Thời Sự

Chính sách đối ngoại của Trump nếu tái đắc cử: Tăng thuế quan, đòi NATO chi trả sòng phẳng

Tổng thống Donald Trump tại một cuộc vận động tranh cử

Cựu Tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump đang lên kế hoạch thay đổi căn bản mối quan hệ giữa Mỹ với châu Âu nếu ông giành được nhiệm kỳ thứ hai. Trong quá trình vận động tranh cử, ông đã gợi ý sẽ đưa lực lượng vũ trang sang Mexico để chống lại các băng đảng ma túy và áp dụng các mức thuế quan mở rộng đối với cả các nước bạn bè lẫn các nước thù nghịch.

Một số đề xuất chính sách đối ngoại mà ông Trump đã cam kết thực hiện nếu ông đắc cử tổng thống năm 2024:

NATO, Ukraine, và các đồng minh châu Âu

Ông Trump từng tuyên bố dưới thời ông làm tổng thống, nước Mỹ về cơ bản sẽ suy nghĩ lại ‘mục đích và sứ mệnh của NATO’. Ông cũng nói rằng ông sẽ yêu cầu châu Âu hoàn trả cho Mỹ ‘gần 200 tỷ đô’ trị giá vũ khí đã gửi sang Ukraine.

Ông Trump đã cắt giảm tài trợ quốc phòng cho NATO vào cuối nhiệm kỳ của ông và ông thường xuyên phàn nàn rằng Mỹ chi trả nhiều hơn mức chia sẻ công bằng.

Đặc biệt về cuộc chiến ở Ukraine, ông đã kêu gọi giảm leo thang, thường xuyên tuyên bố rằng ông sẽ giải quyết cuộc xung đột này trong vòng 24 giờ dù ông chưa đưa ra đề xuất chính sách hữu hình.

Trung Quốc, thương mại, và thuế quan

Ông thường xuyên đe dọa thực thi các mức thuế quan hoặc hạn chế thương mại mới đối với Trung Quốc, cũng như đối với một số đồng minh châu Âu.

‘Đạo luật Thương mại Đối ứng của Trump’ do ông đề xuất sẽ tạo điều kiện cho ông có quyền quyết định rộng rãi trong việc tăng thuế trả đũa đối với các quốc gia khi họ quyết tâm dựng lên các rào cản thương mại của riêng mình. Ông cũng đưa ra ý tưởng về mức thuế phổ cập 10% trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 8, điều này có thể làm gián đoạn thị trường quốc tế.

Ông Trump cũng đã kêu gọi chấm dứt tình trạng của Trung Quốc là quốc gia được ưu đãi nhất đối với Mỹ, một tình trạng thường làm giảm các rào cản thương mại giữa các quốc gia. Ông tuyên bố sẽ ban hành ‘những hạn chế mới mạnh mẽ hơn đối với quyền sở hữu của Trung Quốc đối với bất kỳ cơ sở hạ tầng quan trọng nào ở Hoa Kỳ.’

Ông Trump ít khi thảo luận về Đài Loan hoặc ông sẽ làm gì nếu Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan, ngoài việc nói rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ dám xâm lược nếu ông là tổng thống.

Mexico và ma túy

Ông đã nói rằng ông sẽ đưa các băng đảng ma túy hoạt động ở Mexico vào danh sách các tổ chức khủng bố nước ngoài và ông sẽ ra lệnh cho Ngũ Giác Đài ‘sử dụng lực lượng đặc biệt một cách thích hợp’ để tấn công sự lãnh đạo và cơ sở hạ tầng của băng đảng, điều này khó có thể nhận được sự ủng hộ của chính phủ Mexico.

Ông cũng nói sẽ triển khai Hải quân Hoa Kỳ để thực thi một cuộc phong tỏa chống lại các băng đảng và rằng ông sẽ viện dẫn Đạo luật Kẻ thù Bên ngoài để trục xuất những tay buôn bán ma túy và các thành viên băng đảng.

Các nhóm dân quyền và các thượng nghị sĩ bên đảng Dân chủ đã thúc đẩy việc bãi bỏ đạo luật đó, được thông qua vào năm 1798, vốn trao cho tổng thống một số quyền để trục xuất công dân nước ngoài trong khi đất nước đang có chiến tranh.

Xung đột Israel-Hamas

Sau khi thoạt đầu chỉ trích giới lãnh đạo Israel khi công dân của nước này bị nhóm chiến binh Hamas người Palestine tấn công vào ngày 7/10, ông Trump nói rằng Hamas phải bị ‘đập tan.’

Trong khi giọng điệu của ông có phần hiếu chiến, ông đã đề xuất một số giải pháp chính sách, bên cạnh việc cho biết ông sẽ cứng rắn hơn với Iran, quốc gia có liên hệ chặt chẽ với các nhóm bị Mỹ xếp vào danh sách các tổ chức khủng bố trong đó có Hamas.

Ông Trump cũng cho biết tại một cuộc biểu tình gần đây rằng ông sẽ tìm cách trục xuất tất cả những người nước ngoài đang thường trú tại Mỹ có cảm tình với Hamas.

Afghanistan

Ông Trump tuyên bố trong quá trình vận động tranh cử rằng ông sẽ yêu cầu Afghanistan trả lại các thiết bị quân sự mà quân đội Mỹ bỏ lại trong đợt rút quân năm 2021 như một điều kiện để giữ tiền viện trợ chảy vào nước này.

Khí hậu

Ông Trump đã nhiều lần cam kết rút khỏi Thỏa thuận Paris, một hiệp định đa phương nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính. Ông đã rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận này trong nhiệm kỳ của mình, nhưng Mỹ đã tái gia nhập hiệp định dưới thời Tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden vào năm 2021.

Phòng thủ phi đạn

Ông Trump cam kết xây dựng hỏa lực phòng thủ phi đạn hiện đại trên khắp nước Mỹ. Ông không đi sâu vào chi tiết, chỉ nói rằng Lực lượng Không gian, một chi nhánh quân sự do chính quyền của ông trước đây thành lập, sẽ đóng vai trò dẫn đầu trong quá trình này.

 

 

© 2001 by Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam. All Rights Reserved.Chính Việt xin đón nhận mọi ý kiến xây dựng và bài vở, xin email về baochinhviet@gmail.com

Search