Biden bị cáo buộc gạt nhân quyền qua một bên vì lợi ích chiến lược
Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại Hà Nội ngày 11/9/2023.
Tờ thông tin của Tòa Bạch Ốc ban hành trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden có hơn 2.600 từ. Phần về nhân quyền chỉ 112 từ, bao gồm cả một tiêu đề phụ.
Từ góc độ kinh doanh và chiến lược, chuyến thăm của ông Biden tới Việt Nam vào ngày 10-11/9, cũng như tới Ấn Độ vào cuối tuần trước, có thể sẽ được coi là củng cố mối quan hệ với các quốc gia có thể giúp Washington chống lại sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.
Nhưng đối với những người ủng hộ nhân quyền, chuyến đi của Biden là một sự thất vọng, bởi lẽ chính quyền của ông đã cam kết ưu tiên nhân quyền khi nhậm chức vào năm 2021.
Tại Hà Nội, ông Biden nói Hoa Kỳ đang nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện” và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực điện toán đám mây, chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Tòa Bạch Ốc cũng tiết lộ thương vụ Vietnam Airlines mua 50 máy bay Boeing 737 Max trị giá 7,8 tỷ đô la.
Những người ủng hộ nhân quyền lo ngại việc thiếu tập trung vào nhân quyền, mặc dù không nằm ngoài dự đoán, sẽ không những không cải thiện được điều kiện ở Việt Nam và Ấn Độ mà còn có nguy cơ làm tình hình trở nên tồi tệ hơn ở những nơi khác.
Bà Carolyn Nash, giám đốc cổ súy cho nhân quyền châu Á thuộc Tổ chức Ân xá Quốc tế, nói: “Chính quyền Biden rõ ràng đang gạt nhân quyền sang một bên để thúc đẩy quan hệ đối tác với các chính phủ mà họ coi là quan trọng về mặt chiến lược – đồng thời gửi thông điệp rằng Hoa Kỳ sẵn sàng chấp nhận những thất bại trắng trợn trong việc bảo vệ và duy trì nhân quyền”.
Các tổ chức nhân quyền cáo buộc Đảng Bharatiya Janata cầm quyền của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phân biệt đối xử có hệ thống đối với các nhóm thiểu số, đặc biệt là người Hồi giáo và rằng những người ủng hộ đảng này thực hiện các cuộc tấn công bạo lực chống lại các nhóm bị nhắm mục tiêu.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho biết hệ tư tưởng đa số theo đạo Hindu của chính phủ được phản ánh bằng sự thiên vị trong hệ thống tư pháp, và chính quyền đã tăng cường nỗ lực nhằm bịt miệng các nhà hoạt động và nhà báo bằng những cáo buộc có động cơ chính trị.
HRW hôm 9/9 cho biết Việt Nam đang giam giữ ít nhất 159 tù nhân chính trị – những người bị cầm tù vì thực hiện các quyền dân sự và chính trị cơ bản một cách ôn hòa – và ít nhất 22 người khác đang bị giam chờ xét xử cuối cùng trước tòa án do Đảng Cộng sản cầm quyền kiểm soát.
HRW nói, chỉ trong 8 tháng đầu năm 2023, các tòa án ở Việt Nam đã kết án ít nhất 15 người án tù dài hạn vi phạm quyền được xét xử công bằng của họ.
Các phóng viên hỏi ông Biden ở Việt Nam liệu ông có đặt lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ lên trên nhân quyền hay không và ông trả lời: “Tôi đã nêu vấn đề đó (nhân quyền) với mọi người tôi gặp.”
Nhưng bà Nash và ông John Sifton tại HRW cho rằng nói chuyện riêng là chưa đủ.
Ông Sifton nói: “Rất khó để nâng cấp mối quan hệ với các chính phủ vi phạm nhân quyền đồng thời bảo vệ các vấn đề nhân quyền một cách hiệu quả”.
Ông nói rằng các chính phủ cần biết rằng sẽ có hậu quả cho việc vi phạm “nếu không dùng cây gậy thì lãng phí củ cà rốt”.
Ông Sifton nói: “Điều này đặc biệt đúng với Việt Nam, nơi chính phủ không đặc biệt quan tâm đến danh tiếng của mình trên trường quốc tế về vấn đề nhân quyền,” đồng thời nói thêm rằng điều quan trọng là phải chỉ trích một cách công khai hồ sơ nhân quyền của ông Modi vì đó là cách hiệu quả nhất để thúc đẩy ông thay đổi.
Ông Modi phủ nhận rằng sự phân biệt đối xử đối với người thiểu số tồn tại dưới chính phủ của ông trong cuộc họp báo với ông Biden vào tháng 6 năm nay. Chính phủ Việt Nam cũng phủ nhận việc vi phạm nhân quyền.
Nêu lên nhân quyền “một cách riêng tư”
Ông Biden đã không công khai nêu các vấn đề nhân quyền khi ở Ấn Độ, mặc dù ông phát biểu trong một cuộc họp báo ở Hà Nội rằng ông đã nêu lên tầm quan trọng của việc tôn trọng nhân quyền và tự do báo chí trong cuộc hội đàm với ông Modi.
Tại Ấn Độ, Tòa Bạch Ốc cũng tránh phản đối công khai về những hạn chế của chính phủ Ấn Độ đối với các phóng viên đưa tin về cuộc gặp của ông Modi với ông Biden, trong đó báo chí Mỹ phải tập trung trong một chiếc xe tải trong khi các nhà lãnh đạo trò chuyện.
Điều phối viên của Hoa Kỳ phụ trách Ấn Độ-Thái Bình Dương, Kurt Campbell, từ chối đề cập đến vấn đề tiếp cận của báo chí trong một cuộc họp báo với các phóng viên, nói rằng ông Biden muốn giải quyết những chủ đề như vậy một cách riêng tư.
Ông Campbell nói rằng trong khi Ấn Độ “tiếp tục tiến bộ” về nhân quyền, “chìa khóa ở đây là chúng tôi duy trì đối thoại tôn trọng và tiếp cận một số thách thức với mức độ khiêm tốn vì một số thách thức mà chúng tôi phải đối mặt trong đất nước của chúng ta.”
Tờ thông tin của Tòa Bạch Ốc tại Hà Nội cho biết các bên đã “tăng cường cam kết đối thoại có ý nghĩa” trong Đối thoại Nhân quyền Hoa Kỳ-Việt Nam.
Ông Murray Hiebert tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Washington cho biết một số quan chức Mỹ coi cuộc đối thoại thường niên này là một cuộc trao đổi không đáng kể về các luận điểm. Ông cũng lưu ý rằng khi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tổ chức cuộc gặp quan trọng với ông Biden, quan chức Việt Nam thân cận nhất ở bên trái ông là ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an đầy quyền lực chịu trách nhiệm đàn áp những người bất đồng chính kiến.
Ông Derek Grossman, một chuyên gia khu vực tại RAND Corp, nói mục đích chính của ông Biden trong việc ve vãn Ấn Độ và Việt Nam là lôi kéo họ tham gia chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ để chống lại Trung Quốc.
Ông nói: “Do đó, chính quyền Biden có xu hướng hạ thấp hoặc tránh các cuộc thảo luận về nhân quyền”. “Làm như vậy chắc chắn sẽ khuyến khích các quốc gia này và những quốc gia khác, như Ả Rập Xê-út, tiếp diễn vi phạm như thường.”