Việt Nam, Philippines đồng ý làm việc về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông
Phái đoàn ngoại giao Philippines và Việt Nam tham dự hội đàm trong khuôn khổ Nhóm công tác thường trực chung Philippines-Việt Nam lần thứ 10 về các vấn đề hàng hải và đại dương tại Hạ Long vào ngày 15-16/5/2023.
Philippines và Việt Nam mới đây đồng ý tăng cường phối hợp trong việc giải quyết các vấn đề hàng hải, đặc biệt là trong việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), hãng truyền thông Philippines ABS-CBN dẫn thông tin từ bộ ngoại giao nước này cho biết hôm thứ Tư (17/5).
Các nhà ngoại giao Philippines đã tới Hạ Long vào thứ Hai và thứ Ba để hội đàm với những người đồng cấp Việt Nam trong khuôn khổ Nhóm công tác thường trực chung Philippines-Việt Nam lần thứ 10 về các vấn đề hàng hải và đại dương.
Bộ Ngoại giao Philippines cho biết hai nước cũng đồng ý khám phá “một loạt các hoạt động hợp tác hàng hải tiềm năng để tăng cường quan hệ đối tác chiến lược”, vẫn theo ABS-CBN.
“Hai nước bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các hoạt động đơn phương phá hoại hòa bình, ổn định ở khu vực. Hai bên cam kết cùng hợp tác bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), đồng thời tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin giữa các cơ quan liên quan”, ABS-CBN dẫn thông cáo của bộ này nói.
Cũng đưa tin về cuộc gặp ở Hạ Long, trang Manila Bulletin dẫn thông cáo hôm 17/5 của Lực lượng Tuần duyên Philippines cho biết: “Hai bên nhất trí tăng cường phối hợp về các vấn đề hàng hải trong các cơ quan khu vực và đa phương, đặc biệt là nỗ lực hướng tới ký kết Bộ quy tắc ứng xử trên biển Tây Philippines (Biển Đông) hiệu quả và thực chất”.
Hồi tuần trước, trong cuộc họp báo trước khi khai mạc Hội nghị ASEAN lần thứ 42, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. nói ông dự định thúc đẩy về một Bộ quy tắc ứng xử (COC) mang tính ràng buộc ở Biển Đông với các nhà lãnh đạo đồng nghiệp trong ASEAN nhằm giảm bớt căng thẳng và tránh những tính toán sai lầm tiềm tàng ở vùng biển tranh chấp với Trung Quốc.
Việc xây dựng COC đã được lãnh đạo ASEAN thông qua vào năm 1998 và một dự thảo chung về COC đã được đưa ra vào năm 1999. Đầu năm 2000, khối gồm 10 quốc gia thành viên Đông Nam Á bắt đầu tiến hành thương lượng với Trung Quốc về dự thảo COC.
Tuy nhiên, từ đó cho đến nay, phía Trung Quốc có lúc từ chối đàm phán, có lúc viện các lý do về thời điểm hoặc bác bỏ nội dung chi tiết trong dự thảo… dẫn đến việc xây dựng COC không mấy tiến triển, thậm chí rơi vào bế tắc.
Một COC mang tính ràng buộc về mặt pháp lý được xem là sẽ thay thế Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 nhằm đảm bảo hòa bình và trật tự ở khu vực biển có nhiều quốc gia tuyên bố chủ quyền chồng chéo. Bản tuyên bố này không có giá trị ràng buộc.
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Philippines phụ trách về các vấn đề Hàng hải và Đại dương Maria Angela Ponce, người dẫn đầu phái đoàn Philippines tham dự cuộc họp tại Việt Nam, cho hay các cuộc thảo luận với những người đồng cấp Việt Nam “rất quan trọng” trong việc tăng cường quan hệ giữa hai quốc gia Đông Nam Á, bản tin của ABS-CBN tường thuật.
“Hai đoàn cũng bày tỏ lòng biết ơn của chính phủ hai nước về sự đối xử nhân đạo mà cả hai nước đã dành cho ngư dân Philippines và Việt Nam gặp nạn trên biển”, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết thêm.
Về nội dung, những chủ đề đã được hai bên bàn thảo bao gồm tăng cường các hoạt động chung trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học biển, khí tượng, bảo vệ môi trường biển, tìm kiếm cứu nạn, phòng ngừa và ứng phó sự cố tràn dầu, nghề cá và tạo thuận lợi cho thương mại hàng hải.
Chính phủ và truyền thông Việt Nam cho tới nay chưa đưa ra thông tin gì về cuộc họp với phái đoàn Philippines, theo quan sát của VOA.
Tuần trước, tại cuộc gặp song phương hôm 10/5 bên lề Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 42 tại Labuan Bajo, Indonesia, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã nhất trí tăng cường hợp tác giữa hai nước về quốc phòng và an ninh trong bối cảnh căng thẳng gia tăng về tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Việt Nam và Philippines đều tuyên bố chủ quyền về Biển Đông, cùng với Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Brunei và Đài Loan.