Nô lệ thời hiện đại: ‘Việc nhẹ lương cao’ của chủ Trung Quốc ở Campuchia: Nạn nhân Việt trở về từ ‘ngục tù’
- VOA Tiếng Việt
Hàng rào dây thép gai bao quanh bên ngoài một khu phức hợp nơi các quan chức Campuchia nói họ có bằng chứng của sự buôn người, bắt cóc và tra tấn trong những cuộc đột kích vào các cơ sở bị nghi có hoạt động tội phạm trên mạng ở thành phố Sihanoukville, hôm 21/9/2022.
Nạn nhân người Việt bị lừa sang làm việc cho chủ Trung Quốc ở Camuchia kể về những gì đã trải qua trước khi được gia đình chuộc về bằng hàng trăm triệu đồng vay mượn
Khi bà Đồng Thị Ngọc Nga cầm tấm biển viết tay cầu cứu các mạnh thường quân giúp đỡ tài chính để có thể chuộc người con trai của mình đang bị giữ tại một công ty có chủ là người Trung Quốc hoạt động ở Campuchia, bà không nghĩ rằng sẽ có ngày được gặp lại đứa con của mình.
“(Tôi) không nghĩ là (con) sẽ được về, không nghĩ là mình sẽ gặp được nó ở nhà,” bà Nga nói khi sụt sùi nhớ lại thời gian đi tìm kiếm khắp nơi sự trợ giúp tài chính sau khi biết rằng để chuộc đứa con trai, gia đình bà sẽ phải trả khoản tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.
Nếu không trả được số tiền này, thì con trai bà, L.H.N. (*), phải tiếp tục làm việc tại nơi mà anh mô tả là giống như “sống trong tù” vì “chỗ nào cũng có bảo vệ cầm chích điện.”
Anh N. không phải là người Việt Nam duy nhất bị lừa sang Campuchia làm việc với những lời quảng cáo về những công việc có mức lương hàng chục triệu đồng mà “chỉ ngồi trong phòng điều hòa”, được xem là loại hình lừa đảo việc làm và buôn người bị phanh phui trong vài tháng qua.
Hàng trăm người Việt đã tìm cách bỏ trốn khỏi những nơi họ làm việc dưới sự quản lý của chủ Trung Quốc. Hàng chục người trong số đó đã liều mạng bơi qua sông để về Việt Nam vào tháng trước, trong đó có người thiệt mạng.
Bà Đồng Thị Ngọc Nga cầm biển trên đường phố TPHCM để xin hỗ trợ tài chính để chuộc đứa con trai bị lừa sang làm việc cho chủ Trung Quốc ở Campuchia.
Anh N., 22 tuổi, biết được qua một người bạn về công việc “làm sale (bán hàng) trên máy tính” với mức lương 20-25 triệu/tháng ở Campuchia. N. cùng 1 nhóm bạn đến Phnompenh dù không có hợp đồng lao động và sau đó được đưa tới Sihanoukville, một thành phố biển của Campuchia hiện có nhiều sòng bạc và tòa nhà do chủ Trung Quốc xây dựng và quản lý.
N. bắt đầu biết mình bị lừa khi anh bị bán qua 2 công ty của Trung Quốc, thường không có tên, và cuối cùng bị đưa tới một khu vực gần biên giới của Campuchia với Thái Lan sau khi công ty này, theo lời anh N. nói, chuyển địa điểm để tránh cuộc truy quét của cảnh sát Campuchia đối với những cơ sở có lao động cưỡng bức.
Hơn 1 tháng sau khi anh N. tới làm việc tại Campuchia, Bộ Ngoại giao Việt Nam bắt đầu lên tiếng về tình trạng người Việt Nam bị cưỡng bức lao động tại quốc gia có chung đường biên giới phía tây với Việt Nam.
Công việc mà anh N. làm tại các công ty của chủ Trung Quốc là lừa đảo trên mạng qua các phần mềm ứng dụng.
“Làm lừa đảo. Những app (phần mềm ứng dụng) của (họ) đều liên quan đến game (trò chơi), chứng khoán, đầu tư, vay tiền,” anh N. nói về công việc mà anh bị buộc phải làm tại những công ty của chủ Trung Quốc ở Campuchia.
Anh N. và những người làm việc tại đây bị ra chỉ tiêu lượng khách hàng phải tìm và nhắn tin để dụ dỗ họ nhằm lừa tiền của khách hàng qua mạng.
“Không đạt được chỉ tiêu thì bị đánh, bị chích điện,” anh N. nói và cho biết “luật đỏ” của công ty còn cấm những người làm việc ở đây không được tiết lộ vị trí công ty và thông tin về các phần mềm làm việc tại đó. “Nếu mà (phạm luật) thì bị (họ) bán (cho công ty khác) hoặc bắn chết luôn.”
Công việc mà anh N. phải làm là tìm những người thành đạt trên mạng rồi dùng các tài khoản Facebook giả do công ty cung cấp để làm quen và tạo quan hệ, dụ dỗ họ tham gia vào các app đầu tư hay vay tiền do công ty tạo ra trước khi khóa tài khoản để họ không lấy được lại tiền.
“Họ bắt mình làm bên Việt Nam, phải đi lừa những người phụ nữ, thiệt là không muốn lừa,” anh N. nói. “Nhiều người một mình hoặc lớn tuổi hoặc mới sinh con nên mình không muốn lừa lọc người ta nhưng vì bị (chủ) ép nên chỉ nhắn tin với họ qua ngày chứ không dụ họ vào app (phần mềm lừa đảo).”
Sau 3 tháng làm việc, anh N. chỉ được trả 99 USD (khoảng 2,3 triệu đồng) vì hầu như không đạt chỉ tiêu. Anh N cho biết từng bị người quản lý Trung Quốc lôi vào phòng không có camera theo dõi để đánh. Anh từng chứng kiến bạn bè và những người làm cùng bị chích điện hoặc biệt giam trong phòng tối.
Những người làm việc tại đây ăn và ngủ trong cùng tòa nhà nơi “chỗ nào cũng có bảo vệ cầm chích điện” và không bao giờ được ra ngoài. Anh N. cho biết các tòa nhà bị hàn khung cửa sắt bên ngoài để tránh cho những người tìm cách bỏ trốn hoặc nhảy lầu tự tử.
Cơ hội để thoát ra khỏi nơi mà anh N. gọi là “nhà tù” đó là hầu như không có bởi phải trả một khoản tiền chuộc lớn, hoặc phải dụ được ít nhất hai người Việt Nam sang thay thế chỗ của anh làm việc tại đó. Có lúc anh N. nghĩ mình có thể không sống sót để trở về Việt Nam.
“(Họ) nói là ở bên đây là biển, là không có luật pháp. Ở đây là Campuchia chứ không phải Việt Nam (và) không có luật pháp gì hết,” anh N. nói về những người quản lý Trung Quốc dọa nạt trong lúc đánh hoặc bắt nhân viên làm việc tuân theo luật, thông qua một người phiên dịch. “Bây giờ tụi tao có giết mày thì cũng không ai biết.”
Nô lệ thời hiện đại
Tin tức về các trường hợp lừa đảo việc làm và cưỡng bức lao động của các băng nhóm buôn người được ghi nhận rộng rãi ở châu Á trong thời gian gần đây. Không chỉ Việt Nam, nhiều người từ Đài Loan, Hong Hong, Macau, Malaysia và thậm chí cả Trung Quốc và Nga cũng là những nạn nhân của các vụ lừa đảo việc làm tại Campuchia. Những nạn nhân này bị chủ thu giữ hộ chiếu và điện thoại, bắt phải làm những việc lừa đảo trên mạng, như tạo dựng tình cảm để lừa tiền ảo, đầu tư gian lận trực tuyến, hay tấn công lừa đảo qua thư điện tử, theo Tổ chức Chống lừa đảo Toàn cầu (GASO).
Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hợp Quốc về tình hình nhân quyền tại Campuchia, Vitit Muntarbhorn, mới đây nói rằng các nạn nhân của nạn buôn người bị lừa vào làm việc cho các công ty lừa đảo trực tuyến ở Campuchia. Trong một thông cáo báo chí đưa ra hôm 26/8, ông Muntarbhon cho biết các nạn nhân này phải trải qua một “địa ngục trần gian” vì thường xuyên bị tra tấn và thậm chí tử vong.
Shihanoukville, thành phố mà anh N. tới làm việc vào ngày 26/5, là nơi có chủ yếu các trường hợp lừa đảo công việc qua mạng được báo cáo trong thời gian gần đây. Có khoảng gần 100 sòng bài do người Trung Quốc làm chủ được xây dựng trong những năm qua, biến thành phố biển hoang sơ của Campuchia thành một thành phố sầm uất với sự hiện diện của người Trung Quốc.
Yu Tang, một phụ nữ Đài Loan, bị lừa tới làm việc ở Shihanoukville nói với The Guardian rằng cô phải làm việc trong một cơ sở hoạt động về lừa đảo qua điện thoại. Theo người phụ nữ, sau này được cảnh sát giải cứu, những người làm việc tại đây phải “tuyển mộ” được những người khác vào làm để thế cho khoản tiền chuộc 17.000 USD nếu muốn rời khỏi đó. Họ bị đánh đập hoặc chích điện nếu chống đối.
Trong khi đó, một nạn nhân người Malaysia, mà Channel News Asia phỏng vấn và đặt tên là Wong Sim Huat, cho biết đã bị lừa đến làm việc trong một cơ sở giống như sòng bài ở Campuchia, nơi mà người này cho biết có nhiều nhân viên đến từ Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan. Những người làm việc tại đây cũng bị ép buộc làm công việc lừa đảo trên mạng. Ông Wong cho biết ông bị chích điện khoảng 3 lần một tuần và bất cứ ai muốn rời khỏi nơi đó phải trả gần 12.000 USD tiền chuộc.
Món nợ tiền chuộc
Đối với anh N., để ra khỏi công ty của chủ Trung Quốc anh phải trả khoản tiền chuộc, được gọi là “đền bù hợp đồng”, lên đến 10.000 USD.
Với một thu nhập bấp bênh trong lúc cả gia đình phải sống trong một căn nhà đi thuê hàng chục năm qua ở một khu vực nghèo của TPHCM, gia đình anh sẽ không thể có hàng trăm triệu đồng để chuộc anh về.
Khi được hứa hẹn một công việc tốt ở Campuchia, anh N. đã “trốn gia đình” đi với mục tiêu “kiếm tiền về giúp bố mẹ thuê được căn nhà lớn hơn.”
Gia đình anh – gồm bố, mẹ, anh trai và em trai – đang sống trong một căn nhà thuê hơn 20 năm qua. Bố anh làm thợ hồ trong khi mẹ anh bán hàng nước còn anh trai mới mất việc do đại dịch COVID. Đứa em nhỏ của anh N. còn đang đi học. Theo như anh cho biết, trước khi đi Campuchia, mức lương vài triệu từ việc bán hàng trong một siêu thị ở TPHCM của anh chỉ giúp gia đình đủ trả tiền thuê nhà và trang trải ăn uống hàng tháng. Đó là lý do anh đã không suy nghĩ chín chắn trước khi nhận đi làm việc với lời dụ dỗ về một công việc có mức lương hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Anh N. đã không biết rằng mẹ anh phải “gạt bỏ mọi sĩ diện” cầm biển ra đường đứng để xin sự giúp đỡ của bất cứ ai miễn sao bà có thể có tiền chuộc được đứa con của mình về.
“Mỗi lần nhớ lại cảnh (đi xin) tôi lại rơi nước mắt,” bà Nga nói và cho biết dù gia đình đi báo công an và gửi đơn lên phường nhưng không hy vọng được chính quyền giúp đỡ. “Cha mẹ nào cũng vì con mình hết.”
Với khoản đóng góp của một số người sau khi thấy bà Nga xin tiền cứu con trai mình cùng với số tiền vay được từ người thân bà và nhóm của anh Lê Văn Phong, được biết là “Phong Bụi” trên Facebook với các hoạt động cứu giúp một số người Việt về từ Campuchia gần đây, bà Nga đã có được 230 triệu đồng để đi chuộc đứa con trai.
Nhờ sự trợ giúp của nhóm anh Phong, con trai bà, anh N., trở về nhà hôm 27/8.
Trong khoảng thời gian này, chính phủ Việt Nam nói đã đưa được khoảng 600 người Việt bị lừa sang làm việc cho các công ty của Trung Quốc ở Campuchia về nước và đang tiếp tục phối hợp với nhà chức trách Campuchia để giải cứu những người Việt còn đang bị lao động cưỡng bức ở đây. Thủ tướng Campuchia Hun Sen gần đây cũng đã chỉ đạo lực lượng an ninh nước này tiến hành rà soát và phá vỡ các đường dây buôn người tại đây.
Đối với bà Nga, dù phải vay nợ một khoản tiền lớn để chuộc con về, bà vẫn cảm thấy may mắn vì đón được con trai về trong lúc nhiều người không thể thoát ra khỏi những nơi đó.
Anh N. cho biết anh còn có những người bạn đang muốn thoát ra khỏi đó mà không thể. Giờ đây anh đi tìm việc làm lại để giúp gia đình trả khoản nợ hàng trăm triệu đồng.
(* Nhân vật không muốn tên được đăng tải đầy đủ vì lo ngại về an ninh cho những người bạn hiện còn đang làm việc trong công ty của chủ Trung Quốc ở Campuchia)