International Christian Concern (ICC) - một tổ chức phi chính phủ tại Washington DC (Mỹ) chuyên về nhân quyền của tín đồ Kitô giáo và các nhóm tôn giáo thiểu số khác - mới đây đã đưa tin rằng 11 tù nhân Kitô giáo ở Việt Nam đã mất tích.
Bài viết được ICC xuất bản vào ngày 5/7. ICC cho rằng việc mất tích này làm dấy lên sự quan ngại về cách đối xử với tín đồ Kitô giáo ở Việt Nam.
ICC cho biết 11 người này, bao gồm sáu người theo đạo Tin Lành và năm người theo Công giáo, bị kết án tổng cộng 90 năm 8 tháng, bắt đầu từ năm 2011 và gần đây nhất là năm 2016. Hiện tại, theo ICC, chưa thể xác định tung tích của họ.
Theo ICC, trong số tín đồ Tin Lành mất tích có Rơ Mah Plă, Siu Hlom, Rmah Bloanh và Rmah Khil.
Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Mỹ (USCIRF) cho biết họ bị bắt và bỏ tù do tham gia Tin Lành Đề ga (Degar), một phong trào tôn giáo không được chính quyền cộng sản Việt Nam chấp thuận.
Báo chí trong nước đưa tin bốn người này đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai tuyên án về tội “Phá hoại chính sách đoàn kết”.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch - HRW) vào tháng 11/2017 đã đưa ra danh sách những người bị cầm tù ở Việt Nam do đã "thể hiện các quan điểm phê phán chính quyền, tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa, gia nhập các nhóm tôn giáo không được chính quyền phê chuẩn, hoặc tham gia các tổ chức dân sự hoặc chính trị bị Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền cho là nguy cơ đối với quyền lực độc tôn của mình".
Bản danh sách có 105 người, chưa bao gồm những người lúc đó đang bị tạm giam, chờ ra tòa và chưa bị kết án. Bốn tín đồ Tin Lành nêu trên có tên trong danh sách.
Bài viết của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng yêu cầu Việt Nam "phóng thích tất cả các tù nhân chính trị".
Hai tín đồ Tin Lành mất tích còn lại là Sung A Khua và Y Hriam Kpa cũng bị bắt vì từ chối bỏ đạo, theo USCIRF
ICC cho biết năm người Công giáo mất tích là Runh, A Kuin, A Tik, Run và Dinh Kuh cũng bị buộc tội tương tự vì tham gia Công giáo Hà Mòn không được chính phủ Việt Nam chấp nhận.
Bộ Công an Việt Nam gọi đây là "tà đạo Hà Mòn".
Ngoài những người mất tích, USCIRF còn cáo buộc Việt Nam tra tấn và ngược đãi bốn tín đồ Kitô giáo đang bị giam giữ khác.
Việc những tù nhân này mất tích, theo ICC đánh giá, còn gây quan ngại về khuôn khổ pháp lý của Việt Nam đối với các nhóm thiểu số như Tin Lành Đề ga và Công giáo Hà Mòn.
Hãng tin Công giáo Á châu (UCA News) dẫn lời một học giả từ Phnom Penh (Campuchia) cho rằng việc 11 người mất tích có thể là một trong những chủ đề được nêu ra trong chuyến công du của Giáo hoàng Francis đến Việt Nam, sự kiện có thể diễn ra trong năm nay sau lời mời của Hà Nội.
"Tôi chắc chắn rằng giáo hoàng sẽ giải quyết vấn đề này bằng kỹ năng ngoại giao. Mối quan tâm hàng đầu của ông là chăm sóc mục vụ,” vị học giả trả lời UCA News.
Nhóm vận động Chiến dịch Xóa bỏ Tra tấn tại Việt Nam cho biết các quan chức chính phủ Việt Nam thường xuyên buộc các tín đồ Kitô giáo người Thượng phải công khai bỏ tôn giáo của họ, và những người tiếp tục thờ phượng tại các nhà thờ tự phát phải đối mặt với việc bị đánh đập, bắt giữ hay giam cầm.
HRW cho rằng chính phủ Việt Nam từ lâu đã đàn áp những người Thượng theo đạo Kitô thuộc các giáo hội tại gia độc lập, những người ủng hộ các yêu cầu độc lập hoặc tự trị bất bạo động, và những người phản đối việc chính phủ giao đất Tây Nguyên cho các doanh nghiệp.
Trên trang web của mình, USCIRF viết về Việt Nam như sau:
"Chính phủ Việt Nam tiếp tục thi hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, trong đó yêu cầu các tổ chức tôn giáo phải đăng ký với nhà nước và sách nhiễu các nhóm tôn giáo chưa đăng ký.
"Ngoài ra, các cộng đồng dân tộc thiểu số phải đối mặt với sự đàn áp đặc biệt nghiêm trọng vì thực hành tín ngưỡng tôn giáo một cách ôn hòa, bao gồm hành hung, giam giữ hoặc trục xuất."
Liên quan đến vấn đề người Thượng, trong một thông báo ngày 6/3, Bộ Công an Việt Nam đã gọi Nhóm Hỗ trợ người Thượng (MSGI) có trụ sở chính tại Bắc Carolina và nhóm Người Thượng vì Công lý (MSFJ) được thành lập tại Thái Lan là “hai tổ chức khủng bố".
"Sự đàn áp của chính quyền với đồng bào người Thượng thể hiện rõ nét nhất qua hai lĩnh vực: tôn giáo và đất đai.
Có thể thấy chính quyền có chủ trương đàn áp tôn giáo một cách có hệ thống, rộng khắp trên toàn lãnh thổ và khốc liệt nhất là trên cao nguyên với đồng bào người Thượng. Nhiều linh mục Công giáo và mục sư Tin lành truyền giáo tại khu vực Tây Nguyên là nhân chứng của chuyện này."