Thời Sự

Vladimir Putin đang lợi dụng chiến tranh Gaza nhằm giành ưu thế địa chính trị trước Mỹ?

Vladimir Putin đang lợi dụng chiến tranh Gaza nhằm giành ưu thế địa chính trị trước Mỹ?

19 tháng 11 2023

   BBC News

 

Vladimir Putin đã đợi đến ba ngày trước khi lên tiếng bình luận về cuộc tấn công của Hamas nhằm vào Israel, vốn xảy ra đúng vào ngày sinh nhật lần thứ 71 của ông. Khi đó, ông đã chỉ trích Mỹ, không phải Hamas, theo một phân tích từ Reuters.

"Tôi nghĩ nhiều người sẽ đồng ý với tôi rằng đây là một minh chứng rõ ràng về chính sách Trung Đông thất bại của Mỹ, vốn đã ra sức độc tôn trong tiến trình dàn xếp," ông Putin nói với Thủ tướng Iraq ngày 10/10.

Thêm sáu ngày sau đó, hôm 16/10, Putin mới gửi lời chia buồn đến Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về việc 1.200 người Israel đã bị thiệt mạng. Mười ngày sau, Nga nói một phái đoàn của Hamas xuất hiện ở Moscow để hội đàm.

Các chuyên gia về chính sách của Nga và Phương Tây nhận định ông Putin đang ra sức lợi dụng cuộc chiến tranh của Israel nhằm vào Hamas để tiến hành leo thang điều mà ông ta gọi là một trận chiến hiện tại với Phương Tây vì một trật tự thế giới mới, sẽ chấm dứt sự thống trị của Mỹ để đổi lấy một hệ thống đa phương mà ông chủ Điện Kremlin tin rằng đang bắt đầu được hình thành.

"Nước Nga hiểu rằng Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) luôn dành sự hỗ trợ toàn diện dành cho Israel, nhưng Mỹ và EU hiện là hiện thân của cái ác và không thể nào làm chuyện đúng đắn được," Sergei Markov, cựu Cố vấn Điện Kremlin, viết trên blog của mình, giải thích tính cần thiết để Putin phải tự tạo sự khác biệt.

"Vì vậy, nước Nga sẽ không giống với với Mỹ và EU. Đồng minh chính của Israel là Mỹ, đối thủ chính của Nga vào lúc này. Và đồng minh của Hamas là Iran, đồng minh của Nga," ông Sergei Markov viết.

Moscow đang có mối quan hệ ngày càng thân cận với Tehran - vốn đã hậu thuẫn Hamas và bị Washington cáo buộc cung cấp cho Moscow drone cho chiến trường Ukraine, quốc gia đang lâm vào một cuộc chiến tranh bào mòn với Nga.

Hanna Notte, một chuyên gia về chính sách ngoại giao của Nga từ Berlin, nói với trung tâm Carnegie Russia Eurasia Center, bà cho rằng Moscow đã gạt bỏ lập trường mang tính cân bằng hơn trước đây về Trung Đông và áp dụng một "lập trường ủng hộ Palestine khá công khai".

"Khi thực hiện tất cả những chuyện này, Nga rất hiểu chính quốc gia này đang ủng hộ các cộng đồng trên khắp Trung Đông và thậm chí hơn thế nữa - vươn xa đến toàn Nam bán cầu, xét về các quan điểm của họ liên quan đến vấn đề người Palestine, và theo những quan điểm mà động cơ của người Palestine tiếp tục được hưởng ứng," bà nhận định.

Đây chính xác là những cộng đồng mà Putin tìm cách để 'lấy lòng' vì mục tiêu lập nên một trật tự thế giới mới, khiến sức ảnh hưởng của Mỹ bị phân tán.

"Cách thức quan trọng nhất mà nước Nga hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng ở Gaza là ghi điểm trong sự phán xét của công luận toàn cầu," bà Notte nhấn mạnh.

Putin đã nói rằng "khi nhìn vào những những em bé đầy máu và thống khổ (ở Gaza), thì đôi bàn tay bạn siết chặt và nước mắt tuôn rơi."

'Tiêu chuẩn kép'

Người dân Palestine tại Bờ Tây giơ cao hình ảnh ông Vladimir Putin trong một cuộc biểu tình ủng hộ người dân tại Gaza

Người dân Palestine tại Bờ Tây giơ cao hình ảnhVladimir Putin trong một cuộc biểu tình ủng hộ người dân tại Gaza vào ngày 20/10/2023, trong bối cảnh cuộc chiến tranh giữa Israel và Hamas vẫn tiếp diễn

Giới chính trị gia ở Nga đã thẳng thừng tạo sự tương phản giữa điều mà họ gọi là sự tự do hoàn toàn mà Washington trao cho Israel để tiến hành đánh bom Gaza và phản ứng mang tính trừng phạt của Washington đối với cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine, khi Moscow tuyên bố không cố tình nhắm vào các dân thường mặc dù hàng ngàn người dân thường đã phải bỏ mạng.

Đại sứ của Israel tại Liên Hiệp Quốc nói Nga không có tư cách gì để có thể rao giảng cho người khác nếu xét về những gì bản thân đất nước này đã làm tại Ukraine.

Thế nhưng Thượng nghị sĩ Alexei Pushkov của Nga nói Phương Tây đã rơi vào chính cái bẫy của mình bằng việc thực thi tiêu chuẩn kép trong cách đối xử với các quốc gia khác nhau, dựa vào những ưu tiên chính trị vì lợi ích riêng.

"Sự ủng hộ kiên định của Mỹ và Phương Tây dành cho các hành động của Israel là một đòn giáng mạnh vào chính sách ngoại giao của Mỹ trong cái nhìn của thế giới Ả Rập và toàn bộ Nam bán cầu," ông Pushkov viết trên kênh Telegram.

Nước Nga cũng nhìn nhận cuộc khủng hoảng là một cơ hội để Moscow gia tăng sức ảnh hưởng tại Trung Đông và xuất hiện như một nhà kiến tạo hòa bình đầy tiềm năng, có mối liên kết với tất cả các bên, cựu Cố vấn Điện Kremlin, Markov nói.

Moscow cũng đã đề xuất chủ trì một cuộc họp ngoại trưởng trong vùng và Putin tuyên bố Nga đang trong vị thế tốt để trợ giúp.

"Chúng tôi đã có một mối quan hệ kinh doanh, bền vững với phía Israel, và chúng tôi cũng có mối quan hệ hữu nghị với phía Palestine trong hàng thập kỷ qua, những người bạn của chúng tôi biết điều này. Và theo ý kiến của tôi, nước Nga, có thể đóng góp cho tiến trình dàn xếp," ông Putin trả lời kênh Arab TV hồi tháng 10.

Cũng có những lợi ích kinh tế tiềm năng, ông Markov nói, cùng với đó là khoản lợi giành được khi rút được các nguồn lực quân sự và tài chính của Phương Tây ra khỏi Ukraine.

"Nước Nga hưởng lợi từ việc giá dầu tăng, một hệ quả từ cuộc chiến tranh Ukraine," ông Markov nói. "(Và) nước Nga hưởng lợi từ bất kỳ cuộc xung đột nào mà Mỹ và EU phải đổ nguồn lực vào, bởi vì chuyện này giúp làm suy giảm sự hỗ trợ cho chế độ chống Nga tại Ukraine."

Alex Gabuev, Giám đốc Carnegie Russia Eurasia Center, nói ông tin rằng Moscow đã xoay chuyển chính sách về Trung Đông của mình bởi vì cuộc chiến tranh Ukraine.

"Giải thích của tôi là bởi vì cuộc chiến tranh này đang trở thành một nguyên tắc tổ chức trong chính sách ngoại giao của Nga và (vì) mối quan hệ với Iran, quốc gia đem vũ khí quân sự lên bàn đàm phán. Ví dụ như nỗ lực chiến tranh đóng vai trò trung tâm của Nga quan trọng hơn là mối quan hệ với Israel."

Quan hệ xấu đi

Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu

Vladimir Putin gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Điện Kremlin vào ngày 30/01/2020

Mối quan hệ giữa Nga và Israel, về mặt truyền thống mang tính thân cận và thực dụng - đã chịu ảnh hưởng.

Việc Moscow tiếp đón phái đoàn của Hamas chỉ chưa đến hai tuần sau cuộc tấn công ngày 07/10 nhằm vào Israel, đã khiến Israel phải triệu tập Đại sứ Nga tại nước này, Anatoly Viktorov, nhằm gửi đi "một thông điệp về hợp pháp hóa chủ nghĩa khủng bố".

Sự bất mãn đến từ cả đôi bên; Alexander Ben Zvi, Đại sứ Israel, đã bị triệu tập để hội đàm với Bộ Ngoại giao Nga ít nhất hai lần, và đại sứ tại Liên Hiệp Quốc của hai nước đã có màn tranh luận nảy lửa sau khi đại diện của Moscow chất vấn về quyền tự vệ của Israel nên được giới hạn đến đâu.

Mikhail Bogdanov, một trong những phó thủ tướng của Nga, nói Israel đã chấm dứt việc đưa ra cảnh báo trước mang tính thường nhật như trước đây về các vụ không kích nhằm vào Syria, đồng minh của Nga.

Khi Bộ trưởng Di sản Amichay Eliyahu của Israel bị đình chỉ chức vụ, vì lên tiếng công khai ý tưởng Israel nên tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào Gaza, nước Nga nói lời bình luận trên đã đặt ra "rất nhiều câu hỏi" và chất vấn liệu đây có phải là sự thừa nhận chính thức từ Israel rằng quốc gia này có vũ khí hạt nhân hay không.

Amir Weitmann, Chủ tịch nhóm thành viên theo phe tự do trong đảng Likud của Thủ tướng Israel, Netanyahu, tuyên bố quốc gia này sẽ một ngày nào đó trừng phạt Moscow liên quan đến lập trường này.

"Chúng tôi sẽ hoàn tất cuộc chiến tranh (với Hamas)... Rồi sau đó, nước Nga sẽ phải trả giá," ông Wetimann nói trong một cuộc phỏng vấn 'sóng gió' với kênh nhà nước RT của Nga.

"Nước Nga đang hậu thuẫn những kẻ thù của Israel. Sau này chúng tôi sẽ không quên những gì quý vị đã làm. Chúng tôi sẽ xuất hiện, và đảm bảo Uraine sẽ giành được chiến thắng," ông tuyên bố.

 

 

© 2001 by Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam. All Rights Reserved.Chính Việt xin đón nhận mọi ý kiến xây dựng và bài vở, xin email về baochinhviet@gmail.com

Search