Nga khước từ trợ giúp của LHQ khi số người chết vì vỡ đập gia tăng
Những túi đựng những thi thể được tìm thấy từ những ngôi nhà bị ngập lụt được chất lên một chiếc xe sau khi nước lũ rút đi sau sự cố vỡ đập Nova Kakhovka, tại thị trấn Hola Prystan thuộc vùng Kherson của Ukraine do Nga kiểm soát , ngày 16 tháng 6 năm 2023.
Nga khước từ đề nghị của Liên Hợp Quốc giúp đỡ những cư dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt do đập Kakhovka bị vỡ, tổ chức thế giới này cho biết hôm Chủ nhật, trong bối cảnh số người chết gia tăng và nước bẩn buộc các bãi biển ở miền nam Ukraine phải đóng cửa.
Vụ vỡ con đập do Moscow kiểm soát vào ngày 6 tháng 6 đã gây ra lũ lụt khắp miền nam Ukraine và các khu vực do Nga chiếm đóng ở vùng Kherson, phá hủy nhà cửa và đất nông nghiệp, và cắt đứt nguồn tiếp tế cho cư dân.
Số người chết đã tăng lên 52, với các quan chức Nga cho biết 35 người tử vong ở các khu vực do Moscow kiểm soát và Bộ Nội vụ Ukraine cho biết 17 người thiệt mạng và 31 người mất tích. Hơn 11.000 người đã được di tản ở cả hai bên.
Liên Hợp Quốc kêu gọi Nga hành động phù hợp với nghĩa vụ của họ theo luật nhân đạo quốc tế.
“Không thể từ chối viện trợ cho những người cần nó,” Denise Brown, điều phối viên nhân đạo của Liên Hợp Quốc tại Ukraine, nói trong một phát biểu.
Ukraine cáo buộc Nga cho nổ tung con đập thời Soviet, vốn nằm dưới sự kiểm soát của Nga kể từ những ngày đầu cuộc xâm lược vào năm 2022.
Một nhóm các chuyên gia pháp lý quốc tế hỗ trợ các công tố viên Ukraine trong cuộc điều tra của họ cho biết "có nhiều phần chắc" vụ vỡ đập xảy ra là do người Nga gài chất nổ.
Điện Kremlin cáo buộc Kyiv phá hoại đập thủy điện.
Nhà chức trách ở Odesa đã đóng cửa các bãi biển nhiều người từng kéo tới ở Biển Đen, cấm bơi lội và tiêu thụ cá và hải sản từ các nguồn không rõ.
Các cuộc kiểm tra nước vào tuần trước cho thấy mức độ nguy hiểm của vi khuẩn salmonella và các "tác nhân truyền nhiễm" khác, các quan chức Ukraine cho biết. Việc giám sát bệnh tả cũng đang được thực hiện.
Mặc dù nước lũ đã rút nhưng sông Dnipro, nơi đập Kakhovka được xây, đã mang hàng tấn rác thải ra Biển Đen và bờ biển Odesa, gây ra điều mà Ukraine gọi là "sự diệt vong sinh thái."
Mức độ các chất độc hại trong các sinh vật biển và dưới đáy biển dự kiến sẽ trở nên tồi tệ hơn, làm tăng them nguy cơ từ mìn trôi dạt vào bờ biển.