25/06/2024
BBC News
Nhiều lao động Việt Nam đi lao động ở Ả Rập Xê Út bị chủ đối xử tàn tệ
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Hai (24/6) đã nâng thứ hạng của Việt Nam trong một báo cáo về nạn buôn người, ngay cả khi bộ này viện dẫn những lo ngại rằng Hà Nội đã không điều tra các quan chức chính phủ đồng lõa với tội phạm buôn người, theo Reuters.
Trao đổi với BBC Tiếng Việt hôm 25, ông Ben Swanton, đồng giám đốc Dự án 88 - một tổ chức vận động nhân quyền cho Việt Nam - cho hay:
"Dự án 88 đã đưa ra bằng chứng thuyết phục cho Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy Hà Nội đã nghĩ ra kế hoạch nói dối Washington về những gì họ đang làm để giải quyết nạn buôn người ở Việt Nam.
"Bằng chứng cũng cho thấy chính phủ Việt Nam ở cấp cao đã có hành vi che đậy quá trình tố tụng hình sự nhằm xử lý các quan chức có liên quan đến một đường dây buôn người.
"Thay vì điều tra và hành động dựa trên bằng chứng, Ngoại trưởng Antony Blinken đã chọn cách trao thưởng cho Hà Nội vì hành vi phạm tội của họ và cho phép chính trị hóa Phúc trình thường niên về nạn Buôn người (TIP), rõ ràng là nhằm phục vụ cho một chiến lược địa chính trị đáng ngờ được thiết kế nhằm mục đích kiềm chế Trung Quốc.
"Để đảm bảo tính liêm chính đang diễn ra của quy trình TIP, ông Blinken nên công bố câu trả lời của Hà Nội so với bảng câu hỏi được sử dụng để thu thập thông tin cho báo cáo và công chúng có quyền kiểm tra lý do Bộ Ngoại giao Mỹ nâng hạng của Việt Nam - quốc gia này không đạt được tiến bộ đáng chú ý nào trong việc loại bỏ nạn buôn người trong năm qua."
Dự án 88 tuần trước đã cáo buộc Hà Nội đưa ra thông tin sai lệch và cố gắng che đậy các vụ buôn người có dính đến quan chức khi cập nhật cho những người phụ trách Phúc trình thường niên về nạn Buôn người (TIP) của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Báo cáo thường niên TIP là cơ chế chính của chính phủ Mỹ nhằm buộc các quốc gia trên thế giới phải chịu trách nhiệm vì đã không ngăn được nạn buôn người, lao động cưỡng bức và các hình thức bóc lột khác, và nêu ra chi tiết những lĩnh vực mà mỗi nước cần hành động.
Việc không hành động để xử lý các vấn đề được nêu trong báo cáo này có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt như bị cắt viện trợ của Mỹ.
Washington đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách theo dõi trong TIP 2024, chỉ ra rằng Việt đã có “những nỗ lực tăng cường nói chung” để giải quyết nạn buôn người, bao gồm việc đệ trình luật chống buôn người lên cơ quan lập pháp, tăng cường các vụ truy tố đối tượng buôn người và hỗ trợ nhiều nạn nhân hơn.
Tuy nhiên, báo cáo TIP 2024 mà Hoa Kỳ mới công bố cũng chỉ ra một loạt lĩnh vực trong đó Việt Nam chưa đạt được các tiêu chuẩn tối thiểu, bao gồm việc xử lý các vụ buôn người mà các quan chức chính phủ đồng lõa.
Cindy Dyer, đại sứ lưu động của Hoa Kỳ về nạn buôn người, nói với các phóng viên rằng các quan chức đã xem xét nhiều thông tin, bao gồm cả từ các nhóm xã hội dân sự, để quyết định nâng cấp thứ hạng cho Việt Nam.
Bà Dyer nói: “Chúng tôi chắc chắn lưu ý rằng có những lĩnh vực cần cải thiện, cũng như ở mọi quốc gia.”
Bà cũng lưu ý rằng vấn đề quan chức đồng lõa là “một vấn đề đáng quan ngại lớn” với Việt Nam.
Việt Nam bị đưa xuống thứ hạng thấp nhất trong báo cáo TIP năm 2022, trong đó nêu cụ thể trường hợp một tùy viên lao động Việt Nam và một nhân viên khác ở Ả Rập Xê Út bị cáo buộc đã trực tiếp hỗ trợ, tạo điều kiện hoặc tham gia vào việc cưỡng bức lao động một số công dân Việt Nam.
Vụ việc được đưa ra ánh sáng sau khi một phụ nữ trẻ người Việt làm giúp việc ở Ả Rập Xê Út chết sau khi bị chủ lạm dụng.
Việc bị hạ bậc trong báo cáo TIP có thể dẫn đến bị Mỹ trừng phạt, đồng thời gây thêm khó xử cho quan hệ Mỹ-Việt trong bối cảnh Washington đang tìm cách thúc đẩy hợp tác với Hà Nội để chống lại Trung Quốc, theo Reuters.
Hai nước chính thức nâng cấp mối quan hệ vào năm ngoái.
Khi được hỏi liệu các mối quan tâm chiến lược có đóng vai trò trong quyết định nâng hạng Việt Nam hay không, bà Dyer cho biết các quan chức đưa ra “đánh giá khách quan nhất có thể” khi nói đến bảng xếp hạng TIP.
Hoa Kỳ đã nâng hạng Việt Nam trong báo cáo năm ngoái một phần vì nước này đã tiến hành tố tụng hình sự đối với hai quan chức trong vụ Ả Rập Xê Út.
Báo cáo TIP năm nay cho biết cuộc điều tra đã kết thúc và nhà ngoại giao này đã được phục hồi chức vụ trong chính phủ.
Báo cáo cho biết thêm: “Chính phủ Việt Nam không báo cáo bất kỳ cuộc điều tra, truy tố hoặc kết án nào đối với các nhân viên chính phủ đồng lõa với tội phạm buôn người.”
Đại sứ quán Việt Nam tại Washington đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.
Thứ hạng của Việt Nam đang được theo dõi chặt chẽ sau khi Dự án 88 công bố báo dài 100 trang phân tích các tài liệu nội bộ của Bộ Công an và Bộ Ngoại giao Việt Nam mà tổ chức này có trong tay, cho thấy nỗ lực của Việt Nam để che giấu thông tin về vụ việc ở Ả Rập Xê Út.
Một công văn nội bộ của Bộ Công an Việt Nam - được viết vào tháng 2/2024 - mà Dự án 88 tiết lộ đưa ra các khuyến nghị cho các quan chức để soạn thảo câu trả lời cho các câu hỏi từ phía Mỹ cho báo cáo TIP.
Theo công văn - do Chánh văn phòng Bộ Công an, Thiếu tướng Đặng Hồng Đức ký và Dự án 88 dịch - Việt Nam nên “kiên trì quan điểm ‘vừa hợp tác, vừa đấu tranh’… (và) tránh Mỹ lợi dụng vấn đề trên làm công cụ chính trị để hướng lái hệ thống pháp luật của quốc gia, cũng như can thiệp sâu vào công việc nội bộ của ta."
Công văn viết rằng một đánh giá trước đó nhận thấy câu trả lời của Việt Nam cho các câu hỏi của Mỹ về nạn buôn người là "quá chi tiết và cụ thể" và đề xuất các câu trả lời mới.
Trong đó, một câu trả lời có liên quan đến trường hợp một lao động nhập cư Việt Nam bị bán sang Ả Rập Xê Út từ khi còn là trẻ vị thành niên, với sự tham gia của các quan chức Việt Nam, và sau đó đã chết sau khi bị chủ hành hạ.
Trường hợp này đã được Bộ Ngoại giao Mỹ nhắc đến khi hạ bậc xếp hạng của Việt Nam trong báo cáo TIP 2022.
“Đề nghị xem xét không cập nhật thêm thông tin về việc xử lý nữa nhằm tránh phát sinh phức tạp,” công văn của Bộ Công an Việt Nam viết.