Azerbaijan 'xin lỗi Nga' sau khi bắn chết thuyền trưởng tàu ngầm nguyên tử Ivan Kovgan
9/22/2023
BBC
Azerbaijan tăng cường pháo kích Nagorno-Karabakh trước cuộc tấn công hôm thứ Ba tuần này
Lại vừa có thêm tin xấu cho hàng ngũ sĩ quan cao cấp của Nga sau khi Phó Tư lệnh Hạm đội Biển Bắc Ivan Kovgan "tử nạn vì trúng đạn" ở Nagorno-Karabakh.
Vừa mừng sinh nhật 51 tuổi cuối tuần qua, ông Kovgan, vốn là sĩ quan hải quân và thuyền trưởng một tàu ngầm nguyên tử của Nga, tới vùng xung đột giữa Azerbaijzan và Armenia để làm phó tư lệnh lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga.
Xe của ông bị trúng đạn súng máy của quân Azerbaijan khi chiếc xe UAZ Patriot của họ chạy trong núi và toàn bộ sáu quân nhân Nga đã chết tại chỗ hôm 20/09.
Ngoài ông Kovgan, thuyền trưởng mang hàm đại tá hải quân, còn có đại tá Tagir-Murod Karaev, thuộc lực lượng bộ đội hóa học và vũ khí sinh học của Nga và bốn quân nhân nữa bị giết.
Ngay lập tức, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã gửi lời xin lỗi tới Tổng thống Vladimir Putin vì vụ việc.
Các kênh chính thống của Nga không nêu tên các sĩ quan của họ bị bắn chết nhưng có trích lời Bộ Quốc phòng Nga yêu cầu "điều tra và trừng trị nghiêm khắc những thủ phạm vụ bắn súng".
Phía Azerbaijan ban đầu cho biết họ tấn công xe cộ trong một cuộc càn quét "chống khủng bố".
Một số đồng đội của ông Kovgan ở Hạm đội Biển Bắc thì lên án vụ việc là "cuộc phục kích của bọn phản bội" và bày tỏ lòng thương tiếc ông, theo trang web News.am ở Azerbaijan.
Câu lạc bộ các cựu binh tàu ngầm ở St. Petersburg đã thông báo về cái chết của ông Kovgan, người sinh ra ở Minsk.
Azerbaijan hiện đã làm chủ vùng ly khai Nagorno-Karabakh sau mấy ngày tấn công liên tiếp và lực lượng nói tiếng Armenia đã đầu hàng.
Xung đột từ nhiều năm
Xung đột ở Nagorno-Karabakh nổ ra sau khi Liên Xô tan rã với vùng đất này, vốn được Stalin lấy của Armenia trao cho Azerbaijan thời cộng sản tuyên bố độc lập, và xưng danh là Cộng hòa Artsakh. Thế nhưng cộng đồng quốc tế không công nhận thực thể này và năm 1994, Armenia chiến thắng trong cuộc chiến Nagorno-Karabakh lần một.
Năm 2020, xung đột bùng nổ trở lại khi Azerbaijan tung ra chiến dịch giành lại vùng núi tranh chấp.
Cuộc chiến làm chết 6.700 người và Moscow đã gửi lực lượng gìn giữ hòa bình tới đây.
Nước Nga hỗ trợ Armenia nhưng cũng vẫn bán vũ khí cho Azerbaijan, nước có quan hệ mật thiết với Thổ Nhĩ Kỳ.
Hồi 2020, tên lửa đất đối không của Azerbaijan đã bắn rơi một trực thăng quân sự Mi-24 của Nga, giết chết hai người trong tổ lái.
Trong tuần này, Azerbaijan tuyên bố đã thắng lợi trong việc "giành lại lãnh thổ" ở Nagorno-Karabakh sau 30 năm tranh chấp.
Armenia tuyên bố sẵn sàng đón 40 nghìn dân nói tiếng Armenia từ vùng này về nước mình.
Các diễn biến trên được cho là chỉ dấu rằng Nga suy giảm vị thế trong vùng, còn Thổ Nhĩ Kỳ đang mạnh lên, theo kênh France24 của Pháp.
Thời gian qua, tại chiến trường Ukraine, Nga đã mất thêm hai đại tá thuộc lực lượng dù, đưa con số sĩ quan cấp tá chết trận lên hàng trăm.
Đại tá Andrej Kondrashkin, trung đoàn trưởng Trung đoàn dù 31, bị giết gần Bakhmut, ở tuổi 44, sau khi có tin lữ đoàn trưởng Lữ đoàn dù 247, đại tá Vasily Popov, 38 tuổi bị giết cũng trên lãnh thổ Ukraine.
Mới đây, trang Top Cargo 200 chuyên theo dõi số thương vong trong cấp chỉ huy của quân Nga ở Ukraine, cho hay có hơn 450 thiếu tá, gần 250 trung tá và khoảng 100 đại tá (quân hàm ba sao) của Nga đã thiệt mạng trong cuộc chiến của Vladimir Putin ở Ukraine.
Cái chết của hai ông Kovgan và Karaev đưa con số đại tá Nga chết vì súng đạn tính cả bên ngoài chiến trường Ukraine lên tới hơn 100.