Các tay súng vũ trang Palestine.
Pháp, Đức và Ý kêu gọi Liên minh châu Âu thiết lập một kế hoạch trừng phạt đặc biệt nhằm vào Hamas khi các ngoại trưởng EU nhóm họp hôm 11/12 để xem xét các bước khả thi tiếp theo nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng Trung Đông, theo Reuters.
Trong số các biện pháp có thể được đưa ra thảo luận tại cuộc họp là trấn áp tài chính của nhóm Hamas và cấm nhập cảnh đối với những người định cư Israel chịu trách nhiệm về bạo lực ở Bờ Tây.
Trong thư gửi người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell, ngoại trưởng của ba nước lớn nhất trong khối nói rằng điều quan trọng là EU phải thực hiện “tất cả các biện pháp cần thiết chống lại nhóm khủng bố Hamas và những người ủng hộ nhóm này”.
Bức thư cho biết: “Điều này ngụ ý một cam kết mạnh mẽ hơn của châu Âu trong việc chống lại cơ sở hạ tầng và hỗ trợ tài chính của Hamas cũng như cô lập và phá hủy nhóm Hamas, vốn không đại diện cho người Palestine hoặc nguyện vọng chính đáng của họ, trên trường quốc tế”.
Hamas đã bị EU liệt vào danh sách tổ chức khủng bố, nghĩa là mọi nguồn quỹ hoặc tài sản mà tổ chức này có ở EU đều phải bị phong tỏa.
Bức thư ngắn gọn chưa nêu rõ chi tiết về việc các biện pháp trừng phạt sẽ được mở rộng hay thắt chặt như thế nào. Nếu các thành viên EU đồng ý về nguyên tắc, bước tiếp theo sẽ là các chuyên gia xây dựng khung pháp lý để tìm ra cá nhân hoặc tổ chức nào sẽ là mục tiêu.
Hôm 8/12, EU cho biết họ đã bổ sung Mohammed Deif, Tổng tư lệnh cánh quân sự của Hamas, và cấp phó của ông, Marwan Issa, vào danh sách những kẻ khủng bố đang bị trừng phạt. Theo các nhà ngoại giao, khối này cũng đang xem xét bổ sung người đứng đầu Hamas Gaza Yahya Sinwar vào danh sách này.
Bức thư cho biết một kế hoạch trừng phạt riêng nhắm vào Hamas sẽ gửi đi một “thông điệp chính trị mạnh mẽ” về cam kết của EU đối với Hamas.
Bờ Tây
Kế hoạch như vậy là một trong số các lựa chọn được nêu trong một bài thảo luận từ cơ quan ngoại giao của EU.
Pháp, Đức và Ý thúc đẩy một kế hoạch như vậy ở hậu trường nhưng bức thư từ các ngoại trưởng Catherine Colonna của Pháp, Annalena Baerbock của Đức và Antonio Tajani của Ý đã làm tăng áp lực lên các nước EU khác để ủng hộ kế hoạch này.
Các quan chức cấp cao của EU như ông Borrell cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng bạo lực gia tăng của những người định cư Israel chống lại người Palestine ở Bờ Tây bị chiếm đóng.
Bản thảo luận ý rằng phản ứng của EU có thể bao gồm các lệnh cấm đi du lịch tới EU đối với những người chịu trách nhiệm và các biện pháp trừng phạt khác đối với hành vi vi phạm nhân quyền. Vấn đề này không được đề cập trong bức thư chung gửi ông Borrell, trong đó nói về “sự đoàn kết của chúng tôi với Israel”.
Pháp cho biết vào tháng trước EU nên xem xét các biện pháp như vậy và bà Colonna nói với các phóng viên hôm 11/12 rằng Paris đang xem xét các biện pháp trừng phạt trong nước đối với những cá nhân như vậy.
Người phát ngôn của chính phủ Bỉ cho biết Bỉ sẽ tìm cách bổ sung những người định cư bạo lực vào cơ sở dữ liệu thông tin Schengen để từ chối họ nhập cảnh.
Các nhà ngoại giao cho biết sẽ khó đạt được sự nhất trí cần thiết đối với các lệnh cấm trên toàn EU, vì các nước như Áo, Cộng hòa Séc và Hungary đều là đồng minh trung thành của Israel.
Nhưng một số người cho rằng quyết định vào tuần trước của Hoa Kỳ, nước ủng hộ lớn nhất của Israel, bắt đầu áp dụng lệnh cấm thị thực đối với những người liên quan đến bạo lực ở Bờ Tây có thể khuyến khích các nước EU thực hiện các bước tương tự.