Các nhà lãnh đạo châu Âu trong cuộc gặp với Tập Cận Bình
Tập Cận Bình hôm 7/12 nói với các quan chức hàng đầu của EU rằng Trung Quốc và châu Âu không nên coi nhau là đối thủ hoặc ‘đối đầu nhau’ do chế độ chính trị khác biệt, trong cuộc gặp thượng đỉnh mặt đối mặt đầu tiên giữa Trung Quốc và EU trong bốn năm.
Trong một cuộc gặp để thảo luận về các vấn đề từ mất cân bằng thương mại cho đến Ukraine, Tập cũng cho biết Trung Quốc sẵn sàng đưa Liên minh châu Âu trở thành đối tác kinh tế và thương mại chủ chốt của họ và hợp tác về khoa học và công nghệ, trong đó có trí tuệ nhân tạo.
Trong các cuộc đàm phán tại Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh, Tập đã kêu gọi EU ‘loại bỏ tất cả các hình thức can thiệp’ vào quan hệ song phương, đài truyền hình nhà nước CCTV cho biết.
Tập nói cả hai bên cần xây dựng ‘nhận thức đúng đắn’ về nhau, và khuyến khích sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cũng đã hội kiến Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường trong chuyến thăm kéo dài một ngày.
Ông Lý nói với các nhà lãnh đạo EU rằng Trung Quốc phản đối ‘việc chính trị hóa và an ninh hóa rộng rãi’ các vấn đề kinh tế và thương mại, vi phạm các nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường, theo đài truyền hình nhà nước Trung Quốc.
“Chúng tôi hy vọng EU sẽ thận trọng khi đưa ra các chính sách kinh tế và thương mại mang tính giới hạn cũng như trong khi sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm giữ cho thị trường thương mại và đầu tư của EU luôn mở,” ông nói.
Các cuộc họp hôm 7/12 là cơ hội cuối cùng của các quan chức EU gặp mặt các lãnh đạo Trung Quốc trước khi cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu bắt đầu vào năm tới để thay đổi thành phần lãnh đạo của khối gồm 27 quốc gia.
Trong một đòn giáng khác vào quan hệ EU-Trung Quốc, Ý, một nước thành viên trong khối, đã chính thức thông báo cho Trung Quốc ‘trong những ngày gần đây’ rằng họ sẽ rời khỏi Sáng kiến Vành đai và Con đường do ông Tập đề xuất, các nguồn tin chính phủ Ý nói với Reuters hôm 6/12.
EU muốn Bắc Kinh dùng ảnh hưởng đối với Nga để chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine và trọng tâm chính của chuyến đi là kêu gọi Tập ngăn các công ty tư Trung Quốc xuất khẩu các mặt hàng lưỡng dụng do châu Âu sản xuất sang Nga để nước này sử dụng cho chiến tranh.
Brussels ban đầu đã loại các công ty Trung Quốc này ra khỏi gói trừng phạt Nga mới nhất được công bố hồi tháng trước, các quan chức châu Âu cho biết.
Khối này cũng lo ngại về điều mà họ cho là quan hệ kinh tế ‘mất cân đối’ và cho biết thâm hụt thương mại gần 400 tỷ euro với Trung Quốc cho thấy những hạn chế đối với các doanh nghiệp EU làm ăn ở Trung Quốc.
Trung Quốc trước đó đã chống lại cuộc điều tra chống trợ cấp của EU đối với xe điện của họ và chính sách ‘giảm rủi ro’ của EU nhằm giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa nhập từ Trung Quốc, nhất là các nguyên liệu thô quan trọng.
“Phía Trung Quốc cho rằng cuộc điều tra này... phá vỡ và bóp méo nghiêm trọng chuỗi sản xuất của ngành ô tô toàn cầu... và sẽ có tác động tiêu cực đến quan hệ kinh tế và thương mại Trung Quốc-EU,” ông Hạ Á Đông, phát ngôn nhân Bộ Thương mại Trung Quốc, cho biết trong một cuộc họp báo hôm 7/12.
Tháng trước, Ngoại trưởng Vương Nghị nói với người đồng cấp Pháp Catherine Colonna rằng rủi ro lớn nhất là ‘sự bất định do chính trị hóa gây ra’ và rằng ‘sự phụ thuộc cần cắt giảm nhất là chủ nghĩa bảo hộ’.
Trong chuyến thăm của bà Colonna, Trung Quốc cũng đề xuất miễn thị thực nhập cảnh cho công dân của năm nền kinh tế lớn nhất EU trong nỗ lực thúc đẩy du lịch sau đại dịch và cải thiện hình ảnh của Trung Quốc ở phương Tây, sau khi quan hệ xấu đi trong đại dịch Covid-19.