Thời Sự

Chuyên gia LHQ: Trung Quốc và Nga bán vũ khí sát thương cho quân đội Myanmar

Chuyên gia LHQ: Trung Quốc và Nga bán vũ khí sát thương cho quân đội Myanmar

18 tháng 5 2023

   Reuter

Các binh sĩ đứng bên xe quân sự khi người dân tụ tập để phản đối cuộc đảo chính tại Yangon, Myanmar ngày 15/2/2021

Báo cáo mới mà Liên Hiệp Quốc công bố hôm 17/05 có nội dung Nga và Trung Quốc đã bán vũ khí sát thương, được sử dụng trong những chiến dịch chết chóc của chính quyền quân sự Myanmar nhằm nghiền nát các lực lượng đối lập.

Chính quyền quân sự Myanmar đã nhập ít nhất một tỷ USD vũ khí và vật liệu khác kể từ cuộc đảo chính vào tháng 02/2021, một chuyên gia của Liên Hiệp Quốc cho hay.

Kể từ khi chính quyền quân sự chiếm quyền và tống giam các nhà lãnh đạo dân chủ, một số nhân vật đối lập đã cầm vũ khí, cùng tham gia với lực lượng nổi dậy thuộc cộng đồng người thiểu số ở Myanmar.

Chính quyền quân sự đã đáp trả bằng các cuộc không kích và vũ khí hạng nặng, nhằm vào các khu vực mà dân thường sinh sống.

Trực thăng Mi-35 do Nga chế tạo, các máy bay chiến đấu MiG-29 và Yak-130, máy bay K-8 của Trung Quốc, được thường xuyên sử dụng nhất trong các cuộc không kích nhằm vào trường học, cơ sở y tế, nhà dân và các địa điểm dân sinh khác, theo Tom Andrews, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tình hình nhân quyền tại Myanmar.

Trong một cuộc tấn công nhằm vào sự kiện đông người ở một ngôi làng do lực lượng đối lập tổ chức ở vùng Sagaing vào ngày 11/04, hai quả bom được ném từ chiếc máy bay chiến đấu Yak-130, đã khiến ít nhất 160 người thiệt mạng, bao gồm gần 40 trẻ em, theo báo cáo.

Chính quyền quân sự Myanmar cho biết đã nhắm vào lực lượng nổi dậy và sau cuộc tấn công tại Sagaing, họ tuyên bố rằng bất kỳ thường dân nào thiệt mạng đều có thể là những người ủng hộ cho những lực lượng đối lập, vốn đã được dán nhãn là "khủng bố".

"Tin tức tốt lành là chúng tôi biết ai đang cung cấp những loại vũ khí này và những quyền tài phán nào mà họ đang vận dụng," ông Andrews nêu, đồng thời kêu gọi các thành viên của Liên Hiệp Quốc phải "tăng cường ngăn chặn việc cung cấp vũ khí này" bằng một lệnh cấm chuyển giao vũ khí cho chính quyền quân sự Myanmar, thực thi các lệnh cấm hiện có và những lệnh trừng phạt mang tính phối hợp.

Chuyên gia của Liên Hiệp Quốc cũng sử dụng dữ liệu thương mại để nêu chi tiết về quá trình chuyển giao vũ khí và các hàng hóa khác, bao gồm vật liệu thô để sản xuất vũ khí trong nước ở Myanmar, nhằm đến tay của chính quyền quân sự kể từ sau cuộc đảo chính, với số tiền 406 triệu USD từ Nga và 267 triệu USD từ Trung Quốc, bao gồm từ các thực thể thuộc sở hữu nhà nước từ cả hai quốc gia này.

Các thực thể thuộc sở hữu nhà nước tại Ấn Độ cũng có chuyển giao một số lượng nhỏ, và các công ty tại Singapore, Ấn Độ và Thái Lan cũng có tham gia vào việc chuyển giao vũ khí cho chính quyền quân sự Myanmar.

Khoảng 227 triệu USD tiền vật liệu đến từ Rosoboronexport, tập đoàn xuất khẩu vũ khí nhà nước của Nga, vốn đã chuyển giao các máy bay chiến đấu SU-30, cung cấp máy bay chiến đấu MiG-29 và các hệ thống phóng rocket đến Myanmar, theo báo cáo.

Các công ty Nga khác cũng cung cấp các công cụ, thiệt bị khác và các thiết bị dự phòng cho các hệ thống vũ khí do Nga cung cấp, theo báo cáo.

Các phái đoàn Liên Hiệp Quốc tại năm quốc gia được đề cập trong bản báo cáo về nguồn vũ khí và vật liệu cung cấp cho chính quyền quân sự đã không phản hồi ngay lập tức với Reuters về yêu cầu bình luận.

Trong một cuộc họp báo tại New York, ông Andrews cho biết giới chức Trung Quốc trước đó đã chỉ trích báo cáo này và cho rằng ông ấy đã phỉ báng về giao dịch mua bán vũ khí hợp pháp và đã vượt quá thẩm quyền của mình khi thực hiện bản phân tích.

Giới chức Nga cũng đã đưa ra phản ứng tương tự, ông Andrews nói với Reuters.

 

 
 
© 2001 by Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam. All Rights Reserved.Chính Việt xin đón nhận mọi ý kiến xây dựng và bài vở, xin email về baochinhviet@gmail.com

Search