Một phiên làm việc của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ.
Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ hôm 23/1 phê chuẩn đề nghị gia nhập khối NATO của Thụy Điển, xóa bỏ rào cản lớn nhất còn lại đối với việc mở rộng liên minh quân sự phương Tây sau 20 tháng trì hoãn, theo Reuters.
Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, nơi liên minh cầm quyền của Tổng thống Tayyip Erdogan chiếm đa số, đã bỏ phiếu với tỷ lệ 287 phiếu thuận-55 phiếu chống để phê chuẩn đơn xin gia nhập mà Thụy Điển nộp lần đầu tiên vào năm 2022 nhằm tăng cường an ninh để đối phó với cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine.
Tất cả các thành viên NATO cần phê duyệt đơn gia nhập của các quốc gia muốn vào liên minh này. Khi Thụy Điển và Phần Lan đề nghị được tham gia vào năm 2022, Thổ Nhĩ Kỳ phản đối thực trạng mà họ cho là hai nước này bảo vệ các nhóm bị họ coi là khủng bố.
Thổ Nhĩ Kỳ tán thành tư cách thành viên của Phần Lan vào tháng 4 năm ngoái, nhưng nước này cùng với đã bắt Thụy Điển phải chờ đợi.
Ông Fuat Oktay, người đứng đầu ủy ban đối ngoại của quốc hội và là thành viên đảng AK cầm quyền, nói trong phần thảo luận: “Chúng tôi ủng hộ việc mở rộng NATO để cải thiện các nỗ lực răn đe của liên minh… Chúng tôi hy vọng thái độ của Phần Lan và Thụy Điển trong việc chống khủng bố sẽ làm gương cho các đồng minh khác của chúng ta”.
Đại sứ Mỹ Jeff Flake nói trong một tuyên bố bằng văn bản hôm 23/1: “Tôi đánh giá rất cao quyết định của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận việc Thụy Điển gia nhập NATO ngày hôm nay”.
Ông nhận xét rằng “cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ với Liên minh NATO thể hiện rõ ràng mối quan hệ đối tác lâu dài của chúng tôi”.
Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom cũng hoan nghênh sự chấp thuận của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Billstrom nói trong một tuyên bố bằng văn bản: “Bây giờ chúng tôi mong đợi Tổng thống Erdogan ký văn bản phê chuẩn”.
Tổng thống Erdogan dự kiến sẽ ký thành luật trong vài ngày tới, khiến Hungary - nơi Thủ tướng Viktor Orban có quan hệ thân thiện với Tổng thống Nga Vladimir Putin - trở thành quốc gia thành viên duy nhất chưa chấp thuận việc gia nhập của Thụy Điển.
Trước đó trong cùng ngày 23/1, ông Orban cho hay ông đã mời người đồng cấp Thụy Điển đến thăm và đàm phán việc đất nước của ông ấy nhập khối NATO. Quốc hội Hungary tạm nghỉ cho đến khoảng giữa tháng 2.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hoan nghênh động thái của Thổ Nhĩ Kỳ và nói: “Tôi cũng tin tưởng Hungary sẽ hoàn thành việc phê chuẩn ở cấp quốc gia càng sớm càng tốt”.
Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary duy trì mối quan hệ với Nga tốt hơn so với các thành viên khác của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương do Mỹ đứng đầu.
Tuy phản đối việc Nga xâm lược Ukraine, song Thổ Nhĩ Kỳ lại chỉ trích các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow. Về phần mình, Nga cảnh báo rằng họ sẽ đáp trả nếu NATO củng cố cơ sở hạ tầng quân sự ở hai quốc gia Bắc Âu này.
Thụy Điển, nước có nỗ lực trở thành thành viên NATO đánh dấu một sự thay đổi lịch sử khỏi chính sách an ninh không liên kết, sẽ tăng cường khả năng phòng thủ của NATO ở khu vực Biển Baltic đối diện với Nga.
Nhu cầu và nhượng bộ
Sự chậm trễ của Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến một số đồng minh phương Tây thất vọng và khiến nước này có được một số nhượng bộ.
Ankara thúc giục Stockholm cứng rắn hơn trong lập trường của họ đối với các đảng viên Đảng Công nhân người Kurd (PKK) trú đóng ở Thụy Điển. PKK bị mà Liên minh châu Âu và Mỹ cùng coi là một nhóm khủng bố.
Đáp lại, Stockholm đưa ra một dự luật chống khủng bố mới quy định việc trở thành thành viên của một tổ chức khủng bố là bất hợp pháp. Thụy Điển, Phần Lan, Canada và Hà Lan cũng thực hiện các bước nhằm nới lỏng chính sách xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại quốc hội, ông Oktay nói rằng đảng AK của ông Erdogan tán thành nỗ lực của Thụy Điển trong NATO sau những bước tích cực chống khủng bố của nước này.
Ông Erdogan, người chuyển đề nghị của Thụy Điển tới quốc hội vào tháng 10, đã liên kết việc phê chuẩn này với việc Mỹ chấp thuận bán máy bay chiến đấu F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhà Trắng ủng hộ thương vụ này và một số nhà phân tích kỳ vọng một thỏa thuận sẽ nhanh chóng diễn ra sau khi Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận đơn gia nhập của Thụy Điển. Nhưng không có khung thời gian rõ ràng về việc Quốc hội Mỹ phê chuẩn thỏa thuận này.