Thời Sự

‘Dằn mặt’ Nga, G7 cam kết an ninh lâu dài cho Ukraine

‘Dằn mặt’ Nga, G7 cam kết an ninh lâu dài cho Ukraine

Đứng cạnh Tổng thống Zelenskyy, các nhà lãnh đạo G7 ngày 12/7 công bố một khuôn khổ quốc tế về an ninh lâu dài cho Ukraine vào lúc kết thúc thượng đỉnh NATO tại Vilnius, Lithuania.

Các nước G7 ngày 12/7 công bố một khuôn khổ quốc tế về an ninh lâu dài cho Ukraine nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của nước này trước Nga và ngăn chặn Moscow gây hấn trong tương lai, các quan chức cho biết.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy gặp các nhà lãnh đạo NATO tại hội nghị thượng đỉnh của liên minh phương Tây gồm 31 thành viên, một ngày sau khi họ tuyên bố rằng tương lai của Ukraine nằm trong NATO nhưng từ chối lời kêu gọi của ông về thời gian trở thành thành viên.

Không thể gia nhập NATO trong khi cuộc chiến với Nga vẫn tiếp diễn - do Điều 5 của NATO, quy định rằng một cuộc tấn công vào một thành viên là một cuộc tấn công vào tất cả, có thể đẩy NATO vào cuộc chiến với Nga - tuy nhiên Ukraine đã gặt hái được phần thưởng dưới hình thức các cam kết an ninh hiện tại và lâu dài mà nước này đã vận động.

NATO đã kiên quyết không cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine với tư cách là một tổ chức, để tránh xung đột trực tiếp với Nga.

Anh, Pháp, Đức và Mỹ đã đàm phán với Kyiv trong nhiều tuần về một văn bản đa phương nhằm tạo ra một khuôn khổ quốc tế rộng lớn, bao gồm các yếu tố trong đó có thiết bị quân sự tiên tiến, như máy bay chiến đấu, cũng như đào tạo, chia sẻ thông tin tình báo và phòng thủ mạng.

Nhóm Bảy nước lớn công nghiệp phát triển G7 cho biết trong một tuyên bố: “Hôm nay chúng tôi đang khởi động các cuộc đàm phán với Ukraine để chính thức hóa - thông qua các cam kết và thỏa thuận an ninh song phương phù hợp với khuôn khổ đa phương này, phù hợp với các yêu cầu pháp lý và hiến pháp tương ứng của chúng tôi - sự hỗ trợ lâu dài của chúng tôi đối với Ukraine khi nước này bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình.”

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết tại lễ ký kết kế hoạch rằng đó là “một tuyên bố mạnh mẽ về cam kết của chúng tôi đối với Ukraine.”

Ông Zelenskyy nói: “Hôm nay có những đảm bảo an ninh cho Ukraine trên con đường gia nhập NATO... điều đó sẽ được mở rộng hơn nữa thông qua các thỏa thuận với các đối tác chính của chúng tôi.”

“Phái đoàn (của chúng tôi) đang mang về một chiến thắng an ninh quan trọng cho Ukraine,” ông nói thêm.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov gọi động thái của G7 là sai lầm và “có khả năng rất nguy hiểm” khi phương Tây đảm bảo an ninh cho Ukraine, điều mà Moscow nói sẽ xâm phạm an ninh của chính Nga.

Moscow viện dẫn việc NATO mở rộng về phía đông đến biên giới Nga như một yếu tố khiến nước này năm ngoái quyết định xâm lược Ukraine thân phương Tây, vốn từng là một phần của Liên Xô cũ do Nga thống trị.

G7, bao gồm Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada, Ý và Anh, cũng như Liên hiệp châu Âu, nói các quốc gia khác cũng có thể ký kết để thực hiện các cam kết của riêng họ.

Tuyên bố cho biết các quốc gia G7 sẽ bắt đầu đàm phán song phương với Ukraine ngay lập tức.

“Tài liệu mới sẽ có hiệu lực chừng nào Ukraine chưa vào NATO,” ông Zelenskyy nói trong một cuộc họp báo riêng. “Tuyên bố hôm nay mở ra khả năng đó với các thỏa thuận song phương mạnh mẽ,” ông tiếp tục, đồng thời nói thêm rằng sự đảm bảo tốt nhất vẫn là ở chính liên minh NATO.

‘Thời gian không ở phía Nga’

Đổi lại, tuyên bố của G7 cho biết, Ukraine sẽ cam kết các biện pháp cải thiện quản trị dân chủ, bao gồm thông qua cải cách tư pháp và kinh tế cũng như tăng cường tính minh bạch.

“Chúng tôi sẽ làm việc với Ukraine về một gói tăng cường các cam kết và dàn xếp an ninh trong trường hợp xảy ra xâm lược trong tương lai để Ukraine có thể bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền của mình”, G7 nói.

“Tuyên bố đa phương này sẽ gửi một tín hiệu quan trọng tới Nga rằng thời gian không đứng về phía họ”, một quan chức Tòa Bạch Ốc nói với các phóng viên.

Một quan chức Mỹ cho biết Washington sẽ sớm bắt đầu đàm phán riêng với Kyiv. Tổng thống Joe Biden đã nói về việc sử dụng sự hỗ trợ của Hoa Kỳ dành cho Israel như một mô hình khả thi.

Viện trợ quân sự của Hoa Kỳ cho Israel trị giá khoảng 3,5 tỷ đô la mỗi năm, nhưng mối quan hệ này cũng đòi hỏi rất nhiều hỗ trợ chính trị.

Đức đã nói rằng ban đầu họ sẽ cung cấp 12 tỷ euro hỗ trợ quân sự cho Ukraine cho đến năm 2032, bao gồm 3,2 tỷ euro cho năm 2023.

Pháp, hôm 11/7 cho biết sẽ lần đầu tiên cung cấp phi đạn hành trình tầm xa cho Kyiv, cũng đang đàm phán với Ukraine nhưng có thể sẽ phải đối mặt với các cuộc thảo luận khó khăn tại quốc hội khi tranh luận về ngân sách quân sự từ năm 2025 đến năm 2030.

Phát biểu với các phóng viên, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết nước ông và các nước khác dự kiến gửi nhân sự tới Ukraine sau chiến tranh để tiếp tục huấn luyện lực lượng vũ trang của nước này.

 

 

© 2001 by Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam. All Rights Reserved.Chính Việt xin đón nhận mọi ý kiến xây dựng và bài vở, xin email về baochinhviet@gmail.com

Search