9 tháng 4 năm 2024
BBC News
Tổng Giám mục Paul Gallagher là quan chức cấp cao nhất đến thăm Việt Nam kể từ khi quan hệ ngoại giao bị cắt đứt vào cuối cuộc chiến tranh với Mỹ vào năm 1975, khi chính quyền cộng sản trục xuất đại diện thường trú của Vatican.
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng Giám mục Paul Gallagher dự kiến kéo dài sáu ngày, từ 9-14/4/2024.
Lịch trình làm việc của Tổng Giám mục Paul Gallagher bao gồm cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Ông Paul Gallagher dự kiến có cuộc gặp gỡ xã giao tại Bộ Nội vụ, đồng thời chủ sự thánh lễ tại Nhà thờ Thánh Giuse ở Hà Nội.
Chuyến viếng thăm của Tổng Giám mục Gallagher còn bao gồm chuyến thăm giáo tỉnh Huế để gặp gỡ các sinh viên Đại chủng viện và chủ tế thánh lễ tại nhà thờ Phú Cam.
Việt Nam có khoảng 7 triệu người Công giáo, chiếm khoảng 6,6% tổng dân số 95 triệu người.
Chuyến thăm ‘tiềm năng’
Chính Tổng Giám mục Gallagher đã đề cập đến chuyến viếng thăm Việt Nam của ông vào ngày 18/1, trong buổi gặp gỡ của Giáo hoàng Francis với các đại diện của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Vatican.
Ông Paul Gallagher nói với các phóng viên vào thời điểm đó rằng cuộc gặp gỡ nói trên ‘rất tích cực’.
“Cuộc gặp thể hiện một sự đổi mới hoàn toàn trong thái độ của họ đối với cộng đồng quốc tế, đối với Giáo hội,” ông Gallagher nói, theo Reuters.
“Chúng tôi, tất nhiên, hi vọng sẽ khuyến khích họ cải thiện vấn đề tự do tôn giáo mà họ đề cập tới trong hiến pháp của họ và hi vọng rằng họ sẽ thực hiện điều đó nhưng rõ ràng việc này vẫn chưa xong,” ông nói.
Vatican và Việt Nam vào năm ngoái đã đạt được thỏa thuận bổ nhiệm đại diện thường trú đầu tiên sau 1975 tại Việt Nam, Tổng Giám mục gốc Ba Lan Marek Zalewski.
Tổng Giám mục Marek Zalewski tại Long Xuyên năm 2019
Tổng Giám mục Zalewski đã tới Hà Nội hôm 31/1 và tạm trú tại khách sạn Pacific trong khi chờ đợi có văn phòng riêng.
Nhận định về vai trò ông Zalewski tại Việt Nam, linh mục Trương Hoàng Vũ thuộc dòng Chúa cứu thế Sài Gòn nói với BBC hôm 26/1: “Ngài sinh trưởng và lớn lên tại Ba Lan – một nước cộng sản cũ, từng chịu áp bức dưới chế độ cộng sản nên ngài sẽ hiểu đường lối của người cộng sản là như thế nào.”
Cũng theo linh mục Trương Hoàng Vũ, nếu Việt Nam có thiện chí thì cần ngay lập tức trả lại Tòa Khâm sứ ở Hà Nội – nay là Thư viện quận Hoàn Kiếm – cho Giáo hội để làm nơi ở cho Tổng Giám mục Marek Zalewski.
Giáo sư Carl Thayer, nhà quan sát Đông Nam Á kỳ cựu, nói với UCANews hồi tháng 2/2024 rằng Vatican có thể sử dụng mối quan hệ với Việt Nam làm mẫu để đối phó với Bắc Kinh, trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tăng cường củng cố các giá trị cộng sản, vô thần kiểu cũ trong một nền kinh tế có triển vọng ảm đạm.
Ông Thayer nói rằng chuyến công du của Giáo hoàng đến Việt Nam sẽ mang lại bài học cho Trung Quốc, nơi Công giáo được chấp thuận nhưng chỉ các giáo hội chính thức, đã đăng ký mới được công nhận – giống với Việt Nam.
Thư của Giáo hoàng gửi Giáo hội Việt Nam
Việt Nam và Tòa Thánh cắt đứt quan hệ ngoại giao vào năm 1975 nhưng những diễn biến tích cực bắt đầu diễn ra sau năm 1990, theo Vatican News.
Năm 2011, Giáo hoàng Benedict XVI đã bổ nhiệm một đại diện không thường trú và vào năm 2023, hai bên đã thiết lập quy chế cho một đại diện không thường trú.
Giáo hoàng Francis cũng đã gửi thư cho Giáo hội tại Việt Nam vào tháng 9/2023, kêu gọi các tín hữu Công giáo hãy sống như “những Kitô hữu tốt và những công dân tốt”.
Ông kêu gọi họ làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa “không phân biệt tôn giáo, chủng tộc hay văn hóa” và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “thừa nhận những điểm hội tụ và tôn trọng sự khác biệt”.
Bằng cách tiếp cận này, người công giáo thể hiện căn tính là những Kitô hữu và công dân tốt bằng cách làm cho đời sống Giáo hội trở nên sinh động và truyền bá Tin Mừng trong cuộc sống hằng ngày.
Truyền thông Việt Nam do chính phủ quản lý phủ nhận các chỉ trích từ các nhóm như Ủy ban về Tự do Tôn giáo của Mỹ, một cơ quan giám sát của Quốc hội Mỹ, vừa rồi đã đưa Việt Nam vào danh sách "quốc gia đặc biệt quan ngại".