Mất thân nhân vì COVID, dân phẫn nộ với cách chống dịch của Trung Quốc
Hành khách qua điểm xét an ninh tại lối vào một nhà ga nhân dịp Tết Nguyên Đán ở Trung Quốc.
Cựu giáo viên trung học Ailia tuyệt vọng khi bố cô 85 tuổi tử vong với những triệu chứng COVID trong lúc dịch quét qua Giang Tây. Dù bố cô không bao giờ được xét nghiệm COVID, nhưng cô và mẹ đều dương tính COVID cùng thời điểm và cô tin rằng COVID là nguyên nhân khiến bố mình thiệt mạng.
Trong lúc hàng trăm triệu người Trung Quốc đang đổ xô về quê để đoàn tụ ăn Tết, nhiều người sẽ về quê sau khi đưa tang thân nhân chết vì COVID trong đợt dịch đang hoành hành khắp dân số lớn nhất thế giới này.
Nhiều người phẫn nộ vì họ nói chính phủ không có sự chuẩn bị để bảo vệ người già trước khi Trung Quốc đột ngột bỏ chính sách zero-COVID hồi tháng 12 năm ngoái sau ba năm xét nghiệm, hạn chế đi lại, và phong tỏa gắt gao.
Ailia, 56 tuổi, nói như nhiều người Trung Quốc khác, cô cũng ủng hộ việc mở cửa lại nền kinh tế. Cha của cô chết cuối tháng 12, vài tuần sau khi Trung Quốc bỏ quy định nghiêm ngặt chống COVID.
“Chúng tôi muốn mở cửa trở lại nhưng không phải như cách này, không phải trả giá bằng sinh mạng của nhiều người già vốn ảnh hưởng rất lớn với từng hộ gia đình.”
Hôm thứ Bảy, Trung Quốc loan báo có gần 60 ngàn ca tử vong trong bệnh viện liên quan tới COVID kể từ khi kết thúc chính sách zero-COVID, tăng cao gấp mười lần các con số trước đó. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quốc tế nói đây là báo cáo dưới mức, một phần vì không tính tới những người chết tại nhà, như bố của cô Ailia.
Trong số tử vong vừa kể, 90% là người trên 65 tuổi và độ tuổi trung bình là trên dưới 80, một quan chức cho hay.
Những nhược điểm được nhắc tới có việc chưa tiêm chủng thích hợp cho người già và thiếu nguồn cung thuốc trị liệu.
Một số nhà phân tích cho rằng cách Trung Quốc xử lý COVID làm xói mòn lòng tin của dân chúng vào chính phủ, nhưng họ không cho rằng đó là mối đe dọa cho sự cai trị của đảng cộng sản hay của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Hấp tấp và hỗn loạn
Lila Hong, 33 tuổi, làm việc trong một hãng sản xuất ô tô, có mặt tại Vũ Hán khi đại dịch khởi phát cách đây ba năm. Dù gia đình cô thoát chết trong giai đoạn thập tử nhất sinh ban đầu khi mà người ta chưa biết gì về COVID, nhưng tháng rồi cô đã mất ông bà và một ông cậu vì COVID.
Cô nhớ lại cảnh cùng cha tới một nhà thiêu đông kín người ở Vũ Hán để lấy cốt ông bà về.
“Tôi không nói mở cửa lại là không tốt, nhưng tôi nghĩ họ lẽ ra đã nên dành nhiều thời gian để sắp xếp chuẩn bị,” cô nói.
Một cư dân Bắc Kinh họ Zhang, 66 tuổi, cho biết ông mất bốn người trong gia đình vì COVID kể từ đầu tháng 12 tới nay. Ông cho hay cũng giống như bao người, quá trình lo hậu sự cho thân nhân ông diễn ra hấp tấp, hỗn loạn, bỏ qua các tập tục truyền thống.
“Người ta không có cơ hội nói lời tiễn biệt với thân nhân. Nếu ta không thể có cuộc sống tử tế, thì ít nhất phải có được một cái chết tử tế chứ,” ông nói. “Thật là buồn.”
Thâm hụt lòng tin
Trong số bảy gia đình Reuters phỏng vấn trong bài phóng sự này, sáu gia đình cho biết COVID không được ghi trên giấy chứng tử của thân nhân họ mặc dù họ tin đó là nguyên nhân chính gây tử vong.
Thân nhân những người thiệt mạng cũng hoài nghi về số tử vong mà chính phủ báo cáo, nhiều người nói đã mất lòng tin vào chính phủ trong ba năm zero-COVID.
Philip, sinh viên từ Hà Bắc 22 tuổi, ủng hộ các cuộc biểu tình phản đối phong tỏa hồi tháng 11 nhưng nói rằng anh cảm thấy thất vọng trước cách mở cửa trở lại kiểu này.
“Xem như họ có toàn bộ quyền lực trên thế giới này nhưng họ lại không làm tốt. Nếu là một tổng giám đốc của một công ty thì tôi nghĩ nên từ chức đi,” anh Philip nói và cho biết anh mất người ông 78 tuổi vào cuối năm.
“Bệnh viện không có thuốc hiệu quả, rất đông, không đủ giường nằm.”
Sau khi ông của Philip qua đời, thi thể ông ấy nhanh chóng được đưa đi để nhường chỗ cho bệnh nhân khác.
“Các y tá và bác sĩ rất bận. Họ dường như liên tục viết giấy chứng tử và phát cho thân nhân. Có rất nhiều người chết…quả là một thảm kịch rất lớn,” Philip nói.