Thời Sự

Ukraine: Nga vẫn có các loại vũ khí quan trọng bất chấp lệnh trừng phạt quốc tế

Ukraine: Nga vẫn có các loại vũ khí quan trọng bất chấp lệnh trừng phạt quốc tế

  • Reuters

Người dân bên ngoài một tòa nhà chung cư bị hư hại do đợt không kích của Nga ở thành phố Pokrovsk, vùng Donetsk ngày 8/8

Hôm thứ Ba 8/8, chính phủ Anh Quốc công bố điều được mô tả là "một hành động từ Anh lớn nhất chưa từng có" nhắm vào tuyến cung cấp vũ khí từ nước ngoài của Nga.

Các lệnh trừng phạt nhằm vào những công ty và cá nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ, Dubai, Slovakia và Thụy Sĩ.

Ngoại trưởng Anh, James Cleverly tuyên bố các biện pháp sẽ "làm suy yếu kho vũ khí của Nga hơn và đóng mạng lưới chuỗi cung ứng hậu thuẫn cho nền công nghiệp quốc phòng đang gặp khó k hăn của Putin hiện nay."

Thế nhưng sau một loạt những lệnh trừng phạt liên tiếp do Mỹ, Anh và EU áp đặt, Nga vẫn có những thành phần vũ khí mà quốc gia này cần có để giúp cỗ máy chiến tranh vận hành.

Những lý do đằng sau thật phức tạp nhưng có thể thấy vấn đề cốt lõi là Nga vẫn còn có thể 'nhúng tay' vào các lĩnh vực tuy nhỏ nhưng quan trọng trong công nghệ của Phương Tây, đặc biệt là microchip.

Nhiều loại vũ khí của Điện Kremlin, bao gồm các loại tên lửa đạn đạo và hành trình, sử dụng rất nhiều các thành phần điện tử do Mỹ, Anh, Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Israel và Trung Quốc sản xuất.

Hồi tháng Sáu, Viện KSE tại Kyiv, cùng phối hợp với Yermak-McFaul International Working Group chuyên theo dõi về các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, đã phân tích được 1.057 các thành phần khác nhau từ nước ngoài trong 58 phần vũ khí của Nga bị thu giữ.

Họ phát hiện rằng microchip và processor (bộ xử lý) chiếm một nửa trong số các thành phần vũ khí và khoảng 2/3 trong số này do những công ty Mỹ chế tạo.

Năm công ty sản xuất hàng đầu đều từ Mỹ, bao gồm Analogue Devices, Texas Instruments và Intel.

Nghiên cứu cũng củng cố thêm những phát hiện trong những báo cáo khác khi cuộc xâm lược Ukraine bắt đầu xảy ra hồi tháng 2/2022.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu trong cuộc họp tại Moscow

Bất chấp có các lệnh trừng phạt quốc tế, Nga vẫn có thể tiếp cận các phần vũ khí từ những nguồn khác nhau. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu trong cuộc họp tại Moscow

Với nhiều thành phần vũ khí quan trọng nằm trong danh sách bị áp đặt các lệnh hạn chế xuất khẩu, Nga đang không mua chúng trực tiếp từ các công ty cung cấp của Phương Tây.

Thay vào đó, Nga chuyển sang mạng lưới phức tạp các công ty trung gian từ quốc gia thứ ba.

Hồi tháng Tư năm nay, Nikkei phát hiện 75% microchip của Mỹ đang được cung cấp cho Nga thông qua Hong Kong hoặc Trung Quốc.

Các nhà điều tra của Nikkei phát hiện rằng những công ty cung cấp quy mô nhỏ hoặc tầm trung, đã được thiết lập nên theo sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga, có sự tham gia đáng kể, đôi lúc hoạt động dưới dạng những văn phòng không có tên và ẩn danh ở Hong Kong.

Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng các thành phần quan trọng đã được mua ngụy trang bằng mục đích sử dụng phi quân sự, ví dụ như trong chương trình không gian của Nga.

Theo báo cáo của KSE & Yermak McFaul thì: "Có vô số những công ty... sẵn sàng gánh chịu rủi ro đáng kể để đáp ứng những yêu cầu thu mua của Nga."

Theo báo cáo, những công ty như vậy nằm trên khắp toàn cầu, bao gồm tại Cộng hòa Czech, Serbia, Armenia, Kazakhstan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Trung Quốc.

Thông báo trừng phạt mới nhất từ Anh cho thấy các đồng minh Phương Tây của Ukraine đang ngày càng quan ngại về vai trò của những công ty trung gian bên thứ ba này.

Hai công ty Thổ Nhĩ Kỳ vừa mới bị áp lệnh trừng phạt, Turkik Union và Azu International, với lý do "vai trò của họ trong việc xuất khẩu những vi điện tử đến Nga, cần thiết cho hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine."

Một công dân người Slovakia, Ashot Mkrtychev nằm trong danh sách với cáo buộc có liên quan đến nỗ lực thực hiện thương vụ mua bán vũ khí giữa Nga và Bắc Hàn.

Hồi tháng Năm, Anh, EU và Mỹ đã cùng công bố một danh sách gồm 38 "điểm ưu tiên cao chung" và cảnh báo các công ty "phải tiến hành thẩm định đúng cách để đảm bảo điểm đến cuối cùng cho những sản phẩm này không phải là nước Nga."

Danh sách này bao gồm nhiều loại vi mạch tích hợp, chất bán dẫn, tia laser và các công cụ định hướng.

Giới chức Phương Tây nói họ đang đạt được bước tiến và đề cập đến một sắc lệnh của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, hồi đầu năm nay, yêu cầu tạm dừng việc chuyển các hàng hóa nhất định nằm trong danh sách bị EU, Anh và Mỹ trừng phạt, đến Nga.

Họ cũng chỉ ra rằng trong lúc Nga vẫn đang có thể nhập khẩu số lượng đáng kể các chất bán dẫn, chúng không thường có chất lượng cao nhất.

"Số lượng nhập khẩu chất bán dẫn của Nga, đã bắt đầu tăng cho đến cuối thời điểm năm ngoái, đã sụt giảm 2/3 trong khoảng từ tháng Giêng đến tháng Hai năm nay," một quan chức nói, "bắt buộc họ phải dựa theo những thành phần thay thế chất lượng thấp, như microchip với tỷ lệ loại bỏ là 40%."

Cũng vị quan chức này nói rằng Nga đang phải thực hiện mà không có năng lực nhất định, bao gồm chụp ảnh nhiệt, với công nghệ thời Xô Viết được tái sử dụng.

"Điều này rõ ràng tương phản sâu sắc với năng lực của Ukraine trong việc tiếp nhận nền công nghệ tối tân từ chúng tôi," ông cho biết thêm.

Một văn phòng tuyển quân di động ở Moscow

"Nhiệm vụ của chúng ta là bảo vệ đất mẹ" - một văn phòng tuyển quân di động ở Moscow

Đối với Ukraine, các lệnh trừng phạt của Phương Tây có thể không bao giờ có tác dụng đủ nhanh và mang tính toàn diện.

Các nhà nghiên cứu từ Viện KSE đặt câu hỏi về liệu các lệnh trừng phạt mới nhất của Anh có quy mô bao trùm như chính phủ đã tuyên bố hay không.

Ben Hilgenstock, một nhà kinh tế học cấp cao từ KSE, nói việc theo dõi những công ty trung gian thứ ba là "trò mèo vờn chuột", bao gồm vô số các công ty rất ít được biết đến.

"Tôi không chắc là chúng ta sẽ chơi trò này thành công đến đâu nếu chúng ta tiến hành trừng phạt năm công ty," ông nói với BBC. "Điều này sẽ không giải quyết được vấn đề vì chuyện tạo ra một dạng công ty mới ở một nơi nào đó là quá dễ dàng."

Khi một thành phần vũ khí lọt vào tay một công ty trung gian, thì chuyện truy vết trở nên khó khăn hơn. Chúng có thể sau đó xuất hiện trong dữ liệu thương mại của Nga, nhưng đợi đến khi đó thì tình hình đã quá trễ.

Ông Hilgenstock đề xuất việc đưa những công ty trung gian tình nghi này vào danh sách đen sẽ phát huy tác dụng.

"Bởi vì nhiều nhà sản xuất cũng không biết họ nên và không nên làm ăn kinh doanh với ai. Đây là một thách thức rất nghiêm trọng."

 

 

© 2001 by Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam. All Rights Reserved.Chính Việt xin đón nhận mọi ý kiến xây dựng và bài vở, xin email về baochinhviet@gmail.com

Search