6 tháng 12 2023,
BBC News
Tổng thống Ukraine Zelensky trong một cuộc họp báo tại Kyiv hồi tháng 11
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã huỷ bỏ một cuộc họp cấp cao với giới lập pháp Mỹ tại Thượng viện trong bối cảnh tranh cãi liên quan đến khoản viện trợ tương lai của Mỹ dành cho quốc gia này.
Việc ông Zelensky xuất hiện qua video trong cuộc họp tại Thượng viện và Hạ viện Mỹ đã được lên lịch trước vào ngày thứ Ba 5/12, nhưng đã bị huỷ vào phút chót.
Diễn biến này xảy ra không lâu sau khi một quan chức hàng đầu của Ukraine cảnh báo về những nguy hiểm khi Kyiv bại trận trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nga nếu Mỹ không thông qua các khoản viện trợ bổ sung.
Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, Chuck Schumer không giải thích lý do vì sao ông Zelensky không xuất hiện.
Nhà lãnh đạo từ phe Dân chủ nói Tổng thống Ukraine đã bận việc “phút cuối cùng”, mà không nêu thêm chi tiết.
Chánh văn phòng của ông Zelensky, ông Andriy Yermak trước đó nói hôm qua 5/12 rằng có “nguy cơ to lớn” về việc Ukraine sẽ bị bại trận nếu Mỹ không tiếp tục viện trợ.
“Sẽ khó khăn để duy trì được thế trận và để mọi người thật sự tồn tại,” ông nói thêm, trong một bài phát biểu tại Viện Hòa bình (US Institute of Peace) của Mỹ ở Washington DC.
Đánh giá về một viễn cảnh không mấy tốt đẹp của ông Yerkark được đưa ra chỉ vài giờ trước khi ông Zelensky không tham gia cuộc họp qua video với các thượng nghị sĩ Mỹ liên quan đến nỗ lực chống quân xâm lược của Ukraine.
Đại sứ quán Ukraine tại Washington DC đã không ngay lập tức phản hồi trước câu hỏi của BBC, đề nghị giải thích thêm về việc hủy cuộc họp.
Đây là diễn biến theo ngay sau việc Nhà Trắng đang kêu gọi cần có thêm nguồn tiền viện trợ cho Ukraine. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ vẫn chưa tiến đến gần một thoả thuận thông qua về một gói ngân sách, có thể giúp viện trợ Ukraine trong cuộc chiến tranh.
“Chúng ta đang cạn kiệt nguồn tiền – và gần như cả thời gian,” Shalanda Young, Giám đốc ngân sách Nhà Trắng nêu trong một lá thư gửi đến các lãnh đạo Dân chủ và Cộng hoà, được công bố hôm thứ Hai 4/12.
Bà đưa ra cảnh báo rằng việc Quốc hội Mỹ không thông qua nguồn viện trợ quân sự thêm cho Ukraine trước khi cuộc chiến tranh kết thúc sẽ “kiềm chân” quốc gia này trong cuộc chiến chống Nga và không có “một nguồn quỹ màu nhiệm” nào có sót lại để chi.
Tuy nhiên, hôm thứ Hai 4/12, Chủ tịch Hạ viện Mỹ, Mike Johnson dường như đã bác bỏ những lời kêu gọi mới nhất về việc cần phải cung cấp thêm hàng chục tỷ USD.
“Chính quyền của Tổng thống Biden đã không lý giải nghiêm túc bất kỳ những quan ngại chính đáng nào trong cuộc họp của tôi, về việc thiếu vắng một chiến lược rõ ràng dành cho Ukraine, một lộ trình giải quyết xung đột, hoặc một kế hoạch để đảm bảo một cách thích đáng liên quan đến tính trách nhiệm trong nguồn viện trợ được chi từ chính tiền thuế của người dân Mỹ,” ông viết trên mạng xã hội.
Sự bế tắc trong nguồn tiền viện trợ dành cho Ukraine xuất hiện trong bối cảnh cuộc giao tranh ở tiền tuyến dường như đã rơi vào thế không phân định thắng thua.
Cuộc phản công vốn đã được kỳ vọng nhiều của Ukraine ở miền nam dường như đã chậm lại, trong khi các lực lượng của Kyiv vẫn đang phải chật vật trong việc duy trì thế kiểm soát mà họ đã thiết lập ở bờ phía đông của con sông Dnipro rộng lớn.
Kể từ khi cuộc chiến tranh Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022, Quốc hội Mỹ đã thông qua hơn 110 tỷ USD nguồn viện trợ quân sự và kinh tế dành cho Ukraine. Tuy nhiên, chính quyền của ông Biden đã trong hàng tháng qua đưa ra cảnh báo rằng hầu hết nguồn tiền viện trợ đã được phân bổ.
Theo Frederick Kagan, Giám đốc American Enterprise Institute's Critical Threats Project và là cựu giáo sư tại Học viện Quân sự Mỹ (US Military Academy), thì việc hoãn nguồn viện trợ này đã đang tạo nên những hậu quả thật sự trên chiến trường của Ukraine.
Cuộc phản công hiện tại nhằm vào Nga của Ukraine đang bị thu hẹp quy mô, và các chiến dịch trong tương lai để giành lại các vùng lãnh thổ bị mất cũng bị ngờ vực.
“Người dân Ukraine phải đưa ra sự lựa chọn khó khăn ở đây,” ông nói. “Nếu họ không tự tin là sẽ có bất kỳ điều gì đó từ Mỹ, thì họ phải bảo toàn những gì mà mình có.”
Điều mà quân đội Ukraine mong muốn, theo ông, đó chính là xe tăng, những xe bọc thép, chiến đấu cơ, drone và các vũ khí tầm xa – và Mỹ là quốc gia duy nhất có thể cung cấp các loại vũ khí này nhanh chóng và với số lượng mà Ukraine yêu cầu trong năm tới.
Tiếp tục có thêm thế đa số lưỡng đảng ở cả Thượng viện và Hạ viện về nguồn viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine, thậm chí nếu không đạt mức 61,4 tỷ USD mà Nhà Trắng yêu cầu. Chuyển sự ủng hộ từ Quốc hội Mỹ sang dự luật mà tổng thống có thể ký phê chuẩn thành luật, tuy nhiên, lại cho thấy sẽ là một thách thức không hề nhỏ.
Các thành viên từ hai đảng Cộng hoà và Dân chủ tại Thượng viện Mỹ hiện đang thương thảo về một gói ngân sách thậm chí lớn hơn, trị giá 106 tỷ USD, bao gồm nguồn viện trợ dành cho Ukraine cùng viện trợ quân sự dành cho Israel và Đài Loan, cùng tăng nguồn tiền dành cho đảm bảo an ninh ở biên giới Mỹ và Mexico.
Đây là phần cuối cùng trong gói ngân sách này, tuy nhiên, lại gây một rắc rối chính trị lớn nhất. Các thành viên Đảng Dân chủ đã phản đối về những thay đổi trong chính sách người nhập cư được đề xuất, bao gồm thay đổi quy trình dành cho người xin tị nạn ở biên giới và siết chặt những yêu cầu cần thiết để có thể nhập cảnh hợp pháp vào Mỹ.
“Để đổi lại có thêm nguồn viện trợ dành cho Ukraine, chúng ta phải có một cuộc cải cách đáng kể và đầy đủ đối với chính sách biên giới,” Thượng nghị sĩ đảng Cộng hoà Tom Cotton từ bang Arkansas nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm Chủ nhật 4/12.
Ông Chuck Schumer đã tuyên bố sẽ đưa dự luật viện trợ quân sự này đưa ra bỏ phiếu tại Thượng viện vào tuần này, nhưng không rõ liệu sẽ có đủ sự ủng hộ từ Đảng Cộng hoà, mà không có sự đồng thuận liên quan đến các chính sách nhập cư hay không.
Theo truyền thông Mỹ, một cuộc tranh cãi dữ dội đã bùng nổ vào tối ngày thứ Ba 5/12 về một cuộc họp mật liên quan đến gói viện trợ do giới chức của chính quyền Tổng thống Biden đưa ra, khi các thành viên Đảng Cộng hoà tại Thượng viện đã cáo buộc phe Dân chủ phớt lờ lời kêu gọi của họ về hỗ trợ an ninh biên giới.
Thậm chí khi nguồn viện trợ của Ukraine có thể vượt qua những rào cản tại Thượng viện, thì viễn cảnh tại Hạ viện cũng thật trắc trở. Khi Chủ tịch Hạ viện Johnson đã tuyên bố ủng hộ các khoản viện trợ bổ sung dành cho Ukraine, ông là một trong 117 thành viên Đảng Cộng hoà trong Hạ viện, người đã bỏ phiếu hôm 28/9 nhằm ngăn chặn thêm nguồn hỗ trợ an ninh bổ sung trị giá 300 tỷ USD dành cho Ukraine.
Nếu ông ấy đưa gói viện trợ khổng lồ này, do Thượng viện ủng hộ, ra bỏ phiếu tại Hạ viện, dựa vào sự ủng hộ của phe Dân chủ để thắng, thì ông ta có thể gây chia rẽ sâu sắc với phe Cộng hoà, và đe dọa đến việc nắm giữ quyền lực trước một vòng thương thảo về ngân sách cũng không kém phần gay cấn vào đầu năm sau.
“Nước Mỹ sẽ bị thâm hụt ngân sách 2,5 ngàn tỷ USD vào năm nay,” Dân biểu Đảng Cộng hoà Matt Rosendale từ bang Montana trả lời với nhà báo James Coomarasamy trên BBC World Tonight vào hôm thứ Ba.
“Vì thế, lý do tại sao nhân dân Mỹ nên vay tiền từ Trung Quốc để trao cho Ukraine sử dụng? Đây không phải là những lợi ích tốt nhất của chúng tôi.”
Trong một nỗ lực khả thi nhằm gia tăng sức ủng hộ trong Quốc hội Mỹ, Nhà Trắng đã ra sức lập luận về nguồn viện trợ bổ sung dành cho Ukraine xét về các mặt chính trị và kinh tế.
Trong lá thư gửi đến Quốc hội, bà Young nói rằng những nguồn quỹ được yêu cầu sẽ được dùng để sản xuất nguồn vũ khí tại các nhà máy trên khắp đất nước.
“Chúng tôi sẽ hiện đại hoá nguồn vũ khí và đạn được quan trọng như tên lửa phòng không Javelin ở Alabama, hệ thống tên lửa dẫn đường (Guided Multiple Launch Rocket Systems) được chế tạo tại West Virginia, Arkansas và Texas… và các vỏ đạn được chế tạo tại Pennsylvania, Arkansas và Iowa cùng nhiều bang khác,” bà viết.
Khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024 đang đến gần, Nhà Trắng có thể đang hy vọng các thành viên trong Quốc hội đang tìm cách để cho thấy những hành động của họ đang giúp nền kinh tế địa phương ngay tại các quận của mình.
Ông Kagan nói ông không ngạc nhiên khi nguồn quỹ từ Ukraine đã trở thành một chủ đề gây tranh cãi chính trị tại Mỹ khi cuộc xung đột sắp bước sang năm thứ ba.
“Người dân Mỹ xứng đáng được những người đại diện của họ ra sức thuyết phục về chính xác các lợi ích của Mỹ là gì, và có một cuộc tranh luận thật sự về điều gì đổi lại sau khi đổ vào một số tiền lớn,” ông nói.
Tuy nhiên, cuối cùng, ông cho rằng những nguy cơ là rõ ràng.
“Hậu quả từ cuộc chiến tranh này sẽ được quyết định chính từ những gì mà người dân Ukraine có thể thực hiện, cũng như sự lựa chọn của Mỹ, đóng vai trò quyết định quan trọng thứ hai.”