Thời Sự

Đại hội đồng LHQ ủng hộ nỗ lực của Palestine gia nhập làm thành viên

Màn hình hiển thị kết quả biểu quyết trong cuộc biểu quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về dự thảo nghị quyết công nhận Palestine đủ điều kiện trở thành thành viên chính thức của LHQ, tại New York, ngày 10 tháng 5 năm 2024.

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày thứ Sáu ủng hộ với tỉ lệ áp đảo nỗ lực của Palestine trở thành thành viên chính thức của LHQ bằng cách công nhận họ đủ điều kiện gia nhập và đề xuất Hội đồng Bảo an LHQ “xét lại vấn đề một cách thuận lợi.”

Cuộc biểu quyết của Đại hội đồng gồm 193 thành viên là một cuộc khảo sát toàn cầu về sự ủng hộ dành cho nỗ lực vận động của Palestine trở thành thành viên chính thức của LHQ - một bước đi trên thực tế sẽ là công nhận một nhà nước Palestine - sau khi Mỹ phủ quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ vào tháng trước.

Đại hội đồng thông qua một nghị quyết với 143 quyết thuận và chín biểu quyết chống - bao gồm Mỹ và Israel - trong khi 25 quốc gia không biểu quyết. Nó không trao cho Palestine tư cách thành viên đầy đủ của LHQ mà chỉ công nhận họ có đủ điều kiện để gia nhập.

Nghị quyết "xác định rằng Nhà nước Palestine... do đó nên được kết nạp làm thành viên" và "khuyến nghị Hội đồng Bảo an xét lại vấn đề một cách thuận lợi."

Việc Palestine vận động để trở thành thành viên đầy đủ của Liên Hợp Quốc diễn ra bảy tháng sau chiến tranh nổ ra giữa Israel và các phần tử chủ chiến người Palestine Hamas ở Dải Gaza, và trong khi Israel đang mở rộng các khu định cư ở Bờ Tây bị chiếm đóng, điều mà LHQ coi là bất hợp pháp.

Hồ sơ đệ nạp trở thành thành viên đầy đủ của LHQ trước tiên cần phải được Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên và sau đó là Đại hội đồng chấp thuận. Nếu nghị quyết này được hội đồng biểu quyết một lần nữa, nó có thể sẽ đối mặt với số phận tương tự: bị Mỹ phủ quyết.

Phó Đại sứ Mỹ tại LHQ Robert Wood nói với Đại hội đồng sau cuộc biểu quyết rằng các biện pháp đơn phương tại LHQ và trên thực địa sẽ không giúp thúc đẩy giải pháp hai nhà nước.

"Biểu quyết của chúng tôi không phản ánh sự phản đối đối với việc thành lập một nhà nước Palestine; chúng tôi đã nói rất rõ ràng rằng chúng tôi ủng hộ điều đó và tìm cách thúc đẩy nó một cách có ý nghĩa. Thay vào đó, biểu quyết là sự thừa nhận tư cách nhà nước sẽ chỉ đến từ một quá trình bao gồm các cuộc đàm phán trực tiếp giữa các bên," ông nói.

Liên Hợp Quốc từ lâu đã ủng hộ viễn kiến hai quốc gia sống cạnh nhau trong các đường biên giới an ninh và được công nhận. Người Palestine muốn có một nhà nước ở Bờ Tây, đông Jerusalem và Dải Gaza, tất cả lãnh thổ bị Israel chiếm giữ trong cuộc chiến năm 1967 với các quốc gia Ả-rập láng giềng.

Nghị quyết của Đại hội đồng được thông qua hôm thứ Sáu sẽ trao cho Palestine một số quyền và đặc quyền bổ sung từ tháng 9 năm 2024 - như một ghế trong số các thành viên LHQ trong hội trường - nhưng họ sẽ không được quyền biểu quyết trong cơ quan này.

Palestine hiện là một quốc gia quan sát viên phi thành viên.

 

 

© 2001 by Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam. All Rights Reserved.Chính Việt xin đón nhận mọi ý kiến xây dựng và bài vở, xin email về baochinhviet@gmail.com

Search