Cuốn ‘China after Mao’ nói cải cách ở Trung Quốc chỉ là ‘diễn kịch’
BBC News Tiếng Việt
Tượng Mao Trạch Đông tại Quảng trường Dongfanghong và đằng sau đó là các dự án bất động sản đang được xây dựng
Vài tuần trước Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc (giữa tháng 10/2022), cuốn “China after Mao: The Rise of a Superpower” ra mắt độc giả tiếng Anh.
Sách của sử gia Hà Lan Frank Dikötter, nhà nghiên cứu chuyên về Trung Quốc, cựu giáo sư Đại học Hong Kong, đánh giá điều ông cho là thực chất cuộc cải cách của Trung Quốc.
Tạm dịch là “Nước Trung Quốc sau Mao: Sự vươn dậy của một đại cường”, cuốn sách 375 trang đưa ra nhiều số liệu thống kê về kinh tế, xã hội Trung Quốc từ sau khi Mao Trạch Đông qua đời năm 1976.
Đúng là Đặng Tiểu Bình đã cho đóng các nông trường, công xã nông thôn, cho kinh tế tư nhân phát triển và tạo thay đổi ở các đại công ty nhà nước, nhưng đó “không phải là kinh tế thị trường thực thụ”, theo ông Dikötter.
Trong giai đoạn trước vụ Thiên An Môn, Đảng CS TQ vẫn dùng ngôn từ của chủ nghĩa Marxist cổ điển và sẵn sàng tiêu diệt mọi phản biện. Theo tác giả người Hà Lan, việc Phương Tây nhầm tưởng rằng Trung Quốc có phe “cải cách” và “bảo thủ” là một hiểu lầm. Thủ tướng Triệu Tử Dương cũng chỉ là tay cơ hội chính trị còn Chủ tịch Hồ Diệu Bang “là tên lưu manh”, theo cuốn sách.
Sang thời Giang Trạch Dân, Trung Quốc đã “đóng kịch thị trường” để gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO, và cái gọi là cải tổ chỉ tạo ra “500 đại công ty của nhà nước” để đẩy hàng triệu công nhân ra đường, chịu cảnh thất nghiệp.
Một ví dụ được Frank Dikötter nêu ra về “cải tổ” làm sao có lợi nhất cho giới cầm quyền là tập đoàn China Telecom.
China Unicom là một trong những tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc
Quan chức chính quyền lập ra công ty này, đặt nó dưới quyền ngân hàng nhà nước (ở Trung Quốc gọi là Ngân hàng Nhân dân), lấy tiền tiết kiệm của dân để nuôi công ty, thuê người nước ngoài làm quản lý để đánh bóng hình ảnh, rồi đem cổ phiếu đã được thổi giá lên thị trường chứng khoán nước ngoài. Tuy thế, tác giả cũng nói giới đầu tư Phương Tây sẵn sàng tin vào con đường “thị trường” của Trung Quốc để đổ tiền vào làm ăn. Trung Quốc, về cơ bản đã thay đổi nhưng chỉ là “đổi từ một nền độc tài này, sang một nền độc tài khác”.
Hiện nay, đại dịch, việc kiểm soát báo chí và xu hướng theo chủ nghĩa độc đoán lại càng nổi bật ở Trung Quốc, vì thực chất thì Đảng CS TQ chỉ chơi vở kịch “kinh tế thị trường” nhằm duy trì quyền lực của họ.
Luận điểm như của Frank Dikötter tuy thế bị phê phán là không “công nhận công lao cho Đảng CS TQ một chút nào” trong việc tự do hóa khá nhiều lĩnh vực ở quốc gia này.
Mặt khác, cách nhìn cho rằng Đảng CS TQ thực chất chỉ làm mọi cách để duy trì độc quyền kinh tế, chính trị cũng không hẳn là mới.
Ngay từ 2010, tác giả Richard McGregor, nhà báo kỳ cựu người Anh có 20 năm đưa tin từ Trung Quốc, đã xuất bản cuốn “The Party- The secret world of China’s Communist rulers”.
Ông McGregor cho rằng quyền lực của ĐCS TQ “thẩm thấu, bao trùm toàn bộ xã hội Trung Quốc, từ các đại đô thị tới làng quê xa xôi”. Không chỉ vậy, theo ông, các gia tộc nắm quyền trong Đảng này còn kiểm soát mọi ngành kinh tế, với quan chức, con cháu họ ngồi trong hội đồng quản trị của nhiều tập đoàn có tên trong danh sách 500 công ty của Fortune.
Nếu như từ 2010, McGregor đã xóa đi ảo tưởng của một số giới ở Phương Tây rằng quá trình cải cách thị trường sẽ khiến “Trung Quốc ngày càng dân chủ, càng giống Âu Mỹ” (Chinese leader never wanted to be the West), thì Frank Dikoetter nêu ra một lời phê phán khác nhắm vào phái “ngây thơ” ở Phương Tây. Ông cho rằng bấy lâu nay, “chúng ta đã bị Trung Quốc lừa”.
Sự sát lại gần nhau của hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc lúc này – thể hiện bằng cuộc gặp ở Uzbekistan tháng 9/2022, cho thấy quá trình tách dời Trung Quốc - Phương Tây (decoupling), diễn ra từ mấy năm qua đang tăng tốc.
Nước Nga của Vladimir Putin đang bị trừng phạt vì cuộc xâm lăng Ukraine, và Trung Quốc vẫn trong cuộc thương chiến với Hoa Kỳ, lại đang gặp khó khăn vì phong tỏa chống Covid, đang muốn lập ra một “thế giới khác” (alternative world), đối lập với khối Âu, Mỹ, Nhật Bản và Úc.
Các cuốn sách của những tác giả Phương Tây như Frank Dikötter phần nào giải thích được lộ trình mà chính hệ thống ở Trung Quốc vạch ra cho nước họ, nhưng câu hỏi là tới đây Trung Quốc sẽ tiếp tục đi lên, hay đi xuống, thì chưa có lời giải đáp.