Trung Quốc thẳng tay đàn áp giới bất đồng bất chấp Phương Tây kịch liệt lên án
14 tháng 5 năm 2023
Reuter
Dù bị Mỹ và Phương Tây ngày càng lên án kịch liệt về các chiến dịch nhằm gây áp lực đối với giới bất đồng chính kiến ở nước ngoài, thế nhưng Bắc Kinh dường như không tỏ ra chùn bước, theo phân tích từ Reuters.
Giới chức tại Mỹ, Canada và Anh và các nước khác gần đây đã thực thi lập trường cứng rắn, bao gồm trục xuất, truy tố, bắt giam và điều tra về các chiến dịch của Trung Quốc, mà họ cho rằng nhằm làm những tiếng nói chỉ trích Bắc Kinh sợ hãi và theo dõi các quan chức bị cáo buộc tham nhũng đang sinh sống ở nước ngoài.
Trong số các chiến thuật của Bắc Kinh bị Phương Tây cáo buộc bao gồm đe dọa, xâm hại trên mạng và tiến hành các hoạt động bí mật ngay trên lãnh thổ nước ngoài nhằm truy lùng những nhà hoạt động ủng hộ dân chủ.
Trung Quốc đã cứng rắn bác bỏ và tiến hành những động thái trả đũa trong khi rõ ràng xem thường bất kỳ những tổn thất nào trong mối quan hệ ngoại giao, đồng thời đặt cược thương mại sẽ có thể giải quyết tình hình. Đây là một tín hiệu, mà theo các chuyên gia nhận định, cho thấy Trung Quốc không có ý định khoan nhượng.
"Một Bắc Kinh muốn khẳng định vị thế, đang ngày càng trở nên hung hãn hơn với các chiến dịch nhằm gây ảnh hưởng ở nước ngoài," Isaac Stone Fish, nhà sáng lập và CEO của Strategy Risks, một công ty tư vấn rủi ro chính trị tại Trung Quốc cho các doanh nghiệp nhận định.
Căng thẳng mới nhất xoay quanh việc Canada trục xuất một nhà ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Hai 08/05 liên quan đến các cáo buộc người này đã cố gắng đe dọa một nhà lập pháp người Canada, vốn có tiếng nói chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc.
Chỉ trong vài giờ sau, Bắc Kinh đã đáp trả bằng việc lệnh một nhà ngoại giao Canada ở Thượng Hải phải rời khỏi quốc gia này, điều mà Bắc Kinh gọi Ottawa đã có "những hành động phi lý".
Trấn áp 'đồn cảnh sát'
Diễn biến mới xuất hiện trong bối cảnh Canada, Mỹ và một vài quốc gia châu Âu gần đây đã trấn áp điều mà họ xem là những đồn cảnh sát bí mật của Trung Quốc ở nước ngoài nhắm đến giới bất đồng chính kiến và những người bị Bắc Kinh cáo buộc "phạm tội tài chính" bao gồm áp giải một số người Trung Quốc ở nước ngoài về nước.
Chính phủ Trung Quốc đã tranh cãi về sự tồn tại của những cơ sở như vậy nhưng cho biết cũng có những trung tâm do các tình nguyện viên vận hành bên ngoài Trung Quốc để giúp các công dân của họ gia hạn giấy tờ và cung cấp các dịch vụ khác.
Thế nhưng Mỹ tin rằng những giải thích như vậy thiếu độ tin cậy, theo một người ở Washington nắm vấn đề cho hay, đồng thời cho biết chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ không nương tay trong nỗ lực triệt tiêu các chiến dịch gây áp lực của Trung Quốc.
Bộ Tư pháp Mỹ cũng đã tăng cường các cuộc điều tra nhằm vào vấn đề mà Washington gọi là "sự đàn áp xuyên quốc gia" do các đối thủ của Mỹ tiến hành như Trung Quốc, thuộc nỗ lực gia tăng nhận thức đối với những người có thể trở thành nạn nhân.
Và không lâu sau khi chính quyền Mỹ bắt giữ hai người với cáo buộc có liên quan đến một "đồn cảnh sát bí mật" của Trung Quốc ở New York hồi tháng rồi, một quan chức Mỹ nói quốc gia này đang tham gia vào một "nỗ lực sâu rộng" với các đối tác quốc tế nhằm đối phó với các chiến dịch gây sức ảnh hưởng từ Trung Quốc.
Nhiều hành động của Trung Quốc diễn ra ở nước ngoài, từ "các đồn cảnh sát" cho đến các nỗ lực để bịt miệng những tiếng nói chỉ trích, bắt nguồn từ mối trọng tâm nặng nề của Chủ tịch Tập Cận Bình dành cho nền an ninh quốc gia, bao gồm chiến dịch đang diễn ra nhằm loại trừ nạn tham nhũng trong Đảng Cộng sản Trung Quốc và những quan ngại về bất ổn tại Tân Cương.
Thế nhưng những động thái của Bắc Kinh đang làm gia tăng căng thẳng khi mối quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc xuống đến mức thấp nhất trong hàng thập kỷ qua, liên quan đến một loạt các vấn đề từ Đài Loan đến công nghệ.
"Một số là từ cảm nhận của Trung Quốc cho rằng quốc gia này cần và có thể hành động bên ngoài lãnh thổ để giải quyết điều mà Bắc Kinh cho rằng là các mối đe dọa đến sự ổn định trong nước," Jon Bateman, nhà nghiên cứu cấp cao từ Carnegie Endowment for International Peace ở Washington cho biết. "Nhưng họ đang thực hiện điều này theo một cách mang tính rất hung hãn, coi thường các chuẩn mực quốc tế."
Lưu Bằng Vũ, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington trong một tuyên bố cho biết: "Trung Quốc đã luôn theo con đTác động thương mạiường phát triển hòa bình... nhân viên ngoại giao và lãnh sự của Trung Quốc luôn tuân thủ các công ước quốc tế và luật pháp nước sở tại khi thực thi nhiệm vụ của mình."
Tác động thương mại
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington không phản hồi ngay lập tức trước yêu cầu bình luận từ Reuters.
Việc Canada trục xuất nhà ngoại giao Trung Quốc Triệu Nguy xuất hiện sau khi có thông tin tình báo với cáo buộc ông ấy đã nhắm đến một nhà lập pháp người Canada vì đã có tiếng nói chỉ trích cách Trung Quốc đối xử với cộng đồng thiểu số người Uyghur theo đạo Hồi.
Các căng thẳng ngoại giao giữa Bắc Kinh và Ottawa đã gia tăng kể từ sau khi Canada bắt giữ Giám đốc Điều hành Tập đoàn Huawei, bà Mạnh Vãn Chu hồi năm 2018 và sau đó Bắc Kinh bắt giữ hai người Canada với cáo buộc gián điệp, điều mà Canada đã thẳng thừng bác bỏ. Cả ba nhân vật này đều được trả tự do vào năm 2021.
Sarah Kreps, Giám đốc Viện Tech Policy Institute thuộc Đại học Cornell nói một lý do Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy các chiến dịch gây ảnh hưởng là vì tin rằng Mỹ không thể trả đũa theo cách có thể gây rủi ro đến mối quan hệ vốn đã xấu đi với Trung Quốc.
Hơn nữa dường như Trung Quốc đã có tính toán rằng, với vai trò là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Bắc Kinh có thể vượt qua bất kỳ sự tổn hại về uy tín toàn cầu và tránh được bất kỳ những tác động quan trọng nào đối với mối quan hệ thương mại liên quan đến những hoạt động mà họ cho rằng chỉ vì lợi ích quốc gia.
Bất chấp những màn trả đũa ngoại giao mới nhất giữa Trung Quốc và Canada, "tôi không nghĩ bạn có thể nói rằng những hành động cụ thể này đang đe dọa đến mối quan hệ kinh doanh," Sarah Kutulakos, Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Canada-Trung Quốc (Canada China Business Council) cho biết.
Ví dụ hồi năm ngoái, Bắc Kinh đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu mặt hàng hạt cải dầu, kéo dài ba năm của Canada, được ban bố theo sau vụ bà Mạnh bị bắt giữ. Trung Quốc cũng là quốc gia nhập khẩu chính mặt hàng Potassium carbonat (K2CO3) và lúa mì của Canada.
Thế nhưng một số nhà phân tích cho rằng việc Trung Quốc ngày càng tập trung vào nền an ninh quốc gia và gia tăng màn đối đầu với Mỹ đã đe dọa đến việc quốc gia này tham gia trở lại cùng với thế giới sau ba năm đóng cửa biên giới vì Covid và phát đi tín hiệu mở cửa đối với lĩnh vực kinh doanh.