Tại cuộc kiểm điểm nhân quyền định kỳ phổ quát, Nga bị lên án về các vi phạm trong lẫn ngoài nước
Một phiên họp đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc tại Geneva về Sudan ngày 11/5/2023.
Các nước phương Tây ngày 13/11 liên tục kêu gọi Nga chấm dứt đàn áp trong nước đối với những tiếng nói bất đồng chính kiến và chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine - cũng như các vi phạm nhân quyền liên quan đến cuộc chiến này – trong lúc Nga trải qua cuộc duyệt xét định kỳ tại cơ quan nhân quyền hàng đầu của Liên hiệp quốc.
Một phái đoàn từ Moscow, do Thứ trưởng Tư pháp Nga Andrei Loginov dẫn đầu, đã bênh vực quyền của Nga trong việc đảm bảo luật pháp và trật tự bằng cách hạn chế một số hình thức phản kháng hoặc tiếng nói có thể đe dọa an ninh trong nước. Ông cũng cho biết “hoạt động quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine “không liên quan đến vấn đề” nhân quyền trong cuộc kiểm điểm định kỳ này.
Phiên điều trần kéo dài 3 tiếng rưỡi hôm 13/11 tại Geneva là một phần của hoạt động được gọi là Đánh giá định kỳ phổ quát, hay UPR, mà tất cả các quốc gia thành viên Liên hiệp quốc phải đối mặt khoảng 4 hoặc 5 năm một lần.
Nga đã bị cộng đồng quốc tế lên án rộng rãi sau khi Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh tấn công Ukraine vào tháng 2 năm ngoái. Hai nhóm điều tra riêng biệt được Liên hiệp quốc hậu thuẫn đã được giao nhiệm vụ xem xét cả những hành vi vi phạm nhân quyền được thực hiện ở Ukraine và trong nước ở Nga.
Các nước phương Tây trong phiên họp ngày 13/11 đã tố cáo việc Nga trục xuất trẻ em Ukraine, việc Nga đàn áp xã hội dân sự và bắt giữ những người bảo vệ nhân quyền, trong đó có Alexei Navalny và Vladimir Kara-Murza. Các nước cũng lên án Nga đã hạn chế quyền của người LGBTQI và những người phản đối chiến tranh.
“Kể từ UPR lần trước, sự đàn áp trong nước của Nga đã tăng cường, tạo điều kiện cho sự đàn áp của nước này ở nước ngoài - đặc biệt là những hành động tàn bạo vẫn tiếp diễn ở Ukraine”, đại sứ Anh tại Geneva nói.
Bà Yevheniia Filipenko, đại sứ Ukraine tại các định chế của Liên hiệp quốc ở Geneva, đã chỉ ra “bằng chứng không thể chối cãi về hành vi vi phạm nhân quyền trắng trợn và có hệ thống của Nga, tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại” ở đất nước của bà, đồng thời tố cáo các cuộc tấn công đang diễn ra nhắm vào dân thường bao gồm “giết người, tra tấn, hãm hiếp, trục xuất.”
Bà nói: “Đối với danh sách vô tận các tội ác quốc tế, Nga sẽ phải chịu trách nhiệm”.
Các quan chức Nga bảo vệ các biện pháp an ninh của họ, nói rằng các hạn chế nhằm mục đích ngăn chặn sự gián đoạn có thể ảnh hưởng đến an ninh và bênh vực lập trường của họ về các vấn đề giới tính.
Nhiều quốc gia, đặc biệt là các đồng minh của Moscow và các quốc gia khác ở các nước đang phát triển, đã chúc mừng Nga về những thành tựu đáng tự hào của nước này, chẳng hạn như việc bảo vệ quyền của người khuyết tật.
“Tôi nhấn mạnh những thành tựu của đất nước chúng tôi trong lĩnh vực nhân quyền, tôi không thể bỏ qua những khó khăn mà chúng tôi gặp phải”, ông Loginov nói, ám chỉ áp lực của các chế tài và hạn chế quốc tế đối với vai trò của Nga trong các định chế thế giới.
Ông cho biết Nga sẽ lắng nghe “tất cả các khuyến nghị” mà hợp với hiến pháp của mình - nhưng không tuân theo những khuyến nghị liên quan đến Ukraine.