Giá điện, khí đốt ở EU và Anh đều giảm, hết phụ thuộc nguồn của Nga
Một trong những nỗ lực của các quốc gia châu Âu, gồm thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) và Anh trong hơn một năm qua là tìm cách "thoát Nga" về nguồn năng lượng hóa thạch: dầu và khí đốt (gas).
Câu chuyện của năm 2023 đúng là như thế, theo đánh giá của một phúc trình châu Âu về nguồn điện và giá điện năm 2023.
Trong những tuần qua, giá năng lượng ở một số quốc gia châu Âu "giảm xuống âm" (dip into negative values- The Guardian), tạo ra các tựa đề khá giật gân trên cả báo chí Việt Nam.
Đúng ra, không có chuyện giá điện "giảm xuống âm", vì đây là chỉ là hiện tượng cung thừa, nhiều hơn cầu, xảy ra vào thời điểm cụ thể (ví dụ giữa ngày) khi các nguồn điện cạnh tranh nhau để cung cấp tới người tiêu dùng.
Việc giá xuống liên tục năm tuần liền cũng chỉ xảy ra ở một số quốc gia có dự trữ khí đốt, dầu lửa tốt nhưng thể hiện một bức tranh lớn hơn: thay đổi cơ cấu ngành cung ứng điện châu Âu và Anh.
Giảm than, giảm khí đốt và tăng các nguồn tái tạo
Xu hướng quan trọng hơn và bền vững được ghi nhận thời gian qua là nguồn năng lượng đến từ khí đốt nói chung giảm và điện gió, điện mặt trời tăng tỷ trọng trong thị trường, nhờ các biến đổi chính sách.
Các chính sách này bị cuộc khủng hoảng liên quan tới chiến tranh của Nga ở Ukraine, và các lệnh cấm vận chống Nga thúc đẩy mạnh hơn, nhanh hơn và đã đạt kết quả tốt.
Ví dụ Đức không chỉ tăng dự trữ chiến lược để giảm phụ thuộc khí đốt từ Nga mà còn tìm các nguồn khí hóa lỏng từ nơi khác.
Anh Quốc vào tháng 3/2023 đã tuyên bố hoàn toàn không nhập than, dầu và khí đốt từ Nga,
Quá trình "chuyển đổi nguồn điện" (electricity transition) gồm hai phần: giảm bớt nguồn từ nhà máy nhiệt điện chạy bằng khí đốt, và giảm than; tăng nguồn điện sạch.
Vào năm 2022, lần đầu điện gió và điện mặt trời đóng góp 1/5 thị trường điện, vượt qua điện có nguồn gas (20%) và cao hơn nguồn than đá (16%).
Năm 2023, theo đánh giá của Dave Jones trong báo cáo 'European Electricity Review 2023' (01/2023) thì xu hướng ở châu lục này sẽ là "thủy điện tăng trở lại (sau mùa hạn năm 2022), điện hạt nhân của Pháp cũng trở lại; điện gió, điện mặt trời tăng tốc, và năng lượng hóa thạch sẽ giảm rất nhiều".
Ông Dave Jones, chuyên gia số liệu của Ember, chuyên về môi trường và năng lượng điện châu Âu, cho rằng khí đốt sẽ là nguồn năng lượng giảm nhiều nhất.
Xu hướng trên sẽ diễn ra trên toàn EU, không trừ một nước nào, và ông Dave Jones đánh giá "châu Âu đã học cách sống không cần khí đốt của Nga".
Vậy châu Âu còn bị ảnh hưởng của biến động từ thị trường năng lượng Nga?
Câu trả lời là không, vì một năm sau khi Nga đánh Ukraine, giá năng lượng từ nguồn hóa thạch đúng là đã tăng vọt nhưng sau đó giảm dần.
Tính từ đỉnh cao tháng 10/2022, giá đã giảm 21, theo tính toán của Verivox.
Các dự báo năm 2023/24 đều nói việc châu Âu "thiếu khí đốt" sẽ khó xảy ra vào vùa đông.
Đặc biệt là Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, "sẽ không lo thiếu khí đốt vào mùa đông tới - cuối 2023", theo Viện DIW.
Khí đốt tự nhiên sẽ vẫn được Đức nhập từ Bỉ, Na Uy và Hà Lan, mà không cần từ Nga. Không chỉ phối hợp các ngành kinh tế, công nghệ để chuyển hướng năng lượng trong nước, Đức còn xây dựng mạng lưới hydrogen với Bỉ và chia sẻ các tuyến điện song phương sau Hội nghị Thượng đỉnh Đức-Bỉ về năng lượng, giữa tháng 2/2023, theo trang CleanEnergyWire.com
Anh không còn phụ thuộc gì vào Nga về dầu khí
Dù nằm ngoài EU, thị trường năng lượng Anh gắn chặt với Liên hiệp châu Âu
Vào dịp một năm Nga tấn công Ukraine, Nghị viện Anh công bố văn bản xác nhận Anh đã "hoàn toàn không phụ thuộc vào khí đốt của Nga".
Thông cáo báo chí 'Blow for Putin as UK marks one year free from Russian gas' đăng trên trang UK Parliament (23/05/2023) trích số liệu công bố cùng ngày cho thấy Anh đã không nhập khí đốt gì từ Nga trong 12 tháng liền, tính đến hết tháng 3/2023. Đây là một thất bại (nguyên văn: blow-cú đánh) vào Vladimir Putin, Nghị viện Anh cho biết.
Không chỉ không cần gas của Nga, Anh còn thừa khí đốt để dùng và để bán. Cùng thời gian 03/2022-03/2023, lượng khí đốt Anh xuất khẩu sang châu Âu "tăng gấp ba lần".
Sau mấy tháng mùa Đông khó khăn, hóa đơn trung bình cho tiền năng lượng (điện, khí đốt) của một hộ gia đình ở Anh giảm xuống 430 bảng/tháng.
Nhờ điện gió tăng, số liệu tháng 3-4-5 ở Anh ghi nhận điện từ nguồn tái tạo đạt kỷ lục về phần trăm công suất lưới điện quốc gia: 46,2%, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2010.
Hôm 11/05, lần đầu điện gió từ các trạm 'wind farms' ở Anh vượt các nguồn còn lại trong phần đóng góp vào lưới điện quốc gia. Hiện 33% điện của Anh vẫn đến từ nguồn hóa thạch nhưng xu hướng chuyển đổi đang được chính phủ hỗ trợ.
Truyền thông Anh cũng đang giới thiệu công nghệ bơm nhiệt (heat pump) cỡ đại đã áp dụng ở Bắc Âu và Đức, cho phép sưởi ấm và cung cấp nước nóng lấy từ nguồn nhiệt trong lòng đất cho hàng chục nghìn hộ gia đình.