Hồi Ký

Trung "mọi" và Nàng L-19

Tác giả: Nguyễn Thành Trung Phi Đoàn 112 & 122
July 09, 2019

- Hê… Trung “mọi” qua đây cho coi tao nấu món cơm gà ngon lắm mày?

Cái giọng nhà quê miền Nam, của Ba “Đèn cầy” vang cả một vùng hành lang barrack khu cư xá Sinh Viên Sĩ Quan của chúng tôi ở Lackland, thuộc Tiểu Bang Texas, xứ Cờ Hoa, nơi chúng tôi trau dồi Sinh Ngữ trước khi đến trường bay.

Nhớ lại cái tên Đèn cầy của y cũng khá hấp dẫn… Dạo chúng tôi mới chân ướt chân ráo đến Quân Trường Nha Trang, trong barrack khoá 64C tên Nguyễn Văn Ba nằm gần cửa ra vào bên cạnh Trần Gia Lộc, hai tên này rất lạ là anh nào cũng có đào ở quê, nên cứ mỗi khi sau bữa ăn tối một anh thì lấy hình đào ra ngắm, còn anh kia lo viết thư cho đào, nhiều khi thức khuya sợ Sinh Viên Sĩ Quan Cán bộ bắt gặp nên phải lén đốt đèn cầy mà viết… do đó cái tên Ba Đèn cầy bắt đầu từ đó.

Sau này khi đến Mỹ cũng tên Ba đèn cầy này đặt cho tôi cái tên cúng cơm là Mọi…!

Vào mùa Thu 1963. Tôi là một Tráng Sinh của Thiếu Đoàn Trần Quốc Tuấn và cùng một số các bạn khác ở vùng Cao Nguyên dự thi lấy Bằng Rừng… Ở Nha Trang có Lê Thân là người nằm chung lều với tôi nên hai đứa rất thân và gần gũi nhau.

Lê Thân có làm bạn bốn Phương với một sinh viên Mỹ cũng là Hướng Đạo Sinh nên anh ấy đã gởi tặng Thân một bộ nón lông gà kiểu “Mọi da đỏ”.

Đêm thi lấy bằng Rừng trên sườn đồi hồ Than Thở, là một đêm trời tối đen như mực, bên ánh lửa chập chùng, các niên trưởng và Anh Ủy Viên Ngành Thiếu “Đỗ Văn Ninh” quần chúng tôi suốt đêm như cái mền rách… khảo hạch đủ thứ về chuyên môn như cách nấu ăn, cứu thương, tháo vát .v.v…

Đêm đó ông Đỗ Văn Ninh và ban giám khảo đã chọn cho tôi cái tên “Rừng” là Hải Ngưu điềm đạm, chắc là mình thiếu hoạt bát nên mới cho là “điềm đạm”? Trước khi chia tay có một ít giờ nghỉ ngơi, tôi bèn rủ Thân đi chèo thuyền và mượn bộ nón lông gà đội chơi và chụp hình làm kỷ niệm.

Khi gia nhập Quân Trường, bạn tôi mới gởi cho, và tình cờ lúc đang học ở Lackland, thì Ba đèn cầy thấy được nên đặt cho tôi cái tên “Mọi”…

Cũng có thể vì tôi vốn con nhà quê, ở Đà Lạt nơi những người nhà quê thuộc Tỉnh Hà Đông di cư từ Miền Bắc vào, trong thời Vua Bảo Đại thành lập Hoàng Triều Cương Thổ tại Đà Lạt, nên mới lập lên Ấp Hà Đông, mà trong đó đa số là họ hàng Nội Ngoại nhà tôi.

Vốn con nhà quê, nên tôi cái gì cũng không biết, cái gì cũng lạ! Khi đặt chân đến Mỹ, vì tôi đã mặc bộ đại lễ Không Quân mấy ngày liền, nên rất khó chịu, bèn khi giặt quần áo, tôi đã tống cả bộ đại lễ vào máy giặt luôn…

Lúc đem ra, thì than ôi nó nhăn như rẻ rách! Thế là chẳng bao giờ dám mặc đi đâu và rất tránh né các cuộc gặp gỡ các quan chức Hoa Kỳ…

Khi vào trường bay, mỗi lần bay hợp đoàn, mồ hôi tôi đổ ra ướt cả áo bay, lúc nào cũng sợ loạng quạng sợ đụng vào lead men, thế mà Huấn Luyện Viên lúc nào cũng khen rối rít: good good.
Khi đến mục bay đêm, tôi lại còn sợ hơn nữa, sợ són đái ra quần, thầy thì hối bay sát vào mà trò thì cứ né né ở xa, viên Huấn Luyện Viên Đại Úy Thủy Quân Lục Chiến văng tục tơi bời, bực quá tôi bèn ráng gồng mình ôm sát thằng lead, sát đến nỗi Huấn Luyện Viên phải dựt stick kéo ra…

Rồi thời gian qua đi, việc gì đến cũng phải đến… và rồi tôi cũng lãnh bằng như ai.

Mùa Xuân năm 1968, Việt cộng Tổng tấn công, cuộc chiến đang sôi động thì chúng tôi 6 thằng pilot, chân ướt chân ráo đặt chân xuống Phi Trường Tân Sơn Nhứt và sau đó được lệnh trình diện Không Đoàn 23 Chiến Thuật tại Biên Hoà.

Có thể nhu cầu Huấn Luyện Phi Công Quan Sát ở Nha Trang không cung ứng kịp cho nhu cầu chiến trường, nên một số chúng tôi được lệnh biệt phái qua các Phi Đoàn Quan Sát.
Khi về Phi Đoàn 112, tôi đã nhận ra các Phi Công kỳ cựu của các Phi Đoàn Khu Trục đang ở đây như… ĐinhTuấn, Phan Đắc Huề và các bạn cùng lứa với tôi như Nguyễn Văn Lài, Tạ Ngọc Chủy, Phan Quang Tuấn, Phan Công Định, Nguyễn Văn Hai.

Tôi không nhớ rõ Phi Đoàn Phó của Phi Đoàn 112 là ai nhưng Phi Đoàn Trưởng thì không thể quên được… Đó là Thiếu Tá Lý Thành Ba, ông Ba người cao và gầy, ít khi thấy ông cười, mà ông cũng ít khi tiếp xúc với anh em, suốt thời gian tôi ở Phi Đoàn cho đến khi thuyên chuyển về Cần Thơ tôi chỉ gặp ông hai lần, lần đầu khi đến trình diện lúc mới gia nhập Phi Đoàn và khi đập tàu mà thôi.

Người thứ hai là Đại Úy Trần Văn Phước, Sĩ Quan Hành Quân, Phước còn có cái tên là “Phước Chảy”.

Nghe kể lại rằng: Khi Phước còn lái khu Trục T-28, trong một phi vụ hành quân Phước bị chột bụng như thế nào mà nhịn không nổi, bèn cởi áo bay ra rồi phẹt ngay vào đấy một bãi, sau đó cuốn chặt áo bay, chờ khi đáp ném ra cửa phòng lái để phi tang, ai ngờ thay vì liệng qua phải thì lực chong chóng lúc down wash nó sẽ văng ngay xuống đất, cũng vì hấp tấp vội quăng chiến lợi phẩm qua tay trái, mới vung một cái nó văng ngược trở lại làm cho phân dính tùm lum, đầy mặt mày và cả phòng lái… Cái tên Phước Chảy bắt đầu có từ đó…!

Trong cuộc truy lùng Việt cộng, lúc đó chúng tôi thay phiên nhau bay túc trực hành quân ngày cũng như đêm trên không phận Biên Hoà và Saigon, ngoài chúng tôi ra còn có một phi cơ Hoả Long, một Phi tuần khu trục, nếu có sự đụng độ với giặc chúng tôi có dịp hướng dẫn Hoả Long thả trái sáng và xả đại liên, cũng như khu trục thả bom để thanh toán mục tiêu. Dạo ấy mới ra trường, lại còn trẻ nên rất hăng tiết vịt, bay ngày bay đêm không thấy mệt hễ có phi vụ là bay không bao giờ từ chối hay khai bệnh.

Trong Phi Đoàn những thằng biệt phái như chúng tôi ở chung một barrack độc thân, có những tên như Nguyễn Văn Lài, Nguyễn Văn Hai cả hai tên này đều được gọi là “Còi”,

Nguyễn Văn Lài người cao nhưng gầy như con tép, nằm ngủ đắp mền phủ kín đầu, mới nhìn ai cũng tưởng cái giường trống đến khi y ngồi dậy mới hay là có người.
Còn Hai “còi” thì cũng chẳng nặng cân hơn Lài là bao nhiêu. Lài sau năm 70 trở về Phi Đoàn 514 (?) và bị tử nạn vì trúng SA7 trong cuộc hành quân An Lộc.

Một tên khác tướng rất “cụ trâu” đô con da hơi ngâm đen, mặt đầy mụn tên Tạ Ngọc Chủy, còn gọi là Chủy Xích Lô… Chủy sau này đổi ra Trung Tâm Huấn Luyện Nha Trang và trong một phi vụ liên lạc Saigon Nha Trang vì thời tiết xấu chiếc U-17 chở các Phi công Nha Trang về Saigon khám sức khoẻ lúc trở về đã bị mất tích ở Hàm Tân, trong đó có cả Lê Thành Sang khoá 64D.

Thêm một công tử mang tên Phan Quang Tuấn con trai của cụ Phan Quang Đáng, Tuấn bay khu trục cũng giỏi lắm, là con người rất phóng khoáng nhưng cũng rất ba gai, anh coi Nàng 19 như món đồ chơi, một sáng sớm sự sinh hoạt ở phi trường còn chìm trong giấc ngủ, Phan Quang Tuấn trong một phi vụ bao vùng phải cất cánh sớm, y vừa taxi vừa cất cánh và làm “Touch & go” 3 cái liền rồi lên phi đạo cất cánh luôn… nên y có cái tên “Tuấn Khùng”, Tuấn sau này khi về khu trục đã bị bắn trong một phi vụ hành quân ở vùng III.

Thêm một Công Tử Bạc Liêu người đẫy đà có tật hay khịt mũi nên được gọi là “Định khịt” sau năm 75 không ai biết Định hiện ở đâu!

Còn các tên kỳ cựu như Đinh Tuấn một con người rất đạo mạo ít nói nhưng có vấn đề thì lý sự cũng không chịu thua ai.

Phan Đắc Huề có cái bệnh hay “Đánh”… Đánh đến cháy túi mới thôi, món gì y cũng đánh được từ cờ tướng, xì phé, tứ sắc, tổ tôm tài bàn .v.v… nhiều lúc trời tối vẫn chưa về, bà xã y dẫn nguyên một tiểu đội đi kiếm để xem cái phần tiền lương mới lãnh còn dư được bao nhiêu. Phan Đắc Huề có cái giọng nói đặc miền Bắc lại hơi hom hem nên mới có cái tên Huề “Thuốc lào”.

Địa bàn biệt phái của Phi Đoàn 112 gồm Đức Hoà, Bình Dương, Phước Long, Bình long, Long Khánh.
Ông Lý Thành Ba cũng rất mát tay, nên trong suốt thời gian ở Phi Đoàn chỉ chứng kiến vụ một chiếc L-19 cất cánh vướng phải hàng rào Tiểu Khu và bốc cháy, vì Bộ Binh không biết cách tháo dây an toàn nên Phi Hành Đoàn đều tử nạn cả, riêng có những tai nạn xảy ra rất thường mà đa số là lỗi về an phi, trong đó có tôi!

Vào một ngày đẹp trời, hôm ấy trong phi vụ biệt phái Đức Hoà, thường khi đi Đức Hoà chúng tôi đều bay ngang Bình Dương, mà mỗi khi đến Bình Dương là phải tìm cách đáp Bình Dương để thăm người em gái hậu phương có cái tên Trà rất dễ thương, vì cô nàng là nữ quân nhân và trông coi câu lạc bộ Sĩ Quan, nên việc gặp người đẹp cũng hợp pháp mà thôi.

Ngày hôm ấy sau cuộc hành quân buổi sáng, thường thì đáp trở lại Đức Hoà đổ xăng ăn trưa rồi chờ lệnh hành quân tiếp, thay vì đổ xăng thì tôi dự trù sẽ đáp Bình Dương đổ xăng rồi trở về Biên Hoà…

Vì ỷ y nên khi cất cánh trở về thay vì lấy cao độ bình thường trở về đơn vị, nhưng tôi đã bay sát ngọn lúa và đuổi cò, có điều là L-19 có hai bình xăng trong hai cánh, lúc bay cứ 1giờ thì phải đổi từ cánh này qua cánh kia để cho quân bình và tránh cho sử dụng tối đa một bình xăng…

Đây là lỗi của tôi: Bay quên đổ xăng, bay quá thấp, không đổi bình xăng thường xuyên cho nên khi hết xăng không có đủ thì giờ đáp khẩn cấp, không kịp đổi bình xăng còn đầy, do đó phi cơ đã nhào xuống ruộng và làm crash… Tôi bị gẫy 4 cái răng cửa, và bị điểm xấu trong hồ sơ, do đó mà các bạn mình được check out bay U-17… mình cứ tà tà ôm em 19 mà đi “cày”!

Phía Đông Biên Hoà là Long Khánh. Một vùng đất đỏ, chỗ nào cũng đỏ, bụi bay cũng đỏ, hễ trời tặng cho một cơn mưa chừng một giờ sau thì đất đỏ keo lại như đất sét, đi đến đâu đất đỏ bám vào chân đến đấy, áo bay bị bám phết những vết đỏ trông như những tay bụi đời của thành phố.

Một lần sau phi vụ hành quân buổi chiều, trên đường về Biên Hoà thì trời đổ mưa, lúc đầu thì còn thấy mặt đất, nhưng sau đó thì mây đen kéo đến bao phủ, bên ngoài tối sầm lại, tôi vội nghĩ có gì khó đâu mình bay phi cụ, đáp phi cụ ở bên Mỹ rồi mà, chắc là cũng dư sức qua cầu…, rồi tống ga cho phi cơ lên cao độ, khi đến gần 9,000 bộ thì phi cơ dường như không còn lên thêm được, máy bắt đầu khục khặc, cơn lốc bắt đầu hành hạ chúng tôi, phi cơ chao qua đảo lại, gập gềnh như con thuyền vật lộn trên con sông lớn, các phi cụ đều như khiêu vũ theo nhịp với phi cơ, có nhiều lúc đồng hồ vận tốc đang ở 190 knots tụt xuống còn “zero” con tàu như bị triệt nâng, cần lái lỏng le chẳng còn điều khiển được…

Lúc ấy trong đầu nghe văng vẳng tiếng của Huấn Luyện Viên T-34 nhắc: phi cơ nhẹ như T-34 khi vào spin tự nó sẽ recover trở lại bình thường nếu có đủ cao độ.

Thế là tôi buông khỏi cần lái để mặc con tàu muốn ra sao thì ra… hú hồn khi thấy được ánh sáng và mặt đất thì nàng 19 đang ở cao độ 500 bộ, và mình đang ở trên Quốc Lộ số 1 đi Trung Lương… Tính ra thì cơn bão đã đưa đẩy con tàu của chúng tôi từ 9,000 bộ xuống 500 bộ từ Long Khánh đến gần Bến Lức!
Nghĩ cho cùng, cũng do mình không biết lượng sức mình! Nếu đem so sánh L-19 với khu trục A-1 thì quả là một trời một vực.

Ta thử coi lại một vài chi tiết trong Technical manual của hai loại máy bay thì thấy:

L19 và Khu trục A-1 có dáng đứng như nhau, nghiã là cả hai đang ở vị thế sẵn sàng “hit đất” chịu phạt “dã chiến”.
- L19 hai cánh trước dài và mọc ra ở trên đầu.
- A-1 hai cánh trước nằm dưới bụng.
- L19 có một máy ở giữa mũi, gồm 4 cái đầu máy (cylinders), 213 horse power, một chong chóng, hai cánh quạt, mình dài 25.83 feet, cánh dài 36 feet, cao 9.17 feet, cân nặng 1614 lb, trọng tải 2400 lb gồm 2 người 2 thùng đạn khói, 4 ống phóng rocket khói… vận tốc tối đa 110 mph.
- A-1 cũng có một máy, 18 đầu máy (cylinders), 2700 horse power, một chong chóng 4 cánh quạt, mình dài 40 feet, cánh dài 50.1/4 feet cao 15.9 feet, trọng tải 24,782 lb gồm (A-1H một người) (A-1E hai người), 4 khẩu đại bác 20 ly, 6 trái bom nổ 500lb, hoặc 12 trái bom 250lb, 6 pot rockets, CBU, bom lửa… vận tốc tối đa 325 mph.

Xem như vậy sự khác biệt rất xa, nên cho dù có giông bão thì khu trục nhờ sức mạnh của máy và sức nặng của phi cơ làm cho nó vững vàng khi bay hơn…

Vùng hành quân phía Bắc của Biên Hoà là Bình Long Phước Long, điểm đặc biệt của phi trường Phước Long là cất cánh một chiều và đáp một chiều, có lẽ trước kia khi người Pháp lập đồn điền, đã tạo một con đường dài chạy thẳng vào dinh thự, về sau khi lập Tiểu Khu có lẽ người Mỹ cần một sân đáp cho các phi cơ liên lạc nên đã trưng dụng con đường này làm sân bay, do đó một đầu phi trường là vực sâu còn đầu kia là dinh thự của Tiểu Khu.

Mỗi khi đáp, thì đáp từ phía vực và hướng thẳng vào Toà nhà Tiểu Khu, làm tôi nhớ lại những lần học đáp T-28 ở Navy… Những phi công Hoa Kỳ trước khi thực tập đáp Hàng Không Mẫu Hạm thì phải tập đáp phi đạo trên đất kiểu đó, gọi là precision landing, có nghĩa là khi vào final, lúc đến dứt điểm là cắt ga, cho phi cơ triệt nâng rớt xuống… cho nên khi đáp Phước Long mình cũng thử thực hành như thế, nhưng có dè đâu Nàng 19 quá nhẹ nên cứ float hoài mà không chịu rớt… Đến khi rớt thì bounce tứ tung! xém chút nữa là ra cỏ.
Khi cất cánh, thì quay đuôi vào toà Tỉnh đạp thắng, tống hết ga cho bánh đuôi nhổng lên, rồi mới cất cánh, không dè khi vừa qua khỏi không phận Tỉnh, thì được cú điện của Tiểu Khu gởi lên mắng khéo vì phi cơ đã phóng bụi mịt mù vào Toà Tỉnh…!

Đôi khi Quân Đoàn có những Sỉ Quan mới ra trường, họ thường được gởi qua Phi Đoàn, ngồi ghế sau L-19 để điều chỉnh Pháo Binh. Tôi cũng được cái hân hạnh làm pilot bay cho một Thiếu Úy mới ra trường, sau khi chỉ mọi cách an toàn và thoát hiểm, tôi còn cẩn thận tặng anh một cái bao nylon bỏ túi, phòng khi cần thiết. Khi đến vùng hành quân, tôi bay theo sự chỉ định của anh nhưng có lẽ sốt sắng quá, quẹo gắt để khỏi đi xa vùng oanh kích, làm được hai ba lần thì phía sau im lìm, tôi gọi trong mike mấy lần mà không thấy động tịnh gì, bèn quay lại thì anh đang cho chó ăn chè… Sau đó thì phi vụ chấm dứt, và tôi được ông Phước “chảy” mời vào phòng riêng làm việc…!

Ngoài những phi vụ hành quân trên khắp vùng III Chiến Thuật, chúng tôi thích nhất là phi vụ escort đoàn quân xa từ Trung Lương đi Phú Lâm hoặc ngược lại, trên Quốc Lộ 1. Đoàn quân xa này khi đến Trung Lương thì chúng tôi bàn giao cho Phi Hành Đoàn L-19 ở Cần Thơ lên. Quãng đường này ít khi bị phục kích, nên chúng tôi bay rất vung vít nhiều khi đuổi cò đuổi vịt, hay múc hai ba passes ngang qua trường Nữ Trung Học Long An. Tại Long An có một phi trường nhỏ của Trung Đội Mỹ đóng có tên Phi Trường Rạch Chanh sát ấp Bình Cư, nơi này là nơi cư ngụ của gia đình bên vợ tôi, và có lần tôi và Thiếu Úy Lộc đáp xuống làm bộ cần nhiên liệu, bèn giao phi cơ cho mấy chú GI rồi phóng ra ấp Bình Cư ngồi nhậu với mấy ông Dượng vợ… Về sau mới biết nơi đây nổi tiếng Việt cộng thường xuất hiện và bắt cóc những ai không theo chúng…

Khoảng đầu năm 1969. Tôi được lệnh thuyên chuyển về Cần Thơ, gia nhập Phi Đoàn tân lập 122 thuộc Không Đoàn 74, Sư Đoàn 4 Không Quân. Phi Đoàn Trưởng là Thiếu Tá Trần Trọng Khương (Khương Heo), và ông Sĩ Quan Hành Quân là Phước “Chảy”… Đa số các phi vụ hành quân của tôi là Cao Lãnh, Phi trường Cao Lãnh được đặt trên một khoảng đất trống giữa cánh đồng lúa mênh mông, mỗi lần đáp xuống phi trường là phải làm low pass qua Tiểu Khu để Sĩ Quan liên lạc ra đón… Tôi thường được đi chung với Trung Úy Thịnh Quan Sát Viên, Thịnh và tôi hai đứa ở chung một xóm khi còn bé nên rất thân, lại thêm Thịnh có quen gia đình hai chị em cô giáo ở Cao Lãnh, do đó mỗi khi thấy chúng tôi làm low pass là bà cụ lo sửa soạn cơm nước đón chúng tôi.

Ông bà cụ rất quý khách và cụ ông cũng hay nhậu ba xị với chúng tôi và cho chúng tôi thưởng thức mọi thứ trái cây trong vườn.

Cao Lãnh có giống vú sữa rất ngọt và thơm… thế mà hai đứa chúng tôi chẳng đứa nào lấy con gái của cụ cả, thật tội nghiệp…

Trong cuộc hành quân vùng Chí linh gần biên giới Cambodia, nơi đây có một rặng núi đá nhọn hơi cao, một lần mải mê hướng dẫn một phi tuần A-1 ở Biên Hoà xuống, chúng tôi bị mấy tên Việt cộng núp trên sườn núi bắn sẻ, phi cơ không bị gì nhưng bánh đáp bên phải bị lủng, vận tốc phi cơ và sức cản phía trước làm cho chiếc bánh cao xu xẹp lại trông như bị ủi vào tường vậy, thời kỳ hành quân qua Cambodia tôi cũng may mắn một lần đáp xứ Chùa Tháp và được đãi một bữa ăn thịnh soạn ngon và free.

Rồi thời gian sau, tôi được lệnh thuyên chuyển về Phi Đoàn Khu Trục 530 thuộc Không Đoàn 72 Chiến Thuật, Sư Đoàn VI Không Quân.

Và từ đó giã biệt… Nàng 19… Nhưng đến tháng 4 năm 75 tôi lại có dịp được bay với Nàng 19 một lần chót…
Ngày 28 tháng 4/75. Sau khi tên Nguyễn Thành Trung (tên này là khoá đàn em rất xa của tôi) dẫn một Phi tuần A-37 vào quần Tân Sơn Nhứt, lúc đó tôi đang ở khu Cư xá Trường Chỉ Huy Tham Mưu, sống với vợ con mới di tản từ Pleiku về được hơn một tuần lễ…

Khi nghe Bộ Tư Lệnh Không Quân ra lệnh di chuyển thân nhân các quân nhân trong phi trường ra Côn Sơn, vì lúc đó tôi thuộc quân số của trường Chỉ Huy Tham Mưu, và không thấy ai thông báo nên không có sự vụ lệnh!

Chiều hôm ấy, tôi đang xách xe chạy vòng quanh trong căn cứ, thăm hỏi tình hình, khi đến trạm hàng không Quân Sự thì gặp được ông Thiếu Tá Bạch Diễn Sơn nguyên là Phi Đoàn Trưởng lúc đó, và ông cho biết có lệnh di tản vợ con, thế là tôi mượn sự vụ lệnh của ông Sơn ghi thêm danh sách vợ con tôi, và cùng đưa họ đi Côn Sơn một chuyến…

Sau khi tiễn vợ con lên phi cơ C130 tôi và Sơn chia tay, tôi trở về cư xá nằm ngủ… Khoảng 2, 3 giờ sáng bọn Việt cộng bắt đầu pháo vào phi trường, tôi vội vàng mặc áo bay, rồi ra ngoài xem xét tình hình, lúc ấy khu barrack của Nữ Quân Nhân đang bốc cháy, một vài cô chạy ra ngoài kêu cứu, tôi bèn chạy vào phòng trực mượn điện thoại gọi xe cứu hoả, nhưng không thấy ai trả lời… Sau một vài tiếng nổ gần cư xá tôi đang ở, nghỉ rằng thà mình đến Biệt Đội Khu Trục với anh em chắc an toàn hơn, do đó tôi lôi theo cái túi helmet rồi hướng về đài kiểm soát mà đi, trên đường đi may mà mình mặc áo bay nên không bị mấy ông lính Phòng Thủ làm khó dễ.

Khi đến Biệt Đội Khu Trục thì chuông điện thoại reo và yêu cầu Phi Hành Đoàn cất cánh… Tôi nhớ không lầm, thì có hai Phi Hành Đoàn, trong đó có Trương Phùng và Nguyễn Văn Hai (Hai “còi”)… (sau này tôi mớí biết là Trương Phùng đã tử nạn sáng ngày 29), tôi vì mệt quá nên lăn ra ngủ ké với các phi công đang túc trực Hành Quân… Khi trời sáng thì được lệnh rời Biệt Đội về Trung Tâm Hành Quân TACC, bước ra khỏi Biệt Đội chúng tôi chứng kiến chiếc AC-119 đang yểm trợ hành quân ngoài vòng đai Phi Trường phía Đông Bắc của phi trường và bị SA-7 bắn trúng… Chứng kiến cảnh phi cơ bị nạn và rớt xuống làm chúng tôi mủi lòng…! Có người làm dấu thánh giá… Chúng tôi di chuyển đến phòng họp của TACC chờ lệnh… Còn tôi vì không thuộc đơn vị nào nên cứ ngồi chầu rìa, khoảng 10 giờ sáng Việt cộng lại làm thêm một đợt pháo kích nữa, các anh em nháo lên kiếm các xếp thì không gặp được ai, bèn mạnh ai nấy tìm đường tẩu thoát, các phi công thuộc Biệt Đội kéo nhau ra bãi đậu Khu Trục, còn tôi cũng quá giang một người bạn chạy ra bãi đậu phi cơ, may sao lúc ấy có chiếc C-119 đang quay máy, anh em nhào đến, tôi cũng theo chân họ mà nhảy lên…

Khi ngồi trong phòng chuyên chở của C-119, anh em nhìn nhau ngơ ngác!

Khi phi cơ hướng ra Biển Đông, nhìn xuống vùng Duyên Hải các tàu bè thi nhau hướng ra ngoài khơi, làm mình bồi hồi và xót xa, nước mắt chảy dài mà nghẹn ngào…!

Đến Côn Sơn chiếc C-119 đáp xuống thì mới biết người trưởng Phi cơ là anh Vũ Ngọc Phú (trong Đặc San 40 năm Hội Ngộ của Liên Khoá 64, nơi bài viết “Chuyện Bay Bổng Của Trung “Mọi” có nói tên Phi công là Hàn Phú, nay tôi xin đính chính, Phi công đó tên chính là Vũ Ngọc Phú).

Đến Côn Sơn thì may là gặp được vợ con ở đó, và đồng thời cũng gặp ông thầy Khương lái U-17, bạn mình Đỗ Văn Nhỏ lái C-47, về sau các tay này đều cất cánh đi Thái Lan, thấy thiên hạ đi quá mà mình không thể nào chen lấn lên các phi cơ của bạn mình, nên đành ngồi chờ cơ hội, chợt tôi thấy mấy chiếc L-19 không người lái, bèn nhẩy lên một chiếc, sau khi load một vợ ba đứa con nhỏ vào ghế sau… rồi cất cánh. Khi ở trên không, lại không biết mình phải đi đâu, hướng nào là ra Hàng Không Mẫu Hạm… Sau đó lại nghe ông Dương Văn Minh kêu buông súng đầu hàng… Chẳng lẽ mình lại mò về Sài gòn? Mà không biết có đủ xăng để mà về không? Vì không biết Nàng -19 xuất xứ ở đâu? Nên đành quay trở lại mà đáp…

Khi cùng vợ con dắt díu nhau ra khỏi phi cơ, tôi gặp Lý Bửng thuộc Phi Đoàn Quan sát (quên tên Phi Đoàn) chạy đến, anh đã rủ tôi lấy hai chiếc L-19 cùng ra Hàng Không Mẫu Hạm. Nhưng tôi từ chối, nên anh tự lấy một chiếc L-19 rồi cất cánh và đã đáp Hàng Không Mẫu Hạm.

Còn tôi và vợ con, nhờ gặp bạn cố tri là Trương Văn Ba bay trực thăng ở Cần Thơ, chở đi di tản, nên cuối cùng thì chúng tôi đã đến Subic Bay, ở Phi Luật Tân tị nạn, để rồi sau đó qua Hoa Kỳ.
Bắt đầu một cuộc sống mới, cuộc sống của những người Việt Nam tỵ nạn Cộng Sản trên đất khách quê người.

Nguyễn Thành Trung Phi Đoàn 112 & 122

© 2001 by Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam. All Rights Reserved.Chính Việt xin đón nhận mọi ý kiến xây dựng và bài vở, xin email về baochinhviet@gmail.com

Search