NATO có thêm cơ hội kiềm chế Nga với sự gia nhập của Phần Lan, Thụy Điển
Một chiến hạm thuộc Hạm đội Baltic của Nga bắt đầu tập trận tại Biển Baltic ngày 5/6/2023.
Trên cao một cây cầu đường sắt bắc qua một dòng sông sủi bọt ngay bên ngoài Vòng Bắc Cực, các công nhân xây dựng Phần Lan đang nỗ lực thực hiện một dự án làm thông suốt các kết nối từ bờ biển Đại Tây Dương của NATO ở Na Uy đến biên giới mới với Nga.
Cho đến tháng 2 năm 2022, dự án điện khí hóa trị giá 37 triệu euro (41 triệu đô la Mỹ) cho đoạn đường sắt ngắn này – tuyến đường sắt duy nhất giữa Thụy Điển và Phần Lan – chỉ đơn giản là hứa hẹn cho người dân địa phương cơ hội đi chuyến tàu đêm tới những ánh đèn rực rỡ của Stockholm.
Sau khi Nga xâm lược Ukraine, điều đó đã thay đổi.
Bây giờ Phần Lan là một phần của NATO và Thụy Điển hy vọng sẽ sớm gia nhập.
Vào lúc liên minh định hình lại chiến lược của mình để đối phó với chiến dịch của Nga, việc tiếp cận các vùng lãnh thổ mới này và cơ sở hạ tầng của họ sẽ mở ra những cách để các đồng minh theo dõi và kiềm chế Moscow, đồng thời là cơ hội chưa từng có để đối xử với toàn bộ Tây Bắc Âu như một khối, gần hai chục nhà ngoại giao và các chuyên gia quân sự và an ninh nói với Reuters.
“Đặt Nga vào tình trạng rủi ro”
Những cải tiến đường sắt của Phần Lan xung quanh Tornio ở biên giới Thụy Điển là một ví dụ. Dự kiến hoàn thành vào năm tới, chúng sẽ giúp các đồng minh dễ dàng gửi quân tiếp viện và thiết bị từ bên kia Đại Tây Dương đến Kemijarvi, cách biên giới Nga một giờ lái xe và bảy giờ từ căn cứ quân sự và căn cứ hạt nhân của Nga gần Murmansk ở bán đảo Kola.
Trong số các lực lượng đóng ở đó, Hạm đội Phương Bắc của Nga có 27 tàu ngầm, hơn 40 tàu chiến, khoảng 80 máy bay chiến đấu và kho đầu đạn hạt nhân và phi đạn, dữ liệu do Viện Quan hệ Quốc tế Phần Lan (FIIA) thu thập cho thấy.
Trong một cuộc xung đột quân sự với NATO, nhiệm vụ chính của Hạm đội sẽ là đảm bảo quyền kiểm soát Biển Barents và ngăn chặn các tàu đưa tiếp viện từ Bắc Mỹ đến châu Âu qua vùng biển giữa Greenland, Iceland và Vương quốc Anh.
Đó là điều mà Phần Lan có thể giúp NATO chống lại.
Thiếu tướng Mỹ đã nghỉ hưu Gordon B. Davis Jr. nói với Reuters: “Tất cả chỉ nhằm kiềm chế những loại năng lực đó từ phía bắc.”
Bên cạnh việc mở rộng lãnh thổ, Helsinki đang mua những khí tài phù hợp, đặc biệt là máy bay chiến đấu, “để tăng thêm giá trị cho việc phòng thủ ở phía đông bắc, và nói thẳng ra là, trong một cuộc xung đột khiến Nga gặp rủi ro,” ông nói.
Sự đóng góp của Thụy Điển, vào năm 2028, sẽ bao gồm một thế hệ tàu ngầm mới ở Biển Baltic mà ông Fredrik Linden, Chỉ huy Đội tàu ngầm đầu tiên của Thụy Điển, cho biết sẽ tạo ra sự khác biệt lớn trong việc bảo vệ cơ sở hạ tầng đáy biển dễ bị tổn thương và duy trì quyền tiếp cận - vấn đề an ninh đang gây nhức đầu hiện nay, như việc phá hủy các đường ống dẫn khí đốt Nord Stream vào tháng 9 năm 2022 đã cho thấy.
Ông Linden nói với Reuters: “Với 5 chiếc tàu ngầm, chúng tôi có thể đóng cửa biển Baltic.”
Phó Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế Phần Lan FIIA Samu Paukkunen nói với Reuters rằng Nga đã và đang tích cực phát triển các năng lực quân sự và hỗn hợp của mình ở Bắc Cực để chống lại phương Tây, một phần dưới vỏ bọc hợp tác kinh tế và môi trường quốc tế. Bộ Quốc phòng Nga không trả lời yêu cầu bình luận.
Viện của ông Paukkunen ước tính các lực lượng vũ trang phương Tây chậm hơn Nga khoảng 10 năm về mặt quân sự ở Bắc Cực.
Ông Paukkunen cho biết, ngay cả với những tổn thất mà Nga phải gánh chịu ở Ukraine, thành phần hải quân của Hạm đội Phương Bắc và các máy bay ném bom chiến lược vẫn còn nguyên vẹn.
Đan Mạch, thành viên NATO, đã loại bỏ dần hạm đội tàu ngầm của mình vào năm 2004, một phần trong động thái thu hẹp quy mô khả năng quân sự sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, và nước này vẫn chưa quyết định các khoản đầu tư trong tương lai. Na Uy cũng đang đặt mua 4 tàu ngầm mới, chiếc đầu tiên sẽ được giao vào năm 2029.
Ông Sebastian Bruns, nhà nghiên cứu cấp cao về an ninh hàng hải tại Viện Chính sách An ninh của Đại học Kiel, nói: “Đối với tôi, dường như chúng ta có một số việc phải làm, bởi vì chúng ta đã không làm điều đó đúng cách trong 25 năm qua”.
“Toàn bộ”
Cả hai diễn biến đều cho thấy liên minh mở rộng sẽ định hình lại bản đồ an ninh của châu Âu như thế nào. Khu vực từ Baltic ở phía nam đến vùng cao phía bắc gần như có thể trở thành một khu vực hoạt động tổng hợp của NATO.
“Đối với NATO, điều quan trọng là phải kiểm soát toàn bộ phần phía bắc, xem nó như một khối toàn bộ,” Trung tá Michael Maus của NATO nói với Reuters. Ông chủ trì nhóm công tác dẫn dắt việc hội nhập quân sự của Phần Lan vào NATO.
“Với các quốc gia NATO (hiện nay) là Na Uy và Đan Mạch, giờ đây chúng ta có cả một khối. Và khi nghĩ về các kế hoạch phòng thủ tiềm năng, đó là một bước tiến lớn đối với chúng ta, để coi đó là một khu vực toàn bộ hiện tại.”
Điều này trở nên rõ ràng vào tháng 5, khi Phần Lan tổ chức cuộc tập trận đầu tiên ở Bắc Cực với tư cách là thành viên NATO tại một trong những căn cứ huấn luyện pháo binh lớn nhất châu Âu cách Vòng Bắc Cực 25 km.
Thị trấn Rovaniemi gần đó, được khách du lịch gọi là quê hương của ông già Noel, cũng là căn cứ của lực lượng không quân Bắc Cực của Phần Lan và sẽ đóng vai trò là trung tâm quân sự cho khu vực trong trường hợp xảy ra xung đột. Phần Lan đang đầu tư khoảng 150 triệu euro cải tạo căn cứ để có thể tiếp nhận một nửa phi đội mới gồm 64 máy bay chiến đấu F-35, dự kiến sẽ đến từ năm 2026.
Đối với cuộc diễn tập tháng 5, gần 1.000 binh sĩ lực lượng đồng minh từ Hoa Kỳ, Anh, Na Uy và Thụy Điển đã tràn ngập các đường cao tốc thưa thớt khi họ tham gia cùng khoảng 6.500 quân Phần Lan và 1.000 xe.
Đại úy Kurt Rossi, Sĩ quan Pháo binh dã chiến của Quân đội Hoa Kỳ, dẫn đầu một khẩu đội mang theo một bệ phóng rốc-két M270.
Đầu tiên nó được vận chuyển từ Đức qua biển Baltic, sau đó được vận chuyển bằng xe tải gần 900 km về phía bắc.
Ông Rossi nói: “Chúng tôi chưa từng gần (với Nga) như vậy và chưa huấn luyện ở Phần Lan trước đây.”
Nếu xảy ra xung đột với Nga ở khu vực Biển Baltic - nơi Nga có khả năng quân sự đáng kể tại St. Petersburg và Kaliningrad - tuyến đường vận chuyển mà NATO sử dụng cho cuộc tập trận đó sẽ rất dễ bị tổn thương. Phần Lan phụ thuộc rất nhiều vào vận tải hàng hải cho tất cả các nguồn cung cấp của mình – dữ liệu hải quan cho thấy gần 96% ngoại thương của nước này được vận chuyển qua Baltic.
Tuyến đường sắt đông-tây băng qua vùng cao phía bắc sẽ mở ra một giải pháp thay thế, có thể mang tính quyết định.
Ông Tuomo Lamberg, quản lý các hoạt động xuyên biên giới tại Sweco, công ty Thụy Điển thiết kế điện khí hóa, nói: “Tôi nghĩ rằng người Nga có thể dễ dàng làm gián đoạn việc vận chuyển hàng hóa bằng đường biển nên về cơ bản, tuyến đường phía bắc này là tuyến đường duy nhất có thể tiếp cận sau đó”.
“Không có gì đánh bại họ”
Nhưng rủi ro đó cũng có thể giảm đi khi Thụy Điển gia nhập NATO.
Ở bên dưới mực nước Biển Baltic, chỉ huy tàu ngầm Linden cho phóng viên xem khu vực dành cho hạm trưởng tàu Gotland, một trong bốn tàu ngầm hiện có trong hạm đội của Thụy Điển, sẽ nâng tổng số tàu của NATO ở các nước Baltic lên 12 chiếc vào năm 2028.
Viện Kiel dự kiến Nga sẽ bổ sung thêm 1 tới 3 tàu ngầm trong những năm tới, nâng tổng số tàu ngầm Baltic lên 4 chiếc, cùng với hạm đội khoảng 6 tàu chiến hiện đại. Khả năng của họ tại Kaliningrad cũng bao gồm các phi đạn đạn đạo tầm trung.
“Đây có thể là nơi cô đơn nhất trên thế giới,” ông Linden, người chỉ huy con tàu trong nhiều năm, nói. Trong một nhiệm vụ điển hình, kéo dài hai đến ba tuần, không có liên lạc với trụ sở chính, ông cho hay.
Nhà nghiên cứu Bruns nói chiếc Gotlands, giống như tàu ngầm Loại 212 hiện đại của Đức, sẽ là một trong những tàu ngầm phi hạt nhân tiên tiến nhất của NATO và có thể ở ngoài cảng lâu hơn đáng kể so với hầu hết các mẫu thông thường khác.
Ông Bruns nói: “Không nghi ngờ gì nữa, tôi có thể nói rằng lớp tàu Gotland và Loại 212 của Đức là những tàu ngầm phi hạt nhân có khả năng nhất trên thế giới.”
“Không có gì có thể đánh bại chúng, theo đúng nghĩa đen. Xét về mức độ thầm lặng của chúng, động cơ chúng sử dụng, chúng đặc biệt thầm lặng và rất cơ động.”
Trong chiến tranh tàu ngầm, ông Linden nói, câu hỏi chính là kẻ thù ở đâu. Một thành viên thủy thủ đoàn bất cẩn làm rơi cờ lê hoặc đóng sầm cửa tủ có thể dẫn đến việc bị phát hiện.
“Chúng tôi nói chuyện rất nhỏ trên tàu,” ông Linden nói. “Bạn không nên tin ... những bộ phim mà mệnh lệnh được hét lên.”
Chiếc Gotland có trụ sở tại Karlskrona, cách Kaliningrad khoảng 350 km qua biển Baltic. Theo Ủy ban An ninh và Hợp tác châu Âu, với trung bình 1.500 tàu mỗi ngày qua lại trên biển Baltic, đây là một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới – và thực sự chỉ có một đường đi ra, đó là Biển Kattegatt giữa Đan Mạch và Thụy Điển.
Con đường biển nông và đông đúc chỉ có thể được tiếp cận thông qua ba eo biển hẹp mà tàu ngầm không thể đi qua mà không bị phát hiện.
Sức mạnh của lắng nghe
Nếu bất kỳ eo biển nào bị đóng, giao thông vận tải đường biển đến Thụy Điển và Phần Lan sẽ bị ảnh hưởng nặng nề và các quốc gia vùng Baltic bị cắt đứt hoàn toàn. Nhưng với Thụy Điển trong liên minh, điều đó trở nên dễ ngăn ngừa hơn, bởi vì các tàu ngầm của Thụy Điển sẽ tăng thêm sức mạnh lắng nghe của NATO.
Ông Linden nói thủy thủ đoàn tàu Gotland đôi khi có thể nghe thấy tiếng tàu của Nga. Phạm vi di chuyển của âm thanh thay đổi một phần tùy thuộc vào các mùa. Ông nói, vào mùa đông, bạn có thể nghe âm thanh xa đến tận đảo Oeland – chỉ xa hơn một chút so với khoảng cách giữa London và Birmingham ở Vương quốc Anh.
“Bạn có thể nằm bên ngoài Stockholm và nghe thấy tiếng xích lạch cạch trên phao phía bắc của Oeland,” ông Linden nói. “Vào mùa hè, bạn có thể nghe khoảng 3.000 mét.”
Đến năm 2028, khi Thụy Điển nhận tàu thiết kế mới, khả năng này sẽ tăng lên. Tàu thiết kế mới, được gọi là A26, sẽ cho phép các thủy thủ đoàn tàu ngầm triển khai các phương tiện hoạt động từ xa (ROV), thợ lặn chiến đấu hoặc các hệ thống tự trị thuộc loại nào đó mà không gây nguy hiểm cho tàu ngầm hoặc thủy thủ đoàn, ông Bruns nói.
“Tùy thuộc vào nhiệm vụ, nó có thể là ROV bảo vệ đường ống hoặc cáp dữ liệu, nó có thể là thợ lặn chiến đấu lên bờ trong bóng tối, nó có thể là hầu hết mọi thứ.”
Khả năng đó sẽ tăng phạm vi của Thụy Điển trong việc kiểm soát các tàu đến và đi qua Biển Baltic.
“Nếu bạn tính tất cả các lực lượng, với Đức dẫn đầu, Thụy Điển và Phần Lan tham gia, thì tất cả các lực lượng đó đã thực sự thay đổi cán cân ở Biển Baltic khá đáng kể”, ông Nick Childs, thành viên cấp cao về Lực lượng Hải quân và An ninh Hàng hải tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho biết.
“Điều đó sẽ khiến hạm đội Biển Baltic của Nga rất khó hoạt động một cách tự do”, ông nói. “Nhưng nó có thể ... vẫn đặt ra những thách thức cho NATO.”