Thời Sự

Warsaw nói hai trực thăng Belarus 'xâm phạm không phận Ba Lan" nhưng Minsk bác bỏ

Warsaw nói hai trực thăng Belarus 'xâm phạm không phận Ba Lan" nhưng Minsk bác bỏ

3 tháng 8 2023

BBC News

Trực thăng Mi-24 - hình minh họa từ 2019, không phải từ sự việc hôm 01/08

Chính phủ Ba Lan phải xác nhận tin rằng hai trực thăng vũ trang của CH Belarus, đồng minh của Liên bang Nga, đã "xâm phạm không phận Ba Lan" vào ngày 01/08/2023.

Trước đó Bộ Quốc phòng Ba Lan nói các trực thăng Belarus "đang diễn tập tuần tra biên giới cho đến 18 giờ cùng ngày" đã không bay vào không phận nước họ.

Ngay sau đó, mạng xã hội Ba Lan xuất hiện nhiều ảnh do dân chụp hai trực thăng của Belarus bay rất thấp vào vùng Bialowieza của Ba Lan.

Vì lý do đó, chính phủ Ba Lan đã phải điều chỉnh lại thông tin cho báo chí và xác nhận "có sự việc xâm phạm không phận Ba Lan và Nato ngày 01/08".

Vào buổi tối cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mariusz Blaszczak đã triệu tập cuộc họp của Ủy ban An ninh Quốc phòng Ba Lan và thông báo với các đồng minh trong khối Nato, trang Wiadomosci của đài RadioZet cho hay.

Tuy giới chức Ba Lan giải thích rằng các trực thăng Belarus "đã bay rất thấp, dưới tầm radar" nên quân đội Ba Lan không phát hiện ra ngay, báo chí và dư luận đã chỉ trích chính quyền phản ứng quá chậm trễ.

Có ý kiến yêu cầu nhà chức trách Ba Lan xem lại năng lực phòng thủ không phận.

Nhà báo Lukarz Warzecha đặt câu hỏi: "Vậy chỉ cần bay thấp là trực thăng nước khác có thể vào Ba Lan không ai biết?"

Ngay sau đó, Belarus ra thông báo nói tin tức phía Ba Lan nêu ra là "trò đùa như bà già kể chuyện" và hai trực thăng Mi-24 và Mi-8 "không hề bay sang vùng trời Ba Lan".

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan, Radek Sikorski, hiện là nghị sĩ Nghị viện EU, cho rằng phòng không Ba Lan "đáng ra cần bắn hạ ngay hai trực thăng Belarus khi chúng vào bầu trời Ba Lan".

Tuy thế, có ý kiến như của nhà báo Jakub Pawlowski viết trên một trang quốc phòng Ba Lan, cho rằng không nên "phản ứng vội vã" mà cần tăng cường phòng thủ biên giới tốt hơn.

Ông cho là Ba Lan hiện tập trung quá nhiều vào đường biên giới với Ukraine trong khi biên giới với Belarus chỉ được theo dõi sơ sài, với hệ thống radar rất mỏng, chỉ phủ sóng quanh một số sân bay.

Vụ trực thăng Belarus bay thấp vào Ba Lan cho thấy các phương tiện bay khác như drone hoàn toàn có thể ra vào không phận nước này từ Belarus mà quân đội chẳng làm gì được, theo Pawlowski.

 
 

Wagner chơi bài nghi binh cho Putin?

Một lý do khiến Ba Lan "mất cảnh giác", theo tờ báo DoRzeczy là phía Belarus có thông báo cho phía Ba Lan thời gian và địa điểm diễn tập quân sự.

Sự việc xảy ra sau khi đội quân đánh thuê Wagner từ Nga "dọn nhà" sang Belarus, theo lời mời của Tổng thống Aleksander Lukashenko, gây lo lắng cho các nước Nato ở Đông Âu và vùng Baltic.

Nato hiện đã nói họ theo dõi chặt chẽ vùng biên giới giữa Belarus với Ba Lan và Lithuania.

Tuần này, Tổng thống Lithuania Gintanas Nauseda nói có khả năng "quân Wagner gây ra các vụ khiêu khích ở đường biên với Lithuania".

Mới đây, lãnh đạo Belarus khoe rằng ông ta "phải ngăn không cho quân Wagner nóng lòng muốn tiến về phía Tây, vào đất Ba Lan".

Hiện không rõ đây là một cách nói để chối bỏ trách nhiệm của Minsk một khi quân Wagner xâm nhập vào Ba Lan, hay đúng ra Lukashenko có uy quyền nào đó với các đơn vị Wagner.

Hôm 02/08, lãnh đạo Cục Biên phòng Latvia Guntis Pujats nói rằng có rủi ro đang tăng với khả năng quân Wagner được dùng vào "chiến tranh hỗn hợp" (hybrid warfare) giống như việc Belarus đã đẩy "người tỵ nạn Trung Đông" tràn vào biên giới EU trước đây, theo AP.

Cả ba nước Ba Lan, Lithuania và Latvia đều xác nhận họ đã và đang tăng cường quân đội ra biên giới phía Đông.

Một ngày sau khi có sự cố "trực thăng bay vào Ba Lan từ Belarus", Liên bang Nga tuyên bố mở cuộc tập trận hải quân ở biển Baltic với trên 30 chiến hạm và 30 phi cơ cùng 6000 quân tham gia.

Yevgeny Prigozhin waves from inside a car

Yevgeny Prigozhin, thủ lĩnh quân Wagner vẫy chào khi rời Nga đi sang Belarus sau cuộc binh biến tháng 6, nhưng gần đây ông ta lại xuất hiện ở Nga mà không bị làm sao

Các báo trong vùng trích giới chuyên gia quân sự của nước họ cho rằng "Wagner chính là Putin" và việc chuyển quân sang Belarus chỉ là trò nghi binh.

Trung tướng Ba Lan đã nghỉ hưu Leon Komornicki nói với báo chí rằng cần coi hoạt động của Wagner ở Belarus là phần nối dài của "cuộc binh biến giả vờ" do Moscow và Minsk bày ra.

Mục tiêu của quân Wagner nay là "trinh sát, do thám biên giới Ba Lan cho mục tiêu chiến tranh hỗn hợp", ông nói.

Theo tướng Komornicki, người Ba Lan cần cảnh giác trước cuộc chiến tranh thông tin mà Nga đang tiến hành qua các vụ việc vừa qua ở biên giới Ba Lan-Belarus, vốn "là phần không tách rời trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine".

Vào thời gian Ba Lan sắp có cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 11 năm nay, việc gây nhiễu thông tin để "chia rẽ dư luận, các đảng chính trị" mà một trong các mục tiêu Kremlin đang hướng tới, theo ý kiến này.

Hoa Kỳ cùng một số đồng minh Nato của Ba Lan, Lithuania và Latvia nay cũng bắt đầu chia sẻ cách nhìn này.

A private Russian security guard in the CAR - December 2020

Hoa Kỳ nay coi quân Wagner là "mối đe dọa do Nga chỉ đạo". Ảnh quân Wagner ở châu Phi tháng 12/2020

Đại sứ Mỹ ở LHQ, bà Linda Thomas-Greenfield nói hôm đầu tuần rằng Hoa Kỳ coi các hoạt động của Wagner ở châu Phi và Ukraine "là mối đe dọa".

Các hoạt động của Wagner đều phục vụ chính phủ Nga, và "cuộc tấn công nào của Wagner cũng sẽ được coi là cuộc tấn công do chính quyền Nga thực hiện", bà Thomas-Greenfield nói với báo chí hôm thứ Hai.

Hồi tháng 2 vừa qua, trang Politico có phóng sự đặc biệt điều tra các tuyến làm ăn của tập đoàn Wagner và trích dẫn giới phân tích cho rằng "quân Wagner là phương tiện riêng của ông Putin để thực hiện các mục tiêu địa chính trị và kinh tế trên thế giới".

Đổi lại, Wagner được "thưởng quyền khai thác mỏ" ở châu Phi và đem lại thu nhập cao cho các bên liên quan.

Hoạt động của quân Wagner đã giúp đẩy quân Pháp ra khỏi Mali và tăng ảnh hưởng của Nga ở quốc gia châu Phi.

Mới nhất đây, Wagner công khai khen ngợi cuộc đảo chính ở Niger do các tướng Niger thực hiện lật đổ tổng thống dân cử.

 

 

© 2001 by Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam. All Rights Reserved.Chính Việt xin đón nhận mọi ý kiến xây dựng và bài vở, xin email về baochinhviet@gmail.com

Search