Công nhân làm việc tại một xưởng cơ khí tư nhân ở ngoại ô Hà Nội. Người đứng đầu ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam lo ngại về làn sóng công nghiệp hỗ trợ của Trung Quốc vào đây khi các doanh nghiệp trong nước còn yếu kém.
Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam lo ngại về làn sóng doanh nghiệp Trung Quốc đổ bộ vào lĩnh vực này của quốc gia Đông Nam Á, theo truyền thông trong nước, không lâu sau khi Việt Nam ký kết 36 văn kiện hợp tác với Trung Quốc trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Việt Nam và Trung Quốc vừa tăng cường quan hệ chặt chẽ hơn trong nhiều lĩnh vực, từ quốc phòng tới thương mại và đầu tư khi ông Tập tới thăm Hà Nội hôm 12 và 13 tháng này. Trong Tuyên bố chung đưa ra giữa ông Tập và Chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng, hai nước cam kết phát triển khu vực kinh tế để thúc đẩy thương mại và đầu tư.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá rằng chuyến thăm của ông Tập sẽ mở ra cơ hội cho Việt Nam thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao từ Trung Quốc, theo Tuổi Trẻ.
Tuy nhiên, làn sóng doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam lại khiến Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ ở quốc gia Đông Nam Á lo ngại.
Ông Phan Đăng Tuất bày tỏ sự lo ngại này khi phát biểu tại Hội nghị Tổng kết ngành Công Thương hôm 20/12, theo VietNamNet và VnExpress.
Theo ông Tuất, đang có làn sóng đổ bộ công nghiệp hỗ trợ của Trung Quốc vào Việt Nam để né thuế và cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp sản xuất trong nước, theo VnExpress.
Lãnh đạo Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ cho biết các công ty Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam với “quy mô cực lớn, cực nhanh” và hình thành các chuỗi sản xuất cụm chi tiết xuất sang châu Âu, Bắc Mỹ để tránh hàng rào thuế quan của Mỹ khi đầu tư ở Việt Nam.
“Đây là nỗi lo của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước,” ông Tuất được VnExpress trích lời nói.
Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc vào năm 2018, nhiều sản phẩm của Trung Quốc bị phát hiện “đội lốt” hoặc “dán mác” Việt Nam để tránh thuế mà Mỹ áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Nhiều công ty nước ngoài và cả Trung Quốc đã chuyển dây truyền sản xuất sang nước khác, trong đó có Việt Nam, cũng nhằm mục đích tránh mức thuế cao của Mỹ.
Trong khi đó, theo ông Tuất, các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn “yếu và thiếu đủ bề”, theo VietNamNet.
Đưa ra con số cho thấy sự yếu kém của ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam, ông Tuất được VietNamNet trích lời nói chỉ có khoảng 1.500 doanh nghiệp trong lĩnh vực này trong nước, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, điện và điện tử, cao su và hóa chất… Tuy nhiên, theo ông Tuất, sức khỏe của doanh nghiệp “suy giảm khá nghiêm trọng” trong năm qua, khi suy giảm doanh thu bình quân của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ lên tới 40% và tình trạng mất đơn hàng từ nhiều thị trường, đặc biệt là ở châu Âu, diễn ra.
Một trong những lý do các doanh nghiệp Việt Nam yếu thế hơn các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ được ông Tuất nêu ra là việc doanh nghiệp trong nước phải vay vốn với lãi suất ở mức 10-12%, theo VietNamNet. Ông Tuất so sánh với mức lãi suất mà các doanh nghiệp Hàn Quốc và các nước khác phải trả khi vay vốn chỉ là 2%.
Để công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển, Tổng giám đốc Thaco Phạm Văn Tài kiến nghị Bộ Công Thương có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ phù hợp thuế, phí để thúc đẩy sản xuất, theo VnExpress. Doanh nghiệp ô tô này cũng muốn Bộ Công Thương sớm hoàn thiện, đề xuất bổ sung Luật Công nghiệp trọng điểm vào chương trình xây dựng luật, nhằm tạo hành lang pháp lý, thu hút đầu tư và thúc đẩy xây dựng nền công nghiệp tự chủ.
Cùng quan điểm, ông Tuất cho rằng Bộ Công Thương cần có chiến lược, coi công nghiệp hỗ trợ là “hạt nhân của quá trình công nghiệp hóa đất nước” và kêu gọi có luật riêng về phát triển công nghiệp hỗ trợ với các chính sách ưu đãi, đặc thù, làm cơ sở thúc đẩy công nghiệp hóa.