18 tháng 3 2024
BBC News
Vladimir Putin trả lời phỏng vấn tập đoàn truyền thông Rossiya Segodnya của Nga
Phát biểu sau chiến thắng áp đảo với hơn 87% phiếu bầu, bước vào nhiệm kỳ thứ năm, ông Putin hôm 18/3 tuyên bố nền dân chủ Nga minh bạch hơn phương Tây.
Nhưng trên thực tế thì không có ứng viên đối lập nào thật sự dành cho ông Putin, khi ba ứng viên khác trong cuộc bầu cử đều bị cho là nhân vật bù nhìn của Điện Kremlin.
Trả lời báo giới, ông Putin ca ngợi chiến dịch tranh cử tổng thống của Nga hiện đại hơn nhiều so với Mỹ, viện dẫn việc Nga sử dụng hệ thống bầu cử trực tuyến mà giới chức cho biết đã có tám triệu cử tri sử dụng.
"Hệ thống này minh bạch và hoàn toàn khách quan," ông Putin nói, "không giống như Mỹ với việc gửi phiếu bầu qua bưu điện... có thể mua phiếu bầu với giá 10 USD."
Cuộc bầu cử tổng thống Nga không bao giờ là một sân chơi bình đẳng. Điện Kremlin đã siết chặt hệ thống chính trị, truyền thông và các cuộc bầu cử.
Ứng viên từ Đảng Cộng sản Nga Nikolai Kharitonov chỉ nhận được hơn 4% số phiếu bầu, trong khi hai ứng viên còn lại thậm chí ít hơn.
Hàng triệu cử tri Nga đã đi bỏ phiếu cho nhiệm kỳ lần năm của ông Putin bởi vì họ không thấy có lựa chọn khả dĩ nào khác.
Vladimir Putin đã nắm quyền kể từ năm 2000, lâu hơn bất kỳ nhà lãnh đạo nào khác của Điện Kremlin kể thời nhà độc tài Xô Viết Joseph Stalin.
Bước vào nhiệm kỳ tổng thống lần năm, ở tuổi 71, khi tất cả bóng dáng phe đối lập của Vladimir Putin đã bị quét sạch và hầu như không thể ngăn khả năng ông ta tiếp tục nắm quyền đến tận năm 2036, nếu bản thân muốn.
Thế mà lúc đầu, việc một cựu sĩ quan ít được biết tới của cơ quan mật vụ Liên Xô (KGB) được Điện Kremlin "chọn mặt gửi vàng" hầu như là một chuyện ngẫu nhiên. Đây là một ví dụ về việc có mặt đúng nơi, đúng thời điểm trong nhóm thân cận của người tiền nhiệm Boris Yeltsin.
Vladimir Putin vốn là một cậu nhóc hay đánh nhau trên phố, lúc nhỏ sống tại một khu tập thể, còn gọi là kommunalka, ở thành phố Leningrad thời cộng sản.
Mặc dù tỏ ra ủng hộ một nước Nga tự do, dân chủ, Putin sau đó đã mô tả sự sụp đổ hỗn loạn của Liên Xô là "một thảm họa địa chính trị lớn nhất của thế kỷ [20]".
Quyết tâm ngăn chặn khả năng Ukraine rời khỏi tầm ảnh hưởng của Nga, Putin đã phát động một cuộc chiến tranh lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II, với cuộc xâm lăng toàn diện kể từ ngày 24/2/2022.
Quan điểm bóp méo về lịch sử của Putin
Putin thường biện minh cho hành động của mình với quan điểm lạ kỳ về lịch sử và sự phẫn nộ cực độ nhằm vào NATO.
Trước cuộc xâm lược Ukraine, và kể từ đó, Putin đã đưa ra những tuyên bố sai lệch rằng Ukraine là một nhà nước đầy rẫy những kẻ tân phát xít. Và Putin cũng tìm cách để ngăn chặn Ukraine đến gần NATO.
Nhà lãnh đạo phương Tây có thể được xem là người hiểu Putin nhất là cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel, người từng được biết đến khi mô tả Putin là không tiếp xúc với thực tại và sống "trong một thế giới khác".
Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) trong cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thành phố Dresden ở miền đông nước Đức vào ngày 10/10/2006
Bà Angela Merkel đã ra sức thương thảo với Vladimir Putin, nhưng sau khi ông ta đưa quân xâm lược Kyiv, bà đã đi đến kết luận rằng "Putin muốn hủy diệt châu Âu".
Vladimir Putin chào đời bảy năm sau khi Thế chiến II kết thúc - theo sau cuộc vây hãm thành phố Leningrad khiến người anh trai thiệt mạng và cha mẹ ông ta may mắn sống sót.
Putin đã có một tuổi thơ khó khăn và điều này đã tác động đến phần còn lại của cuộc đời ông ta.
'Phải ra đòn trước'
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2000, ông Putin nhớ lại lúc dồn được một con chuột lớn vào góc cầu thang khu tập thể.
Khi con chuột không còn cách thoát thân, Putin kể con chuột đó đã phản công và nhảy bổ vào ông: "Và, ngay ở chân cầu thang ấy, tôi đã nhanh chóng học được bài học để đời về ý nghĩa của hoàn cảnh 'bị dồn vào chân tường'."
Thanh niên Putin đã tham gia các vụ ẩu đả với mấy cậu con trai khác sống lân cận, thường to hơn và mạnh hơn. Về sau, khi nhìn lại quãng thời gian này, Putin tự gọi mình là "hooligan" (gã du côn).
Ông ta đã học judo và tập luyện lên tới đai đen trong thời gian làm tổng thống Nga. Ông ta cũng tập môn võ sambo của Nga và vẫn giữ quan hệ với những người bạn thuở nhỏ là Arkady và Boris Rotenberg.
Vào năm 2015, Putin nhớ lại những trải nghiệm đầu đời trên những đường phố hiện nay là thành phố St Petersburg: "50 năm trước, đường phố Leningrad đã dạy tôi một nguyên tắc: Nếu buộc phải đánh nhau, bạn phải ra nắm đấm trước."
Sau khi tốt nghiệp Đại học Quốc gia Leningrad, vào năm 1975, Putin vào cơ quan tình báo của Liên Xô (KGB). Đây là một bước đi tự nhiên đối với một sinh viên tốt nghiệp ngành luật và điều này phù hợp hoàn hảo với Putin.
"Tôi là một sản phẩm tinh túy và cực kỳ thành công của nền giáo dục yêu nước của Liên Xô," ông ta nhớ lại.
Tới thời điểm đó, Putin nói tiếng Đức tốt và được bổ nhiệm một vị trí tại thành phố Dresden thuộc Đông Đức vào năm 1985, nơi ông lần đầu chứng kiến sự sụp đổ của nhà nước cộng sản vào năm 1989.
Từ văn phòng KGB bên kia đường, Putin theo dõi theo đám đông xông vào chiếm lấy các trụ sở của Stasi, lực lượng cảnh sát mật vụ của Đông Đức. Khi một nhóm nhỏ tiến vào tòa nhà của Putin, ông ta đã cảnh báo họ lùi lại.
Nhưng khi gọi một đội xe tăng Hồng quân tới để bảo vệ, ông chợt nhận ra rằng nước Nga không giúp được gì: "Chúng tôi không thể làm bất kỳ chuyện gì mà không có mệnh lệnh từ Moscow. Còn Moscow thì im lặng."
Vào năm sau, Putin quay quay lại với một hệ thống chính trị đang rơi tự do. Ông ta được gắn hàm trung tá, nhưng không bao giờ tỏ ra là cá nhân xuất sắc trong KGB. Một trong những thượng cấp của Putin là Nikolai Leonov gọi Putin là một "điệp viên xoàng".
Cực kỳ kín kẽ, có rất ít người thân tín
Cho đến tận ngày nay, Putin vẫn giữ một nhóm nhỏ các đồng đội KGB từ thành phố Leningrad làm những người thân cận nhất - các đồng minh lâu năm của ông bao gồm Nikolai Patrushev, Thư ký Hội đồng An ninh Nga.
Putin xài họ không phải vì họ ưa nhìn, cựu huấn luyện viên judo của Putin là Anatoly Rakhlin nhớ lại, "mà bởi ông ấy tin tưởng những người đã chứng tỏ được bản thân".
Đối với những người mà Putin tin cậy, ông ta thường giúp họ giàu có hơn. Ông ta đã trao cho người bạn thuở thiếu thời Arkady Rotenberg một hợp đồng trị giá 3,5 tỷ USD để xây một cây cầu nối liền Nga với bán đảo Crimea.
Putin cũng cực kỳ kín kẽ về cuộc sống riêng tư của mình và đã li dị bà Lyudmila hồi năm 2013 sau 30 năm hôn nhân.
Họ có hai người con gái, được biết đến với tên Maria Vorontsova, làm trong lĩnh vực học thuật và kinh doanh, và Katerina Tikhonova, đứng đầu một quỹ nghiên cứu.
Khi Sobchak thất cử, vị phó thị trưởng của ông ta đã được săn đón để làm việc cho chính quyền tổng thống ở Moscow.
Đây là những năm tàn cuộc của chính quyền Tổng thống Boris Yeltsin và Putin bước vào thời kỳ thăng tiến thần tốc.
Ông Putin đã có một thời gian ngắn giữ chức Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, cơ quan thay thế KGB, và sau đó được yêu cầu báo cáo cho tổng thống với tư cách Thư ký Hội đồng An ninh.
'Siêu ứng viên tổng thống'
Vào ngày 9/8/1999, Yeltsin với sức khỏe đi xuống đã sa thải thủ tướng của mình, thay thế bằng một nhân vật thân tín, 46 tuổi ít được biết đến, người phụ trách giám sát các công cuộc cải cách trước thềm cuộc bầu cử tổng thống năm 2000.
Yeltsin khi đó cần có một người kế nhiệm.
"Putin đã cho thấy bản thân là một người theo chủ nghĩa tự do và dân chủ, muốn tiếp tục công cuộc cải cách thị trường," Valentin Yumashev thuật lại. Yumashev chính là người đã nói với Yeltsin rằng Putin sẽ là "một ứng viên siêu hạng".
Vào lúc vai trò tổng thống của ông Yeltsin tàn dần, Moscow đã hứng chịu một loạt vụ nổ bom chết chóc, không rõ nguyên nhân.
Vladimir Putin đã đáp trả bằng một cuộc tấn công trên bộ nhằm chiếm lại Cộng hòa Chechnya thuộc Nga với đa số dân theo đạo Hồi từ tay quân ly khai.
Uy tín của Putin tăng vọt và ngày 31/12/1999, ông ta đã được bổ nhiệm làm quyền tổng thống. Rồi ba tháng sau, Putin giành chiến thắng trong cuộc bầu cử để bước vào nhiệm kỳ đầu tiên.
Hàng ngàn thường dân đã thiệt mạng trong chiến dịch tại Chechnya và, như thường thấy, Vladimir Putiin đã sử dụng ngôn từ trần trụi nhất để mô tả cách mà ông ta "vào tận nhà vệ sinh" để quét sạch quân nổi dậy.
Thủ phủ Grozny bị tàn phá; nhà lãnh đạo Nga giành được chiến thắng của mình.
Putin lúc là quyền tổng thống bắt tay với một sĩ quan Nga và trao vật phẩm kỷ niệm là một con dao đi săn trong buổi lễ trao thưởng tại thị trấn Gudermes của Nga
Thách thức trong nước đầu tiên của Putin xuất hiện vào năm 2000, khi tàu ngầm hạt nhân Kursk bị chìm trong một vụ tại nạn ở Biển Barents khiến toàn bộ 118 thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng. Tổng thống Putin vẫn tiếp tục kỳ nghỉ và ban đầu đã từ chối lời đề nghị trợ giúp từ quốc tế. Nhiều thành viên thủy thủ đoàn đã chết trong lúc chờ được giải cứu.
Khán giả truyền hình đã được xem cảnh những phụ nữ đau đớn hét vào mặt tổng thống Nga.
Bốn năm sau, phiến quân Chechen đã bắt giữ 1.000 con tin, hầu hết là trẻ em, tại một ngôi trường ở thị trấn Beslan thuộc cộng hòa Bắc Ossetia thuộc Nga. Khi lực lượng đặc nhiệm Nga đột nhập vào tòa nhà, 330 người đã chết. Rồi sau đó xuất hiện thông tin rằng Nga đã có tin tức tình báo về vụ tấn công được lên kế hoạch này nhưng đã không hành động.
Những năm đầu nhiệm kỳ tổng thống của Putin đầy chết chóc và hỗn loạn, nhưng nền kinh tế Nga vẫn tốt nhờ vào giá dầu mỏ tăng cao.
Putin đã chiếm được sự ủng hộ của quần chúng thông qua việc đối đầu với các tài phiệt, những người đã tự tung tự tác tại Nga vào thập niên 1990.
Putin đã cho gọi những nhà tài phiệt này đến Điện Kremlin và nói với họ rằng họ có thể giữ tiền của mình miễn là không dính dáng đến chính trị và ủng hộ ông ta.
Putin đã nhanh tay xử lý những người bất tuân, chẳng hạn người giàu nhất nước Nga khi đó là Mikhail Khodorkovsky. Khodorkovsky đã bị bắt giữ trước mũi súng và bị giam tại Siberia.
Tổng thống Nga cũng có một tuần trăng mật với phương Tây. Ông ta là một trong những lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gọi điện cho Tổng thống Mỹ George W. Bush sau vụ tấn công của al-Qaeda nhằm vào Mỹ vào ngày 11/9/2001. Ông ta thậm chí cũng giúp Mỹ tiến hành chiến dịch sau đó tại Afghanistan.
"Tôi đã nhìn vào mắt người đàn ông này. Tôi thấy ông ta rất thẳng thắn và đáng tin," Tổng thống Bush nói.
Nhưng Vladimir Putin mau chóng trở nên bất mãn với Mỹ và các đồng minh của Washington.
Mối quan hệ với Anh trở nên xấu đi khi cựu điệp viên của KGB và là người chỉ trích Điện Kremlin Alexander Litvinenko bị ám sát tại London bằng chất phóng xạ polonium-210.
Một cuộc điều tra của Anh ra kết luận nhà lãnh đạo Nga "có thể đã phê chuẩn" cuộc tấn công này.
Trong Hội nghị An ninh Munich hồi năm 2007, ông Putin đã cho phía Mỹ thấy rõ phản ứng của mình.
Đây là một lời gợi nhắc lạnh lẽo về Chiến tranh Lạnh và thể hiện sự giận dữ của Nga rằng Mỹ đang tiếp tục lên kế hoạch cho một hệ thống tên lửa phòng không ở Trung Âu.
"Những viên đá của Bức tường Berlin đã từ lâu trở thành vật phẩm lưu niệm... Thế mà giờ đây họ lại đang tìm cách thiết lập những lằn ranh chia rẽ mới và bức tường ngăn cách chúng ta," Putin nói.
Putin phô diễn sức mạnh quân sự
Putin không mất nhiều thời gian để cho thấy ông ta đã sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự để gây tổn hại đối với các nhà lãnh đạo thân phương Tây ở các quốc gia từng thuộc Liên Xô.
Năm 2008, quân Nga đã đánh bại quân Georgia và chiếm hai vùng ly khai Abkhazia và Nam Ossetia. Đây là những cuộc xung đột mang tính chất rất cá nhân giữa Putin với Tổng thống thân NATO khi đó của Georgia là Mikheil Saakashvili.
Vladimir Putin, thời điểm đó đang giữ chức Thủ tướng Nga, và Hiến pháp Nga không cho phép ông ta làm tổng thống nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp, nhưng rõ ràng là Putin vẫn nắm quyền lực trong tay.
Ngày nay, vấn đề này không còn tồn tại nữa. Putin đã thông qua luật sửa đổi năm 2021, xóa bỏ mọi hạn chế, đồng nghĩa Putin có thể bước vào nhiệm kỳ năm và thậm chí là đến sáu nhiệm kỳ tổng thống.
Nước Nga vào năm 2024 rất khác với một nước Nga bất kham trong khoảng thời gian trước nhiệm kỳ lần ba của Putin.
Dập tắt phản kháng tại Nga
Năm 2011, những cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ đã nổ ra tại các thành phố lớn của Nga sau cáo buộc gian lận trong bầu cử Quốc hội.
Trong số những người đứng đầu các cuộc biểu tình có Boris Nemtsov, cựu phó Thủ tướng Nga theo đường lối tự do vào những năm 1990. Một nhân vật nổi bật khác là blogger chống tham nhũng Alexei Navalny, người gọi Đảng nước Nga Thống nhất của Putin là "đảng của những tên lừa đảo và trộm cắp".
Giờ đây, sự chống đối thực sự hầu như đã bị triệt tiêu.
Nemtsov bị bắn chết trên một cây cầu gần Điện Kremlin hồi năm 2015. Navalny đã sống sót sau một cuộc tấn công bằng chất độc thần kinh vào năm 2020, trước khi bị tống vào tù hồi tháng 1/2021 và chết ba năm sau đó. Vợ của ông cáo buộc Vladimir Putin tội giết người.
Putin đã giành được sự ủng hộ của Giáo hội Chính thống và ông ta đã xây dựng một lực lượng Vệ binh Quốc gia, còn gọi là Rosgvardiya, chịu trách nhiệm báo cáo trực tiếp cho ông ta.
Hành động phản kháng công khai trở nên héo hắt. Những tội danh mới được tạo ra nhằm vào những người nói xấu quân đội và lan truyền tin giả được sử dụng rộng rãi nhằm bịt miệng giới bất đồng.
Truyền thông Nga hầu như bị Điện Kremlin kiểm soát và bị tận dụng trong cuộc chiến tranh toàn diện của Nga nhằm vào Ukraine.
Putin đã đối mặt với một cuộc binh biến ngắn vào tháng 6/2023, khi cựu thủ lĩnh lính đánh thuê trung thành Yevgeny Prigozhi đưa quân tiến về phía Moscow. Cuộc binh biến đã bị dập tắt và Prigozhin sau đó chết trong một vụ tai nạn máy bay bí ẩn.
Khoảng 40% mức chi tiêu ngân sách năm 2024 dành cho quốc phòng và an ninh, khi Tổng thống Putin huy động phần lớn nền kinh tế để phục vụ cho cỗ máy chiến tranh.
Chiến tranh Ukraine
Cuộc chiến tranh Ukraine bùng phát, không phải vào tháng 2/2022, mà từ khi Nga chiếm đóng bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014.
Đêm mà lãnh đạo thân Moscow (Viktor Yanukovych) của Ukraine chạy thoát khỏi các cuộc biểu tình bạo lực bùng phát tại Kyiv, và chính thức bị lật đổ, Tổng thống Nga tuyên bố đã tổ chức một cuộc họp kéo dài nguyên đêm và nói với những người có mặt rằng đã đến lúc "đưa Crimea trở lại nước Nga".
Lực lượng thân Nga sau đó đã chiếm các khu vực lãnh thổ rộng lớn tại vùng Donbas của Ukraine và cuộc chiến tranh ở miền đông Ukraine đã kéo dài 8 năm - cho đến khi Putin quyết định sẽ xâm lược Ukraine từ phía bắc, nam và đông để lật độ chính phủ được bầu lên của Ukraine và chiếm Kyiv, trong cuộc xâm lược hồi năm 2022.
Ông ta đã luôn tìm cách biện minh cho cuộc chiến tranh. Putin đã có cái bài viết dài về lịch sử, phát biểu và rao giảng cho một số ít khách nước ngoài. Nhưng đó là một dạng thức lịch sử mang tính lựa chọn, bị bóp méo và áp đặt.
Các nhóm hoạt động vì quyền dân sự như Memorial, vốn đã dành hàng thập kỷ để vinh danh những nạn nhân bị Liên Xô đàn áp, đã bị đóng cửa.
Đồng chủ tịch của nhóm này, cựu binh Oleg Orlov chịu án tù giam vì đã mô tả kỷ nguyên của Putin như sau: "Họ muốn có chủ nghĩa phát xít, giờ thì đã có được."