Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc thăm Nga và Belarus để tìm hiểu gì?
14/8/2023
BBC News
Tướng Lý Thượng Phúc phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 20 ở Singapore tháng 6/2023
Thượng tướng Lý Thượng Phúc, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc có chuyến thăm tuần này tới Nga và Belarus.
Các báo Phương Tây nói chuyến thăm của vị tướng Trung Quốc 14-19 tháng 8 là để "bày tỏ sự ủng hộ cho hai đồng minh bị cô lập" về mặt quân sự.
Bản thân ông Lý Thượng Phúc có tên trong danh sách các nhân vật bị Hoa Kỳ trừng phạt vì "vi phạm quy định Caatsa", cấm mua bán công nghệ quân sự cao cấp với Nga.
Cụ thể, Hoa Kỳ nói đó là việc Nga chuyển giao công nghệ về phi cơ Su-35 và hệ thống phòng không S-400 cho Trung Quốc.
Chuyến thăm tới Nga của bộ trưởng Trung Quốc gồm phần tham dự hội nghị an ninh quốc tế do Nga tổ chức ở Moscow tuần này.
Ông Lý dự kiến sẽ có bài diễn văn tại sự kiện mà Moscow nói đã quy tụ đại diện của 100 nước.
Theo hãng tin Nga TASS thì một chủ đề của Hội nghị An ninh Quốc tế ở thủ đô Nga là về "cơ chế phát triển theo phương thức mới, bên ngoài hệ thống Phương Tây".
Hiện chưa rõ xu thế này sẽ triển khai ra sao về mặt quân sự sau khi Hoa Kỳ và một số đồng minh đã cấm bán, chuyển giao công nghệ quốc phòng cho Trung Quốc, Nga.
Mới đây nhất TT Joe Biden tăng mức độ kiểm soát công nghệ AI và không gian để Trung Quốc không thể tiếp cận được.
Tuần qua, TT Biden ký lệnh cấm mọi đầu tư mới của các công ty Hoa Kỳ vào những ngành "trọng yếu" như chip điện tử, vốn có ứng dụng trong kinh tế dân sự cũng như sản xuất vũ khí chính xác (tên lửa, phi cơ).
Trung Quốc học gì từ cuộc chiến Ukraine?
Sau các cuộc gặp cao cấp với lãnh đạo và tướng lĩnh Nga ông Lý Thượng Phúc sẽ tới Belarus và dự kiến sẽ hội kiến Tổng thống Aleksander Lukashenko và hội đàm với người tương nhiệm Viktor Khrenin.
Thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng TQ cũng nói ông Lý "sẽ thăm một đơn vị quân đội Belarus" mà không nêu cụ thể địa danh hoặc tên của lực lượng đó.
Được biết Trung Quốc không chỉ quan tâm tới diễn tiến cuộc chiến của Nga ở Ukraine và tác động địa chính trị của nó - Bắc Kinh đã nêu ra một sáng kiến hòa bình của mình cho vấn đề Ukraine - mà còn chú tâm đến các bài học về quân sự từ hai phía.
Thế nhưng, theo đánh giá của TS Joel Wuthnow từ ĐH Quốc phòng Hoa Kỳ (US National Defense University) thì các sĩ quan Trung Quốc rất chậm trong việc thu thập thông tin để rút tỉa ra bài học cho họ từ cuộc chiến Ukraine.
Sau 7 tháng chiến tranh, tới tháng 9/2022, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa chưa có nổi một bản tổng kết chi tiết về những điều hay và dở của Nga hay Ukraine trong cuộc xung đột, theo đánh giá trên.
Ngoài ra, vấn đề của TQ không phải là thu thập thông tin chiến trường mà là "điều chỉnh, thích ứng".
Về chính sách, thách thức lớn, theo ông Wuthknow là việc thực hiện mọi thay đổi trong quân đội TQ đều phải tuân theo các định kiến có sẵn của vị tổng tư lệnh: Chủ tịch Tập Cận Bình.
Hiện chưa rõ chuyến thăm của Thượng tướng Lý Thượng Phúc có đem về cho TQ những góc nhìn gần thực tế hơn hay không và nếu có thì là bao nhiêu về chiến tranh ở Ukraine.