9 tháng 2 2024
BBC News
Mô hình rồng tại một trung tâm thương mại ở Bắc Kinh trước thềm Tết Âm lịch. Áp lực kinh tế, gia đình khiến ngày càng nhiều người trẻ chọn không về quê ăn tết.
“Nếu được chọn, tôi chắc chắn sẽ không về quê,” Vũ Văn - 33 tuổi, đã thất nghiệp hơn 6 tháng - cho biết vài ngày trước Tết Âm lịch.
Rất nhiều người trong số gần 380 triệu lao động di cư của Trung Quốc chỉ có đủ tiền để về quê một lần mỗi năm - dịp Tết Âm lịch - ngày lễ quan trọng nhất để đoàn viên.
Đó là lý do vì sao đợt cao điểm đi lại trong Lễ hội mùa xuân (Xuân Tiết), gọi là Xuân vận, là cuộc di cư hàng năm lớn nhất trên thế giới. Giới chức dự kiến ghi nhận con số kỷ lục 9 tỷ lượt người trong năm rồng này.
Nhưng Vũ Văn sợ về quê vì anh sẽ bị người thân tra vấn về mọi khía cạnh của cuộc sống, bao gồm cả tình hình công việc, tiền lương và đãi ngộ. Cha mẹ Vũ biết anh đang thất nghiệp và không đặt quá nhiều áp lực, nhưng họ hàng của anh thì vẫn chưa hay biết. Cả nhà đã thống nhất rằng Vũ Văn sẽ nói dối anh vẫn còn làm công việc cũ.
Vũ Văn sẽ chỉ ở nhà ba ngày, thay vì hơn một tuần như mọi năm. “Sẽ qua nhanh thôi,” anh nói.
Trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Xiaohongshu (Tiểu Hồng Thư) và Weibo, hàng trăm người trẻ đã viết rằng họ sẽ không về quê ăn tết. Giống như Vũ Văn, một số trong đó đã thất nghiệp gần đây.
Theo dữ liệu chính thức vào tháng 6/2023, hơn 1/5 số người trong độ tuổi từ 16 đến 24 ở thành thị đang thất nghiệp. Trung Quốc đã dừng công bố số liệu thất nghiệp của thanh niên cho đến tháng trước. Hiện con số này ở mức 14,9%, nhưng dữ liệu chưa bao gồm học sinh sinh viên.
Sau nhiều thập kỷ tăng trưởng thần tốc, nền kinh tế Trung Quốc đang mất đà và kỳ vọng phục hồi sau Covid đã không thành hiện thực. Thị trường bất động sản trong nước đã sụp đổ và nợ của chính quyền địa phương ngày một chồng chất.
Nhưng cuộc khủng hoảng niềm tin có lẽ là vấn đề gai góc nhất - các nhà đầu tư lo ngại rằng giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ ưu tiên sự kiểm soát của đảng hơn là phát triển kinh tế.
Dưới thời Tập Cận Bình, đã có nhiều cuộc trấn áp các doanh nghiệp tư nhân từ lĩnh vực công nghệ cho đến dạy thêm. Quan hệ với phương Tây cũng xấu đi khi Trung Quốc ngày càng tỏ ra cứng rắn và thách thức trật tự toàn cầu do Mỹ đặt ra.
Vũ Văn là một nạn nhân của cuộc trấn áp doanh nghiệp tư nhân nói trên.
Năm 2014, anh quyết định theo học cao học ngành giáo dục tiếng Trung ở Bắc Kinh, cách quê anh ở tỉnh Hà Bắc gần 300 km. Đó là cách để "cưỡi cơn sóng chính sách quốc gia", vì trước đó một năm, ông Tập đã phát động sáng kiến Vành đai và Con đường nhằm gây ảnh hưởng lớn hơn trên trường quốc tế.
Sau khi tốt nghiệp, anh nhanh chóng tìm được việc làm tại một công ty gia sư tư nhân và được giao trách nhiệm quản lý và đào tạo gia sư người nước ngoài cho học sinh Trung Quốc. Nhưng vào tháng 7/2021, chính phủ Trung Quốc đã cấm hoạt động kinh doanh dạy thêm tư nhân, với mục đích giảm bớt gánh nặng cho học sinh. Lệnh cấm này đã trở thành đòn giáng chí tử đối với ngành dạy thêm trị giá 120 tỷ USD.
Vũ Văn buộc phải đổi nghề, anh sau đó được nhận vào một công ty công nghệ lớn vào tháng 1/2023. Công việc của anh là xây dựng chính sách phát trực tiếp (live-streaming) cho các nền tảng ở nước ngoài của công ty và giám sát công việc của các influencer (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội).
Nhưng anh chỉ có thể gắn bó với công việc này trong năm tháng. Công ty của anh đã quyết định chuyển hoạt động của bộ phận nước ngoài ra khỏi Trung Quốc, sau khi Mỹ đe dọa trừng phạt các công ty công nghệ Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia.
Đó chỉ là giọt nước tràn ly. Vì chiến dịch siết chính sách với công ty công nghệ từ cuối năm 2020 đã làm bốc hơi hơn một ngàn tỷ USD, theo một báo cáo của Reuters hồi tháng 7/2023.
Trong sáu tháng qua, Vũ Văn đã gửi hơn 1.000 hồ sơ ứng tuyển. Mặc dù đã hạ mức lương kỳ vọng, anh vẫn chưa nhận được bất kỳ lời mời làm việc nào. “Lúc đầu tôi còn khá bình thản, nhưng càng về sau tôi càng lo lắng. Không ngờ mọi việc lại khó khăn đến thế này”.
Tại thành phố Thâm Quyến ở phía nam, Thanh Phong, một huấn luyện viên thể hình, đã quyết định đi du lịch một mình dịp tết này. Anh sẽ nói dối cha mẹ rằng không thể mua được vé. "Ai mà chẳng muốn về quê đón năm mới chứ. Nhưng tôi xấu hổ lắm."
Sau khi rời quân ngũ vào năm 2019, Thanh Phong bắt đầu làm việc ở phòng tập, anh có thể kiếm được khoảng 20.000 nhân dân tệ (gần 70 triệu VND) ở Thượng Hải. Năm ngoái, anh chuyển đến Thâm Quyến để ở gần hơn với bạn gái, đang học tại Hong Kong gần đó.
Để tìm kiếm công việc ổn định hơn, chàng trai 28 tuổi đã chuyển sang làm cho một công ty thương mại với nước ngoài. Mức lương anh nhận là 4.500 nhân dân tệ (hơn 15 triệu VND), con số này không thể đủ vì tiền thuê nhà hàng tháng ít nhất đã tốn 1.500 tệ (hơn 5 triệu VND).
Xuất khẩu, mũi nhọn chính của nền kinh tế Trung Quốc, đã chịu tổn thất nặng, một phần do quan hệ với phương Tây xấu đi. Chính quyền Biden chưa dỡ bỏ bất kỳ khoản thuế nào áp lên hàng hóa Trung Quốc do Donald Trump đặt ra.
Thanh Phong nghỉ việc hai tháng sau đó và hiện đã được nhận vào một phòng tập mới sẽ mở cửa sau tết. Nhưng tết này anh không muốn gặp gia đình vì trong năm anh đã tiêu gần hết số tiền tiết kiệm. Anh không muốn tiết lộ cụ thể. “Cứ cho là tôi đã chơi chứng khoán thua lỗ đi.”
Đầu tháng Hai, chứng khoán Trung Quốc lao dốc xuống mức thấp nhất trong năm năm. Tài khoản Weibo của Đại sứ quán Mỹ thậm chí còn trở thành "bức tường than khóc" (theo tên một bức tường nổi tiếng ở Jerusalem) của các nhà đầu tư Trung Quốc, trong đó có người còn kêu gọi Mỹ giúp đỡ. Một số thậm chí còn chỉ trích giới lãnh đạo.
Thanh Phong không chắc liệu mình có thể kiếm được khách hàng mới trong tình trạng suy thoái kinh tế này hay không. "Nhiều phòng tập lớn gần đây đã phải đóng cửa vì nợ quá nhiều."
Nhưng kinh tế không phải là lý do duy nhất. Một số phụ nữ độc thân không muốn bị gia đình thúc ép chuyện kết hôn trong dịp Tết, Tiểu Bát là một trong số đó.
Trừ những năm đại dịch, đây sẽ là lần đầu tiên cô chọn không về quê ăn Tết.
"Tôi đã làm việc trên khắp cả nước. Mỗi lần tôi đến một nơi mới, mẹ tôi lại âm thầm kiếm đâu ra một người đàn ông và bắt tôi đi gặp. Thật quá đáng," cô gái 35 tuổi, đang làm quản lý dự án, than thở.
Dân số Trung Quốc đã giảm năm thứ hai liên tiếp. Tỷ lệ sinh thấp đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ mất đi lực lượng lao động trẻ, động lực chính thúc đẩy nền kinh tế nước này. Theo số liệu chính thức, người trẻ đang ngày càng ngại kết hôn và sinh con, số lượng đăng ký kết hôn đã giảm liên tiếp trong chín năm.
Vào tháng Mười năm ngoái, ông Tập nói phụ nữ đóng “vai trò đặc biệt” trong việc phát huy các đức tính truyền thống tốt đẹp và cần tích cực bồi dưỡng “văn hóa hôn nhân và sinh đẻ kiểu mới” để giải quyết vấn đề già hóa dân số. Nhưng nỗ lực của chính phủ trong việc thúc đẩy tỷ lệ kết hôn và sinh con cho đến nay vẫn chưa cho thấy hiệu quả.
Tiểu Bát không còn lo chuyện kết hôn nữa mà đang tận hưởng cuộc sống. Cô dự định đón Tết Nguyên đán cùng con mèo của mình và xem chương trình tạp kỹ thường niên trên CCTV trong căn hộ cô thuê ở Thâm Quyến.
Vũ Văn hy vọng Tết sang năm sẽ khá hơn. "Tôi tin mình sẽ làm được, tôi đang rất quyết tâm. Bỏ cuộc chưa bao giờ có trong suy nghĩ của tôi."
Nhưng có những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của anh. “Tôi không quá lạc quan về nền kinh tế năm 2024.”