Thời Sự

Tại sao xung đột ở Trung Đông khơi mào tội ác thù hận ở Mỹ?

Tại sao xung đột ở Trung Đông khơi mào tội ác thù hận ở Mỹ?

Sinh viên Đại học Columbia tham dự họp báo kêu gọi nhà trường ủng hộ sinh viên đối mặt với nạn Bài Do Thái, tại NewYork, ngày 30/10/2023.

Sau cuộc chiến Israel-Hamas, một làn sóng chủ nghĩa bài Do Thái và bài Hồi giáo quét qua Hoa Kỳ, khiến cộng đồng người Do Thái và người Hồi giáo ở Mỹ rơi vào tình thế nguy hiểm.

Một cậu bé 6 tuổi người Mỹ gốc Palestine bị đâm chết bên ngoài Chicago hôm 14/10, một tuần sau khi cuộc tấn công của Hamas vào Israel khơi mào xung đột. Hung thủ hét lên: “Các người theo đạo Hồi phải chết” trước khi đâm chết cậu bé và làm mẹ cậu bị thương.

Một người xin tị nạn 20 tuổi đến từ Jordan đã bị bắt ở Houston vào tháng trước sau khi đăng lên mạng ủng hộ “giết người Do Thái”.

Liên đoàn Chống phỉ báng Hoa Kỳ, hay ADL, đã ghi nhận 312 trường hợp quấy rối, phá hoại và hành hung mang tính chất bài Do Thái trong hai tuần đầu tiên của cuộc chiến, tăng gần gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Hội đồng Quan hệ Hồi giáo Mỹ đã nhận được 774 đơn khiếu nại trong cùng hai tuần lễ này, nhiều hơn gấp ba lần tổng số năm ngoái trong cùng thời gian đó. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 12 năm 2015, khi ứng cử viên lúc đó là Donald Trump kêu gọi “lệnh cấm Hồi giáo”.

Hầu hết các vụ việc đều không được xem như tội phạm thù hận. Nhưng dữ liệu của cảnh sát từ các thành phố như New York và Los Angeles cho thấy sự gia tăng các báo cáo về tội phạm thù hận kể từ ngày 7/10.

Các chuyên gia cho biết, sự leo thang này là đáng báo động vì tội phạm thù hận đang ở mức độ chưa từng có. Năm ngoái, FBI đã ghi nhận số vụ việc xảy ra cao nhất kể từ khi cơ quan này bắt đầu thu thập dữ liệu tội phạm thù hận vào năm 1991.

Ông Michael Jensen, nhà nghiên cứu cao cấp tại Hiệp hội Quốc gia về Nghiên cứu Chủ nghĩa khủng bố và Phản ứng với Chủ nghĩa khủng bố, hay START, tại Đại học Maryland, nói: “Cuộc xung đột hiện tại ở Gaza đang đổ thêm dầu vào ngọn lửa vốn đã bùng phát”.

Làm thế nào mà một cuộc xung đột cách xa hàng nghìn km lại có thể gây ra những hậu quả trong nước Mỹ, dữ dội như vậy?

Bà Maya Berry, giám đốc điều hành của Viện người Mỹ gốc Ả Rập ở Washington, cho biết: “Thật không may, chuyện này thực sự không phải là hiếm.” “Trong lịch sử, chúng ta đã nói về một thứ gọi là ‘phản ứng tiêu cực’. Các sự kiện xảy ra ở bất cứ đâu trên thế giới cuối cùng đều có tác động trong nước. Chúng ta đã thấy điều đó trong lệnh cấm vận Ả Rập”, khi các chuyến vận chuyển dầu đến Mỹ và một số quốc gia khác bị cắt giảm vào năm 1973-74.

Trong nhiều thập niên kể từ đó, mô hình này phần lớn vẫn được giữ vững.

Một phân tích về số liệu thống kê của FBI từ đầu những năm 1990 cho thấy tội phạm thù hận chống người Do Thái và chống người Hồi giáo gia tăng trong thời gian căng thẳng giữa Israel và Palestine. Phân tích do Trung tâm Nghiên cứu Thù hận và Chủ nghĩa cực đoan tại Đại học Tiểu bang California thực hiện, đã được chia sẻ với VOA.

Ví dụ, vào tháng 3 năm 1994, các vụ việc căm thù chống người Do Thái đã tăng hơn gấp đôi lên 147 vụ sau khi người định cư cực đoan Do Thái Baruch Goldstein bắn chết 29 người đang thờ phượng tại Đền thờ Hồi giáo Ibrahimi ở Hebron.

Sự gia tăng mạnh nhất về tội thù hận chống người Do Thái xảy ra vào tháng 10 năm 2000, với sự khởi động của Intifada lần thứ hai – 204 vụ, đánh dấu mức tăng 183% so với tháng 10 năm 1999.

Những năm gần đây đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong suốt các cuộc xung đột Israel-Hamas vào năm 2006, 2014, 2018 và 2021.

Ông Brian Levin, giáo sư danh dự tại Đại học Tiểu bang California, người thực hiện cuộc phân tích, nói: “Dữ liệu của chúng tôi, trong suốt ba thập niên, cho thấy rõ ràng tỷ lệ phần trăm tăng đột biến về tội phạm thù hận chống người Do Thái ở Mỹ khi xảy ra chiến tranh ở vùng Thánh địa”.

Các nghiên cứu khác chứng thực phát hiện này. Một nghiên cứu gần đây của nhà khoa học chính trị Ayal Feinberg đã xem xét mối liên hệ giữa các vụ việc chống Do Thái và các hoạt động quân sự của Israel từ năm 2001 đến năm 2014. Nghiên cứu này phát hiện ra rằng trong các tuần hoạt động quân sự của Israel, tổng số vụ chống Do Thái đã tăng 24% trên khắp nước Mỹ, trong khi các hành vi bạo lực chống Do Thái và sự đe dọa tăng vọt 33%.

“Tôi nghĩ điều quan trọng cần lưu ý là ngay cả ở Hoa Kỳ, nơi được nhiều người coi là quốc gia theo chủ nghĩa chuộng Do Thái nhất trên thế giới, trong hai thập niên sự gia tăng chủ nghĩa bài Do Thái lớn hơn khi Israel tham gia vào các cuộc xung đột bạo lực với các nước láng giềng,” ông Feinberg, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Holocaust và Nhân quyền tại Đại học Gratz ở Pennsylvania, cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

Mối tương quan giữa cuộc xung đột ở Israel và tội phạm thù hận chống người Hồi giáo chưa rõ ràng. Dữ liệu của FBI cho thấy sự gia tăng ở mức hai và ba chữ số hàng tháng về tội ác chống người Hồi giáo trong suốt các hoạt động quân sự của Israel năm 2004 và 2014.

Tuy nhiên, những giai đoạn căng thẳng khác đã không gây ra sự gia tăng đáng kể về tội thù hận chống người Hồi giáo. Các chuyên gia cho rằng chủ nghĩa khủng bố quốc tế và những lời lẽ mang tính kích động là nguyên nhân chính gây ra các cuộc tấn công mang động cơ thù hận nhắm vào người Hồi giáo.

Đợt tăng lớn nhất xảy ra vào tháng 9 năm 2001. Con số này tăng lên mức kỷ lục 330, tăng 8.150%, khi vụ tấn công khủng bố 11/9 gây ra làn sóng bài Hồi giáo.

Mức tăng hàng tháng lớn thứ nhì diễn ra vào tháng 12 năm 2015 sau khi ứng cử viên Trump khi đó kêu gọi lệnh cấm “toàn diện và hoàn toàn” đối với người Hồi giáo vào nước Mỹ. Gần 70 tội ác chống lại người Hồi giáo đã được báo cáo trong tháng, tăng 886% so với năm trước.

Nhiều người Mỹ ủng hộ quyền của người Hồi giáo và người Ả Rập đổ lỗi cho sự cay độc chính trị và những gì họ cho là sự đưa tin thiên vị của các phương tiện truyền thông về cuộc xung đột đã khiến tinh thần bài Hồi giáo gia tăng.

Bà Mobashra Tazamal, phó giám đốc của Bridge Initiative, một dự án nghiên cứu về tình trạng bài Hồi giáo tại Đại học Georgetown ở Washington, nói: “Việc đóng khung phi nhân đạo này tác động đến người Hồi giáo ở Mỹ khi những cá nhân có thành kiến chống Hồi giáo coi người Hồi giáo là những kẻ khủng bố”.

Xét theo mọi khía cạnh, làn sóng bài Hồi giáo và chủ nghĩa bài Do Thái hiện nay dữ dội hơn nhiều so với các giai đoạn trước đây liên quan đến cuộc xung đột Israel.

Trong khi hầu hết các vụ việc không đến mức tội ác do thù hận, cảnh sát trên khắp đất nước đã thực hiện các vụ bắt giữ có liên quan đến sự căm thù chống người Hồi giáo và chống người Do Thái.

Ở New York, hai người đàn ông phải đối mặt với cáo buộc tội thù hận vì hành hung một thiếu niên Ai Cập vào ngày 11 tháng 10 trong khi hét lên “ĐM--- Palestine!” và “ĐM--- Hồi giáo!”

Bên ngoài Chicago, một người đàn ông đã bị bắt và bị buộc tội thù hận với cáo buộc lạm dụng và đe dọa bắn hai người đàn ông Hồi giáo vào ngày 17/10.

Một người đàn ông Michigan bị buộc tội đe dọa khủng bố sau khi đăng lời đe dọa lên Facebook yêu cầu mọi người “săn lùng người Palestine”.

Người Do Thái ở Mỹ đã trở thành mục tiêu của một loạt các cuộc tấn công và đe dọa chống Do Thái trên khắp đất nước.

Tại Houston, FBI đã bắt giữ Sohaib Abuayyash, 20 tuổi, người Jordan xin tị nạn, vào ngày 19/10. Giám đốc FBI Christopher Wray cho biết trong tuần này Abuayyash đã “nghiên cứu cách chế tạo bom và đăng lên mạng chuyện ủng hộ giết người Do Thái”.

Patrick Dai, một sinh viên Đại học Cornell, đã bị buộc tội trong tuần này vì đe dọa sinh viên Do Thái. Trong tài liệu của tòa án, các công tố viên liên bang cáo buộc rằng Dai đe dọa “mang súng trường tấn công đến trường và bắn” người Do Thái.

Ông Feinberg lưu ý rằng khi tội phạm thù hận gia tăng, cộng đồng bị nhắm mục tiêu cảm thấy bất an. Nhưng lần này, ông nói, “về mặt cảm xúc, tôi có cảm giác khác.”

Ông nói: “Điều tôi nhận thấy trong các cuộc trò chuyện của mình với các chuyên gia Do Thái cũng như người dân Do Thái là ngày nay họ cảm thấy bất an hơn bao giờ hết trong suốt cuộc đời ở đất nước này”.

 

 

© 2001 by Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam. All Rights Reserved.Chính Việt xin đón nhận mọi ý kiến xây dựng và bài vở, xin email về baochinhviet@gmail.com

Search