Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (phải) bắt tay Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel khi dự hội nghị thượng đỉnh EU-ASEAN tại trụ sở Hội đồng Châu Âu ở Brussels ngày 14/12/2022
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm 3/7 kêu gọi Liên minh châu Âu cân nhắc lại cuộc đối thoại nhân quyền song phương với Việt Nam và áp dụng các biện pháp hiệu quả hơn, gồm cả trừng phạt các lãnh đạo nhà nước, để đối phó với tình trạng đàn áp đang gia tăng của chính quyền Hà Nội.
Tổ chức có trụ sở ở New York, Mỹ, đưa ra lời kêu gọi này căn cứ theo một tờ trình trước cuộc Đối thoại Nhân quyền EU-Việt Nam mà họ đã gửi tới Liên minh châu Âu hồi tháng 5. Vòng đối thoại thường niên năm nay sẽ diễn ra tại Brussels của Bỉ vào ngày 4/7.
Trong thông cáo đưa ra hôm 3/7, HRW nói rằng dù Liên minh châu Âu và Việt Nam đã xúc tiến trao đổi về nhân quyền từ thập niên 1990 nhưng, trong nhiều năm, chính quyền Việt Nam “đạt được rất ít tiến bộ về nhiều vấn đề đã được các giới chức EU nêu ra, và trong mấy năm gần đây chính sách đàn áp đã gia tăng.”
“Các cuộc đối thoại nhân quyền của EU với Việt Nam trước đây có rất ít tác động tới chính sách đàn áp của Hà Nội,” ông Claudio Francavilla, phó giám đốc Vận động Khối EU của HRW nói trong thông cáo. “Lặp lại vết cũ sẽ chẳng mang lại kết quả mới. EU cần có các tiếp cận hiệu quả hơn để giải quyết tình trạng Hà Nội đàn áp các quyền tự do cơ bản.”
HRW đưa ra thống kê rằng có 160 người đang bị giam giữ tại Việt Nam vì lên tiếng phê phán chính quyền và nhắc đến trường hợp của nhà báo Huy Đức cùng luật sư Trần Đình Triển, những người bị bắt giữ mới nhất vì những bài viết ủng hộ dân chủ đăng trên mạng xã hội Facebook.
EU và Việt Nam vừa ký kết thỏa thuận hơn 500 triệu euro tài trợ cho Việt Nam chuyển đổi sang sử dụng nguồn năng lượng tái tạo nhưng, theo HRW, các nhà hoạt động môi trường “càng ngày càng dễ trở thành đối tượng bị nhà cầm quyền đặt vào vòng ngắm.”
Bốn thượng nghị sĩ Mỹ trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ vào tháng trước đã báo động tới Bộ Ngoại giao Mỹ về “môi trường nhân quyền đang xấu đi ở Việt Nam” và kêu gọi Ngoại trưởng Antony Blinken thúc ép Việt Nam trả tự do cho những người bảo vệ nhân quyền đang bị giam cầm, trong đó có những nhà vận động cho quyền môi trường Đặng Đình Bách và Hoàng Thị Minh Hồng.
HRW cho rằng một số vi phạm của chính quyền Việt Nam có liên quan tới Hiệp ước Thương mại Tự do EU-Việt Nam, vốn có hiệu lực từ tháng 8/2020. HRW nhắc tới việc nhà hoạt động Phạm Chí Dũng, từng là blogger của VOA, vẫn đang bị giam cầm sau song sắt vì phải thi hành bản án 15 năm tù “do đã ôn hòa vận động EU tranh thủ nguyện vọng ký hiệp định thương mại của Việt Nam làm đòn bẩy để đạt được những tiến bộ nhân quyền trong nước – một ý kiến đã được HRW và nhiều nhóm nhân quyền khác đồng tình.”
Chính phủ Việt Nam vẫn chưa ký kết Công ước số 87 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về Quyền Tự do Lập hội và Bảo vệ Quyền được Tổ chức, dù trước khi Nghị viện EU bỏ phiếu về Hiệp định thương mại tự do EVFTA hồi tháng 2/2020, Việt Nam đã cam kết cụ thể sẽ thực hiện việc này trong năm 2023, theo HRW.
Sau cuộc Đối thoại Nhân quyền vào tháng 6 năm ngoái, EU và Việt Nam đưa ra thông cáo chung trong đó nói rằng “EU hoan nghênh việc Việt Nam phê chuẩn hầu hết các công ước cốt lõi của ILO, đồng thời khuyến khích Việt Nam phê chuẩn Công ước 87 còn lại, cũng như thông qua nghị định về các tổ chức đại diện cho người lao động.”
Nhưng HRW cho rằng EU “không nên lặp lại các cuộc đối thoại nhân quyền không mang lại kết quả gì ngoài ảo tưởng đã chỉ tên được các vi phạm nhân quyền của Việt Nam.” Tổ chức này cũng kêu gọi EU cân nhắc các công cụ hữu hiệu hơn để gây sức ép, buộc chính quyền Việt Nam “chấm dứt vi phạm” cũng như “áp dụng các lệnh trừng phạt có mục tiêu nhắm vào các cá nhân và tổ chức của Việt Nam phải chịu trách nhiệm về đàn áp nhân quyền một cách có hệ thống ở trong nước, kể cả các lãnh đạo nhà nước.”
“Chỉ bằng cách đặt ra lệnh trừng phạt có mục tiêu và các hậu quả cụ thể về quan hệ thương mại và chính trị mới thể hiện được thông điệp rõ ràng tới Hà Nội rằng EU coi nhân quyền là vấn đề nghiêm túc,” ông Francavilla nói.
VOA đã gửi yêu cầu bình luận về lời kêu gọi của HRW đến Liên minh châu Âu và Bộ Ngoại giao Việt Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ở Hà Nội nhiều lần bác bỏ những cáo buộc từ HRW và các tổ chức quốc tế về sai phạm nhân quyền của chính quyền Việt Nam, cho rằng họ chỉ giam giữ những người vi phạm phát luật.
Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Geneva, trong buổi đối thoại với Cao ủy LHQ về Nhân quyền hôm 19/6, nói rằng Việt Nam tôn trọng những nỗ lực bảo vệ nhân quyền và cam kết hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Trong thông cáo chung đưa ra năm ngoái, Việt Nam và EU “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục hợp tác và đối thoại cởi mở, thẳng thắn” về việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, bao gồm thông qua Đối thoại Nhân quyền EU-Việt Nam hàng năm, góp phần vào quan hệ đối tác song phương.