Hành trình tìm hài cốt lính VNCH: "39 năm, anh em nằm dưới nền đất lạnh"
- Bùi Thư
- BBC News Tiếng Việt
Tháng 3/1972, hạ sĩ Võ Phùng Dương cùng Liên đoàn 3 Biệt động quân được điều động tới An Lộc. Người lính trẻ không hề biết rằng ông sắp bước vào những tháng ngày lịch sử mang tên Mùa hè Đỏ lửa.
"Tụi tôi đến An Lộc vào ngày 4/4/1972," ông kể lại với BBC News Tiếng Việt.
Gần 10 ngày sau, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tấn công An Lộc, lúc này đã trở thành một ốc đảo của quân lực VNCH khi các khu lân cận đều nằm trong tay đối phương.
Biệt động quân cùng các đơn vị bộ binh thuộc Sư đoàn 5 của chuẩn tướng Lê Văn Hưng được lệnh tử thủ An Lộc.
"Đánh nhau rất ác liệt và thiệt hại sinh mạng rất nhiều. Liên đoàn 3 của tôi mất hai đại đội. Riêng đại đội tôi bị nhẹ nhất cũng mất 30 người," hạ sĩ Võ Phùng Dương nhớ lại. "Tụi tôi vừa chiến đấu vừa chôn đồng đội ngay giữa chiến trường. Lấy vải dù bọc lại rồi chôn."
Sau ba tháng giằng co, VNCH giữ được An Lộc. Tướng Hưng được thưởng huân chương. Hạ sĩ Võ Phùng Dương được thăng hạ sĩ nhất. Nhưng có tới hơn 2.000 quân nhân VNCH nằm lại đây.
"Chúng tôi chôn họ ở đó rồi xuống giải tỏa Bình Tuy, Phước Tuy, Long Khánh, Dầu Giây, Xuân Lộc…," ông Võ Phùng Dương kể.
Vào Mùa hè Đỏ lửa 1972, hạ sĩ Dương không ngờ rằng gần 40 năm sau ông sẽ trở lại An Lộc để tìm xương cốt đồng đội.
BBC News Tiếng Việt tìm đến những cựu nhân quân, những người thân của lính VNCH đã hy sinh để hiểu được hành trình tìm xương cốt đồng đội, thân nhân của mình trong bóng tối và lặng lẽ.
Ở về phía bị lãng quên
Cuộc chiến tranh khốc liệt kết thúc ngày 30/4/1975 với tổn thất nhân mạng nặng nề cho tất cả các phía. Thống kê chính thức của chính phủ Việt Nam cho biết có tới 849.018 liệt sĩ.
Phía Mỹ có khoảng 58.200 quân nhân thiệt mạng.
Riêng VNCH, số liệu của Mỹ và các nhà sử học độc lập ước lượng có khoảng 220.000 đến 319.000 quân nhân VNCH chết trong suốt cuộc chiến.
Một phần không nhỏ trong tổn thất nhân mạng này là những người "mất tích".
Sau chiến tranh, các nỗ lực tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của chính phủ Việt Nam đã giúp quy tập được hàng ngàn hài cốt.
Người Mỹ cũng triển khai chương trình POW/MIA để tìm kiếm tù binh và quân nhân mất tích của họ. Chương trình đặc biệt được thúc đẩy từ sau năm 1995, khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ và hợp tác giữa hai nước được cải thiện. Số liệu cập nhật năm 2019 cho thấy Mỹ vẫn còn 1.587 mất tích, giảm từ con số ban đầu là 2.646.
Trong khi đó, những người lính chết trận và mất tích ở phía VNCH, chính thể đã sụp đổ vào tháng 4/1975, ít được biết tới và nhiều lúc đã trở thành đề tài cấm kỵ tại Việt Nam thời hậu chiến.
Bị chính quyền mới ghẻ lạnh, đồng minh Mỹ lãng quên, các quân nhân VNCH tử trận chỉ được người thân, đồng đội cũ tưởng nhớ và kiếm tìm.
"Thân nhân vẫn đi tìm, tìm bằng mọi giá, bằng mọi cách cả trước 1975 và sau này," cựu quân nhân Huỳnh Công Thuận chia sẻ. "Nhưng việc tìm kiếm sau năm 1975 rất khó khăn, rất khổ sở vì manh mối vô cùng ít. Dù biết đi nữa thì cũng khó có điều kiện để đi lấy cốt."
Ông giải thích thêm: "Đâu phải họ chết ở nơi phố thị. Họ chết ở nơi rừng heo hút gió hoặc bên kia biên giới, bên Lào, bên Campuchia. Chỉ có những người bạn, người đồng đội hồi xưa chôn cất giùm, đánh dấu rồi sau này dẫn trở lại mới tìm được. Nhưng trường hợp như vậy không nhiều."
39 năm dưới nền đất lạnh
Hạ sĩ nhất Võ Phùng Dương rời chiến cuộc với một chân bị mất vào tháng 2/1975 trong trận đánh ở Chơn Thành. Ông còn phải vào trại cải tạo ở Phú Khánh (nay là Phú Yên) 5 năm. Khi ông trở về nhà tại quận 4 vào năm 1980, Sài Gòn đã trở thành TP Hồ Chí Minh và ông cũng không thể ở trong ngôi nhà của mình nữa.
"Tôi về Sài Gòn, trình diện ở quận 4, sau đó họ không cho tôi ở nên tôi lên vùng kinh tế mới, đi tự túc. Lúc trước có quen một cô ở Chơn Thành, tôi lên đây ở, rồi thành vợ chồng. Hai người đi làm mướn, đi cạo mủ cao su."
"Tôi ở đây, vẫn nhớ anh em còn nằm lại An Lộc," ông bắt đầu kể về hành trình thầm lặng của mình. "Suốt thời bao cấp khổ cực và nguy hiểm, tôi nhớ mấy chỗ đó nhưng không dám đụng vô. Lúc đó mình mới đi cải tạo ra, coi như là ra tù, còn nhiều khó khăn. Hồi đó đụng vô mấy chuyện này là ghê lắm, bị xử bắn chứ không đùa."
Đến năm 2011, ông Dương mới trở lại An Lộc để bốc cốt. An Lộc xưa giờ đã thành thị xã Bình Long sầm uất. Chiến trường ngày ấy đổi thay hoàn toàn, nhưng ông vẫn nhận ra những nơi chốn mà ông đã chôn đồng đội.
"Gần 40 năm, nhiều nơi người ta xây nhà, cốt anh em nằm dưới nền đất lạnh, đào mất thời gian lắm. Nhiều nơi họ ban đất, mình tới trình bày, nói ở đây hồi xưa có chôn anh em, thì họ cho đào. Có khi trong nền nhà có 5-7 người nằm, họ cũng đào lên rồi giao cho mình," ông thuật lại.
Trong vòng 3 năm, từ 2011 đến 2013, ông Võ Phùng Dương cùng một số anh em, bạn bè đã cải táng được 65 bộ hài cốt, chủ yếu là thành viên của Liên đoàn 3 Biệt động quân và một số đơn vị khác. Ông cũng kết nối được nhiều gia đình người thân.
"Đào lên thì có người được nhận diện qua thẻ bài, có người qua các di vật," ông chia sẻ. "Trong số 65 bộ hài cốt, có 10 bộ là vô danh, còn xác định được hết. Tôi viết tên anh em ra giấy rồi photocopy, xong đem xuống Long Khánh, Hố Nai, Biên Hòa… hỏi tìm thân nhân. Cũng tìm được một số. Đến nay đã có mười mấy gia đình đến nhận."
"Người thân đa số vào thăm, họ khóc, thắp nhang, rồi họ để lại đó chứ không đem về. Họ nói đem về cũng khó khăn, bốn mươi mấy năm rồi, thôi ở lại đó với anh em," ông Dương kể.
Người về từ Charlie
Sau khi đưa những "chiến hữu" từ An Lộc trở về an táng, năm 2014, ông Võ Phùng Dương lại cùng các cựu quân nhân VNCH lên Kon Tum.
Đồi Charlie là một điểm nóng khác trong Mùa hè đỏ lửa 1972. Nơi đây được biết đến nhiều hơn qua ca khúc "Người ở lại Charlie" do nhạc sĩ Trần Thiện Thanh viết về Trung tá Nguyễn Đình Bảo, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 11 Nhảy dù, tử trận ngày 12/4/1972.
"Có anh ở Kon Tum dẫn mấy anh em đi tìm. Lên trên đồi đào được một hố chôn tập thể. Có tới 20 bộ hài cốt quân nhân VNCH," ông Dương kể. "Ngoài ra tụi tôi còn tìm thấy 5-6 hài cốt bộ đội nên báo cho chính quyền."
Ông Dương và nhóm tìm kiếm đi hai lần lên Kon Tum. Những hài cốt quân nhân vô danh từ đó được đưa về táng chung trong một ngôi mộ ở Chơn Thành, Bình Phước với tấm bia tưởng niệm ghi "Memory - Charlie - Hill", cùng tên của Trung tá Nguyễn Đình Bảo. Thông tin trên bia còn cho biết các quân nhân trong ngôi mộ tập thể thuộc Sư đoàn 23 Bộ binh. Xung quanh là 13 ngôi mộ của tử sĩ do ông Dương đưa về từ An Lộc.
"Mấy bộ hài cốt từ An Lộc là tôi mang về lúc khó khăn, không đưa đi chôn trên đó được. Tôi bỏ cốt trong hũ rồi đậy kín, để anh em ở trong nhà mình, một thời gian sau tìm thêm các anh em khác mới đưa ra đây táng."
"Chỗ này hồi trước có nhiều anh em đến viếng. Sau mọi người tổ chức tưởng niệm, rồi có người chụp hình đưa lên mạng, về sau bị cấm luôn, không vào được nữa," ông Dương cho biết.
Câu chuyện của ông Dương là một lát cắt nhỏ trong vô vàn những hành trình âm thầm tìm kiếm quân nhân VNCH mất tích thời chiến tranh. Có những cuộc tìm kiếm có kết quả, cũng có nhiều người tới chiến trường xưa chỉ để lấy một nắm đất trở về.
Năm 2016, sau nhiều nỗ lực và với sự giúp đỡ tài chính của nhiều người, bà quả phụ Nguyễn Văn Đương đã sang tỉnh Savannakhet (Lào) để tìm hài cốt chồng. Đại úy Đương, nhân vật trong bài hát "Anh không chết đâu anh", đã tự sát khi đơn vị của ông bị vây trên đồi 31 trong chiến dịch Lam Sơn 719 vào năm 1971.
"Chúng tôi mang trái cây, hoa từ Sài Gòn, sang đó đặt mua xôi và gà đem lên đồi cúng cho tất cả vong linh," ông Nguyễn Công Lý, cựu quân nhân nhảy dù cùng đi với bà quả phụ Nguyễn Văn Đương sang Lào, kể lại. "Bây giờ chết rồi thì không còn phân biệt cộng hòa với cộng sản. Chúng tôi khấn cho tất cả, rồi bà Đương lấy một nắm đất trên đồi mang về Việt Nam, đưa vào chùa, coi như đó là một phần xương cốt của người đã khuất."
Chiến tranh khép lại đã 45 năm, nhưng những cuộc kiếm tìm vẫn tiếp diễn trong âm thầm.
"Các gia đình, các hội nhóm cựu quân nhân, rồi nhà thờ vẫn kết nối, hỗ trợ nhau tìm kiếm, cải táng cho các tử sĩ," ông Huỳnh Công Thuận chia sẻ. "Một điều động viên lớn đó là lớp con cháu sau này cũng tham gia, hỗ trợ cho những người đã già như tụi tôi."
"Mình còn sống là may mắn lắm, nên làm được gì cho anh em thì làm," cựu quân nhân Võ Phùng Dương tâm sự. "Mình tật nguyền nhưng tay vẫn cầm cuốc đào được, tâm mình không có tật, chỉ nghĩ phải làm gì đó cho anh em, để vậy thì thương lắm."
Một ngày 30/4 nữa đến gần, trong lòng những người như ông Dương lại chất chứa nỗi niềm. "Mộ anh em ở đấy, khi nào nhớ nhớ thì tôi vào thắp nhang. Không có ngày giỗ. Tôi cũng tránh mấy ngày lễ kẻo rắc rối, chỉ đi vào ngày thường."