Thời Sự

FBI bắt giữ hai công dân gốc Trung Quốc liên quan đến 'đồn cảnh sát' ở New York

FBI bắt giữ hai công dân gốc Trung Quốc liên quan đến 'đồn cảnh sát' ở New York

 

Hình phác họa ông Lục Kiến Vương, 61 tuổi và ông Trần Cận Bình, 59 tuổi trong phiên nghe công bố cáo trạng tại tòa án quận Brooklyn, New York vào ngày 17/04

BBC

Các công tố viên Mỹ đã bắt giữ hai người đàn ông ở New York với cáo buộc vận hành một "đồn cảnh sát bí mật" của Trung Quốc tại khu vực Chinatown ở quận Manhattan.

Lục Kiến Vương, 61 tuổi và Trần Cận Bình, 59 tuổi, đều là công dân thành phố New York, bị cáo buộc có âm mưu làm điệp viên cho Trung Quốc và tội cản trở công lý.

Hai người sẽ bị xét xử tại tòa án liên bang ở Brooklyn vào ngày thứ Hai 24/04.

Trung Quốc trước đó đã bác bỏ việc vận hành những đồn cảnh sát này, và gọi đây là "những trung tâm dịch vụ" dành cho công dân Trung Quốc ở nước ngoài.

Ông Lục ở quận Bronx và ông Trần ở quận Manhattan đã cùng thành lập một đồn cảnh sát đầu tiên ở nước ngoài tại Mỹ trên danh nghĩa của Bộ Công an Trung Quốc, theo cáo buộc của Bộ Tư pháp Mỹ hôm thứ Hai 17/04.

Đồn cảnh sát này bị đóng cửa vào mùa thu năm 2022, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, sau khi các đối tượng liên quan biết FBI đang tiến hành điều tra.

"Việc truy tố này cho thấy sự vi phạm trắng trợn của chính phủ Trung Quốc đối với chủ quyền quốc gia của chúng ta thông qua thiết lập một đồn cảnh sát bí mật ngay giữa lòng thành phố New York," Breon Pearce, Tổng chưởng lý Quận Đông New York cho biết.

Các đồn cảnh sát này được cho nằm trong số ít nhất 100 đồn đang hoạt động tại 53 quốc gia trên khắp thế giới, bao gồm Anh và Hà Lan. Vào tháng rồi, cảnh sát liên bang Canada cũng công bố một cuộc điều tra nhằm vào hai địa điểm tại khu vực Montreal được cho là đồn cảnh sát của Trung Quốc.

"Các hành động của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vượt xa ranh giới về cách hành xử có thể chấp nhận được của một quốc gia nhà nước. Chúng tôi kiên quyết bảo vệ sự tự do của những người sống trong nước chống lại mối đe dọa từ sự đàn áp độc tài," trợ lý bộ trưởng, Matthew Olsen, từ bộ phận An ninh Quốc gia của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết.

Theo các nhà công tố, ông Lục có mối liên hệ chặt chẽ với giới thực thi luật pháp của Trung Quốc, và tham gia nhằm giúp Trung Quốc trong "các hoạt động mang tính trấn áp" tại Mỹ bắt đầu vào năm 2015, bao gồm việc quấy rối những nhân vật bất đồng chính kiến Trung Quốc.

Vào năm 2018, ông ta bị cáo buộc tham gia nỗ lực ép một người Trung Quốc - được cho đào tẩu - trở về nước, bao gồm nhiều lần quấy rối và đe dọa người này và gia đình anh ta, khi đó đang sống tại Trung Quốc và Mỹ. Và các công tố viên cho biết ông Lục cũng tham gia vào việc xác định vị trí của một nhà hoạt động ủng hộ dân chủ tại Trung Quốc. Ông Lục đã bác bỏ các hành động này trước giới chức Mỹ.

Ông Lục và ông Trần đã bị giới chức Mỹ thẩm vấn vào tháng 10/2022, khi FBI hoàn tất việc khám sát đồn cảnh sát tình nghi này. Điện thoại của họ đã bị thu giữ và cả hai người đàn ông thừa nhận đã xóa liên lạc với một quan chức thuộc Bộ Công an Trung Quốc, người bị cáo buộc ra mệnh lệnh cho hai người này tại Mỹ, theo cáo buộc từ các công tố viên.

Nếu bị kết tội, ông Lục và ông Trần có thể đối mặt đến mức án 25 năm tù giam.

 

"Việc truy tố này cho thấy sự vi phạm trắng trợn của chính phủ Trung Quốc đối với chủ quyền quốc gia của chúng ta thông qua thiết lập một đồn cảnh sát bí mật ngay giữa lòng thành phố New York," Breon Pearce, Tổng chưởng lý Quận Đông New York cho biết.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ và Canada cho biết các địa điểm này là "những trạm dịch vụ ở nước ngoài" được mở trong suốt thời kỳ đại dịch nhằm hỗ trợ các công dân ở nước ngoài trong việc làm mới bằng lái xe và các vấn đề tương tự.

Thế nhưng các nhóm nhân quyền đã cáo buộc Trung Quốc sử dụng những đồn này nhằm đe dọa và giám sát công dân Trung Quốc ở nước ngoài.

Hồi tháng rồi, lực lượng liên bang của Canada đã yêu cầu một số người Canada gốc Trung Quốc là mục tiêu của các "đồn cảnh sát Trung Quốc" ra trình diện.

"Chúng ta đang trong tiến trình đảm bảo rằng Lực lượng Cảnh sát Liên bang Canada đang theo dõi vấn đề và các hệ thống tình báo của chúng ta đang xem xét nghiêm túc vấn đề này," Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói.

Giám đốc FBI, Christopher Wray tuyên bố hồi tháng 11/2022 rằng cơ quan của ông đang theo dõi báo cáo về các đồn cảnh sát như vậy, và gọi đây là "một vấn đề thật sự".

"Đối với tôi, thật sốc khi nghĩ rằng cảnh sát Trung Quốc cố thiết lập cơ sở, bạn biết đó, tại New York chẳng hạn, mà không có sự phối hợp đúng cách," ông Wray nói. "Điều này vi phạm chủ quyền và lợi dụng kẽ hở trong các quy trình phối hợp giữa cơ quan tư pháp và lập pháp mang tính chuẩn mực."

Trong một bản khiếu nại riêng do giới chức Mỹ công bố hôm thứ Hai 17/04, 34 quan chức của Bộ Công an Trung Quốc đã bị cáo buộc sử dụng tài khoản mạng xã hội giả mạo để xâm hại một số nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc tại Mỹ và gieo rắc thông tin tuyên truyền của chính phủ Trung Quốc.

Các công tố viên cũng cho biết tất cả những người bị cáo buộc thuộc một lực lượng đặc nhiệm cấp cao được biết đến với tên gọi 912 Special Project Working Group (Nhóm Công tác Dự án Đặc biệt 912), có mục đích "nhắm đến các nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc ở khắp nơi trên thế giới, bao gồm tại Mỹ".

"Như cáo buộc, chính phủ Trung Quốc đã sử dụng cảnh sát quốc gia và Nhóm Công tác Dự án Đặc biệt 912 không phải như là một công cụ để thượng tôn pháp luật và bảo vệ sự an toàn cho người dân, mà thay vào đó là để nhằm tấn công những người đang sống tại quốc gia chúng ta, đang thực thi quyền tự do ngôn luận," Breon S. Peace, Tổng chưởng lý Quận Đông New York tuyên bố.

Tất cả 34 bị cáo này đều được cho sống tại Trung Quốc hoặc nơi khác ở châu Á.

 
 
© 2001 by Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam. All Rights Reserved.Chính Việt xin đón nhận mọi ý kiến xây dựng và bài vở, xin email về baochinhviet@gmail.com

Search