Màn hình TV chiếu tin Triều Tiên phóng vệ tinh do thám lần thứ ba trong năm nay, trong một chương trình tin tức tại Ga Seoul ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 22/ 11/2023. (Ảnh AP/Lee Jin-man)
Triều Tiên hôm thứ Năm nói họ sẽ triển khai lực lượng vũ trang mạnh hơn và vũ khí mới ở biên giới với miền Nam, một ngày sau khi Seoul đình chỉ một phần hiệp định quân sự năm 2018 giữa hai miền Triều Tiên để phản đối việc Bình Nhưỡng phóng vệ tinh do thám.
Bộ Quốc phòng Triều Tiên cho biết trong một tuyên bố được hãng thông tấn KCNA đăng tải rằng họ sẽ khôi phục tất cả các biện pháp quân sự mà nước này đã tạm dừng theo thỏa thuận với Hàn Quốc, được thiết kế để giảm căng thẳng dọc biên giới chung giữa hai nước.
Tuyên bố nêu rõ: “Kể từ bây giờ, quân đội của chúng tôi sẽ không bao giờ bị ràng buộc bởi Thỏa thuận quân sự Bắc-Nam ngày 19/9. Chúng tôi sẽ rút lại các bước được thực hiện để ngăn chặn căng thẳng quân sự và xung đột trên mọi lĩnh vực bao gồm trên bộ, trên biển và trên không, đồng thời triển khai các lực lượng vũ trang mạnh hơn và khí tài quân sự mới trong khu vực dọc theo Đường phân giới quân sự."
Vụ phóng vệ tinh hôm 21/11 là nỗ lực thứ ba của Triều Tiên trong năm nay sau hai lần thất bại và tiếp theo chuyến đi hiếm hoi của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tới Nga, trong đó Tổng thống Vladimir Putin hứa sẽ giúp Bình Nhưỡng chế tạo vệ tinh.
Các quan chức Hàn Quốc cho biết vụ phóng mới nhất rất có thể được Nga hỗ trợ kỹ thuật trong khuôn khổ mối quan hệ đối tác ngày càng tăng, trong đó Bình Nhưỡng cung cấp cho Nga hàng triệu đạn pháo.
Nga và Triều Tiên phủ nhận các thỏa thuận vũ khí nhưng hứa hẹn hợp tác sâu rộng hơn, bao gồm cả về vệ tinh.
Hàn Quốc hôm thứ Tư 22/11 đã đình chỉ một phần thỏa thuận liên Triều để đáp trả vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng và cho biết họ sẽ ngay lập tức tăng cường giám sát dọc biên giới được canh giữ an ninh nghiêm ngặt với Triều Tiên.
Triều Tiên cáo buộc Hàn Quốc hủy bỏ thỏa thuận, được gọi là Thỏa thuận quân sự toàn diện (CMA), đồng thời nói rằng Seoul sẽ "hoàn toàn chịu trách nhiệm trong trường hợp xảy đụng độ không thể khắc phục" giữa hai miền Triều Tiên.
Tuyên bố của Triều Tiên được đưa ra vài giờ sau khi nước này phóng một tên lửa đạn đạo ra ngoài khơi bờ biển phía đông vào cuối ngày thứ Tư. Quân đội Hàn Quốc cho biết vụ phóng dường như đã thất bại.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết quyết định đình chỉ một phần CMA của Hàn Quốc là một "phản ứng thận trọng và kiềm chế", với lý do Triều Tiên "không tuân thủ thỏa thuận".
Quan chức này cho biết: “Việc đình chỉ của Hàn Quốc sẽ khôi phục các hoạt động giám sát và trinh sát dọc theo Đường phân giới quân sự phía Hàn Quốc, cải thiện khả năng của Hàn Quốc trong việc giám sát các mối đe dọa từ Triều Tiên”.
Hãng tin Yonhap đưa tin Hàn Quốc đã nối lại việc sử dụng máy bay trinh sát có người lái và không người lái ở khu vực biên giới vào thứ Tư.
Hiệp ước Bắc-Nam bị đình chỉ đã được ký kết tại hội nghị thượng đỉnh năm 2018 giữa ông Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc khi đó là Moon Jae-in, một trong những biện pháp cụ thể nhất được đưa ra sau nhiều tháng ngoại giao bị đình trệ vào năm 2019.
Moon Chung-in, giáo sư tại Đại học Yonsei, người từng là cố vấn đặc biệt cho Tổng thống Moon trong cuộc hội đàm với ông Kim, nói rằng mặc dù Triều Tiên không tuân thủ tất cả các điều của thỏa thuận, nhưng việc bãi bỏ CMA có thể làm tăng nguy cơ đối đầu dọc biên giới.
Ông nói: “Các cuộc đụng độ ngẫu nhiên có thể leo thang thành xung đột toàn diện, bao gồm cả tấn công hạt nhân. Chúng ta có mọi lý do để cố gắng giảm thiểu rủi ro và căng thẳng nhưng thay vào đó miền Nam lại đi theo hướng ngược lại”.
Các nhà phê bình cho rằng hiệp ước này đã làm suy yếu khả năng giám sát Triều Tiên của Seoul và Bình Nhưỡng đã vi phạm thỏa thuận.
Bruce Klingner, cựu nhà phân tích của CIA hiện đang làm việc cho Heritage Foundation tại Hoa Kỳ, nhận định: “CMA là một thỏa thuận tốt về mặt lý thuyết, vì các biện pháp giảm thiểu rủi ro cũng như xây dựng lòng tin và an ninh đều có lợi cho cả hai bên bằng cách giảm nguy cơ xung đột chiến thuật và leo thang vô tình”.
Tuy nhiên, khi các biện pháp tiếp theo bị đình trệ, thỏa thuận này phải trả giá bằng việc cắt giảm hoạt động giám sát và huấn luyện quân sự của đồng minh nhưng không làm giảm mối đe dọa quân sự từ Triều Tiên, ông Klingner nói.
Triều Tiên hôm thứ Ba cho biết họ đã phóng vệ tinh do thám đầu tiên vào quỹ đạo, khiến cộng đồng quốc tế lên án vì hành động đó vi phạm các nghị quyết của Liên hợp quốc cấm Triều Tiên sử dụng công nghệ áp dụng cho các chương trình tên lửa đạn đạo.
Hàn Quốc cho biết vệ tinh của Triều Tiên được cho là đã đi vào quỹ đạo nhưng sẽ cần thêm thời gian để đánh giá liệu nó có hoạt động bình thường hay không.