Thời Sự

Các thành viên G7 chọn thế đứng phản đối Trung Quốc 'cưỡng ép kinh tế'

Các thành viên G7 chọn thế đứng phản đối Trung Quốc 'cưỡng ép kinh tế'

22 tháng 5 2023

BBC News, Hiroshima

Tại hội nghị thượng đỉnh ở Nhật Bản, các nhà lãnh đạo G7 đã nói rõ với Bắc Kinh lập trường của họ về các vấn đề bao gồm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Đài Loan.

Khi các nhà lãnh đạo G7 gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Nga bằng cách mời Tổng thống Volodymyr Zelensky tới Hiroshima, một đối thủ khác cũng xuất hiện trong tâm trí họ - đó là Trung Quốc.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết Trung Quốc là "thách thức lớn nhất trong thời đại của chúng ta" liên quan đến an ninh và thịnh vượng toàn cầu, đồng thời Trung Quốc "ngày càng độc đoán ở trong và ngoài nước".

Và trong không chỉ một mà hai tuyên bố, các nhà lãnh đạo của các nền dân chủ giàu có nhất thế giới đã nói rõ với Bắc Kinh lập trường của họ về các vấn đề gây chia rẽ như Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Đài Loan.

Nhưng phần quan trọng nhất trong thông điệp của họ tập trung vào điều mà họ gọi là "cưỡng ép kinh tế".

Đó là một hành động cân bằng khó cho G7. Thông qua thương mại, nền kinh tế của họ đã trở nên phụ thuộc chặt chẽ vào Trung Quốc, nhưng sự cạnh tranh với Bắc Kinh đã tăng lên và họ không đồng ý về nhiều vấn đề bao gồm cả nhân quyền.

Nay họ lo ngại rằng họ đang bị ở thế phải làm con tin.

Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã không ngại áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại đối với các quốc gia khiến họ không hài lòng. Điều này bao gồm Hàn Quốc, khi Seoul lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và Australia trong giai đoạn quan hệ lạnh nhạt gần đây.

Liên minh châu Âu đặc biệt lo ngại khi Trung Quốc chặn xuất khẩu của Lithuania sau khi quốc gia vùng Baltic này cho phép Đài Loan thành lập một đại sứ quán trên thực tế ở đó.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi G7 lên án điều mà họ coi là "sự gia tăng đáng lo ngại" của "việc vũ khí hóa các điểm yếu kinh tế".

Họ nói rằng sự ép buộc này tìm cách "làm suy yếu các chính sách đối nội và đối ngoại cũng như vị thế của các thành viên G7 cũng như các đối tác trên toàn thế giới".

Họ kêu gọi "giảm thiểu rủi ro" - một chính sách mà bà Ursula von der Leyen, người đang tham dự hội nghị thượng đỉnh, ủng hộ. Đây là một phiên bản ôn hòa hơn của ý tưởng "tách rời" khỏi Trung Quốc của Hoa Kỳ, theo đó họ sẽ cứng rắn hơn trong ngoại giao, đa dạng hóa các nguồn thương mại và bảo vệ thương mại và công nghệ.

Họ cũng đã đưa ra một "khuôn khổ hợp tác" để chống lại sự ép buộc và làm việc với các nền kinh tế mới nổi. Mặc dù vẫn còn mơ hồ về cách thức hoạt động chính xác của điều này, nhưng chúng ta có thể thấy các quốc gia giúp đỡ lẫn nhau bằng cách tăng cường thương mại hoặc cấp vốn nhằm giải quyết bất kỳ sự phong tỏa nào do Trung Quốc gây ra.

G7 cũng có kế hoạch tăng cường chuỗi cung ứng cho các hàng hóa quan trọng như khoáng sản và chất bán dẫn, đồng thời tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để ngăn chặn hành vi hack và đánh cắp công nghệ.

Nhưng cây gậy lớn nhất mà họ dự định sử dụng là kiểm soát xuất khẩu đa phương. Điều này có nghĩa là họ làm việc cùng nhau để đảm bảo công nghệ của họ, đặc biệt là những công nghệ được sử dụng trong quân đội và tình báo, không rơi vào tay "những kẻ xấu" .

Hoa Kỳ đã làm điều này với lệnh cấm xuất khẩu chip và công nghệ chip sang Trung Quốc, bước đi mà Nhật Bản và Hà Lan đã tham gia. G7 đang làm rõ những nỗ lực như vậy sẽ không chỉ tiếp tục mà còn tăng lên, bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh.

Họ cũng cho biết họ sẽ tiếp tục siết chặt "việc chuyển giao không phù hợp" công nghệ được chia sẻ thông qua các hoạt động nghiên cứu. Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác lo ngại về gián điệp công nghiệp và đã bỏ tù những người bị cáo buộc ăn cắp bí mật công nghệ cho Trung Quốc.

Vào lúc Hội nghị thượng đỉnh G7 khai mạc, Trung Quốc chủ trì cuộc gặp song song với các nước Trung Á.

Vào lúc Hội nghị thượng đỉnh G7 khai mạc, Trung Quốc chủ trì cuộc gặp song song với các nước Trung Á.

Vừa giữ quan hệ, vừa ngăn chặn TQ

Đồng thời, các nhà lãnh đạo G7 đã nói rõ rằng họ không muốn cắt đứt sợi dây liên kết.

Phần lớn ngôn ngữ của họ về cưỡng ép kinh tế không nêu tên Trung Quốc, trong một nỗ lực ngoại giao rõ ràng để không trực tiếp chỉ mặt Bắc Kinh.

Khi họ nói về Trung Quốc, họ giữ vững lập trường của mình theo một cách nhẹ nhàng.

Họ tìm cách xoa dịu Bắc Kinh, nói rằng các chính sách của họ "không nhằm gây hại cho Trung Quốc và chúng tôi cũng không tìm cách cản trở sự phát triển và tiến bộ kinh tế của Trung Quốc". Họ "không tách rời hoặc hướng nội".

Nhưng họ cũng gây áp lực buộc Trung Quốc phải hợp tác, nói rằng "một Trung Quốc đang phát triển tuân thủ các quy tắc quốc tế sẽ có lợi cho toàn cầu".

Họ cũng kêu gọi sự tham gia "thẳng thắn", theo đó họ vẫn có thể trực tiếp bày tỏ mối quan ngại của mình với Trung Quốc, và tỏ ý họ sẵn sàng giữ các đường dây liên lạc mở trong bầu không khí đang căng thẳng.

Chúng ta không biết về phần mình các nhà lãnh đạo và giới ngoại giao Trung Quốc sẽ tiếp nhận thông điệp của G7 như thế nào. Nhưng truyền thông nhà nước trong quá khứ đã đánh trả lại phương Tây vì đã cố gắng có được cả hai cách, bằng cách chỉ trích Trung Quốc trong khi cũng tận hưởng lợi ích trong quan hệ đối tác kinh tế của họ.

Hiện tại, Bắc Kinh đã chọn rút lại những lời hùng biện giận dữ thông thường để đáp trả công khai.

Trung Quốc rõ ràng đã lường trước được các tuyên bố của G7 và trong những ngày trước hội nghị thượng đỉnh, các phương tiện truyền thông nhà nước và các đại sứ quán của họ đã đưa ra các bài cáo buộc Hoa Kỳ về hành vi đạo đức giả và cưỡng ép kinh tế của chính Hoa Kỳ.

Vào tối ngày thứ Bảy, họ cáo buộc G7 "bôi nhọ và tấn công" Trung Quốc và gửi khiếu nại tới nhà tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản.

Họ cũng kêu gọi các nước G7 khác không "đồng lõa trong việc ép buộc kinh tế" của Hoa Kỳ, đồng thời kêu gọi họ "ngừng liên kết với nhau để hình thành các khối độc quyền" và "kiềm chế và trừng phạt các nước khác".

Điều đáng chú ý là Trung Quốc cũng đã tìm cách tạo ra các liên minh của riêng mình với các nước khác, và vào cuối tuần trước, ngay khi hội nghị thượng đỉnh G7 khai mạc, Trug Quốc đã tổ chức một cuộc họp song song với các nước Trung Á.

Vẫn chưa rõ liệu kế hoạch của G7 có thành công hay không. Nhưng G7 có thể sẽ được hoan nghênh bởi những nước đã kêu gọi một chiến lược rõ ràng để xử lý các hành vi lấn lướt của Trung Quốc.

Chuyên gia về Trung Quốc và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Andrew Small ca ngợi tuyên bố này có "cảm giác về một sự đồng thuận thực sự", và ghi nhận rằng tuyên bố này đã thể hiện quan điểm "chung" của G7.

“Vẫn còn những cuộc tranh luận lớn xung quanh việc 'giảm rủi ro' thực sự có nghĩa là gì, một số hạn chế xuất khẩu công nghệ nhạy cảm nên đi bao xa và loại biện pháp tập thể nào cần được thực hiện để chống lại sự ép buộc kinh tế", Tiến sĩ Small, thành viên cấp cao của Viện nghiên cứu Marshall của Đức, cho biết.

“Nhưng giờ đây đã có một khuôn khổ rõ ràng và công khai về cách thức cân bằng lại mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc giữa các nền kinh tế công nghiệp tiên tiến.”

 

 

© 2001 by Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam. All Rights Reserved.Chính Việt xin đón nhận mọi ý kiến xây dựng và bài vở, xin email về baochinhviet@gmail.com

Search