28 tháng 4 2024
BBC News
Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser (phải) cho biết Đức đang tăng cường mạnh hoạt động phản gián
Sáu nghi phạm gián điệp đã bị bắt tại Đức chỉ riêng trong tháng 4/2024, trong bối cảnh các cáo buộc về hoạt động gián điệp của Nga và Trung Quốc tăng mạnh.
Đối với đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (Alternative für Deutschland - AfD), điều này đặc biệt đáng xấu hổ khi hai ứng cử viên hàng đầu của họ cho cuộc bầu cử tại Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 6 tới đã lọt vào tầm ngắm.
Jian G - trợ lý của Maximilian Krah, một thành viên của Nghị viện châu Âu và là đại diện cho AfD - đã bị bắt vì nghi ngờ làm gián điệp cho Trung Quốc. Jian G bị cáo buộc là "nhân viên của cơ quan mật vụ Trung Quốc".
Các công tố viên cũng đã bắt đầu điều tra sơ bộ đối với ông Krah về các khoản thanh toán được cho là từ các nguồn thân Nga và Trung Quốc. Ông Krah phủ nhận mọi hành vi sai trái.
Vài ngày trước đó, Petr Bystron, một cái tên khác của AfD, đã bác bỏ cáo buộc rằng ông nhận tiền từ trang web của Tiếng nói châu Âu (Voice of Europe). Tình báo châu Âu cáo buộc trang web này là tổ chức bình phong của tình báo Nga.
Các cáo buộc không chỉ dừng lại ở AfD.
Hai công dân Đức gốc Nga đã bị bắt vì nghi ngờ có âm mưu phá hoại viện trợ quân sự của Đức cho Ukraine và ba người Đức khác bị giam giữ vì bị cáo buộc lên kế hoạch chuyển giao các thiết kế động cơ tiên tiến cho tình báo Trung Quốc.
"Thật bất thường khi việc bắt giữ những người thuộc ba mạng lưới (bị cáo buộc) liên quan đến hoạt động gián điệp của Nga và Trung Quốc diễn ra gần như cùng lúc," Noura Chalati, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Leibniz về phương Đông Hiện đại, nhận xét.
Trong cả ba vụ trên, nỗ lực từ phía cơ quan tình báo nội địa BfV của Đức là rất quan trọng.
“Các cơ quan an ninh… đã tăng cường mạnh mẽ các nỗ lực phản gián của họ,” Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser nói.
Các vụ bắt giữ diễn ra ngay sau khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz trở về sau cuộc hội đàm sâu rộng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh.
'Bắt giữ luôn là một quyết định chính trị'
Andrei Soldatov, một chuyên gia chuyên nghiên cứu về các cơ quan an ninh Nga, cho rằng trường hợp của cặp nghi phạm Đức gốc Nga cho thấy Điện Kremlin muốn đẩy mạnh tấn công vào các nỗ lực viện trợ dành cho Ukraine.
"Đây là một mức độ leo thang hoàn toàn mới. Những người này (bị cáo buộc) đã thu thập thông tin để hỗ trợ hoạt động phá hoại nhằm vào các cơ sở quân sự tại Đức," ông Soldatov trả lời BBC.
Trong khi đó, Roderich Kiesewetter, cựu sĩ quan quân đội Đức và hiện là nghị sĩ đảng đối lập, cáo buộc Trung Quốc đang tìm cách tiếp cận các nghiên cứu tiên tiến mà có thể hữu ích cho quân sự hoặc cho các mục đích khác.
"Trung Quốc nhìn thấy cơ hội lợi dụng sự cởi mở của Đức để tiếp cận tri thức và công nghệ của chúng tôi," ông Kiesewetter nói với BBC.
Mặc dù vậy, Andrei Soldatov tin rằng Berlin đang chứng minh điều họ có thể làm.
“Việc bắt giữ luôn là một quyết định chính trị," ông nhận định.
"Các cơ quan phản gián ở tất cả các nước thường không muốn bắt giữ gián điệp vì cách tốt hơn là theo dõi và giám sát họ để tìm hiểu thêm về mạng lưới và hoạt động của họ," Soldatov nói tiếp.
Một lý do khiến quyết định chính trị có thể được đưa ra là vì các đối thủ của Đức - đặc biệt là Nga - tỏ ra ngày càng muốn công khai làm bẽ mặt Đức khi nước này trở nên quyết đoán hơn trong quan hệ đối ngoại.
Điển hình là vào tháng 3/2024, các nguồn tin từ phía Nga đã rò rỉ cuộc điện đàm thảo luận giữa các tướng lĩnh hàng đầu Đức trong việc cung cấp tên lửa tầm xa Taurus cho Ukraine.
Nhiều tháng trước đó, một quan chức cấp cao từ cơ quan tình báo nước ngoài BND của Đức tên là Carsten L đã ra tòa do bị cáo buộc tiết lộ thông tin mật cho người Nga để đổi lấy số tiền khoảng 400.00 euro (gần 11 tỷ đồng).
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace bày tỏ sự thất vọng của nhiều đồng minh khi nói rằng Đức "bị tình báo Nga xâm nhập khá sâu" và đã trở nên "không an toàn cũng như không đáng tin cậy".
Ông Roderich Kiesewetter nói ông lo lắng về việc các đồng minh cho rằng Đức không đáng tin cậy. "Chúng tôi cần trở thành một đối tác được ưa chuộng. Khó có thể chấp nhận việc hợp tác tình báo mà không có nước Đức," ông nói với BBC.
Các cuộc trấn áp công khai đối với các nghi phạm gián điệp có thể là một cách để gửi tín hiệu đến đồng minh cũng như kẻ thù rằng Berlin rất coi trọng vấn đề an ninh.
BND và BfV cho biết họ không bình luận về các chiến dịch đang diễn ra. Bộ Nội vụ Đức không phản hồi yêu cầu bình luận.
Di sản của lịch sử
Các cơ quan tình báo Đức từ lâu đã thất vọng trước những hạn chế ngày càng gia tăng được áp lên các phương pháp hoạt động của họ so với nhiều cơ quan tình báo ở các nước phương Tây khác.
Một phần, đó là di sản của chế độ cai trị cộng sản ở Đông Đức cũ - được nhiều người coi là một trong những xã hội bị giám sát chặt chẽ nhất trong lịch sử. Người ta ước tính rằng cứ 6,5 người Đông Đức thì có một người cung cấp thông tin cho cảnh sát mật, được gọi là Stasi.
Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, quy mô hoạt động gián điệp của Stasi bị phanh phui, chính phủ Đức đã áp đặt những hạn chế pháp lý nghiêm ngặt đối với các cơ quan tình báo.
Những hạn chế này phần lớn vẫn còn được duy trì, mặc dù một số biện pháp đã được nới lỏng.
Giới ủng hộ nhân quyền coi những hạn chế đó là điều tốt để bảo vệ quyền riêng tư của công dân. Nhưng các cơ quan tình báo từ lâu đã phàn nàn rằng họ không thể hoạt động hiệu quả khi có quá nhiều hạn chế được áp lên hành vi của họ.
Năm 2023, hai cựu lãnh đạo BND đã viết: “Các cơ quan tình báo Đức, đặc biệt là BND, hiện đang phải chịu sự giám sát quá mức.”
Một số người trong các cơ quan tình báo coi các vụ bắt giữ ồn ào gần đây là một cách để nêu bật mức độ xâm nhập thù địch từ nước ngoài vào Đức - và là cơ hội để củng cố đòi hỏi tăng thêm quyền lực.
Ông Kiesewetter cho rằng mức độ xâm nhập này một phần là di sản của sự "ngây thơ" chính trị sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
“Từ 1990, người ta nghĩ rằng nước Đức được bao quanh bởi bạn bè,” ông nói.
Ông giải thích rằng giới lãnh đạo đã tập trung vào các giao dịch kinh doanh, bao gồm cả với các nước chuyên quyền như Nga, mà không để mắt đến an ninh quốc gia.
Không còn mơ ngủ nữa
Ông Rafael Loss từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu giải thích cụ thể hơn về những gì đã xảy ra.
Dưới thời cựu Thủ tướng Gerhard Schröder, vào năm 2002, cơ quan tình báo Đức đã giải thể một đơn vị chuyên trách phản gián.
"Thật đáng ngạc nhiên là đơn vị khoảng 60 người này đã bị giải tán hoàn toàn," ông Loss nói.
Nhưng mọi thứ đang thay đổi. Nhân sự của BfV đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua. Những vụ bắt giữ gần đây cho thấy các cơ quan tình báo Đức đang trở nên quyết đoán hơn, trong một đất nước mà văn hóa chính trị vốn dĩ luôn dè chừng với họ.
"Tất cả các vụ bắt giữ đã gửi một tín hiệu đến những nước đang rình rập chúng tôi," theo lời ông Felix Neumann từ Quỹ Konrad Adenauer.
"Rằng nước Đức đã thức giấc và không còn mơ ngủ nữa," ông Neumann nhấn mạnh.