Thời Sự

Trung Quốc áp sát bờ biển Đài Loan để ‘uy hiếp’ cử tri trước cuộc bầu cử quan trọng

Phó Tổng thống Lại Thanh Đức và người đồng tranh cử Tiêu Mỹ Cầm của Đảng Dân Tiến đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò bầu cử Tổng thống Đài Loan.

Quân đội Đài Loan ngăn chặn bốn nỗ lực của lực lượng Trung Quốc nhằm tiếp cận khu vực tiếp giáp nhạy cảm của hòn đảo vào tháng trước, các quan chức an ninh Đài Loan loan báo và cho rằng đây là một chiến dịch rầm rộ của Trung Quốc nhằm “đe dọa” cử tri trước cuộc bầu cử quan trọng.

Các quan chức Đài Loan đã nhiều lần cảnh báo rằng Trung Quốc đang cố gắng lôi kéo cử tri về phía các ứng cử viên đang tìm kiếm mối quan hệ gần gũi hơn với Bắc Kinh, nơi chính phủ coi cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội vào ngày 13/1 sang năm là sự lựa chọn giữa “hòa bình và chiến tranh” và kêu gọi người Đài Loan đưa ra “lựa chọn đúng đắn”.

Trong 4 năm qua, Đài Loan đã phàn nàn về các cuộc xâm phạm quân sự thường xuyên của Trung Quốc khi Bắc Kinh gia tăng áp lực nhằm buộc hòn đảo dân chủ này chấp nhận là thuộc chủ quyền của Bắc Kinh.

Các quan chức an ninh Đài Loan và các nhà ngoại giao ở Đài Bắc cho biết, Trung Quốc đã tăng cường các nhiệm vụ như vậy trước cuộc bầu cử ở Đài Loan khi chiến dịch tranh cử được đẩy mạnh.

Theo nhiều quan chức an ninh Đài Loan, vào tháng 11 vừa qua, các lực lượng không quân và hải quân của Trung Quốc đã tổ chức bốn cuộc diễn tập phối hợp tiếp cận khu vực tiếp giáp của Đài Loan, cách bờ biển của Đài Loan 44 km.

Bản ghi nhớ viết rằng các động thái quân sự của Trung Quốc là một phần của “chiến dịch can thiệp bầu cử trên nhiều mặt trận”, đồng thời nói rằng nó cũng bao gồm các hoạt động trao đổi với các chính trị gia Đài Loan và truyền bá thông tin sai lệch để làm lung lay dư luận.

Một quan chức yêu cầu giấu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề nói các cuộc tập trận ở khu vực tiếp giáp đang “mô phỏng một cuộc xâm nhập và kiểm tra phản ứng của quân đội quốc gia chúng ta”. Nguồn tin cho biết thêm, Đài Loan đã phái lực lượng tới xua đuổi lực lượng Trung Quốc.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc và Văn phòng Đài Loan sự vụ không trả lời yêu cầu bình luận. Khi bình luận về cuộc bầu cử trước đây, Văn phòng Đài Loan sự vụ cho biết họ tôn trọng “hệ thống xã hội” của Đài Loan.

Các quan chức nói, các hoạt động của Trung Quốc trong tháng 11 còn bao gồm việc khinh khí cầu vượt qua đường trung tuyến nhạy cảm của Eo biển Đài Loan trong hai ngày liên tiếp, cũng như các tàu nghiên cứu biển tiếp cận gần khu vực tiếp giáp ngoài khơi bờ biển phía đông và phía tây của Đài Loan.

Theo các nguồn tin, vào tháng 11, một tàu kéo thương mại của Trung Quốc đã đi vào lãnh hải phía nam của Đài Loan, được xác định là 12 hải lý tính từ bờ biển của Đài Loan.

Quan chức này nói: “Thông qua các lực lượng quân sự và phi quân sự này, họ đã đưa ra tuyên bố rằng họ có thể làm điều gì đó với Đài Loan bất cứ lúc nào trong khi vẫn tiếp tục gia tăng căng thẳng”. “Đó rõ ràng là chiến tranh tâm lý. Họ đang loan truyền thông điệp ‘hòa bình và chiến tranh’ mỗi ngày.”

Một quan chức Đài Loan thứ hai mô tả các cuộc diễn tập của Trung Quốc là một phần trong chiến dịch leo thang chiến tranh “vùng xám” của Bắc Kinh nhằm làm suy yếu Đài Loan bằng các cuộc tập trận lặp đi lặp lại và “đe dọa” cử tri.

“Họ muốn làm cho lời tiên tri của họ có vẻ như có thể trở thành sự thật”, người này nói, đồng thời chỉ ra câu chuyện rằng nếu Đảng Dân Tiến (DPP) cầm quyền tiếp tục nắm quyền, một cuộc chiến tranh với Trung Quốc có thể xảy ra.

Phó Tổng thống Lại Thanh Đức và người đồng tranh cử Tiêu Mỹ Cầm của DPP đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò. Trung Quốc coi họ là những kẻ ly khai và đã từ chối lời đề nghị đàm phán của ông Lại.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng khoảng một tháng trước cuộc bầu cử, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết 12 máy bay chiến đấu của Trung Quốc và một khinh khí cầu bị tình nghi là khí cầu thời tiết vào tuần trước đã vượt qua đường trung tuyến.

Đài Loan hôm 11/12 đã cử lực lượng theo dõi đội hình hải quân Trung Quốc, do tàu sân bay Sơn Đông dẫn đầu, đi qua Eo biển Đài Loan.

Chính phủ Đài Loan đang cảnh giác cao độ về những gì họ coi là nỗ lực của Trung Quốc nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử bằng cách tài trợ bất hợp pháp cho các ứng cử viên thân Bắc Kinh bằng cách sử dụng các ứng dụng liên lạc, các chuyến tham quan theo nhóm hoặc các chiến dịch thông tin sai lệch, các báo cáo an ninh nội bộ được Reuters xem xét cho thấy.

Reuters đưa tin, trích dẫn các nguồn tin và tài liệu, rằng Bắc Kinh cũng đã tài trợ các chuyến đi giảm giá tới Trung Quốc cho hàng trăm chính trị gia địa phương của Đài Loan trước cuộc bầu cử.

 

 

© 2001 by Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam. All Rights Reserved.Chính Việt xin đón nhận mọi ý kiến xây dựng và bài vở, xin email về baochinhviet@gmail.com

Search