Thời Sự

Tranh chấp nóng lên giữa Trung Quốc và Phillippines về Bãi Cỏ Mây

Tranh chấp nóng lên giữa Trung Quốc và Phillippines về Bãi Cỏ Mây

Tàu Philippins bị mắc cạn trên bãi Cỏ Mây

Hôm 8/8, Trung Quốc một lần nữa yêu cầu Philippines kéo một chiếc tàu chiến mắc cạn - là tàu từ thời Đệ nhị Thế chiến hiện được sử dụng làm tiền đồn quân sự - ra khỏi một bãi cạn có tranh chấp, sau khi Manila khước từ yêu cầu trước đó của Bắc Kinh.

Căng thẳng đã tăng vọt giữa hai nước láng giềng trên Biển Đông dưới thời Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr, với việc Manila xoay trục trở lại với Mỹ, nước ủng hộ quốc gia Đông Nam Á này trong các tranh chấp trên biển với Trung Quốc.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila chỉ trích việc Washington ‘tập hợp’ các đồng minh để tiếp tục ‘thổi phồng’ vấn đề Biển Đông và các sự cố liên quan đến tàu bè trên biển.

“Biển Đông không phải là ‘vườn thú’ cho các nước nằm ngoài khu vực quậy phá và gieo rắc bất đồng”, Đại sứ quán Trung Quốc hôm 8/8 ra tuyên bố cho biết.

Bãi Cỏ Mây (Second Thomas), nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, là nơi trú đóng của một số ít binh lính sống trên tàu chiến cũ Sierra Madre. Manila đã cố tình cho con tàu mắc cạn vào năm 1999 để củng cố tuyên bố chủ quyền.

Manila đã nhiều lần cáo buộc hải cảnh Trung Quốc chặn tàu bè tiếp tế cho binh lính của họ ở đó, như đã làm vào ngày 5/8 khi họ phun vòi rồng vào một tàu Philippines.

Trung Quốc khẳng định việc Philippines chiếm đóng bãi cạn này là bất hợp pháp.

Quân đội Philippines mô tả hành động của tàu hải cảnh Trung Quốc hôm 5/8 là ‘quá đáng và mang tính tấn công’. Trung Quốc nói vụ việc này là một lời ‘cảnh báo’ và họ đã luôn ‘kiềm chế hợp lý’.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 8/8 kêu gọi Manila chấm dứt mọi hành động ‘khiêu khích’ và cam kết sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và quyền trên biển.

Các chuyên gia an ninh nói rằng hành động của Trung Quốc xung quanh hòn đảo san hô này chỉ ra một điều – Bắc Kinh muốn kiểm soát Bãi Cỏ Mây, còn được Trung Quốc gọi là Nhân Ái Tiêu, còn ở Manila gọi là bãi Ayungin.

Đây không phải lần đầu tiên hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu của Manila. Hồi tháng 11/2021 họ từng làm như vậy.

Không có ai bị thương trong vụ việc ngày 5/8, nhưng các quan chức Philippines hôm 7/8 cho biết một trong hai tàu của Manila đã không hoàn thành nhiệm vụ tiếp tế. Cả hai đã trở lại một cảng ở Philippines.

Jonathan Malaya, trợ lý chủ nhiệm Ban Bí thư trong Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines, đã kêu gọi Trung Quốc ‘không leo thang sự việc’ và gây nguy hiểm cho tính mạng con người.

Nhật Bản và Pháp, thông qua các đại sứ quán ở Manila, đã bày tỏ lo ngại về các hành động gần đây của Trung Quốc và lặp lại sự ủng hộ của họ đối với phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực hồi năm 2016 vốn tuyên vô hiệu các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Diễn đàn

 

 

© 2001 by Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam. All Rights Reserved.Chính Việt xin đón nhận mọi ý kiến xây dựng và bài vở, xin email về baochinhviet@gmail.com

Search