17 tháng 5 2024
BBC News
Trung Quốc là quốc gia đầu tiên Vladimir Putin tới thăm sau khi tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ năm, cho thấy sự ưu tiên của Nga trong các mối quan hệ quốc tế. Hiện chưa rõ Putin có tới Việt Nam hay không, nhưng mối quan hệ đang ngày càng được củng cố giữa Nga và Trung Quốc có thể khiến Hà Nội phải lưu tâm.
“Mối quan hệ chặt chẽ chưa từng có giữa hai quốc gia đã khiến chúng tôi quyết định tới thăm Trung Quốc đầu tiên sau khi tuyên thệ nhậm chức,” Putin cho biết.
Trung Quốc là một trong số ít “bạn bè” của Nga ở châu Á, bên cạnh Việt Nam và Bắc Hàn.
Nga cũng là quốc gia đầu tiên Tập Cận Bình tới thăm sau khi nhậm chức hồi tháng 3/2023.
Hôm 16/5, Nga và Trung Quốc đã đưa ra một loạt tuyên bố chung về nhiều lĩnh vực hợp tác của hai nước.
Trong tuyên bố chung, Nga và Trung Quốc sẽ hợp tác trong các lĩnh vực quân sự như trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, điều phối tần số vô tuyến...
Ngoài quân sự, Trung Quốc và Nga cũng đã tuyên bố sẽ thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và kinh tế.
Hai quốc gia cam kết tăng cường hợp tác ở các dự án năng lượng quy mô lớn và thắt chặt hợp tác trong các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, năng lượng hydro, thị trường carbon.
Phản ứng của Mỹ
Cũng hôm 16/5, ông Ely Ratner, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, đã bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về kế hoạch tăng cường hợp tác quân sự giữa Nga và Trung Quốc.
Hai vấn đề được ông Ratner nhấn mạnh là việc Trung Quốc hỗ trợ Nga trong cuộc chiến ở Ukraine và những "hành động nguy hiểm" của Trung Quốc đối với các tàu Philippines ở khu vực Biển Đông.
Ông Ratner cũng nhắc tới việc Nga hợp tác với Bắc Hàn.
Đáp lại, trong buổi họp báo ngày 16/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cáo buộc Mỹ "đạo đức giả và vô trách nhiệm" khi cho rằng Trung Quốc xuất khẩu vật liệu hỗ trợ sản xuất vũ khí cho Nga.
Ông nói thêm rằng việc đổ lỗi cho Trung Quốc sẽ "không chấm dứt khủng hoảng, và cũng chẳng giúp Mỹ thoát khỏi tình huống hiện tại".
"Những gì đang diễn ra ra cho thấy những kẻ châm dầu vào lửa chỉ khiến tình hình thêm bế tắc. Chính trị là cách duy nhất để chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Ukraine một cách đúng đắn," ông Uông Văn Bân nói.
Bình luận về chuyến thăm Trung Quốc của Putin với các phóng viên ở New York hôm 16/5, cựu Tổng thống Trump cho rằng Putin và Tập Cận Bình đang có ý định "phá hoại".
"Tập Cận Bình của Trung Quốc, tôi biết rất rõ ông ấy. Putin của Nga, tôi cũng biết rất rõ ông ấy.
"Hiện tại, họ đang lên kế hoạch. Họ kết hợp lại để phá hoại. Đó là những gì họ đang nghĩ trong đầu, phá hoại. Bởi vì đó là mục tiêu cuối cùng của họ," ông Trump nói.
'Trung Quốc cần cẩn trọng trong quan hệ với Nga'
Do những lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây kể từ khi Nga tiến hành xâm lược Ukraine, Nga ngày càng muốn xích lại gần hơn với các quốc gia phương Đông.
Các lệnh trừng phạt này là một trong những yếu tố mà các quốc gia cần cân nhắc khi quyết định chính sách ngoại giao với Nga.
Theo một bài viết đăng tải ngày 16/5 trên SCMP, Bắc Kinh cần cẩn trọng khi hợp tác với Nga để duy trì được sự cân bằng trong quan hệ với Mỹ.
Vài ngày trước, Mỹ đã cân nhắc áp đặt thêm các lệnh trừng phạt đối với các tổ chức tài chính Trung Quốc mà được cho là đang hỗ trợ Nga trong cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, theo Nikei Asia.
Việc này đã cho thấy những tác động tới các doanh nghiệp Trung Quốc.
Truyền thông Nga đưa tin Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) và các ngân hàng thương mại lớn khác của Trung Quốc đang từ chối nhận thanh toán từ Nga, kể cả bằng nhân dân tệ. Truyền thông Nga cũng nói rằng số lượng giao dịch bị chặn lại đã gia tăng đáng kể từ cuối tháng 3/2024.
Tuy nhiên, nếu Mỹ tiếp tục có thêm những hành động chống lại Trung Quốc, Bắc Kinh có thể cân nhắc gia tăng quan hệ với Nga.
“Nếu Bắc Kinh thấy rằng việc thỏa hiệp với Washington là không thể, Trung Quốc có thể hình thành một liên minh toàn diện với Nga,” bài viết trên SCMP dẫn lời ông Artyom Lukin, Giáo sư từ Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông tại thành phố Vladivostok.
Trong bài bình luận ngày 3/5 trên NikkeiAsia, ông Philipp Ivanov, thành viên cấp cao của Viện Chính sách xã hội châu Á, nhận định rằng "Nga đã trở nên quan trọng hơn rất nhiều với Trung Quốc".
Theo ông Ivanov, chiến lược địa chính trị của Trung Quốc phụ thuộc vào ba yếu tố:
- Củng cố an ninh và chủ quyền kinh tế, công nghệ
- Đa dạng hóa liên kết thương mại với các quốc gia không thuộc phương Tây
- Duy trì vị thế của Trung Quốc trung tâm trong chuỗi cung ứng sản xuất và công nghệ toàn cầu
"Nga đóng vai trò quan trọng trong từng yếu tố này," ông viết.
Phóng viên BBC đã có cuộc phỏng vấn với người dân Trung Quốc tại thành phố Bắc Kinh và nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Có người cho rằng việc xích lại gần với Nga không phải là một "điều tốt đẹp". Tuy nhiên, có người lại hy vọng hai nước duy trì "hợp tác".
Quan hệ Nga - Trung Quốc ảnh hưởng gì tới Việt Nam?
Việc Nga và Trung Quốc ngày càng xích lại gần nhau được đánh giá là sẽ gây ra những khó khăn cho chính sách ngoại giao “cây tre” của Việt Nam.
Trong khi có quan hệ hợp tác truyền thống lâu đời với Việt Nam, Nga đang về phe Trung Quốc để đối chọi lại với Mỹ.
Theo một bài viết hồi tháng 9/2023 của Viện Nghiên cứu An ninh Hoa Kỳ (American Security Project - ASP), Việt Nam cần dần hạn chế quan hệ đối tác chiến lược với Nga để bảo toàn vị thế cân bằng trước ba cường quốc Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Việc Việt Nam bỏ phiếu trắng tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về vấn đề Ukraine-Nga vào tháng 2/2023 được đánh giá là nỗ lực duy trì mối quan hệ cân bằng với cả Nga và Mỹ.
Tuy nhiên, mới đây đã có những thông tin cho thấy Việt Nam đang có ý muốn tham gia BRICS, một nhóm quốc gia mà Trung Quốc và Nga đóng vai trò chủ chốt.
Trong buổi chia sẻ thông tin ngày 15/4, Đại sứ Nga tại Việt Nam, ông Bezdetko Gennady Stepanovich, khẳng định Tổng thống ông Putin đã nhận lời thăm Việt Nam, nhưng vẫn chưa có lịch cụ thể.
Cũng trong buổi này, khi trả lời về khả năng tham gia khối BRICS của Việt Nam, ông Stepanovich cho biết Nga hoan nghênh và đang hỗ trợ Việt Nam trở thành thành viên tiếp theo.
Ông Nguyễn Thế Phương, chuyên gia về quốc phòng Việt Nam tại Đại học New South Wales (Úc), nhận định rằng Nga sẽ tìm cách khai thác các mối quan hệ sẵn có, như với Trung Quốc và Việt Nam.
Tham gia BRICS và ‘thỏa thuận vũ khí bí mật’
Về việc tham gia khối BRICS của Việt Nam, BBC News Tiếng Việt đã có cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải từ Đại học Queensland (Úc).
Ông cho rằng việc gia nhập BRICS ở thời điểm hiện tại không có lợi ích thực chất và các cơ chế của BRICS “cũng chưa rõ ràng”.
“Nhìn vào các thành viên hiện nay của BRICS, bao gồm cả thành viên mới là Iran, có thể thấy rõ ràng BRICS là một câu lạc bộ của những quốc gia 'không thân thiện' với Mỹ và phương Tây. Giả sử tới đây, Triều Tiên đặt vấn đề gia nhập khối BRICS, liệu Nga và Trung Quốc có từ chối?
“Trong bối cảnh đó, việc gia nhập BRICS sẽ ảnh hưởng tới sự hợp tác giữa Việt Nam với Mỹ và các nước phương Tây,” ông Hải nêu nhận định.
Trao đổi với BBC, nhiều chuyên gia nhận định rằng Tổng thống Putin sẽ có chuyến thăm tới Việt Nam trong năm nay và việc này chắc chắn sẽ khiến một số đối tác phương Tây của Việt Nam, đặc biệt là Mỹ và các nước EU, không hài lòng.
Một thỏa thuận về vũ khí được cho là sẽ nằm trong chương trình nghị sự trong chuyến thăm của Nga tới Việt Nam.
Ông Nguyễn Thế Phương cũng nhắc tới việc các khoản hỗ trợ từ Nga cho Việt Nam mua sắm vũ khí từ Moscow đã hết hạn từ năm 2021.
Tuy nhiên, theo các quan chức phương Tây, Nga đang gặp khó khăn trong việc cung cấp đạn dược và vũ khí cho chính quân đội của mình trong cuộc chiến ở Ukraine.
Theo dữ liệu do Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố hôm 11/3/2024, lượng nhập khẩu vũ khí của Việt Nam năm 2023 giảm xuống mức nhỏ giọt bất chấp tình hình thế giới và khu vực tiếp tục căng thẳng.
Đáng chú ý, một bài viết của New York Times vào tháng 9/2023 đã nhắc tới một “thỏa thuận mua vũ khí bí mật” giữa Việt Nam và Nga.
Cụ thể, theo bài viết, một tài liệu hồi tháng 3/2023 của Bộ Tài chính Việt Nam chỉ ra rằng Việt Nam có ý định mua vũ khí quốc phòng từ Nga, thông qua các khoản thanh toán tại một cơ sở liên doanh dầu khí Việt-Nga ở Siberia.
Bài viết cũng nêu rằng tài liệu này được các quan chức Việt Nam, cả cựu và đương nhiệm, chứng thực nội dung.
Về những vấn đề trên Biển Đông
Dù Việt Nam và Trung Quốc là đối tác lâu đời trên nhiều phương diện, hai quốc gia vẫn còn nhiều bất đồng về chủ quyền Biển Đông.
Nói về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông, ASP cho rằng việc Nga và Trung Quốc tăng cường quan hệ đang đưa Việt Nam vào thế khó.
“Việt Nam đang gặp khó khăn khi Nga, một đồng minh, đang hợp tác với Trung Quốc, một đối thủ [trong vấn đề Biển Đông]… Khi Trung Quốc tiếp tục bành trướng trên Biển Đông, Nga sẽ buộc phải chọn ủng hộ giữa các đồng minh của mình.”
Trong một cuộc phỏng vấn vào đầu tháng 4/2023, Giáo sư Carl Thayer, một nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm, nói với BBC rằng vào thời điểm trước khi cuộc chiến ở Ukraine xảy ra, Nga đã chống lại việc Trung Quốc gây sức ép tới hoạt động khai thác dầu của Rosneft trong vùng gần Bãi Tư Chính.
"Tuy nhiên, áp lực từ Trung Quốc đã khiến Rosneft rút lui,” ông Thayer thêm.
Rosneft, tập đoàn dầu khí lớn của Nga và có nhiều dự án với Việt Nam, đã phải từ bỏ dự án ở Biển Đông do sức ép của Trung Quốc. Công ty này đã chuyển nhượng cổ phần cho Zarubezhneft.
Ngày 10/5/2023, một tàu nghiên cứu của Trung Quốc được hộ tống bởi lực lượng tuần duyên và gần chục tàu thuyền đã đi vào một lô dầu khí đang được vận hành bởi các công ty nhà nước của Nga và Việt Nam.
Khi đó, RFI, một đài phát thanh của Pháp, đã có bài phỏng vấn với nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, Trường Sư Phạm Lyon (Pháp) về sự việc này.
Khi được hỏi rằng nếu Trung Quốc và Việt Nam có những xung đột trên Biển Đông, liệu mối quan hệ ngày càng chặt chẽ với Trung Quốc có khiến Nga ngần ngại hỗ trợ Việt Nam, ông Gédéon trả lời:
“Sự phụ thuộc nhau về địa-chính trị với Trung Quốc mà chúng ta đề cập ở trên, cũng như việc Nga phải tiếp tục hưởng sự hỗ trợ ngoại giao, kinh tế và nhiều lĩnh vực khác từ cường quốc láng giềng, có thể dẫn đến việc các nhà lãnh đạo Nga phải hạn chế phản đối và thậm chí im lặng trước hành động của Trung Quốc, bất chấp việc Việt Nam là một nước có lợi cho Matxcơva.”
Tháng 7/2023, do những lệnh trừng phạt của phương Tây, Zarubezhneft có kế hoạch rút khỏi dự án dầu khí Tuna ở ngoài khơi Indonesia.