Thời Sự

Trung Quốc quảng bá quản trị độc tài tại các nước đang phát triển

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, trái, bắt tay Tổng thống Senegal Macky Sal, phải, với Tập Cận Bình, giữa, tại Thượng đỉnh Bắc Kinh của Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi, ngày 4/9/ 2018.

Trung Quốc đã tổ chức các cuộc hội thảo và khóa huấn luyện cho quan chức ở các nước châu Phi và Mỹ Latin nhằm quảng bá hệ thống độc đảng và thế giới quan của Chủ tịch Tập Cận Bình, một phúc trình trong tuần này cho biết.

Trụ cột chính trong sự cai trị của ông Tập là Sáng kiến Vành đai và Con đường hay BRI, một dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn mà Trung Quốc sử dụng để mở rộng ảnh hưởng ra nước ngoài bằng cách cấp các khoản vay nặng lãi cho các nước đang phát triển.

Một phúc trình do một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Washington công bố hôm 13/6 nêu chi tiết những nỗ lực nhằm quảng bá sự cai trị độc đảng và tư duy của ông Tập Cận Bình đối với các đối tác BRI ở các khu vực Châu Phi, Châu Mỹ Latin và xa hơn nữa, dựa trên hàng trăm tài liệu công khai từ Bộ thương mại Trung Quốc.

Tác giả phúc trình của Hội đồng Đại Tây Dương, Niva Yau, viết: Các tài liệu “rõ ràng tô đậm các khía cạnh của mô hình độc tài (của Trung Quốc) như là trọng tâm của sự phát triển thành công mà những người khác có thể noi theo”.

Trong số các sáng kiến được liệt kê có một cuộc hội thảo được tổ chức trực tuyến dành cho các cố vấn tổng thống và các quan chức cấp nội các ở các nước đang phát triển, nhằm mở rộng “ảnh hưởng quốc tế của... hệ thống cai trị của Trung Quốc”.

Theo tài liệu của Bộ được phúc trình trích dẫn, hội thảo được tổ chức vào tháng 6 năm 2021 nhằm “giới thiệu tư tưởng của Chủ tịch Tập Cận Bình về quản trị quốc gia, hệ thống chính trị hiện tại của Trung Quốc, đời sống chính trị và các đặc điểm của tiến trình ra quyết định đối với các chính sách cơ bản”.

Tài liệu cũng quảng bá những nỗ lực của Trung Quốc trong việc “huy động và quản lý xã hội” trong đại dịch Covid-19, khiến hàng triệu người bị phong tỏa nghiêm ngặt và kéo dài.

Một chương trình huấn luyện khác, nhằm vào các quan chức châu Phi tham gia quy hoạch thành phố, tập trung vào hệ thống giám sát khắp nơi của Trung Quốc.

Theo một tài liệu được phúc trình trích dẫn, chương trình này nhằm mục đích giáo dục về quản lý “an toàn công cộng thông qua công nghệ thông tin” ở các thành phố.

Trung Quốc là một trong những xã hội bị giám sát nhiều nhất trên thế giới và các nhà phê bình cho rằng công nghệ nhận dạng khuôn mặt được sử dụng rộng rãi trong mọi việc, từ thực thi pháp luật hàng ngày đến đàn áp chính trị.

Bộ Ngoại giao Bắc Kinh ngày 14/6 nói rằng “Trung Quốc luôn tôn trọng người dân của tất cả các quốc gia trong việc độc lập lựa chọn con đường phát triển và hệ thống xã hội của họ”, khi trả lời câu hỏi của AFP về phúc trình vừa kể.

Bộ nói: “Chúng tôi chưa bao giờ và sẽ không bao giờ áp đặt con đường hoặc hệ thống của riêng mình lên các quốc gia khác”.

Phúc trình của Hội đồng Đại Tây Dương cũng nêu chi tiết một khóa học dành cho các quan chức từ các quốc gia BRI nhằm quảng bá các hoạt động tuyên truyền và truyền thông của Trung Quốc.

Một tài liệu được phúc trình trích dẫn cho biết: “Thông qua phần trình bày đa góc độ và toàn diện về kinh nghiệm của Trung Quốc trong phát triển phương tiện truyền thông mới, hội thảo sẽ phân tích các lý thuyết đổi mới và tích hợp truyền thông của Trung Quốc trong bối cảnh Covid-19”.

Khóa học cũng xem xét “thực hành viết tin tức, tạo chương trình và thu thập tài liệu áp dụng cho các nền tảng truyền thông mới”.

Theo các tài liệu này, tất cả các chương trình đều được thực hiện bởi các học giả từ các định chế hàng đầu của Trung Quốc cũng như các công chức.

Tác giả phúc trình cho biết Trung Quốc đang “tham gia vào nỗ lực phối hợp nhằm quảng bá quản trị độc tài trên khắp thế giới đang phát triển”.

 

 

© 2001 by Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam. All Rights Reserved.Chính Việt xin đón nhận mọi ý kiến xây dựng và bài vở, xin email về baochinhviet@gmail.com

Search