Thời Sự

'Tin xấu với nhân quyền' tại Việt nam

Ông Nguyễn Xuân Phúc từ chức, ai thay thế: Bình luận từ truyền thông quốc tế

18 tháng 1 2023

BBC

Truyền thông quốc tế ngày 18/1 tràn ngập các bài bình luận quanh sự kiện ông Nguyễn Xuân Phúc thôi chức chủ tịch nước ngay trước thềm Tết Nguyên Đán 2023.

Trong bài báo nhan đề "Việt Nam đang mất đi sự hấp dẫn của một đất nước với giới lãnh đạo ổn định, có năng lực" đăng trên Nikkei Asia, giáo sư về an ninh chiến lược tại National War College, Washington, ông Zachary Abuza, viết:

"Ông Phúc được coi là một trong hai ứng cử viên hàng đầu được chọn để kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng làm tổng bí thư Đảng Cộng sản. Nhưng Trọng đã nghi ngờ ông ta do lập trường thân phương Tây và chủ nghĩa thực dụng trong chính sách của ông, cũng như các lợi nhuận từ đại công ty của gia đình ông."

Còn theo một bài viết trên The Guardian, "Sự ra đi đột ngột của ông Phúc là một động thái bất thường ở nước cộng sản Việt Nam, nơi những thay đổi chính trị thường được dàn dựng cẩn thận, chú trọng vào sự ổn định đầy thận trọng."

The Guardian dẫn lời ông Lê Hồng Hiệp, một thành viên tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, rằng việc ông Phúc từ chức cũng có thể liên quan đến đấu đá chính trị.

Thời kỳ bất ổn của VN làm nản lòng nhà đầu tư

Bài viết trên Nikkei Asia chỉ ra rằng kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng với tốc độ chóng mặt 8% vào năm ngoái, có thể là nhanh nhất ở châu Á. Tuy nhiên "nền chính trị ổn định khiến Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài đang bị đặt dấu hỏi trong bối cảnh cuộc cải tổ chưa từng có trong Bộ Chính trị và các cơ quan lãnh đạo khác."

"Hà Nội nên ý thức rằng có nhiều nước sẵn sàng trải thảm đỏ cho các nhà đầu tư hiện đóng vai trò quan trọng đối với thành tích kinh tế của đất nước," tác giả viết.

Ông Zachary Abuza bình luận rằng những người như ông Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam là 'những nhà kỹ trị thực dụng quyết tâm đưa Việt Nam vào quỹ đạo kinh tế vĩ mô ổn định" nhưng cũng có nhiều kẻ thù.

Ông Hà Hoàng Hợp, một thành viên cấp cao của Viện ISEAS-Yusof Ishak tại Singapore, được Reuters dẫn lời, cũng cho rằng sự ra đi của ông Phúc có thể khiến các nhà đầu tư lo lắng.

"Điều này có thể dẫn Việt Nam đến một thời kỳ bất ổn khiến bạn bè và nhà đầu tư nước ngoài lo lắng," ông Hợp nói với Reuters.

Tuy nhiên, một ý kiến khác từ ông Lê Hồng Hiệp, cũng là thành viên của Viện ISEAS-Yusof Ishak tại Singapore, thì cho rằng: "Chừng nào việc cải tổ lãnh đạo không dẫn đến những thay đổi chính sách triệt để, thì tác động của chúng đối với nền kinh tế cũng sẽ bị hạn chế," Reuters dẫn lời ông Hiệp viết trên Facebook cá nhân.

Bộ trưởng công an Tô Lâm sẽ lên thay?

Dự đoán về người thay ông Phúc làm chủ tịch nước, giáo sư Zachary Abuza viết trên Nikkei Asia:

"Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm... có vẻ sẽ thay thế ông Phúc làm chủ tịch nước."

"Như vậy có nghĩa hai vị trí trong tứ trụ của Việt Nam sẽ do các cựu quan chức công an nắm giữ."

Và "nếu ông bộ trưởng công an mới được bầu vào Bộ Chính trị thì, như một thông lệ lịch sử, sáu trong số 17 thành viên của cơ quan này sẽ là những công an kỳ cựu. Đây sẽ là sự thâu tóm thể chế và là dấu hiệu cho thấy sự bất an của chế độ," ông Zachary Abuza phân tích.

'Tin xấu với nhân quyền'

Bình luận trên BBC News, nhà báo Jonathan Head viết:

Tìm hiểu chính trị Việt Nam luôn luôn khó khăn - Đảng Cộng sản luôn đưa ra quyết định của mình đằng sau cánh cửa đóng kín.

Nhưng Tổng Bí thư theo đường lối cứng rắn Nguyễn Phú Trọng, người đã được trao nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tại đại hội đảng năm ngoái, dường như đang củng cố quyền lực của mình bằng cách lật đổ các quan chức cấp cao được coi là thân phương Tây và ủng hộ các doanh nghiệp hơn.

Tất cả những việc này đều xảy ra dưới danh nghĩa chống tham nhũng, một vấn nạn ở Việt Nam, nhưng nó cho thấy một cuộc đấu tranh quyền lực ở cấp cao nhất của đảng không cho phép bất cứ ai thách thức quyền lực độc tôn của đảng.

Sự kiện này không có khả năng thay đổi quỹ đạo chung của Việt Nam, với trọng tâm vẫn là khuyến khích đầu tư nước ngoài để theo kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế chóng mặt, và ào việc định hướng con đường ngoại giao mong manh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Nhưng khả năng các quan chức - những người ưu tiên vấn đề an ninh - lên nắm các vị trí hàng đầu của đảng hiện nay có thể sẽ là một tin xấu đối với nhân quyền và đối với một số ít người Việt Nam đủ dũng cảm để chỉ trích đảng.

 
© 2001 by Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam. All Rights Reserved.Chính Việt xin đón nhận mọi ý kiến xây dựng và bài vở, xin email về baochinhviet@gmail.com

Search