Thời Sự

Mỹ nhắm vào Nga với hàng trăm chế tài vì chiến tranh Ukraine và cái chết của ông Navalny

Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Janet Yellen nói trong một tuyên bố: “Chúng ta phải duy trì sự ủng hộ của mình dành cho Ukraine ngay cả khi chúng ta làm suy yếu cỗ máy chiến tranh của Nga..."

Hoa Kỳ hôm 23/2 áp đặt các chế tài sâu rộng đối với Nga, nhắm vào hơn 500 cá nhân và thực thể để đánh dấu hai năm ngày Moscow xâm chiếm Ukraine và trả đũa cho cái chết của thủ lĩnh phe đối lập Nga Alexey Navalny.

Tổng thống Joe Biden cho biết các biện pháp này nhằm đảm bảo Tổng thống Nga Vladimir Putin “phải trả giá đắt hơn cho hành động gây hấn ở nước ngoài và đàn áp trong nước”.

Các chế tài nhắm vào hệ thống thanh toán Mir của Nga, các định chế tài chính và cơ sở công nghiệp quân sự của nước này, nhắm vào việc trốn tránh lệnh trừng phạt, sản xuất năng lượng trong tương lai và các lĩnh vực khác. Các chế tài cũng nhắm vào các quan chức nhà tù mà Mỹ cho rằng có liên quan đến cái chết của ông Navalny.

Hãng thông tấn RIA dẫn lời đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nói rằng các lệnh trừng phạt mới là cuộc tấn công vào lợi ích cốt lõi của Nga nhưng Moscow sẽ tiếp tục bảo vệ lợi ích của mình.

Chính quyền Biden đang tìm cách tiếp tục hỗ trợ Ukraine khi nước này phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược trầm trọng và gói viện trợ quân sự mới từ Mỹ đã bị trì hoãn trong nhiều tháng tại Quốc hội Hoa Kỳ. Liên hiệp châu Âu, Anh và Canada cũng có hành động chống lại Nga hôm 23/2.

Tuy nhiên, nền kinh tế trị giá 2,2 nghìn tỷ đô la tập trung vào xuất khẩu của Nga đã tỏ ra kiên cường trong hai năm Nga bị các lệnh trừng phạt chưa từng có, kiên cường hơn so với dự đoán của Moscow hoặc phương Tây. Nga xâm chiếm nước láng giềng Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022 và cuộc chiến đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và các thành phố bị phá hủy.

Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đã nhắm mục tiêu vào gần 300 người và các thực thể Nga hôm 23/2, trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ nhắm vào hơn 250 người và thực thể và Bộ Thương mại Mỹ đã thêm hơn 90 công ty vào danh sách chế tài.

Hoa Kỳ và các đồng minh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hàng nghìn mục tiêu Nga trong hai năm qua.

Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Janet Yellen nói trong một tuyên bố: “Chúng ta phải duy trì sự ủng hộ của mình dành cho Ukraine ngay cả khi chúng ta làm suy yếu cỗ máy chiến tranh của Nga. Điều quan trọng là Quốc hội phải tăng cường hợp tác với các đồng minh của chúng ta trên khắp thế giới trong việc cung cấp cho Ukraine các phương tiện để tự vệ”.

Ông Brian O'Toole, cựu quan chức Bộ Ngân khố, cho biết hành động này, mặc dù nhắm vào rất nhiều tên, nhưng không có tác động nhiều.

Ông O'Toole nói: “Các chế tài này sẽ không có tác động lớn”, bởi vì phần lớn các thực thể được liệt kê là của Nga chứ không phải các công ty nước ngoài và có thể dễ dàng thay thế khi Moscow tìm cách lách các lệnh trừng phạt.”

Tuy nhiên, ông Peter Harrell, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia, cho biết các động thái chống lại mạng lưới né tránh lệnh trừng phạt ở các nước thứ ba đã gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng Mỹ sẵn sàng hành động chống lại hành vi lách luật.

Ông nói về gói chế tài này: “Tôi thấy đây là một bước đi có giá trị nhưng mang tính gia tăng nằm trong chiến lược mà họ đã triển khai trong hai năm qua”.

Hệ thống thanh toán

Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đã áp đặt các chế tài đối với Hệ thống Thẻ Thanh toán Quốc gia thuộc sở hữu Nhà nước, nhà điều hành hệ thống thanh toán Mir.

Thẻ thanh toán Mir đã trở nên quan trọng hơn kể từ khi các đối thủ Mỹ đình chỉ hoạt động ở Nga sau khi Moscow gửi hàng chục nghìn quân vào Ukraine và thẻ thanh toán được phát hành ở Nga này đã ngừng hoạt động ở nước ngoài.

Bộ Ngân khố Mỹ nói trong một tuyên bố: “Việc phổ biến Mir của Chính phủ Nga đã cho phép Nga xây dựng cơ sở hạ tầng tài chính cho phép Nga nỗ lực trốn tránh các chế tài”.

Mỹ cũng nhắm mục tiêu vào hơn chục ngân hàng, công ty đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm và các công ty công nghệ tài chánh của Nga.

Hoa Kỳ cũng nhắm mục tiêu vào sản xuất và xuất khẩu năng lượng trong tương lai của Nga, nhắm xa hơn vào dự án LNG 2 Bắc Cực ở Siberia. Vào tháng 11/2023, Washington đã áp đặt các chế tài đối với một thực thể lớn liên quan đến dự án khổng lồ này.

Hôm 23/2, Bộ Ngoại giao Mỹ đã nhắm mục tiêu vào công ty đóng tàu Zvezda của Nga, công ty được cho là có liên quan đến việc đóng tới 15 tàu dầu LNG chuyên dụng cao nhằm mục đích sử dụng để hỗ trợ xuất khẩu của LNG 2 ở Bắc Cực.

Thứ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Wally Adeyemo nói với các phóng viên rằng Bộ Ngân khố có kế hoạch đưa ra các chế tài bổ sung vào cuối ngày 23/2 liên quan đến mức trần giá dầu của G7 đối với dầu Nga. Ông cho biết các biện pháp này sẽ làm tăng chi phí cho Nga khi sử dụng đội tàu chở dầu cũ kỹ để đưa dầu tới các thị trường chủ yếu ở Ấn Độ và Trung Quốc.

Hoa Kỳ cũng áp đặt chế tài đối với các thực thể có trụ sở tại Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Kazakhstan và Liechtenstein vì trốn tránh các chế tài của phương Tây đối với Nga.

Hành động này diễn ra trong bối cảnh Washington ngày càng tìm cách trấn áp việc Nga vi phạm các chế tài của Mỹ.

Động thái này cũng nhắm vào một mạng lưới mà qua đó Nga, hợp tác với Iran, đã mua và sản xuất máy bay không người lái.

Chính quyền Biden cũng áp đặt các hạn chế thương mại mới đối với 93 thực thể từ Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và các nơi khác vì ủng hộ những nỗ lực chiến tranh của Nga tại Ukraine.

​ Cái chết của ông Navalny

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 23/2 cũng nhắm mục tiêu vào ba quan chức của Cơ quan Cải tạo Liên bang Nga mà họ cáo buộc có liên quan đến cái chết của ông Navalny, bao gồm cả phó giám đốc, người được cho là đã chỉ đạo nhân viên nhà tù đối xử khắc nghiệt hơn với ông Navalny.

Cơ quan quản lý nhà tù cho biết, ông Navalny, 47 tuổi, bất tỉnh và đột ngột qua đời vào tuần trước tại trại giam “Sói Bắc Cực”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden, đã trực tiếp quy trách nhiệm cho ông Putin về cái chết của ông Navalny, đã gặp vợ và con gái của ông Nalvany ở California hôm 22/2. Tổng thống gọi nhà lãnh đạo đối lập Nalvany của Nga là “một người đàn ông có lòng dũng cảm đáng kinh ngạc”.

Hành động của Hoa Kỳ cũng nhắm vào những người có liên quan đến cái mà Bộ Ngoại giao gọi là cưỡng bức chuyển giao hoặc trục xuất trẻ em Ukraine.

Nền kinh tế Nga đã hoạt động trên mức mong đợi, với việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế vào tháng 1 dự báo mức tăng trưởng GDP 2,6% cho năm 2024 - tăng 1,5 điểm phần trăm so với ước tính tháng 10 - sau mức tăng trưởng vững chắc 3,0% vào năm 2023.

Một quan chức Bộ Ngoại giao cho biết: “Con số GDP hiện tại của Nga không phải là tốc độ tăng trưởng kinh tế tự bền vững có thể đưa nền kinh tế Nga vào quỹ đạo hướng tới một tương lai thịnh vượng hơn. Mà chính việc chi tiêu thời chiến đang tiêu tốn tương lai để phục vụ cho cuộc chiến hiện tại”.

 

 

© 2001 by Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam. All Rights Reserved.Chính Việt xin đón nhận mọi ý kiến xây dựng và bài vở, xin email về baochinhviet@gmail.com

Search