G7 vẫn một lòng ủng hộ Ukraine bất chấp chiến sự ở Trung Đông
Ngoại trưởng các nước G7 tề tựu ở Tokyo, Nhật, hôm 7/11
Sự ủng hộ của G7 dành cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga sẽ không bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột Trung Đông ngày càng quyết liệt, Nhật Bản hôm 7/11 tuyên bố trong lúc các ngoại trưởng của khối chuẩn bị thảo luận trực tuyến với Kyiv trong một hội nghị ở Tokyo.
Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ - cũng như Liên minh châu Âu (EU) –nhóm họp tại Tokyo từ ngày 7 đến ngày 8/11 để thảo luận về các chủ đề bao gồm cuộc chiến của Nga ở Ukraine và khủng hoảng Israel-Gaza.
“Cam kết của chúng tôi về việc tiếp tục các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt đối với Nga và sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Ukraine không hề dao động chút nào, ngay cả khi tình hình ở Trung Đông ngày càng căng thẳng,” Ngoại trưởng Nhật Yoko Kamikawa phát biểu trong cuộc họp báo.
Tại cuộc gặp với Ngoại trưởng Kamikawa vào cuối ngày 7/11, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nhấn mạnh ‘sự hỗ trợ lâu dài’ của khối đối với Ukraine là một nội dung quan trọng trong nghị trình của hội nghị, nhưng cũng cho biết lúc này là thời điểm quan trọng để đoàn kết trong cuộc chiến Israel-Hamas.
Các ngoại trưởng G7 dự kiến sẽ có cuộc họp trực tuyến với Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba vào ngày 8/11.
Các nước G7 nhận ra rằng Nga đang muốn chiến tranh lâu dài ở Ukraine và điều này đòi hỏi hỗ trợ quân sự và kinh tế lâu dài cho Kyiv, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết sau khi các ngoại trưởng của khối gặp nhau hồi tháng 9.
Khối này đã đi đầu trong việc áp đặt các lệnh trừng phạt lên Nga kể từ khi Moscow xua quân xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022, và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã bất ngờ xuất hiện tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima hồi tháng 5.
Trong động thái mới nhất nhằm vào nền kinh tế Nga, G7 đang cân nhắc các đề xuất áp đặt trừng phạt nhằm vào kim cương Nga.
Nhật hôm 7/11 cũng nói rằng họ sẽ không tránh khỏi bị tác động bởi lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào dự án khí hóa lỏng Artic 2 ở Nga mà trong đó các công ty Nhật Mitsui và JOGMEC nắm giữ tổng cộng 10% cổ phần.
Tìm kiếm tiếng nói chung trên vấn đề Ukraine dường như đã được chứng tỏ là dễ hơn đối với G7 so với cuộc khủng hoảng leo thang giữa Israel và Hamas vốn đã cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người và có nguy cơ lan rộng thành xung đột khu vực.
Kể từ khi cuộc chiến này nổ ra, G7 chỉ đưa ra một tuyên bố chung chỉ có vài câu. Các thành viên khác trong khối đã đưa ra tuyên bố riêng rẽ.
Tại Tokyo, G7 có kế hoạch thể hiện sự cần thiết phải tạm dừng giao tranh và cho phép tiếp cận nhân đạo vào dải Gaza, vốn đã bị Israel bắn phá để trả đũa cuộc tấn công của Hamas vào miền nam Israel hôm 7/10 khiến 1.400 người thiệt mạng, bà Kamikawa nói.
Nhật Bản, nước chủ tịch luân phiên của G7 đã có cách tiếp cận thận trọng đối với cuộc khủng hoảng này, chống lại áp lực phải đứng về phía lập trường ủng hộ Israel của đồng minh thân cận nhất của họ là Mỹ, các quan chức và nhà phân tích cho biết.
Nhưng tại cuộc gặp với ông Blinken, Ngoại trưởng Kamikawa cho biết có ‘sự đoàn kết vững chắc’ giữa các nước trong khối về vấn đề này.
Sự chia rẽ của G7 cũng thể hiện ở Liên Hợp Quốc, với Pháp bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết kêu gọi ngừng bắn nhân đạo vào ngày 26/10, trong khi Mỹ phản đối, còn các nước còn lại trong khối bỏ phiếu trắng.