Vladimir Putin hội kiến Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Astana, Kazakhstan, ngày 3 tháng 7 năm 2024.
Tập Cận Bình và Vladimir Putin ngày thứ Năm nêu bật lập luận của họ cho việc hợp tác an ninh, chính trị và kinh tế chặt chẽ hơn giữa hai nước trong khu vực Á-Âu rộng lớn như một đối trọng với các liên minh phương Tây.
Họ phát biểu vào ngày thứ hai và cũng là ngày cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại thủ đô Astana của Kazakhstan. Tổ chức này được thành lập vào năm 2001 bởi Nga, Trung Quốc và các quốc gia Trung Á và hiện bao gồm cả Ấn Độ, Iran và Pakistan.
“Các thành viên SCO nên củng cố sự đoàn kết và cùng nhau phản đối sự can thiệp từ bên ngoài trước những thách thức thực sự của sự can thiệp và chia rẽ,” Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập nói, cảnh báo về “tư tưởng thời Chiến tranh Lạnh” của phương Tây.
Putin, trong phát biểu trước SCO, nhắc lại lời kêu gọi của Nga về "một cấu trúc hợp tác mới, an ninh và phát triển không thể chia cắt ở vùng Âu Á, được thiết kế để thay thế các mô hình lấy Châu Âu làm trung tâm và mô hình Châu Âu-Đại Tây Dương đã lỗi thời, vốn chỉ mang lại lợi thế đơn phương cho một số quốc gia."
Putin một lần nữa quy trách phương Tây về cuộc chiến ở Ukraine và nói Nga sẵn sàng đình chỉ xung đột nếu Kyiv và những bên ủng hộ họ chấp nhận các điều kiện đàm phán của Moscow.
Putin tháng trước nói hiệp ước an ninh Á-Âu mới được đề xuất sẽ mở ra cho tất cả các nước trong khu vực, bao gồm cả các thành viên NATO hiện tại. Nhưng ông nói mục tiêu nên là loại bỏ dần dần tất cả sự hiện diện quân sự bên ngoài khỏi lục địa Á-Âu, dường như nhắc đến Mỹ.
Các nước SCO là những khách hàng chủ chốt mới mua các mặt hàng của Nga như dầu khí, khi các chế tài của phương Tây áp đặt lên cuộc chiến Ukraine đã buộc Moscow phải xoay trục sang Châu Á.
Putin hôm thứ Năm cũng ca ngợi việc sử dụng đồng tiền quốc gia ngày càng tăng - thay vì đồng đôla - trong thương mại giữa các nước SCO và kêu gọi tạo ra một hệ thống thanh toán mới trong nhóm.
Các chế tài của phương Tây đã khiến Moscow bị gạt khỏi các hệ thống thanh toán truyền thống như SWIFT, trong khi hàng trăm tỉ đôla dự trữ ngoại hối của Nga vẫn bị phong tỏa.
“Thế giới đa cực đã trở thành hiện thực,” Putin nói. “Ngày càng có nhiều nước ủng hộ một trật tự thế giới công bằng và sẵn sàng ra sức bảo vệ các quyền hợp pháp cũng như các giá trị truyền thống của mình.”