26/12/2023
BBC
Binh sĩ Ukraine
Là tâm điểm của truyền thông quốc tế trong gần hai năm qua, cuộc chiến tranh toàn diện tại Ukraine sẽ tiếp tục bước sang năm 2024 với diễn biến có thể khác đi.
Sau đây là năm yếu tố có thể tác động đến cuộc chiến tranh này trong năm 2024.
Tiền bạc
Khả năng kháng cự của Ukraine trong cuộc chiến tranh chống Nga vào lúc bắt đầu nổ ra cuộc xâm lược toàn diện vào tháng 2/2022 đã khiến nhiều người ngỡ ngàng và trở thành một trong những lý do chính khiến các đối tác quốc tế của Kyiv bắt đầu viện trợ thêm vũ khí.
Năm 2024, điều này có thể thay đổi, khi hai gói viện trợ đang bị hoãn lại.
Tại Mỹ, gói viện trợ dành cho Ukraine cần được Quốc hội phê chuẩn và có liên quan đến cuộc thảo luận giữa Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ liên quan đến khoản chi. Phải đến đầu tháng 1 năm sau thì gói viện trợ quân sự lên đến 61 tỷ USD mới được đưa ra thảo luận.
Tại Liên minh châu Âu (EU), gói tài chính trị giá 55 tỷ USD cũng còn phụ thuộc vào cuộc đàm phán căng thẳng giữa Hungary và phần còn lại của liên minh. Không giống các quốc gia còn lại của EU, Hungary thực tế đã đứng về phía Nga và muốn chấm dứt viện trợ cho Ukraine.
Khí tài
Sự trễ nải của viện trợ nước ngoài đang làm chậm khả năng của Ukraine trong việc cung cấp vũ khí cho quân đội, khiến Kyiv ngày càng lo ngại còn Moscow thì ngày càng vững tin.
Trong cuộc họp báo vào cuối năm, Putin nói quân đội Nga càng đánh càng mạnh trong khi mô tả Kyvi đang "rơi tự do" khi Phương Tây có thể "sẽ sớm cạn kiệt".
Trong cuộc họp báo cuối năm 2023, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhận định tình hình đang khó khăn nhưng bày tỏ hy vọng vấn đề viện trợ quân sự sẽ được giải quyết sớm và rằng Ukraine sẽ có thể tăng tốc sản xuất thiết bị bay không người lái, vũ khí đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến tranh.
Hồi tháng 11, EU cho biết đã không đạt mục tiêu cung cấp một triệu quả đạn pháo 155 ly cho Ukraine trước thời điểm tháng 3/2024. Tổng thống Zelensky nói một trong những lý do mà cuộc phản công của Ukraine không bắt đầu sớm hơn là do thiếu vũ khí. Trong cuộc phỏng vấn mới đây của BBC, quân đội Ukraine nói họ đang phải tiết kiệm đạn pháo.
Việc có ít đạn dược hơn đồng nghĩa người Ukraine có thể phải từ bỏ thêm các vị trí và cũng như các vùng lãnh thổ. Hiện Nga đã kiểm soát khoảng 17% lãnh thổ của Ukraine.
Ukraine ước tính cuộc chiến tranh đã khiến nền kinh tế quốc gia này tiêu tốn 150 tỷ USD. Năm 2024, Ukraine có kế hoạch chi 43,2 tỷ USD cho quân đội. Ngân sách dành quân sự của Nga ước tính vào ở mức kỷ lục 112 tỷ USD.
Nhân lực
Quân số đầy đủ sẽ là một thách thức cho cả hai phía.
Trước tháng 2/2022, dân số Ukraine vào khoảng 44 triệu người.
Ước tính sáu triệu người dân Ukraine đã rời bỏ quê hương mặc dù nhiều người được cho là đã trở về. Hàng trăm ngàn người đã phải di tản ở trong nước do sự chiếm đóng của Nga và các cuộc tấn công tiếp diễn. Hàng ngàn dân thường đã bị thiệt mạng.
Việc huy động và huấn luyện lực lượng quân sự mới sẽ là một thách thức. Theo thiết quân luật, Ukraine đã cấm nam giới tuổi từ 18 đến 60 rời khỏi quốc gia này. Gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov nói Kyiv có thể cần yêu cầu đàn ông Ukraine sống ở nước ngoài thực hiện nghĩa vụ quân sự. Hàng trăm ngàn đàn ông Ukraine trong độ tuổi chiến đấu được cho là đang ở nước ngoài. Estonia đã tuyên bố sẽ hỗ trợ Kyiv trong việc huy động các công dân Ukraine phù hợp phục vụ trong quân ngũ, những người hiện đang sống tại Estonia.
Dù Nga có lực lượng quân đội lớn hơn nhiều và tổng dân số lớn hơn hẳn, con số chính thức vào khoảng 144 triệu người, tổn thất binh sĩ của Nga trong gần hai năm qua cũng rất đáng kể. Các chuyên gia quân sự và chính những người lính cũng đã nói về dạng tác chiến kiểu "máy nghiền thịt".
Nhiều binh sĩ được huấn luyện tốt nhất của Nga đã bỏ mạng, chẳng hạn các lính nhảy dù và lực lượng không quân tinh nhuệ, những người trải qua công tác huấn luyện tốn kém và mất nhiều năm.
Ước tính khoảng một triệu người Nga đã rời khỏi quốc gia này theo sau cuộc xâm lược Ukraine và khi lệnh tổng động viên được công bố. Chính quyền Nga đã tìm đến cách tuyển các tù nhân hoặc những người nhập cư không giấy tờ nhằm tăng cường quân số.
Cả hai phía đều không công bố con số đầy đủ về tổn thất binh sĩ, nhưng ước tính ít nhất là hàng chục ngàn người về phía Ukraine.
Về phía Nga, BBC Tiếng Nga đã tập hợp một danh sách các quân nhân được xác nhận đã thiệt mạng lên đến 40.000 người vào cuối tháng 12/2023.
Tình báo Mỹ gần đây đã công bố các báo cáo mật cho thấy con số tổn thất từ phía Nga, bị giết hoặc bị thương, lên đến 315.000 người.
Tình trạng 'mệt mỏi Ukraine'
Điều khiến Kyiv lo ngại nhất là tình trạng có tên gọi "sự mệt mỏi Ukraine" - khi lòng cảm thông và ủng hộ của công chúng bị suy giảm tại các quốc gia đối tác của Kyiv.
Kết quả các cuộc bầu cử gần đây tại Hà Lan và Slovakia đã dẫn đến sự ủng hộ bị suy giảm. Slovakia đã ngừng một gói viện trợ tương đối lớn dành cho Ukraine, trong khi Hà Lan có thể sẽ không chuyển các chiến đấu cơ F-16 mà nước này từ lâu đã hứa sẽ viện trợ cho Ukraine.
Tại Mỹ, cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào tháng 11/2024, sự trở lại Nhà Trắng của cựu Tổng thống Donald Trump có thể đồng nghĩa là một thay đổi chính sách nghiêm trọng đến Ukraine và Nga.
Các cuộc thăm dò ý kiến tại Mỹ cho thấy số người cho rằng Washington đang giúp Ukraine quá nhiều đang tăng từ mức 21% lên 41%. Tại 8 trong số 27 quốc gia EU, càng có thêm người chống lại việc viện trợ cho Ukraine.
Cả Ukraine và Nga sẽ tiếp tục tìm kiếm sự ủng hộ tại Nam Bán Cầu trong năm mới. Theo truyền thống, nhiều quốc gia tại Trung Đông, Mỹ La-tinh và châu Phi đã trở nên thân thiện với Moscow trong cuộc đối đầu với Mỹ. Kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện, Nga đã ra sức củng cố vị thế của mình, trong khi Ukraine ra sức giành lấy sự ảnh hưởng.
Trong 12 tháng qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã công du đến châu Phi bốn lần, thăm 14 quốc gia. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã thăm chín quốc gia trong hai chuyến đi đến châu Phi cùng quãng thời gian này.
Ukraine sẽ gặp khó khăn trong việc chống lại sức ảnh hưởng của Nga ở châu Phi, nơi vẫn có cả bộ máy tuyên truyền của Moscow và tại một số nước, nhóm đánh thuê Wagner đã trở thành công cụ hiệu quả để củng cố sức ảnh hưởng của Nga.
Hồi kết
"Cuộc chiến tranh này sẽ kết thúc như thế nào?" là câu hỏi mà nhiều chính trị gia và chuyên gia đã cố gắng tìm lời đáp.
Ukraine tuyên bố chỉ có việc Nga rút quân hoàn toàn khỏi vùng chiếm đóng và quay trở lại đường biên giới được quốc tế công nhận mới giúp chấm dứt cuộc xung đột.
Kyiv đã cảnh báo rằng bất kỳ sự thỏa hiệp nào với Nga đều sẽ khuyến khích không chỉ Moscow thâu tóm thêm các vùng lãnh thổ mà còn khuyến khích các hàng động tương tự ở những phần khác trên thế giới. Nga tuyên bố đang bị mắc kẹt trong cuộc một xung đột rộng lớn hơn với Phương Tây và quyết tâm tiếp tục cuộc chiến tranh.
Hầu như sẽ không thể kết thúc trong năm 2024, cuộc chiến tranh này sẽ vẫn tiếp diễn, với giao tranh tiền tuyến ngày càng ác liệt hơn, Ukraine gánh chịu thêm tổn thất và số người bỏ mạng hằng ngày tại Ukraine gia tăng, Nga thì ngày càng bị cô lập hơn và gánh chịu khó khăn về mặt kinh tế.
Trong bối cảnh cuộc chiến tranh Gaza vẫn chưa có lối thoát và nguy cơ các điểm nóng mới xuất hiện, cuộc xung đột này sẽ trở nên ít được quan tâm hơn bất chấp quy mô về sức tác động của nó đối với trật tự chính trị thế giới và nền kinh tế toàn cầu.