestine cũng chịu cảnh tương tự.

Vào một thời điểm nào đó, khi Israel cảm thấy mình đã gây ra đủ thiệt hại cho Hamas và Hezbollah, cả Israel lẫn Iran đều đã lên tiếng - giả sử điều này không đẩy khu vực vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc hơn nữa - và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã kết thúc, thì ngoại giao có thể có một cơ hội khác để đem lại hòa bình.

Nhưng ngay bây giờ, tất cả những điều đó có vẻ còn rất xa vời.

 

 

© 2001 by Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam. All Rights Reserved.Chính Việt xin đón nhận mọi ý kiến xây dựng và bài vở, xin email về baochinhviet@gmail.com

Search